Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Sen nia Đồng Tháp
Quang Minh Nhật
16/09/2011 18:51 (GMT+7)



Từ chợ Nha Mân trên quốc lộ 80, theo con đường tráng nhựa đi chừng 15 km là đến chợ Hoà Tân. Đứng bên này chợ nhìn qua con kênh nhỏ sẽ thấy chùa Phước Kiển thấp thoáng trong vườn cây. Đó là một ngôi chùa khá khiêm tốn nhưng lại thu hút rất đông du khách do có lưu tích của hạc, rùa quy y và đặc biệt là có loài sen lá to bằng cái nia với đường kính khoảng 2 m, mép lá dựng cao cả tấc (10cm) đủ sức chở một người nặng trên 60 kg.


Anh Phúc đứng chụp ảnh trên sen nia - Ảnh: QMN

Loài sen lạ đời nêu trên có gốc tích từ đâu, vì sao đỡ được người đang là một thách đố, gây sự chú ý trong cộng đồng. Nhiều nhà khoa học đã đến Phước Kiển tìm hiểu song chưa tìm ra câu trả lời thoả đáng. Có giả thuyết rằng vùng Hoà Tân thời chiến tranh chịu nhiều bom đạn chất độc hoá học nên sen thường đã bị biến đổi gien thành sen nia to lớn dị biệt, nhưng chưa được các nhà khoa học xác định nên gốc tích của loài sen này vẫn còn trong vòng nghi vấn. 

Chuyện sen lá to chở được người âu cũng là của hiếm nên cứ một đồn mười, mười đồn trăm…Có người nghi ngờ bên dưới lá sen được gắn giá đỡ cốt thép nên mới có chuyện người nặng trên 60 kg đứng lên mà không bị chìm. Cụ Đoàn Công Trí, Trụ trì chùa nay đã ngoài bảy mươi song còn rất nhanh nhẹn, tinh tường. Cụ cho biết quanh chùa hiện có 2 ao sen. Ao lớn (bên hông chùa nơi hậu liêu) vốn dĩ là hố bom Mỹ, bùn đất tự nhiên là nơi sinh trưởng của 17 lá sen to. Ao nhỏ có tráng xi măng phía trước chùa hiện có 9 lá nhưng kích thước nhỏ hơn sen ao tự nhiên. “Loài sen này cũng lạ lắm, sáng sớm nở bông trắng đến trưa thì màu hồng, chiều buông thì chuyển sang tím than. Sen nở 2 ngày thì tàn, về đêm tỏa hương rất thơm”, cụ Trí nói.

Khi biết chúng tôi có ý định đứng thử lên lá sen để chụp ảnh làm vật chứng, cụ Trí rời bàn nước bước vào trong mang ra một mâm nhôm đường kính hơn 1m và một lưỡi hái (lưỡi liềm) có gắn cán dài. Trên đường ra ao, cụ bảo với trọng lượng mỗi người từ 60 đến 65 kg như chúng tôi thì việc đứng lên lá sen là bình thường, không phải lo lắng gì nhiều. Đến cầu ao, ông cụ dùng lưỡi hái thọc bên dưới một lá sen ngoài xa cắt rời cuốn rồi kéo sát lại gần cầu dẫn. Sau khi đặt mâm nhôm lên giữa lá sen, cụ Trí  hướng dẫn 2 anh em chúng tôi tuần tự bước lên lá sen bồng bềnh trên mặt nước. Khi đã đứng thẳng lên mặt lá, tôi dùng sào chống nhích dần ra khỏi vị trí ban đầu để kiểm tra xem bên dưới có vật gì nâng đỡ không, nhưng thực tế mặt dưới lá sen chỉ có những gai nhọn tự nhiên...

Chụp hình thoả thích, chúng tôi còn lật bên dưới lá lên để kiểm tra. Thực tế cho thấy loài sen dày lá này đủ khả năng chở người. Chỉ lạ một điều là sen nia ở Phước Kiển đem trồng nơi khác đều không cho kết quả như mong muốn, thậm chí tàn lụi nhanh. Ông Lê Thành Công, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho rằng sen nia ở Phước Kiển có thể xem là thực vật hiếm gặp. Loài sen này nếu nhân giống thành công ở nhiều khu du lịch sinh thái thì đó quả là một điểm nhấn độc đáo cho những tour miệt vườn sông nước ở ĐBSCL.

Theo: Thanh Niên Online

Các tin đã đăng:
Về đầu trang