Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Độc đáo kho mộc bản kinh Phật thứ hai ở Bắc Giang
25/08/2011 18:55 (GMT+7)


Chùa Bổ Đà cổ kính đang lưu giữ kho mộc bản kinh Phật - Ảnh: Hải Dương


Hình khắc Đức Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát trên ván rất tinh xảo

Kho mộc bản đang nằm trong hậu viện của ngôi chùa Bổ Đà trên dãy núi Phượng Hoàng, thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân Tự, tên thường gọi là chùa Quan Âm Núi Bổ, dân trong vùng vẫn gọi tắt là chùa Bổ.

Chùa Bổ Đà được xây dựng từ thế kỷ 11 (nhà Lý) khi Phật giáo ở nước ta đang trong giai đoạn thịnh trị. Những cuộc chiến tranh liên miên suốt bảy thế kỷ đã tàn phá nặng nề ngôi chùa. Phải đến thời vua Lê Dụ Tông (1705-1729) niên hiệu Bảo Thái, chùa Bổ Đà mới được dựng lại và có hình hài như ngày nay.

Lời Phật trên gỗ thị


Những vị tổ sư của chùa đã có ý tưởng khắc kinh Phật lên trên gỗ để vừa lưu truyền cho đời sau, vừa dùng làm phương tiện truyền dạy Phật pháp cho các môn đồ. Theo hòa thượng Tự Tục Vinh - trụ trì chùa Bổ Đà hiện nay, kho mộc bản kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), còn bản sách kinh cuối cùng được khắc năm nào thì chưa rõ. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình hài.

Tất cả ván kinh ở đây đều được khắc, chạm trên chất liệu gỗ thị. “Xưa, vùng này núi non trùng điệp, cây thị mọc rất nhiều. Gỗ thị nhẹ nhưng dai, dẻo, rất bền, ít khi bị mục nát. Chính vì vậy các tổ sư đã dùng gỗ thị để khắc ván kinh” - sư Tự Tục Vinh cho biết.

Hơn 2.000 ván kinh còn lại đến nay được xếp trên 10 giá gỗ (mỗi giá xếp gần 200 ván kinh, chia làm ba hàng), một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem. Hầu hết ván kinh trong kho mộc bản chùa Bổ Đà có kích thước 45x22x2,5cm (dài, rộng, dày) hoặc 60x25x2,5cm. Nhưng cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150x30x2,5cm hoặc 110x40x2,5cm. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn.


Toàn bộ kho mộc bản kinh Phật ở chùa Bổ Đà

Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Không chỉ có văn tự, những nghệ nhân rất tài hoa khi xưa đã chạm, khắc lên những ván gỗ nhiều hình ảnh tinh xảo. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, các vị la hán... trên nhiều ván kinh.

Số lượng ván kinh ở chùa Bổ Đà không lớn bằng chùa Vĩnh Nghiêm (hơn 2.000 so với hơn 3.050). Ra đời cùng thời kỳ, chúng tôi cứ ngỡ nội dung kho mộc bản kinh Phật ở hai chùa sẽ giống nhau. Nhưng hòa thượng Tự Tục Vinh cho biết: “Nếu như bộ kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm thuộc trường phái Đại thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thì bộ kinh khắc ở chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới. Trong đó nội dung chính của những bản khắc ở đây là ba bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy”.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Phong - phó giám đốc bảo tàng Bắc Giang, nhà nghiên cứu Hán - Nôm, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các ngôi chùa ở Kinh Bắc: “Những ván kinh có khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư”.

Bên cạnh chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở Yên Dũng, có thể nói sơn môn Bổ Đà là chốn tổ, trung tâm Phật giáo lớn thứ hai ở Bắc Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo. Do ảnh hưởng của thiền phái Lâm Tế nên các nhà sư đã cho khắc những bộ kinh đi sâu nghiên cứu về thiền.

Dù thể hiện những giáo lý và tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ nhưng những ván kinh do được khắc ở Việt Nam, bởi những bàn tay của người Việt nên mang dấu ấn Việt khá rõ qua các hoa văn, họa tiết trang trí, trong nhiều bản kinh thể hiện triết lý gắn bó giữa đạo và đời.


Một số tấm ván kinh có khổ rất lớn - Ảnh: Hải Dương

Chưa ai thống kê, nghiên cứu

Về Bổ Đà xem ván kinh nhiều lần, tôi không khỏi băn khoăn rồi đây những bản khắc này sẽ được bảo quản ra sao. Bởi những ván kinh quý giá vẫn được xếp đơn giản trên những kệ gỗ, không có gì che đậy. Giải thích việc những ván kinh này không được để vào trong tủ và đóng lại, trụ trì bảo nếu làm tủ mà không đạt tiêu chuẩn như ở chùa Vĩnh Nghiêm thì sẽ bị mối mọt và chóng hỏng hơn nên nhà chùa vẫn để nguyên hiện trạng như vậy.

Nhưng thiết nghĩ để bảo quản kho mộc bản kinh quý hiếm ấy rất cần một phương pháp khoa học. Những ngày lễ hội, cuối tuần rất đông khách tham quan, chuyện ai đó hiếu kỳ rút ván kinh ra xem, thậm chí có thể dẫn đến thất lạc, không phải là chuyện không thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Phong cho biết trong tổng thể chương trình bảo tồn, bảo tàng các di sản chung của tỉnh Bắc Giang hiện nay đã tính đến kho mộc bản ở chùa Bổ Đà. Nhưng do việc quản lý được phân theo nhiều cấp và kinh phí hạn hẹp nên việc bảo quản kho mộc bản chùa Bổ Đà bị hạn chế.Cần nói thêm kho mộc bản này vẫn chưa một lần được kiểm kê, đánh giá, nghiên cứu chi tiết về nội dung nên chưa có hướng bảo quản cụ thể. Những di sản, báu vật quý giá mà các bậc tiền nhân để lại cho chúng ta may mắn vẫn còn đến ngày nay, nhưng còn ngày mai và mai sau nữa?

Khu vườn tháp đặc biệt


Bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2 là nơi tàng lưu xá lỵ, tro cốt nhục thân của các hòa thượng dòng thiền Lâm Tế. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây dựng một bức thành dài bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn luôn ở trong sự thanh tịch sâu lắng.


Khu vườn tháp chùa Bổ Đà - Ảnh: Hải Dương

Các ngôi tháp chùa Bổ Đà đều được kiến tạo bằng chất liệu truyền thống: xây bằng đá và gạch chỉ, mạch được bít bằng vôi trộn mật mía và bột giấy bản nên rất bền và mịn. Đa số ngôi tháp đều có tên nhưng lâu năm, nét chữ mờ phai nên nay khó xác định chính xác hết. Trong lòng tháp thường đặt bia, bài vị ghi thời gian sinh và hóa nhục thân của các nhà sư nên mỗi ngôi tháp đều là những nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật phái Lâm Tế.

Qua gần 300 năm hưng thịnh và kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch đến nay, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 97 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ. Đa số tháp trong vườn là tháp ba, bốn tầng với độ cao 3-5m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa. Tàng chứa trong 97 ngôi tháp, mộ là xá lỵ, tro, cốt nhục thân của 1.214 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế.

Hải Dương - Theo: Tuoitre.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang