- THÂN THẾ VÀ GIA TỘC:
Hòa Thượng THÍCH PHÚC HỘ thế danh HUỲNG VĂN NGHĨA sanh ngày 24-7 năm
Giáp Thìn (1904) đời Vua THÀNH THÁI, tại làng Phù Sơn xã Xuân Thọ, huyện
Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (Bắc Phú Khánh). Ngài được sinh trưởng trong
một gia đình thuần tín quy kính Tam Bảo, là con thứ trong gia đình. Thân
phụ là cụ HUỲNH TRUNG, than mẫu là cụ TRẦN THỊ NHO.
THỜI THƠ ẤU:
Lên
năm 9 tuổi (Nhâm Tý 1912) Ngài được song thân cho lên chùa Từ Giác
trong địa phương, tham học chữ nho với Đại Sư Thiện Hạnh, trải qua 6 năm
mài miệt đèn sách học tập với nhà Sư kiêm thông y lý. Ngài dần dần quen
thuộc quyến luyến cảnh Chùa am, cộng với túc duyên đã có nhiều đời thôi
thúc, nên Ngài quyết chí xuất gia học đạo.
THỜI GIAN HỌC ĐẠO:
Đến năm Đinh Tỵ (1917) Ngài vừa lên 14 tuổi, được song thân ưng thuận
và đưa Ngài đến Chùa Sắc Tứ Phước Sơn (Đồng tròn) thuộc xã Xuân Sơn,
huyện Đồng Xuân đầu Sư với Hòa Thượng trụ trì hiệu THIỀN PHƯƠNG, một
thiền Sư thuộc dòng Lâm Tế CHÚC THÁNH đời thứ 41 và ban cho pháp danh là
: Thượng Thị hạ CHÍ tự HÀNH THIỆN.
THỜI GIAN TU HỌC:
Ở đây liên tiếp trong 5 năm tu học, chấp lao phục dịch và hầu cận bên Thầy, làm tròn phận sự của 1 người sơ tâm học Đạo .
Đến
năm Nhâm Tuất (1922) tại chùa Linh Sơn, thuộc thôn Ngân Sơn, xã An
Thạch, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, mở đại giới đàn truyền trao giới pháp
cho tăng Ni Phật Tử, ngài được Hòa Thượng Bổn Sư cho đến đó để thọ giới
cụ túc.
Trong
Đại giới đàn này, Ngài là thủ Sa Di mặc dù tuổi mới 19 nhưng vì thiết
tha cầu giới với oai nghi tế hạnh và đạo tâm của Ngài nên Hòa Thượng
Hoằng Hóa làm đàn đầu Hòa Thượng giới đàn này cảm mến đặc cách cho thọ
tam đàn cụ túc giới, Được đắc pháp tại giới đàn này, Hòa Thượng bổn sư
ban pháp hiệu cho Ngài là PHÚC HỘ.
Ngài
liên tục hầu hạ bổn sư, tinh tấn tu học ròng rã trong 10 hạ và từ đây
vì hạnh nguyện xuất trần của Ngài càng nung nấu chí tu học, nên sau thời
gian hầu cận bên Thầy, lúc nào cũng muốn phát túc siêu phương, nghiên
tầm áo điển.
THỜI GIAN DU HỌC:
- Đến năm Nhâm Thân (1932) Ngài được 28 tuổi, được Hoà Thượng Bổn sư cho ra tham học với Hòa Thượng GIÁC VIÊN chùa Hồng Khê Huế.
- Qua năm sau 1933 được tin Bổn Sư lâm bệnh, nên Ngài đành thôi học, trở về lo hầu cận thuốc thang cho Thầy.
- Tháng
6 năm Quý Dậu 1933 Ngài được 29 tuổi, được Hội Đồng Chư Sơn tỉnh Phú
Yên, nhất tâm công cử làm Trụ Trì ngôi Sắc Tứ Từ Quang Tự (đá trắng) Phú
Yên. Tổ đình này thuộc thôn Cận Lương xã An Dân huyện Tuy An là nơi
danh lam thắng tích do tổ Pháp chuyên thiền sư thuộc dòng Lâm Tế đời thứ
36 khai sáng từ năm Đinh Tỵ (1797) niên hiệu Cảnh Thịnh đời vua Nguyễn
Quang Toản. Tuy Ngài nhận chức Trụ Trì, song Hòa Thuợng trưởng lão Pháp
Ngữ đương vị Trụ Trì còn khỏe mạnh, nên ngài du hóa các nơi để hoằng hóa
Phật sự.
- Mãi đến năm 1945 Ngài mới chánh thức thường trú tại Tổ Đình Từ Quang, tức sau khi Hoà Thượng Pháp Ngữ viên tịch.
Đến
mùa hạ năm Giáp Tuất (1934) Ngài được 30 tuổi Chư Sơn tỉnh Khánh Hoà
thỉnh Ngài vào làm Giáo Thọ chùa Thiên Bảo huyện Ninh Hoà. Vì công việc
Phật sự đến thì cố gắng làm nhưng lòng cầu học lúc nào cũng tha thiết.
Nên đến mùa đông năm này (1934) lại xin bổn sư cho ra Chùa Sắc Tứ Thập
Tháp Di Đà Bình Định tham học với Tổ PHƯỚC HUỆ được 3 năm.
THỜI GIAN VÀ SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP:
- Năm
Đinh Sửu (1937) Ngài đuợc 33 tuổi nhận lời mời của Ngài Huệ Đạo vào
giảng dạy tại trường Gia Giáo Chùa Tây Thiên cho các Tăng sĩ ở Phan Rang
tỉnh Ninh Thuận một thời gian.
- Đến
năm Mậu Dần (1938) Ngài được 34 tuổi trở về Phú Yên hợp tác với các Chư
Sơn bản tỉnh mở Phật Học Đường tại chùa Bửu Lâm thôn Liên Trì (nay
thuộc xã Bình Kiến thị xã Tuy Hòa), Ngài kiêm luôn chức Giáo thọ đề dạy
dổ Tăng sinh.
Đến
năm Tân Tỵ (1941) Ngài được 37 tuổi, nhận lời mời của Tổng trị sự Hội
Phật Học Huế ra làm Giáo học lớp Sơ Đẳng Phật học đường Chùa Báo Quốc
một thời gian.
- Đến
năm Nhâm Ngọ (1942) Ngài trở về Phú Yên, giúp việc cho Hội Phật học bản
tỉnh, thường xuyên giảng dạy Giáo lý cho Tăng tín đồ Phật tử. Lại các
tổ đính Phú Yên, ngày trước có lệ hằng năm sau ngày rằm tháng bảy các
điệu chúng các Chùa thường tập hợp về 1 tổ đình để tu học đôi ba tháng
rồi trở về Chùa củ của mình thời gian này cũng do Ngài làm giáo thọ,
nhơn đó mà Ngài đã hướng dẫn một số chư Tăng ra tham học ở Huế, mà ngày
nay được hữu dụng như: Hòa Thượng TRÍ NGHIÊM, Hòa Thượng PHƯỚC TRÍ, Hòa
Thượng PHƯỚC BÌNH, Thượng Tọa VĨNH LƯU, Thượng Toạ TRÍ THÀNH v.v…đó là
một công hạnh tiếp dẫn hậu lai chính là do Ngài vậy. Năm Ất Dậu (1945)
Ngài được 41 tuổi, Ban Trì Sự Hội Phật Học Phú Yên mở hội đồng công cử
Ngài làm chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học Tỉnh Phú Yên.
- Đến
năm 1954 mặc dù trong giai đoạn này, nước nhà gặp cảnh chiến sự gay go,
tình hình địa phương không được yên ổn, nhưng nghĩ đến Đạo Pháp tương
lai, nên Ngài phải liên tiếp trong mấy năm đảm đương trách nhiệm hướng
dẫn tinh thần cho toàn thể Phật Tử giữ vững niềm tin.
- Đến
năm Đinh Hợi (1947) nhờ đạo phong và đức độ uy tín của Ngài nên đã
trùng tu lại ngôi Tổ Đình Từ Quang (đá trắng) được khang trang.
- Năm
Kỷ Sửu (1949) đến năm Giáp Ngọ (1954) liên tiếp trong 5 năm liền Ngài
vẫn giữ chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học Tỉnh Phú Yên để hướng dẩn
tinh thần học cho Tăng Ni tín đồ, cũng trong giai đoạn khó khăn này, Chư
Sơn Phật Giáo tỉnh Bình Định cố gắng tổ chức Đại Giới đàn (1952) tại
Chùa Thiên Bình, cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê một trong hàng tam
sư.
- Đến
năm Kỷ Hợi (1959) suốt đến năm Quý Mẹo (1963) tức Ngài được 55 tuổi cho
đến 59 tuổi do uy tính và đức độ của Ngài, nên Chư Sơn và tín đồ Phật
giáo tỉnh Phú Yên nhất tâm cung thỉnh Ngài cùng một lúc đảm nhận 2 chức
vụ Trị Sự trưởng Giáo Hội Tăng Già kiêm Hội Trưởng Hội Phật Giáo tỉnh
Phú Yên. Trong thời gian này, Ngài cùng toàn thể tính đồ trong tỉnh xây
dựng ngôi trường Bồ Đề Tuy Hoà từ tiểu học đến trung học để giáo dục cho
con em Phật tử và đồng bào, đồng thời cũng xây dựng 1 cơ sở Cô Nhi Viện
Phật Giáo Phú Yên để nuôi dưỡng các em mồ côi.
- Năm
Giáp Thìn (1964) sau ngày Đại biểu Đại hội Phật Giáo Thống Nhất tại
Chùa Xá Lợi Sài Gòn, một lần nữa Tăng tín đồ Phật giáo tỉnh Phú Yên nhất
tâm cung thỉnh Ngài giữ chức Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Yên liên
tiếp trong 3 nhiệm kỳ từ năm Giáp Thìn (1964) đến năm Canh Tuất (1970)
trong thời gian này Ngài cùng với Tăng tín đồ bản tỉnh trùng tu lại Ngôi
Tổ đình Bảo Tịnh được khang trang, nơi đây cũng là di tích lịch sử do
Tổ Liễu Quán khai sáng.
- Tháng
6 năm Mậu Thân (1968) Đại giới đàn Phước Huệ Phật Học Viện Nha Trang do
Hoà Thượng THÍCH TRÍ THỦ làm chủ đàn, Ngài được đệ nhứt Đức Tăng Thống
GHPGVNTN Hoà Thượng THÍCH TINH KHIẾT ân cần mời thay Ngài làm đàn đầu
Hòa Thượng truyền giới pháp cho các giới tử tứ chúng xuất gia và tại
gia.
- Tháng
9 năm mậu Thân (1968) Ngài đđược GHPGVNTN tỉnh Bình Đinh cung thỉnh lam
đàn đầu Hoà Thượng trong đại giới đàn Vĩnh Gia mở tại Chùa Long Khánh
Qui Nhơn.
- Năm
Tân Hợi (1971) Ngài là một trong những vị Hòa Thượng thuộc hội đồng
Trưởng Lão GHPGVNTN Trung ương và là Chủ tịch Hội đồng Giám Luật Viện
Tăng Thống . Trong những năm gần đây, Ngày được Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ
Giám Viện Phật Học Viện Trung phần Nha Trang và toàn ban giám đốc ,
nhất tâm cung thỉnh Ngài làm Y chỉ sư hướng dẫn tinh thần Tu học cho Chư
Tăng Phật Học Viện trong những mùa an cư.
Nhờ
đức độ của Ngài,nên sự tu học được nhiều kết quả tốt đẹp. Tưởng cũng
nên biết thêm, sau những ngày Đức Cố Tăng Thống Đệ I Hòa Thượng THÍCH
TỊNH KHIẾT viên tịch ngày 23 tháng giêng năm Quý Sửu, ngôi vị Tăng Thống
bị khuyết Hội Đồng Lưỡng viện Giáo Hội Trung Ương xét thấy ngoài những
vị Tôn túc Hòa Thựơng quá cao niên sức yếu , chỉ có ngài là Hòa Thượng
có đủ uy tính và đạo đức, giới hạnh, xứng đáng ngôi vị Tăng Thống, nên
đã nhiều lần thỉnh cầu ngài lên kế vị, nhưng với đức khiêm tốn, ngài đã
nhiều lần từ khước.
- Qua
tháng 9 năm Quý Sửu (1973) Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ đàn chủ nhất tâm
cung thỉnh ngày làm đàn đầu Hoà Thượng tại Đại Giới đàn Phước Hụê Viện
Hải Đức Nha Trang.
Ngày
07-11-1981 (Tân Dậu) trong Đại Hội đại biểu Phật Giáo toàn quốc họp tại
Chùa Quán Sứ Hà Nội, Ngài được cung thỉnh làm một thành viên trong Hội
đồng chứng minh TWGHPGVN.
- Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1982) Đại hội Đại biều Phật Giáo tỉnh Phú Khánh cung thỉnh Ngài làm Ban chứng minh Đạo sư của Tỉnh hội tỉnh Phú Khánh.
- Đến
đây có thể nói Ngài là một vị sao sáng chói nhất trong bầu trời u thẩm
đầy biến động để soi đường chỉ lối cho chúng sanh vượt qua những cam go
thử thách, nguy biến ngặt nghèo của bóng tối ma vương mà giữ được phẩm
chất trong sáng, bình thường, giản dị của Đạo Phật nhập thế, cuối thế kỷ
20 này.
Trong
tông môn của Ngài, về lớp nhỏ có cả thảy 7 huynh đệ đồng sư, anh cả là
Hòa Thượng THÍCH PHƯỚC CƠ (HT. Phước Cơ xuất gia trước vá lớn tuổi nhưng
thọ cụ túc giới sau Ngài, nên xem Ngài là anh cả trong tông môn) rồi
đến Ngài là Hòa Thượng PHÚC HỘ, kế tiếp là Hòa Thượng PHƯỚC TRẠCH, Hòa
Thượng PHƯỚC ĐỊNH, Hòa Thượng PHƯỚC BÌNH (HÀNH TRỤ), Hoà Thượng PHƯỚC
NINH và người cuối cùng là Hòa Thượng PHƯỚC TRÍ. Nhưng 3 vị Hoà Thượng
PHƯỚC CƠ, PHƯỚC TRẠCH, PHƯỚC ĐỊNH đã viên tịch từ trước. Tông môn giờ
đây chỉ còn lại Ngày là anh cả nối gót quyền huynh thế phụ, Ngài có một
tình cảm dạt dào, thương yêu đùm bọc các sư đệ, ngay cả thời thơ ấu,
chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc hướng dẫn đàn em sau này thành
những người hữu dụng mà ngày nay được bổ xư trụ trì các nơi: Hòa Thượng
PHƯỚC BÌNH trụ trì Tổ Đình Đông Hưng ở Thủ Thiêm Sài Gòn vừa mới viên
tịch 1984.
Hòa Thượng PHƯỚC NINH Trụ Trì Tổ Đình Sắc Tứ Bảo Sơn ở Phú Yên. HòaThượng PHƯỚC TRÍ Trụ Trì Tổ Đình Sắc Tứ Phước Sơn Phú Yên. Đây cũng là một công hạnh tiếp dẫn hậu lai mà Ngài hoàn thành với nhiệm vụ của người xứ giả Như Lai.
ĐỨC HẠNH NHIẾP HOÁ ĐỒ CHÚNG:
Cho dù công việc Phật sự thật
đa đoan Ngài vẫn không xao lãng việc giáo hóa đồ chúng, tuỳ theo căn
bệnh mà cho thuốc, hạnh giải thoát của Ngài biểu hiện qua đức tính:”Tuỳ
duyên nhiếp hoá” Ngài không bao giờ tham cầu đệ tử, Ngài thường dạy:”
Nhơn như thị quả như thị” những người nào có túc duyên với Ngài thì được
Ngài tế độ, còn những người chưa có túc duyên với Ngài thì Ngài sẽ gieo
cho họ 1 nhân duyên để đến gần với Phật Pháp. Vì vậy cho nên những đại
giới đàn ở miền Trung điều cung thỉnh Ngài làm đàn đầu Hoà Thượng, hơn
thế nữa, mấy mùa an cư liên tiếp, tại Phật Học Viện Nha Trang Ngài được
cung thỉnh làm thầy Y chỉ hướng dẫn tinh thần tu học cho Tăng Ni tính đồ
Phật Tử.
Đối
với người xuất gia: thì Ngài đã cân nhắc và răn dạy:”Làm sao cho đạo
Pháp được trường tồn , ngày một rạng rỡ. Các Thầy và Tăng bảo, là ruộng
phước của tính đồ, ruộng phước dày hay mỏng sẽ phụ thuộc vào sự nhiếp
tâm chính niệm nghiêm trì giới luật, và khép mình vào khuôn vàng thước
ngọc để được nếp sống mẫu mực của bậc Tăng Già, chính lúc này là Đạo
Pháp sẽ sáng chói nhất”. Có lần Ngài gởi bức thư cho người đệ tử ở
phương xa Ngài dạy:”Thế gian vô thường, vạn vật biến đổi, con có biết
không? Ngày nay con không đủ túc duyên gần gủi bên Thầy mà phải xa Thầy,
thì dù ở bất cứ nơi nào, mà tâm của con vẫn thủy chung với đạo Pháp và
nghiêm trì giới luật. Chính lúc này con đã báo đáp ơn Thầy Tổ rồi đó, và
con luôn luôn ở bên cạnh Thầy”.
Đối
với người tại gia: Vì phải gánh vác công việc gia đình và nhiều bổn
phận, thì Ngài chỉ khuyên cố gắng niệm Phật cho nhiều và theo phương
pháp công cứ để cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc khi lâm chung, và Ngài
khuyên cố gắng lạy Phật, làm lành lánh dữ để gieo nhân lành cho đời
sau.
Thân
tứ đạicủa Ngài giờ đây đã mòn mõi về luật sinh diệt vô thường chi phối,
ví như cây khô đang còn chút hương thừa của nhựa sống, nhưng tinh thần
và đạo phong của Ngài vẫn sáng suốt ký ức vẫn tỏ rõ, tuy nay đã ngoài 80
tuổi, song thứ tự và các việc diễn ra trong đời…khi cần
dẫn dụ, bất cứ ở thời điểm nào cũng đều mạch lạc thông suốt không nhầm
lẫn, có thể ví Ngài như một cuốn từ điển phổ thông linh hoạt nhất cho
bất cứ ai mỗi khi cần tra cứu. Lên non mới biết non cao, thức đêm mớ
biết đêm dài; tránh nắng ở trong nhà, mấy ai biết được sức nóng của mặt
trời ra sao? Có lăn lộn vào cuộc đời, có tiếp xúc và va chạm vào thực
tế, mới cảm nhận được đạo phong của Ngài linh động và hùng vĩ qua những
lời giáo huấn vàng ngọc, nêu cao trí tuệ và đức tự chủ tự giác. Diễm
phúc thay cho những môn đồ sống ở bên cạnh Ngài, Ngài là hiện thân của
đầu đà đức hạnh, Ngài thể hiện đức tính từ bi của Bồ Tát. Nhìn lại quá
khứ qua bao năm tháng nhọc nhằn, Ngài vẫn an nhiên dấn thân vào công tác
Phật sự, có lắm lúc phải lèo lái con thuyền Đạo Pháp chông chênh qua
cơn bão tố. Ngài là một tấm gương sáng mà từ mọi góc cạnh của không gian
và thời gian, ảnh của chúng ta có thể phản chiếu một cách trọn vẹn
trong đó.
8. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG:
- Vẫn
biết thế gian là vô thường, thăng trầm luôn chuyển, nhân sinh thống
khổ, dòng sinh diệt thay đổi liên tục không ngừng, nhưng Ngài lúc nào
cũng hoài niệm mong muốn trùng hưng các chốn Già Lam, các Tổ Đình danh
tích, đẹp đạo tốt đời, như Tổ Đình Sắc Tứ Từ Quang, Tổ Đình Sắc Tứ Bát
Nhã, Tổ Đình Sắc Tứ Phước Sơn, Tổ Đình Sắc Sứ Bảo Sơn , Viên Quang và
Long Sơn Hạ… Đã bị thời cuộc chiến tranh tàn phá.
Cả
một cuộc đời của Ngài sống bình thường và giản dị, siêng năng cần cù,
nhu hòa nhẫn nhục, lúc nào cũng nghiêm khắc với bản thân, song lại khiêm
tốn và nhã nhặn, Ngài lại thích làm nhiều hơn nói, Ngài thương đồ chúng
và hết lòng phụng sự Tam Bảo. Với tư cách hoà ái kính nhường, giọng nói
nhẹ nhàng và hoà dịu, nên khi tiếp xúc với mọi tầng lớp tín đồ khiến ai
ai cũng cảm mến và cung kính Ngài. Ngài luôn luôn cảnh giác dòng sinh
mệnh ngay khi còn ở tuổi trung niên. Kìa, chiếc kim quan để khâm liệm…
nơi ký quy thân phần… nhất nhất đã được Ngài chuẩn bị chu toàn tất cả.
Dù
cho thời gian cứ vận chuyển liên tục, cho không gian, vận hành trong
tương quan, với chiếc áo nâu sòng, vải thô, bạc màu không thay đổi. Với
chiếc nón lá xa xưa, rộng vành như tàn nấm, nhuộm đầy phong sương, che
nắng ngăn mưa vẫn còn đây. Cây gậy trúc thon thon, sáng sậm, cũ kỷ, chắc
chắn, đơn thuần, tự nhiên không chạm trổ điểm tô, là những món thường
dùng hằng ngày linh động nhất làm tăng hương sắc thiền định giới định
huệ của cả một đời Ngài.
Gần
đây vì tuổi già sức yếu, để tiện việc tiếp xúc với Tông Môn, hàng Tăng
tín đồ Phật tử nhất tâm cung thỉnh Ngài an trú luôn tại Tổ Đình Bảo Tịnh
thị xã Tuy Hòa Phú Khánh để dễ dàng trong công việc phụng dưỡng.
Trước
khi Ngài thị tịch, Ngài ân cần dạy bảo từng chi tiết một, về các vấn đề
sách tấn tu học của các Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo không luận giàu
nghèo, sang hèn già trẻ… Mỗi khi được tiếp xúc hầu thăm, Ngài đều thiết
tha khuyến hoá trên đường tu niệm.
Than
ôi! Hoa nở để rồi tàn, trăng tròn để rồi khuyết, hội họp để rồi tan,
bóng quan âm thấp thoáng, thân tứ đại mất còn, trải hơn 80 năm dài đăng
đẳng, hoà quang đồng trần trên cuộc đời, nay nhân duyên đã
mãn, Ngài đã an tường Thị Tịch xã bỏ báo thân lúc 7 giờ sáng ngày 11
tháng giêng năm At Sửu (theo lịch mới) dựa vào quyết định số 121/HĐCP
ngày 8-8-1967 nhằm ngày 11-12-Giáp Tý và dương lịch ngày 31-1-1985 Ngài
hưởng thọ 82 tuổi và 63 tuổi Đạo.
Hôm
nay dưới đỉnh trầm hương nghi ngút tỏa ngát linh đài, hàng đệ tử chúng
con khấu đầu thành kính, đốt nén tâm hương kính lược thuật đời Ngài, cả
một đời người tận tuỵ hy sinh cho Đạo Pháp và quần sanh.
Than ôi!... hạc vàng nay đã bay cao,
Từ quang đá trắng lệ trào trong tâm
Con về thăm lại chùa xưa
Nghe trong cây cỏ mới vừa khóc than
Ôi!Thôi thôi… sửa pháp mất rồi, lòng con đói mãi
Tông môn từ đây vĩnh viễn bóng Tôn Sư
Và hôm nay:
Chùa TỪ QUANG mây sầu ảm đạm
Tiếng chuông buồn thoảng phất trong mây,
Tông môn huynh đệ còn đây…
Trời xuân lãng đảng bóng Thầy về Tây,
Ngài ra đi, nhưng dư hương đạo nghiệp vẫn còn đây,
Giáo hội mất đi một bậc Thầy khả kính, rường cột của Phật Pháp.
Để
tưởng nhớ đến công ơn Pháp nhủ của Ngài, chúng con nguyện noi gương đức
hạnh của Ngài, trên bước đường giải thoát. Ngưỡng mong Giác Linh Ngài
chứng giám lòng thành, mật thuỳ gia hộ.
PHỤNG
VÌ TỪ QUANG ĐƯỜNG THƯỢNG TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG- TỨ THẬP NHỊ THẾ HÚY
THƯỢNG THỊ HẠ CHÍ TỰ HÀNH THIỆN HIỆU PHÚC HỘ ĐẠII LÃO HÒA THƯỢNG CHỨNG
MINH.
MÔN ĐỀ ĐỆ TỬ KHẮP BÁI