Chính vì thế, mà không chỉ ở trong nước, những ngôi chùa Việt dần dần được “di cư” theo rất nhiều kiều bào xa xứ. Thời gian đã góp thêm những giá trị tâm linh cao cả và cũng tô điểm đẹp hơn cho một nét văn hóa của người Việt ở nơi “đất khách quê người”.
Tại đất bạn, những ngôi chùa Việt chính là nơi gặp gỡ, giao lưu thăm hỏi lẫn nhau của những kiều bào nước ta. Ngoài ra, đây còn là nỗi niềm mà những người con Việt luôn muốn gửi gắm về quê hương, đất nước.
Mở đầu hành trình, chúng ta hãy cùng viếng thăm ngôi chùa đầy ý nghĩa, mang quốc tịch Việt Nam: chùa Tam Bảo Sơn ở Canada . Chùa Tam Bảo Sơn - Quebéc, Canada
Khuôn viên chùa Tam Bảo Sơn
Được xây dựng tại thị trấn Harrington, tỉnh Quebéc, Canada, chùa Tam Bảo Sơn (còn gọi là Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn) được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất của cộng đồng người Việt ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Chùa được Hòa thượng Thích Thiện Nghị khởi công xây dựng từ năm 1988 trên một vùng đất rộng 337ha gần chân núi Mont – Tremblant. Sau 15 năm khai phá và xây dựng, năm 2003 chùa chính thức được khánh thành trong niềm vui khôn tả của đồng bào Việt kiều ở đất nước lạnh giá này.
Một góc kiến trúc Chính điện
Chùa được bao bọc với những dãy núi cao, suối nước, rừng cây và những thảm cỏ xanh mướt trải dài. Lần đầu tiên tới đây, chắc chắn các bạn sẽ thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp độc đáo của không gian kiến trúc Phật giáo được bố trí hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Kiến trúc chùa Tam Bảo Sơn rất độc đáo với chính điện là: Thiên Phật Tam Bảo Sơn có tượng Phật Thích Ca cao 25m. Xung quanh có thêm 1.000 bức tượng Phật lớn, nhỏ với 5 biểu tượng khác nhau tượng trưng cho 5 cách hoằng pháp của Đức Thế Tôn.
Hai bên đường dẫn vào chính điện đặt 18 bức tượng Đức A la hán đúc bằng đồng thau với dáng uy nghiêm, nhưng rất thân thiện. Phía sau có thư viện Phật giáo với trên 50.000 đầu sách. Ngoài ra, trải đều trên diện tích rộng lớn của chùa là 14 khu vườn và tượng đài với những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo.
Đường vào Chính điện với 18 pho tượng Đức A la hán
Sự kết hợp hoàn hảo của vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, sự trang nghiêm nơi đền đài, các pho tượng Phật đã biến Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn thành một quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo nhất giữa đất trời Canada.
Nơi đây đã, đang và sẽ là nơi gặp gỡ của những người thành kính với Phật, hơn hết đó là những người con được sinh ra trên cùng mảnh đất Việt Nam thân yêu.
Bồ Đề Đạo Tràng
Lộc Uyển Đạo Tràng
Tôn thân Đức Phật khất thực
Na Đạo Tràng
Phổ Đà Đạo Tràng
Đài tháp chuông
Chuông chùa
Nếu có dịp, bạn hãy một lần đến thăm ngôi chùa Việt, hồn Việt nơi xứ người này
Chùa Trúc Lâm tại Kharkov, Ukraina
Ngôi chùa Việt đầu tiên tại quốc gia Đông Âu này, một nét văn hóa phương Đông được tô vẽ trên nền cuộc sống châu Âu. Niềm tin về bản sắc của đất nước, con người Việt Nam luôn hiện hữu cùng những Việt Kiều tại Ukraina. Dĩ nhiên, chùa Trúc Lâm là nơi gặp gỡ của rất đông kiều bào nước ta ở đây.
Chùa Trúc Lâm được tập đoàn Technocom – Tập đoàn kinh tế rất lớn của Việt Nam tại Ukraina, đầu tư, hỗ trợ chi phí xây dựng (Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Phạm Nhật Vượng, người hiện đang nắm giữ tập đoàn Vingroup, ông cũng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010).
Cổng chùa Trúc Lâm – Kharkov vào ban ngày và lúc về đêm.
Sau gần 3 năm chuẩn bị và thi công với sự góp sức của hàng trăm kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam và hàng chục lao động phổ thông tại Ukraina. Ngôi chùa Việt mang tên “Trúc Lâm- Kharkov” (ngụ tại TP. Kharkop, Ukraina) dành cho cộng đồng Việt Kiều đã chính thức được khánh thành trước Tết dương lịch năm 2007.
Đúng ngày 19/12/2007, bốn vị đại lão Hòa thượng, tám vị Thượng tọa thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo VN và hơn hai mươi vị Đại đức, chư tăng từ VN sang chứng minh và tiến hành các nghi thức tế lễ khai trương. Vào 9 giờ sáng ngày 20/12/2007 đã diễn ra đại lễ khai trương chính thức chùa Trúc Lâm – Kharkov.
Chùa Trúc Lâm lung linh trong ánh đèn điện khi màn đêm xuống.
Từ năm 2007 đến nay, chùa Trúc Lâm là nơi hội họp, gặp gỡ của không chỉ những tín đồ Phật giáo mà còn là nơi chia sẻ tâm tư tình cảm của những người Việt nơi xứ người.
Chùa Trúc Lâm – Kharkov có đầy đủ các hạng mục như tất cả các ngôi chùa trên đất mẹ Việt Nam gồm: điện Tam bảo, Bảo tháp, Tháp Quan âm, Tháp chuông, Tháp khánh, Nhà khách, Tam quan.
Mang nét độc đáo với quần thể kiến trúc bề thế, mang đậm phong cách chùa Việt Nam, chùa Trúc Lâm không chỉ là một công trình tâm linh của người Việt mà đã trở thành một trong những công trình kiến trúc độc đáo và giá trị nhất ở thành phố Kharkov.
Quang cảnh bên trong chùa
Gần như toàn bộ chùa bị bao phủ bởi tuyết trắng trong mùa đông
Tháp chuông
Quang cảnh lễ cúng cầu an ngày khánh thành chùa.
Viếng thăm Chùa Hồng Hiên tại nước Pháp xinh đẹp
Chùa Hồng Hiên là một ngôi chùa do người Việt tạo lập, tọa lạc ở số 13 rue Henri Giraud, Frejus, Var, thuộc Provence-Alpes-Côte d’Azur, Pháp. Đây được biết đến như là ngôi chùa cổ nhất ở Pháp.
Đường lên chùa Hồng Hiên
Chùa được xây dựng hoàn tất năm 1917, nằm trong trại binh Gallieni, nơi đồn trú của trung đoàn 4 bộ binh thuộc địa.
Sân trung tâm với rất nhiều tượng thạch cao và phía xa là Chính điện chùa
Chùa được dựng lên làm nơi thờ Phật cho một số binh sĩ gốc Việt bị đưa sang Pháp bổ sung cho lính Pháp ở chính quốc thời Đệ nhất Thế chiến. Hòa thượng Thích Thanh Vực đặt tên cho chùa là: “Hồng Hiên”; “Hồng” là lấy từ chữ Lạc Hồng của dòng máu, nòi giống Việt, “Hiên” là hiên ngang, khí phách.
Ở chùa nay còn đôi câu đối nhắc nhở đến lịch sử này của chùa:
“Hồng Lạc linh căn phương Việt địa,
Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên”.
Khu thờ ghi ơn các binh sĩ
Sau khi xây xong, chùa bị bỏ hoang một thời gian. Năm 1954 khi một số dân Việt di cư sang Pháp thì chùa mới được phục hoạt và đến năm 1967 thì lập ra ban trị sự điều hành chùa. Năm 1972 ngôi chùa bắt đầu được trùng tu.
Bảo tháp tri ân
Hòa thượng Thích Tâm Châu được mời sang trụ trì ở chùa năm 1975. Năm 1988 chùa xây thêm tháp An Lạc thờ vong và thỉnh một quả chuông lớn đúc theo mẫu đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ tại Huế.
Khu vực tái hiện vườn Lumbini – nơi hoàng hậu Maha Maya sinh hoàng tử Siddahata.
Tượng Đức Phật dưới cây bồ đề
Hiện tại chùa có diện tích khoảng 6100m2. Trong chùa có đầy đủ các điện thờ như những ngôi chùa khác tại Việt Nam, đồng thời rất nhiều tượng phật Bồ tát, La hán… được các tín đức hiến tặng đặt dọc các lối đi trong chùa. Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn có không gian vườn cây, hồ nước, tiểu cảnh… rất gần gũi và thơ mộng với người phương Đông.
Vườn cây, hồ nước, cầu bộ… tạo nên phong cảnh rất Á Đông cho ngôi chùa.
Chùa Hồng Hiên được xem là một di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở miền Nam nước Pháp. Đối với người Việt, đây là ngôi chùa cổ nhất do người Việt sáng lập ở Pháp và cũng là ngôi chùa cổ nhất trên đất Pháp, một công trình kiến trúc Phật giáo nổi bật giữa muôn vàn nhà thờ của Thiên chúa giáo.
Tượng Phật trong chính điện
Dĩ nhiên với sự nổi tiếng của ngôi chùa, Hồng Hiên là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch bản xứ tham quan. Đây trở thành một kỳ quan phát triển dịch vụ trong khu vực được đánh giá rất cao từ chính quyền Frejus.
Tháp chuông treo quả chuông cao 2,5m đúc theo mẫu Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ – Huế
Bỏ qua tính chất tôn giáo, ngôi chùa chính là nơi mà các bà con Việt kiều xa quê cùng nhau hội tụ trong các ngày lễ truyền thống: tết trung thu, tết nguyên đán… Chùa Hồng Hiên thực sự là nơi thổi lửa làm ấm tâm hồn người Việt giữa lòng châu Âu xa lạ và hiện đại.
Cùng ngắm thêm một số nét độc đáo kiến trúc tại chùa Hồng Hiên nhé các bạn !
Tạm chia tay châu Âu, chúng ta cùng quay về châu Á và đặt chân lên đất Phật
Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ
Đất nước Ấn Độ, quê hương của đạo Phật rất nổi tiếng với những địa danh: Bodhgaya (nơi Hoàng tử Siddhartha Gautam – Tất Đạt Đa tu niệm, ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề đến độ siêu thoát và trở thành đức Phật); Sarnath là nơi đức Phật đến giảng bài kinh đầu tiên và Kushinagai là nơi đức Phật qua đời.
Thật đặc biệt, tại Bodhgay có sự hiện diện của một ngôi chùa Việt Nam, do trụ trì người Việt xây dựng. Đó chính là Việt Nam Phật Quốc Tự, niềm tự hào của tôn giáo Việt tại đất nước của Phật giáo – Ấn Độ.
Toàn cảnh Việt Nam Phật Quốc Tự
Nhà sư trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự chính là thầy Thích Huyền Diệu (tên khai sinh Lâm Trung Quốc, quê ở tỉnh Đồng Nai). Thầy đã từng sống ở Pháp và đã lấy được bằng tiến sĩ thần học ở trường Đại học Sorbone nổi tiếng.
Cách đây 20 năm, thầy thực hiện cuộc hành hương lên đất Ấn Độ. Bằng sự thông thái về kinh kệ và ngoại ngữ, thầy được nhiều trường Đại học lớn ở Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ mời làm giáo sư thỉnh giảng.
Dùng số tiền công đức dạy học dành dụm được, cộng với tiền quyên góp của các Phật tử Việt Nam ở các nước, thầy bắt đầu mua đất và vật liệu xây dựng để chuẩn bị cho việc xây dựng chùa.
Lối vào chính điện
Tháng 05/1987, thầy Huyền Diệu bắt đầu tiến hành xây dựng một ngôi chùa 3 tầng, trên khuôn viên rộng 3,5 ha và đặt tên “Việt Nam Phật Quốc Tự” (đặt Tổ quốc lên trên hết). Chùa được khánh thành vào ngày 12/01/2003.
Ngôi chùa được xây dựng bằng bê tông, cốt thép với cấu trúc hình vuông và hai mái cong vươn cao như đóa sen vượt khỏi mặt nước bùn lầy. Đồng thời, kiến trúc của ngôi chính điện cũng thể hiện được truyền thống bất khuất trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Chính điện chùa Việt Nam Phật Quốc Tự
Chính điện có chu vi 64m2, chiều cao 24m, gồm 3 tầng. Tầng trệt là pháp xá có diện tích chứa khoảng 30 vị khách tăng. Tầng thứ 2 dùng để trưng bày những di tích, kinh sách, pháp khí trong và ngoài nước. Tầng thứ 3 là nơi tôn thờ Đức bổn Sư Thích ca và chư vị Bồ tát. Phía sau chính điện là hậu Tổ, tôn thờ các vị Thánh đệ tử và các vị Thánh Tăng Việt Nam qua các triều đại.
Bảo Tháp nằm trong khuôn viên chùa
Ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự đã đưa Việt Nam sánh cùng các nước như: Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar, Trung Quốc… khi có sự hiện diện của dấu ấn Phật giáo nước ta tại đất tổ nhà Phật. Đây còn là nơi mà những người con xa xứ ở đất bạn cùng nhau gửi gắm tình cảm về quê hương, đất nước.
Một số hình ảnh khác tại Việt Nam Phật Quốc Tự :
Một góc chùa Việt Nam Phật Quốc Tự
Tượng ba con khỉ: “Không thấy, không nói, không nghe”
Đài gác chuông trong khuôn viên chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodhgaya. Khuôn viên chùa rộng 5 mẫu và trồng rất nhiều cây.
Chuông đồng tại Việt Nam Phật Quốc Tự
Nguồn: Văn Học Nguồn Cội
Túy Phượng chuyển bài