Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tháp Báo Thiên
Nguyễn Lâm
08/01/2011 08:38 (GMT+7)


Cuối năm 1883, theo yêu cầu của công sứ Bonan, kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã cho phá chùa Báo Thiên lấy đất giao cho cố đạo Puginier. Đầu năm 1884, trên khu đất nền chùa Báo Thiên (bao gồm cả nền tháp báo Thiên), Puginier đã xây dựng nhà thờ lớn của đạo Thiên Chúa…

Năm 1057, để kỷ công những thắng lợi chính trị của mình như bang giao hòa hiếu với nhà Tống, trong khi các nước Chiêm Thành, Chân Lạp đều lần lượt tới triều cống, vua Lý Thánh Tông cho xây Đại Thắng Tư thiên bảo tháp nằm trong khuôn viên rộng lớn của chùa Báo Thiên(1).

Tháp Báo Thiên có 12 tầng, cao vài mươi trượng. Tầng trên cùng bằng đồng, những tầng dưới bằng đá và gạch. Tháp Báo Thiên được liệt vào hàng An Nam tứ đại khí.

Lâu nay, nhiều sách cho rằng đỉnh tháp bằng đồng do thiền sư Nguyễn Minh Không (1066-1141) đúc. Về mặt công nghệ, người ta đúc đỉnh sau rồi mới đưa lên tầng trên cùng của tháp, điều đó không có vấn đề gì. Nhưng có điều cần bàn là chẳng lẽ mấy chục năm sau khi dựng tháp xong mới đúc đỉnh? Mặt khác, việc này không thấy sách sử nào ghi lại. Bởi vậy, điều này không hợp lý. Có lẽ người đúc đỉnh tháp Báo Thiên là thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094), sư người làng Giao Thủy, huyện Hải Thanh (nay là huyện Xuân Trường, Nam Định). Sư Không Lộ cùng thời với sư Giác Hải và sư Đạo Hạnh. Sư Minh Không là học trò của sư Từ Đạo Hạnh, như vậy, sư Không Lộ là bậc tiền bối của sư Minh Không. Khi xây tháp, sư Không Lộ 41 tuổi (Sách Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, xuất bản năm 1995, tr. 145, cũng cho rằng: Có lẽ chuyện xin đồng nhà Tống về đúc Tứ Đại khí là thiền sư Không Lộ, không phải là Nguyễn Minh Không). 

Đỉnh tháp bằng đồng và tháp bị đổ hay bị phá từ bao giờ?

Sách Cổ tích và thắng cảnh, Doãn Kế Thiện, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1995, tr. 70, viết: “Hồi thuộc Minh, Vương Thông phá tháp lấy đồng để đúc khí giới”. 
Sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Trần Huy Liệu chủ biên, NXB Sử Học, Hà Nội, 1960, tr. 396 viết: “Tháp Báo Thiên, đến năm 1426 bị tướng Minh là Vương Thông phá hủy hẳn  để lấy đồng làm chiến xa và vũ khí chống nhau với Lê Lợi”.
Nguyệt san Giác Ngộ số 104 (11-2004), Về giếng cổ ở chùa báo Thiên Hà Nội, Trần Đình Sơn viết: “Năm 1426, tướng giặc Vương Thông cho phá tháp lấy vật liệu chống cự với quân của Bình Định Vương Lê Lợi”.

Những sách trên tuy dẫn cụ thể năm tháp bị phá và phá để làm gì nhưng không cho biết đã dựa vào nguồn sử liệu nào.

Thực ra từ năm 1258, bão to đã đánh đổ mất phần ngọn của tháp Báo Thiên (2).. Năm 1322, sét lại đánh sạt góc bên Đông của hai tầng trên tháp (3).
Sách Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa Học Xã Hội, 1995, tập 3, quyển 13, tỉnh Hà Nội, mục Chùa, tr. 206 viết: “Chùa Báo Thiên ở thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, Xưa gọi là phường Báo Thiên do Lý Thánh Tông dựng, lại xây bào tháp Đại Thắng Tư Thiên, cao mấy chục trượng, gồm 3 tầng… Đến đời Nhà Hồ, đỉnh tháp đổ, An phủ sứ Đông Đô vì không báo tai nên bị biếm. cuối đời Tây Sơn cho dỡ lấy gạch ngói để làm việc xây dựng…”.

Đồ Nam Tử-Nguyễn Trọng Thuật, Báo Đuốc Tuệ, số 90 (1-1938) cho biết: “Theo Thần phả làng Hành Thiện (Nam Định), đến đời nhà Hồ thì tháp ấy đổ mất cái ngọn, sau nhà Tây Sơn dỡ lấy gạch ấy đem đi xây việc khác, thấy mỗi viên gạch đều có in niên hiệu nhà Lý. Theo sử nhà Lê thì về đầu nhà Lê, tháp vẫn còn (năm 1427) lúc Lê Lợi đóng quân ở Bồ Đề để bao vây quân Minh ở thành Đông Đô. Ngài cho bó tre dựng làm cái chòi cao ngang với tháp Báo Thiên. Ngài ngồi trên cùng trông sang Đông Đô thấy rõ cả tình thế trong thành, không biết tháp tự đổ hay là do người ta phá hẳn từ bao giờ”.

Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng: ngọn tháp bị gió to làm đổ vào năm 1258, 64 năm sau, sét đánh sạt mé Đông 2 tầng trên của tháp. Còn Đại Nam nhất thống chí và Thần phả lại cho rằng: ngọn tháp bằng đồng bị đổ vào thời nhà Hồ tức là trước khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta. Như vậy, một số sách viết rằng quân Minh đã phá tháp để lấy đồng  đúc vũ khí chống Lê Lợi khi nghĩa quân vây thành Đông Đô là chưa chính xác.

Tháp Báo Thiên bị phá hẳn vào năm nào? 

Nguyễn Trọng Thuật viết: “Không biết tháp tự đổ hay người ta phá hẳn từ bao giờ.  Sử sách cho biết, đến cuối triều Lê, thời cục loạn lạc, thường có những toán loạn quân đi phá các đền chùa vắng chủ để hôi của. Có lẽ tháp bị phá hẳn vào lúc này”. Triều đình không xây dựng lại tháp mà trên nền cũ của tháp Báo Thiên, người ta đổ đất lên trên lập thành một ngọn núi nhỏ. Sau đó, nơi đây biến thành pháp trường hành hình tội nhân. Năm 1794, nhà Tây Sơn hủy bỏ nơi pháp trường ấy của nhà Lê, phá núi đất đi, đào nền tháp lấy gạch tu sửa thành Thăng Long. Khi ấy, đào nền tháp, người ta còn thấy cả những pho tượng và những đồ vật bằng đá như đã nói trên (Thần phả và Đại Nam nhất thống chí đều viết điều này).

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863) về trụ trì chùa Báo Thiên. Trong Kế đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) viết: Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ  Phật Tổ thống kỷ của Trung Quốc. sau khi Hòa thượng Phúc Điền qua đời, chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882).

Cuối năm 1883, theo yêu cầu của công sứ Bonan, kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã cho phá chùa Báo Thiên lấy đất giao cho cố đạo Puginier. Đầu năm 1884, trên khu đất nền chùa Báo Thiên (bao gồm cả nền tháp báo Thiên), Puginier đã xây dựng nhà thờ lớn của đạo Thiên Chúa ở Hà Nội ngày nay.

 (1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Khoa Học Xã Hội, 1998, tr. 272 viết: “Đinh Dậu, Long Thụy Thái Bình, năm thứ 4, mùa Xuân tháng Giêng xây bảo tháp…”
(2), (3)  Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB Khoa Học Xã Hội, 1998, tr. 30; 108.

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/danh-lam/6280-Thap-Bao-Thien.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang