Ví dụ, Phật được xem là một trong mười hóa thân (avatara) chính
của thần Vishnu. Về phía Phật giáo, các thần Ấn giáo như Brahma (Phạm
Thiên), Shakra (Đế Thích) cũng được kết nhập vào thần hệ (pantheon)
Phật giáo và được gọi là các Hộ pháp (Dharmapala).
Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, thần hệ này
cũng được du nhập theo. Dĩ nhiên trong đó có các thần Ấn giáo đã bị
"Phật hóa". Khi qua đến Trung Hoa, những thần linh này được kết nhập
vào thần hệ tôn giáo Trung Hoa, và lại biến dạng thêm một lần nữa. Khi
Phật giáo được truyền từ Ấn Độ và Trung Hoa sang Việt Nam, những thần
linh gốc Ấn giáo đã bị Phật và Hoa hóa này, lại một lần nữa bị biến đổi
và đồng hóa với những thần linh địa phương, cũng như được giao cho
những trách vụ khác, phù hợp với nguyện vọng chính trị và xã hội của
người bản xứ. Trong bài viết ngắn này, tôi xin đưa ra vài nhận xét sơ
lược về vai trò và sự biến dạng của Vaisravana (Pi Sha Men, Tỳ Sa Môn
Thiên Vương) trong tôn giáo Việt Nam thời Trung cổ.
Giấc mơ của Khuông Việt
Theo sách Thiền uyển tập anh (TUTA), Khuông
Việt (933-1011), tên tục Ngô Chân Lưu, là người truyền thừa đời thứ IV
của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Khuông Việt học và đắc đạo với Vân Phong.
Năm ngoài bốn mươi tuổi, Khuông Việt được Đinh Tiên Hoàng (trị vì
968-979) mời vào triều hội kiến. Nhà vua kính trọng ông và phong cho
ông chức Tăng thống. Sau đó còn ban cho danh hiệu Khuông Việt Thái sư.
Nhà Đinh suy tàn, nhà (Tiền) Lê nối tiếp. Dưới thời Lê Đại Hành (trị vì
980-1005), Khuông Việt vẫn tiếp tục giữ những chức vụ cũ, hơn nữa ông
còn được Lê Đại Hành mời tham dự vào tất cả các vấn đề quân sự và triều
chính(1).
TUTA chép(2): "Khuông Việt thường ngao du
núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ và yêu thích phong cảnh u thắng. Sư định xây
am và trụ trì ở đó. Một đêm sư nằm mơ thấy có một thần nhân mặc áo giáp
vàng, tay phải cầm thương vàng, tay trái cầm bảo tháp. Đi theo là hơn
mười tùy tùng trạng mạo dữ tợn. Thần nhân bước tới nói: "Ta là Tỳ Sa
Môn Thiên Vương, các tùy tùng của ta đều là dạ xoa (yaksa). Thiên đế ra
lệnh cho ta đến nước này để bảo vệ biên cương, khiến cho Phật pháp được
hưng thịnh. Ta có duyên với ông, cho nên ta đến đây để ủy thác cho ông".
Khuông Việt kinh hoàng tỉnh giấc, nghe thấy có tiếng
gào thét trong núi, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sáng ra, Sư đi vào trong
núi, thấy có một cội cây lớn cao hơn mười trượng với cành lá xum xuê,
lại có một đám mây lành che phủ bên trên. Sư sai thợ đốn cây và tạc
thành tượng thần đã thấy trong mơ và lập đền thờ. Vào năm Thiên Phúc
thứ nhất (981) quân Tống xâm nhập đánh phá. (Lê Đại Hành) Hoàng đế có
nghe câu chuyện kia, sai Khuông Việt đến đền thờ cầu đảo. Quân Tống sợ
hãi và bỏ chạy đến Ninh Giang ở Bảo Hựu. Lại thấy gió cuộn, sóng lớn
nổi lên, giao long lồng lộn chồm tới. Quân Tống hoàn toàn tan rã".
Câu chuyện trên đây, nếu đọc trong khuôn khổ thuyên thích (hermeneutic) đúng
đắn, khai mở cho chúng ta những dữ kiện quan trọng liên quan tới một số
đề tài trong văn hóa sử Việt Nam. Bài viết này, như đã đề cập, chỉ tập
trung vào ý nghĩa và sự biến dạng của Tỳ Sa Môn Thiên Vương trong tôn
giáo Việt Nam.
Tỳ Sa Môn Thiên Vương là ai? Tại sao Khuông Việt lại
nằm mơ thấy vị thần này? Giấc mơ của Khuông Việt có thể cho chúng ta
biết được những gì về tầm quan trọng của vị thần này trong tôn giáo
Việt Nam? Một cách khái quát, Tỳ Sa Môn nguyên thủy là một vị thần Ấn
Độ nhưng sau đó tục thờ cúng vị thần này được lan truyền sang Khotan,
Trung Hoa, Nhật Bản và dần dà cả Việt Nam. Ở những khu vực mới này, Tỳ
Sa Môn lại được giao phó cho những vai trò khác nhau(3).
Tỳ Sa Môn hay Vaisravana là một tên họ (patronymic)
khác của Kubera, một vị thần đại chúng, đại diện của Ấn giáo. Kubera
được đề cập đến trong các kinh điển Ấn giáo từ Vệ đà cho đến anh hùng
ca (epics) qua những mô tả và trong các vai trò khác nhau. Trong các kinh Vệ đà, Kubera được đề cập đến như là vua của các quỷ thần sống trong bóng tối(4). Trong Satapatha Brahmana, Kubera được xem là lãnh chúa của kẻ trộm và tội phạm(5).
Trong những lãnh vực khác, Kubera được xem là thần bảo hộ của các
thương gia và một trong bốn thần bảo vệ thế gian (lokapala), và một
trong tám thần canh giữ các phương hướng (dikpala)(6). Kubera cũng còn được xem là vua của dạ xoa(7).
Sau thời kỳ Vệ đà, vai trò chính yếu của Kubera là thần bảo hộ của tiền
tài và sự phong phú. Trong Phật giáo, Kubera được biết đến bằng danh
xưng Vaisravana và là một trong Tứ Thiên vương nguyện bảo vệ Phật pháp(8).
Nói tóm, Kubera có liên hệ chính yếu với sự phì nhiêu thịnh vượng và
vương quyền (kingship). Hai đặc tính này, Kubera hay Vaisravana, vẫn
nắm giữ trong vai trò của thần như là đối tượng thờ phượng trong tôn
giáo bình dân ở các khu vực Á châu ngoài Ấn Độ.
Tỳ Sa Môn Thiên vương
Ở Khotan, Kubera được thờ dưới danh xưng Vaisravana
như là vị thần bảo hộ hoàng tộc và quốc gia. Vaisravana (Pi Sha Men)
đến Trung Hoa từ Khotan và trở thành đối tượng của một nền thờ phượng
riêng biệt vào khoảng thế kỷ thứ VII(9). Ở Trung Hoa, hình
tượng của Vaisravana được thờ trên tường và cổng của thành phố và tự
viện. Vaisravana do đó trở thành thần bảo vệ thành phố và tự viện(10). Vào khoảng cuối đời nhà Tống thì tục thờ phượng Vaisravana đã lan truyền khắp Trung Hoa.
Nếu như chúng ta hoàn toàn dựa vào đoạn về giấc mơ
của Khuông Việt trong tiểu sử của ông thì tục thờ Vaisravana (hay Tỳ Sa
Môn Thiên Vương trong tiếng Việt) bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào
khoảng cuối thế kỷ thứ X. Tuy nhiên, sự kiện Khuông Việt nằm mơ thấy Tỳ
Sa Môn khiến chúng ta có thể dự đoán rằng Tỳ Sa Môn hẳn phải là một vị
thần đã được biết đến và thờ phượng trong Phật giáo và tôn giáo Việt
Nam nói chung rồi. Từ viễn cảnh lịch sử, chúng ta khó mà tin rằng tự
dưng Khuông Việt lại nằm mơ thấy Tỳ Sa Môn được.
Chúng ta biết rằng, Phật giáo được truyền vào Việt
Nam qua cả hai ngả Ấn Độ và Trung Hoa. Do đó, Tỳ Sa Môn đã du nhập qua
ngả nào không phải là một vấn đề đơn giản. Ví dụ rằng Tỳ Sa Môn nguyên
thủy là một thần linh Ấn giáo được Phật hóa trong Phật giáo Ấn Độ,
nhưng vào đời nhà Đường, khi Phật giáo đã du nhập Việt Nam qua ngả
Trung Hoa từ vài thế kỷ rồi, rất có thể là Tỳ Sa Môn đã qua Việt Nam
theo lối này.
Tuy nhiên, như đã nhận định: Tỳ Sa Môn đảm nhận
những vai trò khác nhau ở các quốc gia mà thần được thờ. Không những
thế, về mặt hình tượng (iconography), Tỳ Sa Môn cũng thay đổi từ Ấn Độ
sang Trung Hoa. Ở đoạn trên, trong tiểu sử Khuông Việt chúng ta đọc
thấy rằng Tỳ Sa Môn mặc giáp vàng, tay trái cầm thương, tay phải cầm
bảo tháp và có các dạ xoa tùy tùng. Ở Ấn Độ thì Tỳ Sa Môn (dưới danh
xưng Kubera) lại được mô tả là cầm một cây thương, một túi tiền và một
con chồn(11). Có thể nói là ở Việt Nam, Tỳ Sa Môn tổng hợp
các thành tố Ấn Độ và Trung Hoa cũng như Phật giáo và bình dân. Tỳ Sa
Môn trở thành thần bảo vệ Phật pháp và quốc gia Việt Nam. Thần còn đáp
lại lời cầu đảo của Khuông Việt và giúp Lê Đại Hành đánh tan quân Tống(12)"?
Tỳ Sa Môn không phải là vị thần Ấn giáo Phật hóa duy
nhất được thờ phượng trong Phật giáo Việt Nam. Chúng ta biết rằng, Lý
Thánh Tông (trị vì 1054-1072) đã từng cho xây một số chùa để thờ Brahma
và Shakra(13). Trường hợp này chúng ta cũng khó khẳng định
rằng đây là do ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn Độ, từ văn hóa Chàm hay từ
Phật giáo Trung Hoa. Cho đến nay, tục thờ phượng các thần linh Ấn giáo
trong Phật giáo và tôn giáo bình dân Việt Nam vẫn chưa được thẩm xét kỹ
càng. Chúng ta vẫn còn phải chờ đợi các nghiên cứu sâu xa hơn trong
tương lai.
Từ Tỳ Sa Môn Thiên Vương đến Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC), bộ bách
khoa (encyclopedia) về địa lý Việt Nam, một tác phẩm được biên soạn đời
Nguyễn, ghi rằng có đền thờ Tỳ Sa Môn Thiên Vương ở làng Ninh Tảo,
huyện Từ Liêm (Bắc Việt). Theo sách này thì tên của vị thần là Sóc
Thiên Vương và hiệu là Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Chúng ta ghi nhận ở đây
là trong một số tác phẩm soạn sau TUTA, Tỳ Sa Môn Thiên Vương cũng được
đề cập đến dưới danh xưng Sóc Thiên Vương, ĐNNTC thuật lại rằng, Lê Đại
Hành sau khi chứng kiến sự hiển linh của Tỳ Sa Môn đã cho xây thêm
nhiều đền thờ thần. Cho đến nhà Lý, để thuận tiện việc thờ phượng, lại
thêm một đền thờ Tỳ Sa Môn nữa được dựng ở làng Ninh Tảo, gần Tây Hồ.
Các vua nhà Lý cũng ban cho thần tước hiệu "Thần tối cao". Các triều
đại kế tiếp tiếp tục ban tước hiệu cho thần(14).
Tỳ Sa Môn Thiên vương trong văn hóa Tây Tạng
Câu chuyện kể về giấc mơ của Khuông Việt được chép lại trong các dị bản của hai bộ sách quan trọng trong văn hóa sử Việt Nam là Việt điện u linh tập (VĐUL) và Lĩnh Nam chích quái (LNCQ)(15).
So sánh những bản này với TUTA, chúng ta thấy có những dị biệt nhỏ. Tuy
nhiên, những dị biệt ấy nói lên những biến chuyển rất quan trọng. Hơn
nữa, chúng còn hàm chứa một số vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu. Trước
hết, chúng ta thử đọc lại những ghi chép về giấc mơ của Khuông Việt
trong VĐUL và LNCQ.
1. Việt điện u linh tập tục trong truyện "Sóc Thiên Vương" chép(16): "Theo Thiền uyển tập anh,
vào đời Lê Đại Hành có Khuông Việt Thái Sư, không làm quan, thường nhàn
du Vệ Linh Sơn ở quận Bình Lỗ, yêu thích cảnh trí u nhã nên muốn dựng
am ở đó. Một hôm sau khi du lãm sơn am, về ngủ (mơ) thấy một thần nhân
mặc áo giáp vàng, tay cầm thương vàng, có vài ngàn tùy tùng. Thần nhân
tự xưng là Sóc Thiên Vương, (nói rằng: Ta) quán lãnh dạ xoa thần binh,
phụng mệnh Thượng đế, đến bảo vệ đất này và gia hộ phương dân. Ta có
duyên với ông nên đến gặp! Thái sư giật mình tỉnh giấc, nghe trong núi
có tiếng la hét. Cho nên Thái sư đi sâu vào núi, thấy một cội cây lớn
xum xuê, khí lành dễ thương. Thái sư mới lập miếu ở chỗ đó, dùng cây
lớn kia làm tượng thần giống như đã thấy trong mơ. Vào năm Thiên Phúc,
quân Tống xâm nhập đánh phá. Đại Hành hoàng đế có nghe thấy câu chuyện
kia, mới ủy thác cho Thái sư ngầm đến miếu cầu đảo. Lúc ấy, quân Tống
đang đóng ở thôn Tây Kết, quân hai bên chưa đụng trận, bỗng nhiên thấy
một người thân cao hơn một trượng, tóc xõa mắt trợn, từ lòng sông hiện
lên, sóng lớn cuồn cuộn. Quân Tống sợ quá thối lui. Tướng Tống là Quách
Quỳ đem quân về nước. Để tạ ơn, Đại Hành ra lệnh sửa sang miếu cho rộng
rãi hơn".
Bản này hầu như giống với bản chép trong TUTA, ngoại
trừ vài dị biệt như sau: thần nhân có vài ngàn dạ xoa tùy tùng và tự
xưng là Sóc Thiên Vương thay vì Tỳ Sa Môn Thiên Vương, tuy thần nhân
cũng nói là phụng mệnh Thượng đế đến bảo vệ bờ cõi và dân chúng xứ này.
Lưu ý là người biên tập mặc nhiên xem Tỳ Sa Môn là một với Sóc Thiên
Vương (vì ông nhận là dựa vào TUTA) song không hề giải thích Sóc Thiên
Vương là ai. Phải chăng là một danh xưng khác của Tỳ Sa Môn? Điều đáng
chú ý là Sóc Thiên Vương ở đây không cầm bảo tháp (stupa), và chỉ nói
là bảo vệ xứ sở và phương dân chứ không hề đề cập đến Phật pháp. Bảo
tháp là một biểu tượng quan trọng trong Phật giáo(17). Nói tóm lại, ở đây chúng ta thấy Tỳ Sa Môn Thiên Vương và một số yếu tố Phật giáo rõ ràng đã bị loại bỏ.
2. Việt điện u linh tập lục toàn biên trong truyện "Sóc Thiên Vương" chép(18): "Theo sách Thiền uyển tập anh,
vào đời Lê Đại Hành có Khuông Việt Thái sư họ Ngô, thường nhàn du Vệ
Linh Sơn ở quận Bình Lỗ vui ngắm sơn thủy, yêu thích cảnh trí u nhã nên
muốn dựng am tự ở đó. Đêm nằm mơ thấy một thần nhân mặc áo giáp vàng,
tay trái cầm thương vàng, tay phải nâng bảo tháp, có hơn chục người tùy
tùng, trạng mạo cổ quái dễ sợ, bước tới nói, "Ta là Tỳ Sa Môn, tùy tùng
của ta đều là dạ xoa. Thiên đế có lệnh đến quốc độ này bảo hộ dân
chúng. Ta có duyên với ông, cho nên đến ủy thác! Sư giật mình kinh
hoàng, nghe trong núi có tiếng la hét, trong lòng sợ hãi lắm. Sáng ra,
Sư vào núi thấy một cội cây lớn cành lá xum xuê, lại có mây lành che
phủ ở trên. Sư mới sai thợ đốn cây, quả nhiên phù hợp với những gì đã
thấy trong mơ, khắc tượng lập đền. Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống
xâm nhập đánh phá. ([Đại Hành]) Hoàng đế có nghe thấy câu chuyện kia,
mới ủy thác cho Sư đến cầu đảo. Lúc ấy, quân Tống đang đóng ở thôn Tây
Kết, quân hai bên chưa đụng trận, quân Tống tự nhiên sợ hãi, lui về
trấn giữ Chi Giang, lại gặp sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn, quân
Tống tan vỡ. Tướng Tống là Quách Quỳ đem quân về nước. ([Đại Hành])
Hoàng đế xây đền rộng thêm để thờ phụng".
Bản này tương đối gần với TUTA hơn. Ở đây thần nhân
tự xưng là Tỳ Sa Môn Thiên Vương và trên tay trái cũng có cầm bảo tháp.
Tuy nhiên không thấy đề cập đến việc bảo vệ Phật pháp. Tiếp theo lại có
một đoạn kể thêm một sự tích Phù Đổng Thiên Vương. Lời "tiếm bình" lại
xác quyết rằng Sóc Thiên Vương chính là Tỳ Sa Môn Thiên Vương và cũng
là một với Phù Đổng Thiên Vương(19). Lời "tiếm bình" ở đây rõ ràng viết sau LNCQ, vì người viết có đề cập đến sách này.
3. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện trong truyện "Sóc Thiên Vương" chép(20): "Theo sách Thiền uyển tập anh,
xưa vào đời Lê Đại Hành có Cự Việt đại sư họ Ngô, thường nhàn du Vệ
Linh Sơn ở quận Bình Lỗ, yêu thích cảnh trí u thắng, bèn dựng am ở đó.
Đêm canh ba nằm mơ thấy một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay trái cầm
thương, tay phải cầm bảo tháp, có hơn chục người tùy tùng, trạng mạo dễ
sợ, đến nói với Cự Việt đại sư: "Ta là Quỷ Sa Môn Thiên Vương, tùy tùng
của ta đều là dạ xoa. Thượng đế có truyền lệnh sai ta đến thăm chứng
đất Đại Nam quốc, bảo vệ dân chúng. Ta có duyên với ông, cho nên đến ủy
thác, và báo cho ông biết". Sư giật mình tỉnh giấc, lát sau nghe trên
núi có tiếng la hét, trong lòng sợ hãi lắm. Sáng ra, Sư vào núi thấy
một cội cây lớn cành lá xum xuê, lại có khí lành che phủ ở trên. Sư mới
sai thợ đốn cây, khắc gỗ làm tượng thần như đã thấy trong mơ, rồi xây
đền miếu để thờ thần. Năm Thiên Phúc thứ nhất, quân Tống xâm nhập đánh
phá. (Đại Hành) Hoàng đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới sai Sư đến
đền khẩn cầu. Lúc ấy quân Tống đang đóng ở thôn Tây Kết, quân hai bên
chưa đụng trận, quân Tống hốt nhiên thấy một người hiện lên giữa sóng
lớn, thân cao hơn mười trượng, tóc dựng ngược, trợn mắt giận dữ nhìn,
hiển thánh thần quang! Quân Tống trông thấy kinh hãi, lui về giữ trấn
Kỹ Giang, lại gặp sóng lớn nổi lên, giao long rùa ba ra lồng lộn quái
đản. Quân Tống thấy thế kinh hoàng tan vỡ. Tướng Tống là Quách Tiến đem
quân về nước. (Đại Hành) Hoàng đế khen ngợi anh linh của thần, xây đền
rộng thêm để thờ phụng".
Bản này tựa như phối hợp cả (1) và (2) cộng thêm
nhiều chi tiết thêm thắt. Tên Khuông Việt bị viết lầm thành Cự Việt.
Điều này cũng không có gì lạ lắm vì chữ "Khuông" và chữ "Cự" hơi tương
tự nhau. Tỳ Sa Môn Thiên Vương được chép thành Quỷ Sa Môn Thiên Vương.
Tiếp theo cũng có một đoạn ghi nhận rằng có người cho rằng Sóc Thiên
Vương hay Quỷ Sa Môn Thiên Vương (sic) là một với Phù Đổng Thiên Vương.
4. Thiên Nam vân lục trong "Sóc Thiên Vương truyện" chép(21): "Theo sách Thiền Uyển tập lục,
xưa vào đời Đinh Tiên Hoàng có người Cự Việt họ Ngô, thường nhàn du Vệ
Linh Sơn, yêu thích cảnh trí u thắng, bèn dựng am ở đó. Đêm nằm mơ thấy
một thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải cầm bảo tháp, trạng mạo dễ sợ,
có hơn ngàn tùy tùng, đến nói với Ngô: ‘Ta là Tỳ Sa Minh Vương, tùy
tùng của ta đều là dạ xoa. Thượng đế có lệnh đến, sai ta đến thăm chừng
đất đai Bắc quốc, bảo vệ dân chúng. Ta có duyên với ông, cho nên đến
báo cho ông biết’. Ngô giật mình tỉnh giấc, lát sau nghe giữa đá núi có
tiếng la hét, Ngô vừa nghi vừa sợ. Sáng ra, Ngô vào núi thấy một cội
cây lớn cành lá xum xuê lại có mây lành che phủ ở trên. Ngô mới sai thợ
đốn cây, khắc gỗ làm tượng thần như đã thấy trong mơ, rồi xây đền để
thờ thần. Vào thời Đinh Thiếu Đế, quân Tống xâm nhập phương Nam.
(Thiếu) Đế có nghe thấy câu chuyện kia, mới sai Ngô đến đền cầu đảo.
Lúc ấy quân Tống hốt nhiên thấy một người hiện lên giữa sóng lớn, duỗi
thân cao mấy trượng, tóc dựng ngược, trợn mắt giận dữ nhìn, thần quang
long lanh. Quân Tống kinh hãi quá, lui về trấn giữ Giáp Giang, lại gặp
sóng gió dạt dào mênh mông, giao long lồng lộn tung hoành. Quân Tống
người nào cũng sợ, Quách Quỳ mới nhổ trại lui binh. (Thiếu) Đế tán thán
sự anh linh của thần, xây đền rộng thêm để thờ phụng".
Bản này rõ ràng dựa trên (3). Nhưng ở đây Khuông
Việt chỉ được đề cập đến là "ông Ngô", và người biên tập hầu như không
biết rằng Khuông Việt là nhà sư, Tỳ Sa Môn Thiên Vương được gọi là Tỳ
Sa Minh Vương. Biến cố quân Tống xâm nhập nước ta xảy ra vào đời Đinh
chứ không phải đời (Tiền) Lê như những bản trên. Tỳ Sa Minh Vương hay
Sóc Thiên Vương cũng được xem là một với Phù Đổng Thiên Vương.
Chúng ta lưu ý được rằng tất cả những bản này đều mở đầu với câu: "Theo sách Thiền uyển tập anh".
Rõ ràng là những tác gia này đã dựa vào những bản đi trước, và bản đầu
tiên lại dựa vào TUTA. Điều này cũng không có gì lạ bởi vì TUTA được
soạn sớm hơn cả VĐUL lẫn LNCQ. Ngoài những khác biệt liên quan đến các
tên riêng, cả người và địa danh, có thể là do lỗi của người ghi chép
hay sự mù mờ của những tác giả này đối với huyền thoại Phật giáo Ấn Độ.
Đáng chú ý là tất cả các dị bản này đều giống nhau ở chỗ, câu "để cho
Phật pháp phát triển", trong lời Tỳ Sa Môn Thiên Vương nói với Khuông
Việt theo như bản trong TUTA đều bị loại bỏ.
Trong phần dưới đây, chúng ta thử giải thích ý nghĩa
giấc mơ của Khuông Việt từ viễn cảnh vai trò của Phật giáo trong việc
tạo dựng tinh thần quốc gia (nationalism) cũng như sự biến dạng từ Tỳ
Sa Môn Thiên Vương sang Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương. Hy
vọng những nhận định sơ khởi này sẽ là nền tảng cho những thẩm xét sâu
xa hơn về vấn đề nguồn gốc của sự tạo dựng tinh thần quốc gia trong
lịch sử Việt Nam. Vấn đề nguồn gốc của tinh thần quốc gia là một vấn đề
mới và sôi nổi trong ngành xã hội, văn hóa và chính trị học hiện thời.
Ở các xứ Á châu, tôn giáo đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong
vấn đề này. (Còn tiếp)
Như Hạnh (*)
* Giáo sư, phân khoa Triết học và Tôn giáo, Đại
học George Mason, Virginia, USA. (1) Về tiểu sử Khuông Việt xem TUTA,
microfilm #1267, 8a6-9b4
(2) Ibid, 8b1-9a1.
(3) Xem Fredrick W.Bunce, An Encyclopedia of Buddhist Deities,
Demigods, Godlings, Saints & Demons, (New Delhi: D.K.Printworld,
Ltd, 1994), I:574, Jan Knappert, Indian Mythology (London: The Aquarian
press, 1991), 146; Sylvain Lévi, J.Takakusu, Paul Deniéville, eds.,
Hobogirin (Tokyo: Maison Franco-Japonaise, 1929-1930), I &II:
79-83.
(4) Xem Eva Rudy Jansen, The Book of Hindu Imagery: The Gods and Their
Symbols (Diever, Holland: Binkey Kok Publications, 1993), 70.
(5) Xem Gail Hinich Sutherland, The Disguisese of the Demon: The
Development of the Yaksa in Hinduism and Buddhism (Albany: State
University of New York Press, 1991), 63.
(6) Ibid, 65.
(7) Ibid, 61.
(8) Về Tứ Thiên Vương trong Phật giáo xem, inter alia, R.E.Emmerick,
The Sutra of Golden Light (London: Routledge & Kegan Paul,
Ltd.1979), 23-43. Trong vũ trụ luận Phật giáo Tứ Thiên Vương, bốn Thiên
Vương cai trị bốn phương: Dhritarashtra - phương Đông, Virudhaka -
phương Nam, Virupaksha - phương Tây và Vaisravana - phương Bắc. Xem Jan
Knappert, Indian Mythology, 103. Theo Valerie Hansen thì gốc tích
phương Bắc của Vaisravana có lẽ xuất phát từ Khotan, bởi vì Khotan
Vaisravana là thần bảo vệ quốc gia và Khotan lại ở phương Bắc. Xem
Valerie Hansen, "Gods on the Wall: A Case of Indian Influence on
Chinese Lay Religion" trong Patricia Buckley Ebrey & Ebrey &
Pater N. Gregory, eds., Religion and Society in T’ang and Sung China
(Honoluu: University of Hawaii Press 1993), 81.
(9) Xem Valerie Hansen, Gods on the Wall, 84.
(10) Ibid., 80. (11) Ibid., 87.
(12) Điều đáng lưu ý ở đây là Trung Hoa Vaisravana cũng đã từng đóng
vai trò tương tự. Trong Tỳ Sa Môn Nghi Quỹ có thuật lại rằng vào năm
742 tỉnh An Tây bị quân của năm nước bao vây Đại Thạch Khang gửi người
về kinh đô xin giải cứu. Vua Đường hỏi ý kiến Hồ tăng Đại Quảng Trí
(Amoghavajra). Amoghavajra khuyên vua cầu đảo với Bắc phương Thiên
Vương gửi thần binh đi cứu. Kết quả là Tỳ Sa Môn gửi thần binh đến giải
vây An Tây một cách nhanh chóng. Xem T21.228b6-c1. Xem cả Valerie
Hansen, Gods on the Wall, 82-83.
(13) Chẳng hạn, năm 1057 Lý Thánh Tông cho xây hai chùa Thiên Phúc và
Thiên Thọ rồi cho đúc tượng Brahma và Shakra bằng vàng để thờ ở đó. Xem
Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỷ, III:242.
(14) Xem ĐNNTC, tập 27, mục tỉnh Hà Nội, phần Tự Miếu. Đại cương về
sách này, xem số mục 855 trong Trần Nghĩa và Francois Gros, eds., Di
sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu - Catalogue des livres en Han Nom
[dshn] (Hà Nội: NXB KHXH, 1993), I: 490-491.
(15) Đây là hai bộ sách rất quan trọng trong văn hóa sử Việt Nam. Song
cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu đúng đắn nào về hai bộ sách này cả.
Trước 1975 đã có bản dịch ra quốc ngữ, đáng tiếc là bản dịch này đầy
những lỗi lầm, không thể sử dụng được. Về sách VĐUL xem E’mile
Gaspardone, "Bibligraphie annamite" 126-128; Keith Weller Taylor,
Authority and Legitimacy in 11th Century Viet Nam, trong David G.Marr
& A.C Milne, eds., Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries
(Singapore: Institute of Southeast Asia Studies, 1986), 156-169; Notes
on the Việt điện u linh tập, Việt Nam Forum 8 (1968): 26-59; The Birth
of Việt Nam (Berkeley: University of California Press, 1983), 352-359;
DSHN.#4276, 586-588. Về sách LNCQ xem "Bibliographie annamite",
128-130; DSHN, #2012, 206-207.
(16) Xem Việt điện u linh tạp lục toàn biên trong Chang Hing-ho, ed.,
Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, tập 1 (Paris - Taipei:
Publications de l’Eùcolé francaise d’Extrême - Orent & Editions
Universitaires de Taipei, 1992), 39.
(17) Về ý nghĩa của Tháp (Stupa) trong Phật giáo, xem Giusepe Tucci,
Stupa: Art, Architectonies and Symbolism of the Buddhist Stupa
(Emeryville: Dharma Publishing, 1976).
(18) Xem Việt điện u linh tạp lục toàn biên trong Chang Hing-Ho,
214-215.
(19) Ibid.,215.
(20) Xem Lĩnh Nam chích quái liệt truyện trong Chan Hing-Ho, II: 115.
(21) Xem Thiên Nam vân lục trong Chan Hing-Ho, II:222.