Giáo sư Cao Huy Thuần đã có tham
luận đề tài "Bản chất văn hóa của cuộc đấu tranh Phật giáo trong Pháp
nạn 1963". Trân trọng giới thiệu toàn văn của tham luận này đến độc giả.
Giáo sư Cao Huy Thuần trong hội thảo sáng hôm nay 11-6
Hội thảo mà tôi được hân hạnh tham dự hôm nay mang tên: "Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam, 1963-2013".
Tên gọi đó lập tức gợi lên một bình luận đáng chú ý: nên gọi sự kiện
lịch sử 1963 là "đấu tranh" hay "pháp nạn"? Người bình luận, tác giả
Minh Thạnh, giải thích: "Trong sự kiện đó, phần "đấu tranh" chỉ là phần phụ, phần "pháp nạn" mới là phần chính. Vì có "pháp nạn" nên
mới phải đấu tranh. Đấu tranh chỉ là phần hệ quả của pháp nạn. Vì vậy,
nói về sự kiện lịch sử liên hệ đến Phật giáo miền Nam năm 1963 thiết
tưởng là phải dùng từ "pháp nạn". Dùng từ "đấu tranh" là không hiểu hết Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng cũng như Phật giáo Việt Nam nói chung" (1).
Có
lẽ đây là vấn đề đầu tiên phải làm sáng rõ. Bởi vì rất nhiều yếu tố và
nguyên do trộn lẫn với nhau trong sự kiện lịch sử 1963 khiến nói "đấu
tranh" cũng được, nói "pháp nạn" cũng được. Đương nhiên đó là một cuộc
đấu tranh. Và đấu tranh thành công. Đương nhiên đó là pháp nạn. Vì là
pháp nạn nên không thể không tranh đấu để sống. Nhưng pháp nạn ấy của
Phật giáo không phải chỉ riêng Phật giáo cảm thấy và gánh chịu, mà quần
chúng, Phật tử hay không, đều chia sẻ. Cho nên đấu tranh ấy, Phật giáo
phải cám ơn quần chúng đã góp phần không nhỏ, dù chỉ bằng tình cảm, dù
chỉ ủng hộ ngầm. Nói một cách khác, cái riêng của Phật giáo đã nhập
thành một vào cái chung của dân chúng, khiến cho mọi người đều thấy rằng
"nạn" ấy là nạn chung, đấu tranh ấy là chung cho tất cả, Phật giáo 63
là người phát ngôn trung thực của một nguyện vọng chung. Trong cái chung
ấy, xen lẫn yếu tố tôn giáo và yếu tố chính trị, chung và riêng có khi
không còn phân biệt được nữa. Nhưng phải phân biệt mới hiểu đúng bản
chất của sự kiện 1963: đó là trọng tâm của bài phát biểu ngắn này.
Tôi
xin đi ra ngoài phạm vi 1963 một chút, không phải để lạc đề mà chính là
để nói thêm cho chính xác. Sách vở từ trước đến nay thường gọi "phong
trào đấu tranh Phật giáo" để chỉ chung chuỗi vận động của Phật giáo từ
1963 về sau. Gọi như thế không sai, nhưng quả thật trong "phong trào"
đó, giai đoạn 1963 nặng về pháp nạn, giai đoạn sau đó nặng về hòa bình.
Tuy vậy, bối cảnh chiến tranh vẫn có mặt trong cả hai giai đoạn, các con
cờ vẫn là xe pháo mã ấy trên cùng một bàn cờ ấy, cho nên bản chất của
"phong trào" không thay đổi. Bản chất ấy, tôi muốn xác định là văn hóa,
và đó là luận đề của bài này. Tôi nói là "văn hóa" chứ không phải hạn
hẹp là tôn giáo, bởi vì, trong ý định sâu xa của những người lãnh đạo
phong trào, đấu tranh của Phật giáo không chỉ nhằm bảo vệ tôn giáo của
mình mà chính là bảo vệ văn hóa của đất nước. Tán thành hay không là một
chuyện, ý định sâu xa đó là sự thật mà nếu không thấy thì không hiểu
đúng ý nghĩa cuộc đấu tranh.
Tôi trình bày ý định đó trên hai điểm: Một, Phật giáo chống ai, chống gì? Hai, Phật giáo muốn gì?
1. Phật giáo chống ai, chống gì?
Mở
đầu cuộc đấu tranh, Phật giáo ra một tuyên ngôn, đọc tại chùa Từ Đàm,
Huế, ngày 10-5-1963, trong đó đoạn cuối nói về phương pháp tranh đấu như
sau:
"Phương
pháp ấy là "bất bạo động". Chúng tôi ý thức đang ở trong hoàn cảnh mà
chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể
hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng
tôi. Vì những lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ
và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ
không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng
tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người tăng sĩ của Phật giáo là
những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị thánh của sức mạnh bất bạo
động".
Hai điểm được nêu rõ trong đoạn tuyên ngôn: một là đường lối bất bạo động, hai là "thể hiện tư tưởng của Phật giáo". Hai
điểm thật ra là một, bởi vì tư tưởng của Phật giáo là bất bạo động. Mà
bất bạo động trong Phật giáo là sức mạnh "làm rung chuyển tận lòng
người". Ngay từ đầu, Phật giáo đã xác quyết: hành động không được rời
khỏi tư tưởng. Bởi vậy, tuy có thể là thừa đối với những người Phật tử
thuộc kinh, tôi phải nhắc lại ở đây quyển kinh mà họ sùng kính vào bậc
nhất, kinh Pháp Hoa, trong đó tôi trích câu chuyện về một vị tăng kỳ
quái. Ông tăng này kỳ quái thật, vì ông chẳng hề đọc tụng kinh điển gì,
nhưng gặp ai cũng chắp tay kính cẩn lễ bái và nói: "Tôi không dám khinh
người, vì người sẽ được làm Phật". Nhiều người cho ông này là khùng, có
khi nổi giận mắng nhiếc, có khi ném đá quất roi đuổi đi. Mặc cho mắng
nhiếc đuổi đánh, ông tăng vẫn cứ câu ấy chắp tay lễ bái, đến chết vẫn
không đổi. Ấy vậy mà Phật tán dương, xem ông như một vị bồ tát, trong
kinh gọi là bồ tát Thường Bất Khinh. Chuyện này trong kinh Pháp Hoa xác
quyết một điều nằm trong toàn bộ kinh điển Phật giáo mà ai cũng biết:
trong mỗi con người, ai cũng có Phật tính, ai cũng có Phật trong lòng.
Có khi tính Phật đó mờ đi như trăng bị mây che, nhưng trăng vẫn còn đó,
đâu có mất.
Bản chất
Bởi
vậy, Phật giáo không hề coi ai là kẻ thù vì ai cũng giống mình, bình
đẳng với mình, thù người chẳng hóa ra thù cả đức Phật trong người ấy hay
sao? Không chống con người, Phật giáo chỉ chống hành động. Hành
động có thiện có ác, ác thì phải chống. Nguyên tắc kinh điển này, các vị
lãnh đạo Phật giáo long trọng tuyên bố ngay từ đầu trong Tuyên ngôn Từ
Đàm: "Chúng tôi không coi ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên
chúa". Không coi ai là kẻ thù, tư tưởng đó của Phật giáo trùng
hợp với tư tưởng của Gandhi mà cuộc đấu tranh 1963 xem như là gương
sáng. Gandhi nói: "Một hành động tốt phải được tán thành, một hành động
xấu phải được phản đối, người làm hành động, dù tốt hay xấu, luôn luôn
phải được kính trọng hay thương xót tùy theo trường hợp. Hãy ghét tội
lỗi chứ không phải người làm tội lỗi... Chống lại hay tấn công một hệ
thống là đúng, nhưng chống lại hay tấn công tác giả của hệ thống ấy là
giống như chống lại hay tấn công chính ta" (2).
Ứng
dụng tư tưởng ấy vào hành động, bản Tuyên ngôn nói rõ: "Chúng tôi không
chủ trương lật đổ. Chúng tôi chỉ có cái nguyện vọng "cải thiện chính
sách". Chúng tôi không nói vấn đề người. Người nào đứng ra phụ trách
chính phủ mà chính sách không cải thiện thì nguyện vọng của chúng tôi
không thỏa mãn".
Đó
là đối với chính phủ. Đối với đạo Thiên chúa mà chính phủ Diệm nâng lên
như thử là quốc giáo cũng vậy. Bản Tuyên ngôn nói trực tiếp: "Chúng tôi
tranh đấu là tranh đấu cho lý tưởng công bình (mà vì thế mà động cập
đến đạo Thiên chúa) chứ không phải tranh đấu với tư cách một Tôn giáo
chống với một Tôn giáo... Chúng tôi cho rằng bất cứ ai, kể cả chúng tôi,
nếu cho Tôn giáo của mình có giá trị tuyệt đối và chỉ có Tôn giáo của
mình mới đáng tồn tại thì đây là quan niệm sai lầm nhất".
Bản
chất của câu nói này là tôn giáo hay văn hóa? Tôi quả quyết là văn hóa.
Qua Phật giáo, bản Tuyên ngôn muốn khẳng định một đặc tính của văn hóa
Việt Nam mà Phật giáo là nòng cốt: tính khoan hòa, khoan dung. Ngày ấy,
1963, cũng như ngày nay, cũng như trong lịch sử thế giới, an ninh và
đoàn kết dân tộc bị đe dọa bởi hiềm khích và thù hận tôn giáo. Nhìn văn
hóa của Âu châu ngày trước, nhìn văn hóa của các nước Hồi giáo ngày nay,
cái gì đã đưa đến chiến tranh, tàn sát, khủng bố? May thay, trong văn
hóa Việt Nam không có nọc độc của thánh chiến. Không có cái tham sân si
của chân lý độc tôn. Do đâu? Nhờ ai? Cái biệt tài của văn hóa khoan dung
đó, Phật giáo tự hào cho mình và cho cả dân tộc. Suốt cả mùa tranh đấu,
cho đến cả những năm 65, các nhà lãnh đạo chỉ nhắc lui nhắc tới có ngần
ấy thôi. Tôi trích một đoạn chỉ thị:
"Nỗ
lực và nỗ lực một cách liên tục để chấm cho dứt những chính sách không
phù hợp với sự sinh tồn của Dân tộc và Phật giáo, phát triển Phật giáo
bằng sự thực hiện của bản thân mà không bằng cách làm thương tổn các tôn
giáo khác, càng nêu cao đức tính Từ bi bao nhiêu lại càng thực hiện đức
tính Vô uý bấy nhiêu: đó là "ý thức Phật tử" đơn giản vô cùng nhưng khó
khăn vô tận" (3).
"Ý
thức Phật tử" mà các vị lãnh đạo nhấn mạnh chính là ý thức về cái bản
sắc văn hóa đặc thù ấy của tổ tiên mà Phật giáo phải gìn giữ và phát
huy. Cái bản sắc ấy, các nhà thừa sai của thời xâm lược thuộc địa, rồi
các chính phủ hậu thuộc địa kế thừa, đã tập trung sức lực để phá đổ, đưa
đến cái Dụ số 10 quái gỡ mà chính quyền Ngô Đình Diệm triệt để tận
dụng. Gián tiếp, Dụ số 10 chỉ xem có một tôn giáo ở Việt Nam thôi là
Thiên chúa giáo, Phật giáo đứng ngang hàng với các hiệp hội, không hơn
gì các hội từ thiện, thể thao, một thứ tín ngưỡng vặt. Từ giám mục
Puginier của thời xâm lược đến giám mục Ngô Đình Thục của thời Bến Hải
chia đôi, chính sách độc tôn bay thẳng một đường mũi tên, nhắm trái tim
của văn hóa khoan hòa truyền thống mà bắn. Thách thức của 1963 là thách
thức ấy. Thách thức văn hóa dựa trên sức mạnh chính trị, quân sự. Y hệt
thời các Đô đốc thực dân nả súng vào Đà Nẵng. Đứng trên mặt văn hóa, hai
thời kỳ giống nhau như hai trẻ sinh đôi. Cả hai đều có bối cảnh là
chiến tranh, cả hai chiến tranh đều cho phép một lực lượng luận thuyết
rằng muốn thắng quân sự phải dùng đến cái súng cối văn hóa (4).
Tự bảo vệ mình để bảo vệ văn hóa của dân tộc: ý nghĩa của 1963 là vậy.
Căn bản là bảo vệ văn hóa. Lật đổ ông Diệm không phải là vấn đề đặt ra.
Tận trong thâm sâu, Phật giáo không muốn làm chính trị.
Lịch
sử của các cuộc nổi dậy ở đâu cũng bắt đầu bằng một biến cố bất ngờ,
không toan tính trước, tưởng như tình cờ nhưng thực sự nằm trong một
diễn biến hợp lý. Phong trào Phật giáo năm 1963 cũng bắt đầu bằng một
biến cố như vậy: đó là lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản,
đưa đến vụ thảm sát tám em bé trước đài phát thanh Huế. Lệnh đó đến từ
đâu? Từ tổng giám mục Thục. Từ một chức sắc tôn giáo. Uất ức nhẫn nhục
trong chín năm tràn đầy thêm một giọt nước mắt. Phật giáo không cho đó
là nhục riêng của mình. Nhục chung cho cả văn hóa của tổ tiên. Thêm vào
đó, ông Thục đang trấn địa ở ngay Huế, vốn được coi là "kinh đô Phật
giáo" của cả miền Trung. Dân Huế hàng năm vẫn còn cúng giỗ các âm hồn
trên các đường phố để kỷ niệm ngày thất thủ kinh đô năm 1885. Thiết giáp
mà ông Thục đã ra lệnh bao vây đài phát thanh và nả súng vào dân chúng
được xem như một vụ tấn công vào kinh đô lần thứ hai, lần này là kinh đô
văn hóa.
Bạo
lực trong hành động đi đôi với bạo lực trong lý thuyết. Mùa hè 1963,
giáo chức đại học Huế chúng tôi được triệu lên Viện Đại Học để nghe ông
Thục dạy về tôn giáo. Ông dạy: đại đa số người Việt Nam theo "đạo ông
bà", Phật giáo chỉ là thiểu số. Ông dạy như thế trong một thành phố mà
nhà nhà treo cờ, người người mô Phật. Gandhi có nói: "Tôi đã học được,
qua kinh nghiệm cay đắng, một bài học tối thượng về sự kiềm chế giận dữ,
và giống như hơi nóng nén lại thì được chuyển thành năng lượng, giận dữ
được kiềm chế có thể chuyển thành sức mạnh có khả năng dời cả thế
giới" (5). Ông Diệm đã tấn công vào thành trì văn hóa trong
suốt chín năm, ông Thục bồi thêm một phát đại bác văn hóa cuối cùng, và
phẫn uất biến thành lịch sử 1963 dời được cả một thế giới cuồng tín.
1963
là vậy: cuồng tín không phải là văn hóa Việt Nam. Chống cuồng tín là
bảo vệ văn hóa. Không phải làm chính trị. Đây là điểm thứ hai phải nói
rõ, bởi vì câu hỏi "Phật giáo muốn gì?" được đặt ra rất gay gắt, nhất là
từ phía người Mỹ, tác nhân chính trong chiến tranh, sau 1963.
Những hình ảnh về cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo và câu nói
của Hòa thượng Thích Trí Quang: "Chúng tôi nguyện đem xương máu trang
trải cho Phật pháp, và nếu chết là chết cái chết của CHÂN LÝ trước bạo
lực chứ không phải bạo lực này chết vì bạo lực khác."
2. Phật giáo muốn gì?
1963
mở đầu cho một sự tham dự trực tiếp của Phật giáo vào tình hình của
thời cuộc gây nên do chiến tranh và sự lợi dụng chiến tranh để nắm giữ
quyền hành của dư đảng ông Diệm. Lần đầu tiên, tên gọi "Phật giáo dấn
thân" xuất hiện trên báo chí. Phật giáo làm chính trị chăng?
Xin
bàn một chút về lý thuyết, không ra ngoài phạm vi của đề tài 1963. Thế
nào là "dấn thân"? 1963 chẳng phải là dấn thân đó sao? Như đã nói, các
nhà lãnh đạo Phật giáo hồi đó luôn luôn muốn hành động của mình không
rời lý thuyết để không ai chỉ trích được là lệch hướng. Bởi vậy, dấn
thân của 63 cũng như sau 63 là dấn thân trên mặt trận văn hóa, không
phải dấn thân vào chính trị. Dấn thân theo nghĩa đó không mới mẽ gì
trong lịch sử Phật giáo. Đó chỉ là tinh thần nhập thế trong đạo Phật.
Vậy thì, thế nào là xuất thế, thế nào là nhập thế?
Phật
giáo xuất thế gian, đúng vậy, nhất là đối với người xuất gia. Chùa
chiền thì xây trên núi. Cách sống thì xa lánh cõi trần. "Cạo bỏ râu tóc,
làm bậc sa môn, tiếp nhận lấy đạo, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian,
khất thực vừa đủ, mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ
một lần, thận trọng đừng thêm. Làm cho người u mê tồi tệ chính là ái
dục". Phật đã dạy như vậy trong Kinh 42 bài. Mẫu mực đó đâu phải là của
người dấn thân vào những tranh đấu trong xã hội? "Tu " là để giải thoát.
Mà người giải thoát là người đã thấy rõ sự vật là vô ngã, vô thường.
Thấy rồi thì sinh tâm nhàm chán, cắt bỏ phiền não vô minh, đoạn trừ luân
hồi sinh tử. Vậy thì tại sao các ông sư thời 63 biểu tình tuyệt thực?
Lý tưởng là diệt khổ, đeo thêm cái khổ chính trị làm chi? Đó là miệng
lưỡi của chính quyền trong những năm 63 để an trí các ông sư trong chùa.
Xuất
thế đâu phải vậy! Lấy lý thuyết mà nói, Phật giáo nhìn thực tại dưới
hai mặt: một mặt thuộc về tục đế, một mặt thuộc về chân đế, nói nôm na
là cái thấy ở cấp dưới và cái thấy ở cấp cao tột. Ở tục đế, khi chưa
giải thoát, ta thấy có sinh lão bệnh tử, có khổ cần phải diệt, có niết
bàn để hướng đến. Khi đã giải thoát, khi phiền não đã phá tung, nhận
thức thay đổi: những thứ trước đây gọi là khổ, là sinh lão bệnh tử, thì
nay được nhận ra không còn là khổ nữa. "Nếu cần sinh ra thì sinh, đến
lúc già thì già, nếu phải bệnh thì bệnh, rồi khi chết thì chết" (6).
Khổ đã không thấy thì niết bàn cũng không thấy, vì ta đã sống trong đó
rồi. An vui, thanh thản, vững chắc trong cái mà trước đây ta gọi là khổ.
Ta rời cái thấy về khổ ở tục đế để đạt đến cái thấy về khổ ở chân đế.
Và như vậy, niềm vui xuất thế gian không còn là niềm vui đối nghịch với
khổ nữa, vì khổ còn đâu nữa mà đối nghịch? Khổ đã không còn thì tất cả
đều không còn, kể cả không còn tu. Kinh Bát Nhã nói: "không mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân, ý, không thanh, hương, vị, xúc, pháp" là thế, là tất cả
đều không. Sự thật thế gian đã đi sang xuất thế gian. Và vì tất cả đều
không nên Kinh nói: giải thoát ra khỏi mọi khiếp sợ.
Nhưng
tư tưởng Phật giáo là một tư tưởng biện chứng. Biện chứng cả trong lý
thuyết lẫn hành động. Trong lý thuyết, chân đế không rời tục đế. Phải
thấy cái khổ ở mức tục đế rồi mới siêu việt cái khổ ở mức chân đế. Không
còn thấy cái khổ nữa ở mức chân đế không có nghĩa là không biết có khổ ở
mức tục đế. Cái thấy ở xuất thế gian không có nghĩa là không biết cái
thấy ở mức thế gian. Có cái này rồi mới biết có cái kia. Khi có cái kia
rồi vẫn biết nhân gian còn có cái này. Cho nên xuất thế gian không rời
thế gian.
Tư
tưởng biện chứng đưa đến hành động biện chứng. Thấy tất cả đều không
thì không còn gì là chướng ngại. Ngay đến kẻ thù cũng không còn là kẻ
thù. Dưới con mắt của chân đế, kẻ thù chỉ là nạn nhân của khổ mà chính
họ không biết. Thì ta phải giải khổ cho họ với lòng từ bi! Căn bản của
tranh đấu bất bạo động là như vậy. Thấy kẻ thù không phải là kẻ thù, chỉ
là đối phương mà tình thương của ta sẽ làm hóa giải. Không thấy được
điều đó thì không hiểu được ngọn lửa Quảng Đức. Thì không hiểu được tại
sao Vũ Hoàng Chương lại đặt tên cho bài thơ bất hủ của ông về ngài là
"Lửa từ bi ". Vì ngài có cái nhìn xuất thế gian nên mới có hành động
nhập thế đến mức ấy.
Giữa xuất thế và nhập thế, hai bên qua lại thong dong, không có biên giới. Tôi đọc một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm:
"Ngài
Trì Địa bồ tát bạch với đức Phật: "Con nhớ xưa làm người xuất gia, bấy
giờ đường sá, sông biển, ruộng đất, núi non, tất cả chỗ ấy nơi nào có
chi chướng ngại, hại cho sự đi lại và sự chuyên chở, thì con san bằng
phẳng, làm cầu cống, lấp hầm hố. Siêng khó như vậy trải qua vô số kiếp.
Có ai cần người mang gánh giúp thì con mang gánh trước, đến tận chỗ họ
muốn rồi con để xuống, đi ngay, không lấy tiền thuê. Mãi đến thời kỳ đức
Tỳ Xá ra đời, bấy giờ thế gian đói khổ lắm, con làm người gánh chở
giúp, bất kể xa gần. Chỗ nào xe, đò bị mắc kẹt, thì con rán sức xô đẩy.
Quốc chúa nước con lúc đó thiết trai cúng dường đức Tỳ Xá Thế Tôn, con
bèn san đắp bằng phẳng đường đi để đón chờ. Khi ngài đi qua, xoa đầu con
mà bảo: Hãy bình tâm địa thì thế giới đại địa đều bình".
Cảnh sát ngăn chặn Phật tử đến chùa trong "kế hoạch nước lũ" năm 1963 - phong tỏa chùa chiền
Đó là nhập thế. Xuất thế ngay lập tức không chướng ngại:
"Nghe
lời ấy, tâm trí con tức thì khai ngộ. Con thấy những đan vị cực nhỏ tạo
thành thân con cùng với những đan vị cực nhỏ tạo thành vũ trụ đều bình
đẳng không sai biệt. Tánh của những đan vị ấy không xúc chạm nhau, cho
đến binh đao khí giới cũng đều như vậy, không hề đụng chạm lẫn nhau".
Không
ở đâu biện chứng xuất thế và nhập thế hiển lộ cụ thể hơn nơi con người
Trần Thái Tông và Sư Trúc Lâm. Trần Thái Tông muốn gì khi bỏ kinh đô lên
Yên Tử? "Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm lục
Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó để đền đáp công ơn cha mẹ,
chẳng hay hơn sao?". Vua nói thêm: "Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương
đời trước, thịnh suy không tường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm
Phật, chứ không cầu gì khác". Ấy là Trần Thái Tông muốn xuất thế. Và Sư
Trúc Lâm, người đã xuất thế rồi, đã ở trên non rồi, khuyên gì nhà vua?
Hãy nhập thế! "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm
ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ
muốn đón Bệ Hạ trở về, Bệ Hạ không về sao được. Song phải nghiên cứu nội
điển, mong Bệ Hạ đừng xao lãng". Nghĩa là hãy nhập thế, nhưng hãy học
xuất thế. Nếu ngày nay, ai làm vua làm quan mà biết xuất thế như vậy,
cái bả quyền lực phú quý đâu còn ngậm chặt trong lưỡi! Khi vào thì làm
đầy tớ cho dân cũng làm như kinh Lăng Nghiêm dặn thế, khi ra thì không
vướng ngại, không thấy sai biệt, ra vào với một tâm bình đẳng.
Tôi
nhắc một chút lý thuyết như vậy để làm rõ cái ý muốn đanh thép của các
vị lãnh đạo phong trào 63. Các vị ấy dấn thân vào một cuộc tranh đấu dù
sao cũng dính dáng đến chính trị nhưng họ không muốn vướng mùi bùn chính
trị. Trước mắt họ là tấm gương sáng ngời của các vị quốc sư trong lịch
sử, vua vời đến để hỏi chuyện chính sự thì nói chính sự, nhưng nói xong
thì rút về chốn núi non. Mà chuyện "chính sự" của các quốc sư ấy không
phải là thứ chính trị nhỏ nhặt, đó thường là cái thế để giữ nước trường
tồn, nghĩa là những nguyên lý mà tính chất văn hóa, đạo lý là căn bản.
Tôi trích vài đoạn phản ánh ý muốn không lay chuyển nói trên có liên quan đến thời sự 1963:
"Tại
sao người xuất gia không thể tham gia chính trị và quân sự? 1. Trước
hết, dù ở trong trường hợp tự vệ, quân sự cũng vẫn là một hành động trái
với nguyên tắc tôn trọng sự sống, huống chi là trường hợp khác. Trong
trường hợp tự vệ, vì cái tinh thần vô úy hy sinh sự sống để bảo vệ sự
sống, người Phật tử tại gia phải làm, bất đắc dĩ phải làm. Còn người
xuất gia thì không thể như vậy vì họ đã là hiện thân của nguyên tắc tôn
trọng sự sống của tất cả. 2. Huống chi phương pháp tự vệ không phải chỉ
là chính trị và quân sự; chính trị và nhất là quân sự là những điều bất
đác dĩ nhất trong tự vệ. Hai người muốn thắng nhau mà phải đánh nhau vẫn
là một điều dở. Cho nên người xuất gia, vì lẽ tương quan sinh tồn, nếu
có thể, chỉ nên tham gia kinh tế, văn hóa và xã hội mà thôi, còn chính
trị và quân sự không những trái với nguyên tắc tôn trọng sự sống, mà còn
trái hẳn với nguyên tắc "trên tất cả", không phân biệt chủng tộc, giai
cấp của người xuất gia" (7).
Trong
một đoạn ngắn mà đã có đến hai lần xác nhận thái độ "bất đắc dĩ". Đấu
tranh 1963 cũng là bất đắc dĩ mà thôi. Thêm một "bất đắc dĩ" nữa trong
đoạn dưới đây:
"Đạo
Phật chỉ thừa nhận sự tương quan sinh tồn. Đạo Phật dạy cho người ta
thấy ở đời phải tự lập chớ không thể biệt lập. Phật tử không thấy, không
tạo nên một đối phương. Vũ trụ là một lò tương quan; không có gì là
trung tâm, không có gì là phụ thuộc, hay là ngược lại. Bởi thế cho nên
phân ly là tự tạo một ung nhọt, mà chiến đấu (theo nghĩa hẹp) chỉ là
tương đối. Chiến đấu phải là một hành động vì bảo vệ sự sinh tồn mà bất
đắc dĩ. Nếu biến sự bất đắc dĩ ấy thành sự tuyệt đối cần thiết trong mọi
trường hợp, thì chiến đấu sẽ trở thành chiến tranh"(8).
Nhập
thế thì chiến đấu hết mình, hy sinh cả mạng sống. Nhưng tuyệt đối phải
biết xuất thế để tẩy ngay cả cái khái niệm chiến tranh ra khỏi tâm.
Khi
bắt đầu khởi động phong trào 63, không mấy ai tin ở thành công. Nhưng
bắt buộc chiến đấu thì sẵn sàng chiến đấu, xem thành bại trong chiến đấu
giống như thành bại trong công việc hoằng pháp hàng ngày, thành thì
tốt, mà bại không chừng lại còn tốt hơn: đó là điều khó hiểu đối với
người thường, nhưng đó lại là điều hiển nhiên của hành động trong Phật
giáo:
"Chúng
ta đã và vẫn sẵn sàng chấp nhận cảnh ngộ khó khăn. Điều đó chúng ta
không thiệt, trái lại nữa là đằng khác. Bởi vì việc làm gặp cảnh ngộ dễ
dãi thì đó là cảnh ngộ tác thành, chúng ta có công đức gì đâu. Còn nếu
chúng ta chỉ biết nỗ lực mà làm thì chúng ta vẫn có công đức; còn việc
làm ấy có thành hay bại vì cảnh ngộ chăng nữa, công đức cũng không vì sự
thành hay bại ấy mà có hay không có. Ấy là nói về bản thân người làm.
Còn nói hậu quả thì thành cố nhiên là tốt, mà bại lại càng tốt hơn. Việc
làm nào được gọi là chân chính là phải có sự quy phục của nhân tâm. Mà
cảnh ngộ Phật giáo hiện thời, nếu thành thì nhân tâm đã có, mà nếu bại
thì nhân tâm lại càng có hơn. Đó là sự thật hiển nhiên" (9).
Hành
động trái nghĩa với manh động. Manh động thì rất sợ bại. Mà thường là
bại. Nhập thế với cái tâm không sợ bại, vậy mà thường là thắng. Trong
hoàn cảnh chính trị và văn hóa cực kỳ khó khăn của năm 1963, mấy ai dám
tin vào thành công? Vậy mà Phật giáo vượt qua pháp nạn!
Pháp
nạn vượt qua, các nhà lãnh đạo cảnh giác ngay cái bẫy chính trị luôn
luôn rình rập các tôn giáo, khẳng định lại lập trường cố hữu của mình
với ba nguyên tắc cụ thể:
1.
Phật giáo không ủng hộ cũng không chống lại một chính quyền nào; Phật
giáo ủng hộ hoặc chống lại các chính sách. Phật giáo ủng hộ chính sách
nào tốt. Phật giáo chống lại chính sách nào xấu.
2.
Trên tiêu chuẩn nào xét đoán chính sách nào tốt, chính sách nào xấu?
Trên tiêu chuẩn phù hợp hay không phù hợp với tiền đồ của Phật giáo và
dân tộc. Phật tử không bao giờ chấp nhận các chính sách đưa đến những
hậu quả tai hại cho Phật giáo và dân tộc.
3. Phật giáo không nhắm việc nắm chính quyền, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Căn
cứ trên ba nguyên tắc đó, HT Thích Trí Quang, lúc đó là Thượng tọa, kết
luận: Phật giáo làm hết sức mình để phụng sự tổ quốc và dân tộc, chống
lại những ai lợi dụng tôn giáo để tìm cách thống trị chính quyền và dân
chúng, và kêu gọi Phật tử ủng hộ hết lòng các chính sách tốt và chống
lại các chính sách xấu: đó là "sức mạnh" mà người ta có thể tìm thấy
trong Phật giáo (10).
Sức
mạnh đó là sức mạnh văn hóa. Đời đời không phải là sức mạnh chính trị
mà Phật giáo lánh xa. Bởi vì chính trị không nằm trong bản chất của Phật
giáo. "Phật giáo không thích ứng với chính trị mà thích ứng với văn
hóa. Phật giáo tồn tại bởi dân tộc, không như tôn giáo khác tồn tại vì
chính quyền". Đó là nguyên văn lời khẳng định lặp đi lặp lại bao nhiêu
lần trong suốt mùa bão tố 1963 và sau đó. Trước 1963, Hội Phật giáo đã
xác định tôn chỉ của mình rõ ràng:
"Vì
là một tổ chức tôn giáo, nhất là một tôn giáo dân tộc, hội Phật giáo
trung thành với sứ mạng chánh yếu của mình, sứ mạng củng cố và khai thác
nền đạo đức của dân tộc. Hội xác nhận rằng điều đó thật là tối hệ trọng
đối với dân tộc, vì dân tộc muốn còn là phải còn dân tộc tính, mà dân
tộc tính căn bản là nền đạo đức của dân tộc: đó là một sự thực quá rõ
ràng bất cứ được nhìn bằng nhãn giới nào" (11).
"Phật
giáo và văn hóa của dân tộc": đó không phải là khẩu hiệu suông. Đó là
niềm tin sắt đá của người lãnh đạo phong trào 1963. Tin rằng Phật giáo
và văn hóa Việt Nam là một. Tin rằng Phật giáo phải luôn luôn tự mình
xứng đáng để vẫn là một với Việt Nam. Đạo Phật "nhập thế" là nhập thế
vào xã hội, văn hóa, nhắm vào con người mà cho vui, cứu khổ, nhắm vào
đạo đức mà phát huy, nhưng đạo Phật "siêu thoát" thế gian, nhất là siêu
thoát khỏi chính trị. Đời đời.
Tôi
trích dẫn trên đây khá nhiều câu viết của HT Trí Quang bởì vì lập
trường ấy là huyết mạch của phong trào 63. Xuyên qua lập trường ấy,
xuyên qua toàn bộ các tác phẩm của vị lãnh đạo này, nổi bật lên một chữ
thôi, một chữ tự nó đủ sức cắt nghĩa tất cả tinh hoa mà đạo Phật muốn
mang cống hiến cho thời đại: chữ "khác". Trong một thư gửi cho Phật tử Huế, nơi khởi sinh cuộc tranh đấu 1963, chữ ấy là châm ngôn, là lý tưởng của hành động:
"Phật tử Huế phải làm cho đạo mình "khác" đạo kẻ khác, chứ không phải làm cho đạo mình "hơn" đạo kẻ khác - "khác" ở chỗ nêu cao và thể hiện cho được sự khoan hồng và độ lượng của đức tính Từ bi dầu phải thiệt thòi đến cao độ" (12).
Cái chữ "khác" ấy
là gia tài văn hóa mà đạo Phật đã để lại trong lịch sử. Thể nhập cái
gia tài ấy, Phật giáo Việt Nam viết nên trang sử 1963 mà rạng rỡ nhất là
ngọn lửa Quảng Đức. 1963 là một khẳng định văn hóa. Tuyệt đối không
phải là một phản ứng chính trị.
Cao Huy Thuần
Chú thích:
(1) Minh Thạnh, "Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam" hay "Pháp nạn lịch sử 1963", phattuvietnam On line, 30-3-2013.
(2) Gandhi on non-violence, http://sfr-21.org/gandhi-nonviolence.html
(3) Trí Quang,Tâm Ảnh Lục, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2009, trang 884-885.
(4) Ông Diệm tuyên bố: Trước chủ nghĩa vô thần của Cộng sản, Nhà thờ phải là "bờ đê tâm linh" của dân tộc (Extrême-Asie,
26-8-1961). Chiến lược ấy, ông khuyến cáo các nước Á châu chống Cộng
cũng cần áp dụng. Trước Hội nghị Liên minh các nước Á châu chống Cộng
họp tại Sài Gòn năm 1957, ông tuyên bố: "Chúng ta không thể coi nhẹ khí
giới chân lý mà Cơ đốc giáo đã để lại cho chúng ta. Biết sử dụng khí
giới ấy phải là mục tiêu của Liên minh các nước Á chân chống Cộng" (Révolution Africaine, n° 20, 15-6-1963)
(5) Gandhi, như trên.
(6)
Thích Nhất Hạnh
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/kinh-gi-ng/39-trai-tim-ca-bt/240-ttcb-04-nim-vui-tng-i?showall=&start=6
(7) Trí Quang, Tâm Ảnh Lục, trang 316-317.
(8) Như trên, trang 188.
(9) Như trên, trang 825.
(10) Thích Trí Quang, Thái độ của Phật giáo đối với chính quyền, Hải Triều Âm, số 5 và 6, 17-5-1964.
(11) Tâm Ảnh Lục, trang 763.