Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mười đại nhục thân Bồ Tát ở Trung Quốc
28/08/2010 09:12 (GMT+7)

Theo Phật giáo, người tu hành đến cảnh giới cao nhất, sau khi viên tịch nhục thân không hư hoại. Thuật ngữ Phật giáo gọi nhục thân bất hoại là “toàn thân xá lợi”, tức Tăng Ni sau khi viên tịch, trải qua nhiều năm thân thể vẫn không thối rửa, trái lại vẫn sinh động giống như sống. Có thể đạt đến cảnh giới nhục thân bất hoại không phải chỉ tu loàng xoàng mà được, do đó mà những Tăng Ni có được nhục thân bất hoại đều được tôn xưng là “nhục thân Bồ Tát”.

Sau đời Đường Tống, danh xưng “nhục thân Bồ Tát” xuất hiện tương đối nhiều. Nhưng đáng tiếc là từ Lục tổ Huệ Năng trở về sau, ngàn năm sau do xảy ra quá nhiều chiến loạn, vô số sông núi, chùa chiền bị tàn phá, Tăng Ni ly tán nên không thể bảo tồn được nhục thân Bồ Tát. Trong cuộc đại cách mạng văn hóa càng xảy ra nhiều việc bạo động  ngược đãi nhục thân Bồ Tát, nên từ đó đến nay nhục thân Bồ Tát trên đất nước Trung Quốc ngày càng hiếm. Tính đến đến thời điểm hiện nay đã bảo tồn được cả thảy là 10 đại nhục thân Bồ Tát.

1. Bồ Tát Từ Hàng

Pháp sư Từ Hàng (1893-1954), tên Ngãi Thế Vinh, người miền Bắc Phúc Kiến, 17 tuổi xuất gia tại Đại Kim Hồ Phúc Kiến, về sau theo học với đại sư Thái Hư, đến các nơi trong nước hoằng pháp. Pháp sư từng viếng thăm Nam Dương, Tuyên truyền quốc sách chống Nhật; về già đến định cư tại Đài Loan, sáng lập “Phật học viện Đài Loan”, mở màn cho nền giáo dục Tăng già Đài Loan, pháp sư còn thâu nhận những vị Tăng trẻ từ Trung Quốc đến Đài Loan. Năm 1949, pháp sư bị vu cáo “tội làm gián điệp” và bị chính quyền Đài Loan bắt giam. Năm 1954, pháp sư viên tịch trong phòng giam. Sau khi thị tịch, nhục thân của Pháp sư được an trí trong một cái vạc, mặt mày sinh động như sống. 5 năm sau mở vạc ra kiểm tra, chỉ thấy săc mặt hơi ngã màu tía, còn toàn thân vẫn tốt. Hiện tại kim thân của Bồ tát Từ Hàng được phụng thờ trong nội viện Di Lặc ở Đài Loan.

Xem lại một đời tu hành của pháp sư Từ Hàng xứng đáng làm biểu mẫu cho hàng Tăng đồ. Ngài niệm Phật nhưng vẫn không quên cứu nước, khi đất nước lâm nguy, pháp sư tuyên truyền quốc sách chống Nhật; ra sức bảo hộ những vị Tăng trẻ, góp phần làm cho Phật giáo Đài Loan được hưng thịnh như ngày nay. Pháp sư là người thực hiện tư tưởng “Phật giáo nhân gian” sớm nhất ở Đài Loan, truyền dạy tư tưởng căn bản của Phật giáo cho mọi người.

2. Bồ Tát Huệ Năng

Bồ Tát Huệ Năng (638 – 713) là người được truyền thừa y bát từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trở thành lục tổ Thiền tông, đây là truyền thuyết rất được nhiều người biết đến. “Bồ đề bổn vô thọ, minh cảnh diệc phi đài, bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”. Đó  là một kiệt tác thơ thiền mà Lục Tổ truyền lại cho người đời sau. Truyền thuyết liên quan đến Lục Tổ rất nhiều, đa số đều mang đậm nội dung thiền lý.

Đứng ở gốc độ cống hiến và nổi tiếng mà nói, Lục Tổ Huệ Năng vượt xa pháp sư Từ Hàng, nhưng về phương diện quan tâm đến xã hội, Lục Tổ lại kém xa pháp sư, cho nên trong đây Lục Tổ chỉ được xếp vào hàng thứ hai.

3. Bồ Tát Nhân Nghĩa

Ni trưởng Nhân Nghĩa (1911-1995), tên Mạnh Tố Mẫn, người Đông Bắc. Năm 1940 đến Ngũ Đài Sơn, xuất gia tại chùa Hiển Thông, pháp hiệu là Nhân Nghĩa. Sau khi xuất gia, Ni sư một lòng tu đạo, tinh tấn hành trì, thâm nhập kinh tạng, phước huệ song tu. Tháng 4 năm 1995, Ni sư đến chùa thiền Thông Tuệ ở Cửu Hoa Sơn, lúc ấy vào khoãng cuối Xuân đầu Đông, tuyệt thực 7 ngày, an nhiên thị tịch, thọ 85 tuổi. 3 năm sau mở vạc an trí nhục thân ra, thấy pháp thân của Ni sư khô nhỏ lại, da thịt không hề hấn gì. Ni sư là một Tỳ kheo ni đầu tiên của Trung Quốc tu hành lưu giữ được nhục thân.

Ni sư Nhân Nghĩa trước khi thị tịch đã để lại lời khuyến tấn như vầy: “thời đại mạt pháp, nhanh chóng niệm Phật”. Vật hiếm thì quý, xét trường hợp của Ni sư Nhân Nghĩa là nhục thân nữ Bồ Tát duy nhất ở Trung Quốc, nên được xếp vào hàng thứ ba.

4. Bồ Tát Địa Tạng

Thích Địa Tạng (630-729), sinh trong vương tộc nước Tân La, họ Kim tên Kiều Giác. Xuất gia vào năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường Cao Tông. Sau khi xuất gia, Ngài dẫn theo con chó trắng giỏi nghe về hàng hải đến Trung Quốc. Ngài đến Cửu Hoa Sơn được Mẫn Công tiếp rước long trọng. Ngài viên tịch vào năm thứ 16 niên hiệu Khai Nguyên trong tư thế kiết già, thọ 99 tuổi. Ba năm sau mở tháp ra thấy sắc diện của Ngài vẫn y như lúc sống, cử động thì nghe tiếng khớp xương vang lên y như lắc cái lục lạc, Pháp sư Kiều Giác còn được xem là hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng, được dân chúng xây tháp tôn thờ nhục thân của Ngài gọi là “Kim Địa Tạng” hay còn gọi là “Nhục thân điện”.

Từ Bồ Tát Địa Tạng trở về sau, danh tiếng Cửu Hoa Sơn vang dội khắp nơi, dần dần hình thành tên gọi Cửu Hoa Sơn là đạo tràng giáo hóa của Bồ Tát Địa Tạng giống như đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù ở Ngũ Đài Sơn, Bồ Tát Phổ Hiền ở Nga Mi Sơn, Bồ Tát Quan Âm ở Phổ Đà Sơn. Do Cửu Hoa Sơn là một ngọn núi Phật giáo nổi tiếng trong nước tập trung nhục thân Bồ Tát nhiều nhất và Thích Địa Tạng là một điển hình, cho nên xếp vào hàng thứ tư.

5. Bồ Tát Hải Ngọc

Thích Hải Ngọc (1497-1623) trụ trong hang động ở Cửu Hoa Sơn suốt 100 năm chưa từng xuống núi, chưa từng tiếp xúc với người, chưa từng thâu nhận đệ tử. Mãi đến 126 tuổi, vào một buổi sáng ngày 14 tháng 9, Ngài ghi lại lịch sử 100 năm qua của mình, đặt ở bên cạnh rồi an nhiên thị tịch. Đến năm Sùng Trinh thứ 3 đời nhà Minh, vua phái binh bộ thượng thư Vương đại nhân đến Cửu Hoa Sơn thắp hương. Đến ngọn núi đầu tiên ở hướng Đông Nam thì trời đã chạng vạng tối, Vương đại nhân thấy đỉnh núi phát sáng, một đạo hào quang trắng chiếu thẳng đến tháp mộ ở hướng Đông Nam trên núi, tháp mộ hướng Đông Nam cũng phóng ra một đạo hào quang, hai đạo hào quang chiếu sáng lẫn nhau. Binh bộ thượng thư dẫn tùy tùng lên núi ngay trong đêm đó, ngọn núi này không có đường đi, cũng không có chùa chiền, chỉ nhìn thấy một cụ già đã thị tịch ở trong hang núi, thi thể đã khô lại. Binh bộ thượng thư quan sát thấy di vật đã mục nát, nhưng thân hình vẫn còn nguyên dạng, chỉ là khô lại mà thôi. Vương đại nhân còn phát hiện bên cạnh có quyển kinh viết bằng máu và tự truyện về thân thế, nhân đây mới biết thời gian mà Ngài thị tịch đến nay đã tròn 3 năm 9 tháng.

Đại sư Hải Ngọc sống vào thời nhà Minh, tinh lực dồi dào, trích máu viết “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, cứ 20 ngày lấy máu một lần suốt 38 năm như thế, viết thành 38 quyển huyết kinh. Đại sư Hải Ngọc giữ giới rất tinh nghiêm, quanh năm làm bạn với khói mây, thanh tịnh dứt ác, dựng lên một biểu mẫu thanh tu điển hình trong nhà Phật.

6. Bồ Tát Đức Thanh

Thích Đức Thanh (1546-1623), họ Thái tên Trừng Ấn hiệu Hám Sơn, người An Huy. Lúc nhỏ vào Giang Ninh (nay là Nam Kinh Giang Tô) đến chùa Báo Ân, 19 tuổi thọ giới Tỳ Kheo, theo học với pháp sư Vô Cực, lại theo Vân Cốc tham thiền khổ tu. Về sau Đại sư chu du khắp nơi, được Hoàng thái hậu ban cho “Đại tạng kinh” và bố kim, lại xây chùa Hải Ấn cho Đại sư trụ trì. Đại sư đề xướng chỉ đạo hợp nhất đạo Thiền Tông và Hoa Nghiêm Tông, Thích Đạo Nho cùng một thể. Đại Sư giỏi về làm thơ, viết chữ theo lối hành thư và thảo thư, từng chích máu viết “Kinh Hoa Nghiêm”. Tác phẩm lưu truyền của Đại sư gồm có “Hoài Tịnh Độ Thi Thiếp” viết theo lối hành thư v.v..

Đại sư Đức Thanh có rất nhiều đệ tử, là một vị cao tăng có sức ảnh hưởng rất lớn vào cuối đời nhà Minh. Đại sư thích về thi văn, từng soạn viết cho mọi người một số lượng lớn văn bia, câu đối, lời tựa, lời bạt v.v.. đồng thời là người đứng ra chấn hưng tổ đình Thiền tông, được tôn là Tổ sư trung hưng Tào Khê.

7. Bồ Tát Hải Khánh

Thích Hải Khánh (1909-1991), quê quán ở Bí Dương, tỉnh Hà Nam. 18 tuổi xuất gia, năm 1987 đến ở luôn trong chùa thuộc huyện Xã Kì, tỉnh Hà Nam. Năm 1989 đến chùa Bạch Mã thọ giới Bồ Tát. Năm 1991 viên tịch, thọ 79 tuổi, hạ lạp 61. Các vị Tăng đồng tu trong chùa liệm Ngài vào trong một cái vạc, an táng trong đất chùa. Mùa Thu năm 1997, chư Tăng đưa hài cốt của Ngài về quê nhập tháp. Lúc mở vạc ra phát hiện pháp sư Hải Khánh vẫn đang ngồi kiết già như lúc còn sống, da thịt hồng hào, giàu tính đàn hồi. Thật là một nhục thân Bồ Tát hiếm thấy.

Pháp sư một đời trì giới tinh nghiêm, tu hành viên mãn nên mới thành tựu phước đức như thế, thật là một tấm gương sáng cho đại đa số Tăng đồ.

8. Bồ Tát Ẩn Liên

Thích Ẩn Liên (1903-1997) là người huyện Phong Chấn, tỉnh Nội Mông, tên là Trần Ngọc. 16 tuổi vào tiệm thuốc học nghề, 18 tuổi phát tâm bồ đề hẹn ước với các bạn đồng học đợi lúc cha mẹ trăm tuổi sẽ cùng đến Ngũ Đài Sơn xuất gia. Cha mẹ qua đời, lúc này Ngài đã 19 tuổi bèn cùng các bạn đi xuống phương Nam đến Ngũ Đài Sơn xuất gia với pháp sư Tăng Vân, pháp sư Tăng Vân đặt cho pháp danh là Ẩn Liên. Năm 1946 sư đến Nam Nhạc, Hồ Nam ở luôn tại Vĩnh Phong tham thiền và được ngộ đạo. Ngày 5 tháng 11 năm 1997 (âl) Ngài an nhiên thị tịch, di thể được an táng trong một quan tài rất đỗi bình thường, chưa từng dùng qua bất kỳ chất chống thối rửa nào, đưa vào tháp an trí. Trãi qua thời gian 3 năm 5 tháng, mở quan tài ra phát hiện mặt mày vẫn như lúc sống, toàn thân nguyên vẹn, cơ thể vẫn giữ tính đàn hồi, tay chân mềm mại, đúng thật là nhục thân đại Bồ Tát.

Ngày tháng mà pháp sư Ẩn Liên tu hành tại Nam Nhạc là một bước ngoặt lớn trên con đường tu học, Ngài từ tham thiền ngộ đạo chuyển qua niệm Phật vãng sanh, cuối cùng tu thành chánh quả. Pháp sư Ẩn Liên dùng kinh nghiệm tu hành của mình để xiển dương một Phật lý như thế này: Tham thiền khó đạt đến cứu cánh, chỉ có niệm Phật vãng sanh mới là cứu cánh.

9. Bồ Tát Đại Hưng

Thích Đại Hưng (1894-1985) tự Liễu Duy. Năm 1931 xuất gia tại Nam Kinh, năm 1958 đến chùa Song Khê ở Cửu Hoa Sơn. Vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 17 tháng 2 năm 1985, Hòa thượng niệm vài tiếng “A Di Đà Phật”, nằm nghiêng về phía tay phải theo thế kiết tường mỉm cười mà quy Tây, thọ 91 tuổi. Sau khi Hòa thượng viên tịch được 7 ngày, chư Tăng vẫn để di thể nguyên trong thế ngồi kiết già đặt vào vạc, sau lại an trí trong một ngôi tháp hình tròn mới xây. Mùa Đông năm 1989, lúc khai tháp mở vạc thì thấy nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, sự kiện được trình lên Hiệp hội Phật giáo Cửu Hoa Sơn, tất cả đều đồng ý khảm lớp vàng mỏng bên ngoài để phụng thờ.

Hòa thượng Đại Hưng đã tu trì hơn 60 năm ở Cửu Hoa Sơn, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng không quên niệm Phật, trước sau như một. Thường ngày xuống núi chu du tự tại, mỗi lần đến thôn làng sẵn tiện trị bệnh cho dân chúng, Hòa thường chỉ cần rờ tay vào là bệnh liền khỏi, trị xong không màng đến tiền, do vậy mà Hòa thượng rất được dân chúng tôn kính. Nhục thân của Hòa thượng là một minh chứng, giới Phật giáo cho rằng chân chánh thực hành Tam học Giới Định Tuệ, công đức thật không thể nghĩ bàn, cả thân lẫn tâm của người tu hành tự phát sanh đầy đủ diệu dụng thù thắng.

10. Bồ Tát Diệu Trí

Thích Diệu Trí (1888-2003), quê quán Phúc Châu. Năm 1937, Ngài đến chùa Quán Thạch Nham thuộc trấn Long Hải Phù Cung, Chương Châu thế phát xuất gia, sau đó đến ở chùa Dũng Tuyền - Cổ sơn, Phúc Châu vào cuối những năm 30 của thế kỷ 20. Năm 1996, Ngài trụ trì chùa Tử Vi, chùa Hưng Giáo ở Ô Thạch Nham huyện Chương Phổ. Năm 1999, do đệ tử Thích Pháp Quang khấu thỉnh, Ngài đến ở luôn tại Niệm Phật đường Hương Quang thuộc khu Long Văn, Chương Châu. Hòa thượng Diệu Trí đã sống qua 3 thế kỷ. vào năm 2000 được bình là “Người già mạnh khỏe của thế kỷ” trong đợt hợp lần thứ năm toàn quốc, đồng thời được xếp đứng đầu bảng. Ngày 28 tháng 1 năm 2003 Hòa thượng viên tịch, trở thành nhục thân Bồ tát duy nhất ở tỉnh Phúc Kiến.

Hòa thượng ở một tỉnh ven biển ẩm thấp như Phúc Kiến mà có thể tu thành nhục thân bất hoại như vậy thật không đơn giản tí nào.

TN.Huệ Trang(dịch) Theo FoWang

Các tin đã đăng:
Về đầu trang