Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch các chư tôn Hòa Thượng, Đại đức Tăng Ni, các Phật tử gần xa.
Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Bích là Thành viên Hội đồng Chứng Minh
Hội Phật Giáo Việt Nam, Đương kim Viện Trưởng Tổ Đình Hội Xá Thường Tín
Hà Nội, Trưởng Sơn môn Tế Xuyên Bảo Khám Hà Nam, Xuân Nhâm Thìn 2012
năm nay Tròn 100 tuổi.
Hòa Thượng là bậc Trưởng lão cao niên bậc nhất của Phật giáo nước
nhà, tiêu biểu về chân tu, đạo hạnh, trai giới, thuần chất, lão thực, có
nhiều mật hạnh bất khả tư nghì. Hòa Thượng là tấm gương sống động, hiện
tiền, sáng ngời cho các thế hệ hậu lai noi theo.
Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Bích, thế danh Nguyễn Văn Bích sinh
năm Quý Sửu 1913 tại Thôn Mai Xá, Xã Đồng Lý, Huyện Lý Nhân Tỉnh Hà Nam,
là con trai thứ tư của hai Cụ Hữu Thượng và Dương Thị Cập (đời thứ 9
của dòng họ Nguyễn tại Mai Xá). Dòng họ Nguyễn của Hòa Thượng là một
dòng họ khoa bảng có hai Cụ Tiên Tổ thi đậu Cống Sĩ và hai Vị Học
Sĩ.
Đời thứ 9 có Cụ Duy Tiến là người có duyên từ bé với Thiền Môn, sau
là Hòa Thượng Thích Thông Tiến trụ trì các chùa Thiên Phúc, Bà Đá, Sủi
Gia Lâm, Hội Xá Thường Tín ở Hà Nội và Tế Xuyên ở Hà Nam. Hòa thượng
Thích Thông Tiến (Tổ Thiên Phúc) là người có công chấn hưng Phật Giáo
những năm 40 thế kỷ 20, thường xuyên vào Viện Bát Cổ Hà Nội chép và dịch
Kinh Phật để in tại Tổ Tế Xuyên Hà Nam cung cấp cho các chùa.
Năm 1917, Hòa Thượng lên năm tuổi được Bố mẹ dắt đi làm ăn xa quê.
Duyên may khi qua Thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng
gia đình Hòa Thượng gặp được nhà Nho Dương Đình Nguỷnh tên chữ là Dương
Đình Cảnh và Cụ bà Trọng Thị Như có gánh hàng tấm tại chợ Núi Đối Kiến
Thụy muốn nhận Hòa Thượng làm con nuôi để chia xẻ khó khăn.
Bố Mẹ đẻ của Hòa Thượng đồng ý cho Hòa Thượng làm con nuôi gia đình
Cụ Dương Đình Cảnh vì thấy gia đình Nhà nho này có gia phong rất nề nếp,
được dân trong vùng nể trọng.
Ông ngoại chúng con Dương Đình Cảnh đã gửi Hòa Thượng theo học tiểu học tại các trường tư thục tại Kiến An, Hải Phòng.
Bà ngoại chúng con, Trọng Thị Như là người rất mộ Đạo Phật, sau khi
sinh nở lần cuối được Dì ruột Dương Tùng Chính chúng con, người cùng
tuổi Quý Sửu với Hòa Thượng, đã phát Tâm ăn chay trường và Niệm Phật tu
tại gia đến cuối đời. (Dì ruột chúng con Dương Tùng Chính là Ni Trưởng
chùa Tiên Long Gò Vấp Sài Gòn, 47 hạ nạp, 85 năm trụ thế và nhập tháp
tại chùa Tiên Long năm 1998).
Ông Bà ngoại chúng con đã phát tâm xây dựng ngôi chùa Song bên cạnh
bến đò Song, Kim Đới. Hòa thượng và chị nuôi tối tối ra ngôi chùa này
niệm Phật. Chính nhờ được sống trong gia đình thấm đẫm tinh thần Đạo
Khổng của Nho học và Đạo Phật, Hòa Thượng cùng Chị nuôi đã được Mẹ nuôi
thường xuyên dắt lên chùa, nên đã cùng phát Tâm ăn chay và niệm Phật tại
gia theo Mẹ, đó chính là Khởi Duyên theo Phật của Hòa
Thượng.
Năm Hòa thượng 13 tuổi, Tổ Thiên Phúc – Hòa Thượng Thích Thông Tiến
vân du qua chùa Song đã hỏi thăm và nhận ra Hòa Thượng chính là cháu
ruột của mình. Được Tổ Thiên Phúc khai thị, giảng Pháp Vô Thường, Hòa
Thượng đã lập tức phát nguyện xuất gia, đó chính là Nghiệp Duyên Nhân
Quả theo Phật của Hòa Thượng.
Hòa Thượng theo Thày Thích Thông Tiến, Người Thầy đầu tiên và suốt
đời của Hòa Thượng đã tu tập ở nhiều chùa hay chốn Tổ như: Thiên Phúc,
Bút Tháp, Bà Đá (Tổ đình Lâm Tế), Tổ đình Tế Xuyên Bảo Khám, Sủi (Đại
Dương Sùng Phúc tự), Đậu (Thành Đạo tự), Tổ đình Hội Xá (Sùng Phúc tự).
Sau 15 năm cùng Thầy Thích Thông Tiến tầm Sư học Đạo ở nhiều Chùa và
Chốn Tổ, Hòa Thượng đã định cư tu tập và xiển dương hoằng pháp tại chùa
Sủi 20 năm, tại chùa Đậu 20 năm và tại Tổ đình Hội Xá 32 năm đến bây
giờ.
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích - cây đại thụ của Phật giáo Việt
Nam đã gần tròn một thế kỷ cống hiến cho Đạo Pháp và Dân tộc, với gần
tám mươi năm trì đại giới. Những cống hiến của Hòa thượng thật vô cùng
to lớn.
Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích là một người có đức tính rất
khiêm cung và giản dị. Cuộc sống hàng ngày của Cụ cũng vô cùng thanh
bạch và đạm bạc. Cả một đời quần áo nâu sồng, cơm chay thanh tịnh mà Tầm
cao Đức hạnh đã vang dội khắp cả nước.
Tại Tổ đình Hội Xá, sáng ngày mùng 5 tết Nhâm Thìn (27/01/2012) Gia
đình họ Dương Đình và Nguyễn Hữu chúng con đã kính dâng bức Thi Họa thủy
mạc của Họa sĩ Trương Lộ - Thư pháp gia hàng đầu Sài gòn, kính chúc Đại
lão Hòa Thượng Thích Thanh Bích bách tuế Vinh Thọ Chí Khánh.
Bức thi họa vẽ chân dung Hòa Thượng trên nền phong cảnh Tổ đình Hội
Xá và viết lạc khoản bài Ngũ ngôn tứ tuyệt của Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến
pháp danh Phúc Vinh:
悟 入 知 見 佛 Ngộ nhập tri kiến Phật
隨 緣 方 便 僧 Tùy duyên phương tiện Tăng
百 年 弘 法 住 Bách niên hoằng Pháp trụ
三 寶 世 間 恆 Tam Bảo thế gian hằng
!
Câu đầu chúng con lấy trong Kinh Pháp Hoa nói về mục đích cao cả của
Đạo Phật là “ Khai thị chúng sinh, Ngộ nhập Phật tri kiến”.
Với đức tính khiêm hạ và hạnh Đầu Đà, Hòa thượng không những là một
bậc Giáo thọ dạy dỗ cho hàng Tăng, Ni cũng như hàng Phật tử trên lớp, mà
ngay trong cuộc sống đời thường, những hành động việc làm của Hòa
Thượng đều là những bài pháp không lời. Hòa thượng suốt đời nguyện theo
lời Phật chỉ giáo nên chúng con ghi tạc hình tượng chân tu của Hòa
Thường bằng câu thứ hai “Tùy duyên, phương tiện Tăng”. Hòa Thượng luôn
toàn Tâm toàn ý hòan thành Sứ mệnh dù đã trăm tuổi, trụ được ở những
nơi Hòa Thương tu tập, Chủ trì, nên chúng con viết câu thứ ba “Bách niên
hoằng Pháp trụ”. Đã có Phật, Pháp, Tăng là Ba Ngôi của Tam Bảo, sẽ vĩnh
hằng trụ trì thế gian nên chúng con viết câu kết “Tam Bảo thế gian
hằng".
Bài Ngũ ngôn tứ tuyệt này đã được Tiến sĩ Phật học, Giảng sư Viện
nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh Sài Gòn, Thượng tọa Tuệ Sĩ Chủ trì chùa Già
Lam Gò Vấp chấp thuận.
Gia đình họ Nguyễn Hữu chúng con đã có tâm nguyện xây dựng một đĩa VCD
về hình ảnh, tư liệu cuộc đời của một Vị Chân Tu Mẫu mực, Uyên thâm,
Thấm đẫm văn hoá thuần Việt, Khả kính đó là Đại lão Hòa Thượng Thích
Thanh Bích và Bà Dì ruột chúng con là Cố Ni Trưởng Dương Tùng Chính để
lưu truyền cho con cháu.
Đức Pháp chủ Giáo hội Hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Tổ đình
Giáng - Phú Xuyên Hà Nội, Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ đã có đôi lời trong
cuốn DVD trên ghi nhận Công đức, Đức hạnh, Phẩm chất cao đẹp của Hòa
Thượng: “…Trước sau Cụ luôn có đạo đức chất phác thủy chung… có Đạo
hạnh tu hành, tác phong của cổ Đức. Chúng tôi luôn luôn ghi nhận Cụ là
Người có thể là tiêu biểu cho giới tu hành hạnh giới hiện đại là một Bậc
thuần túy đạo đức, trai giới tịnh nghiêm.”
Nhà thơ Phan Quế bằng những câu Lục bát giản dị trong bài “CHÂN TU”
viết về Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích ở khổ thơ đầu không tin
rằng có một sự thật hiển nhiên đó là:
“Như là cổ tích ngày xưa
Rêu phong mái cổ, nắng mưa chùa làng.
Chỉ hoa trái với đèn nhang
Tâm Thiền - hướng Phật, Niết Bàn lòng sư...”
Nhà thơ chỉ có thể giải thích Sự Thật ngoài sức tưởng tượng của người
đời bằng Sự chiêm nghiệm thật Đơn Giản của tất cả những ai đã từng
biết, từng gặp hay thỉnh giáo Hòa Thượng. Và trong khổ thơ kết, nhà thơ
khắc họa Sự tích trở thành hiện thực đó là:
“Đang là cổ tích bây giờ
Nâu sồng bao vạt áo chùa vì dân
Thương người thương nước thương thân
Mà nên công quả trọn phần chân tu !”
Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật./.
Sài gòn tháng giêng Nhâm Thìn 2012
Phật tử Nguyễn Hữu Tuyến Pháp danh Phúc Vinh kính bút.