Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Người Trung Quốc đầu tiên xuất gia
Bằng Hư
04/10/2011 14:55 (GMT+7)





Hòa thượng đầu tiên của người Hán

Chu Sỹ Hành sinh năm 203, ông sống vào thời Tam Quốc, vốn là người Dĩnh Xuyên, nay là Hứa Xương, thuộc Hà Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ, Chu Sỹ Hành đã có chí thoát tục, vì vậy ông quyết định xuất gia, song vẫn chưa thụ giới. Mãi tới năm 250, khi một cao tăng Ấn Độ là Huy
n Hà Gia La tới Lạc Dương để giảng kinh Phật, Chu Sỹ Hành mới chính thức trở thành người tu hành. 

Tại đây, Huy
n Hà Gia La đã lập một giới đàn ngay tại chùa Bạch Mã để thụ giới cho những tín đồ tin theo Phật và muốn được xuất gia. Khi đó, Chu Sỹ Hành đã 47 tuổi và đang sống ở Lạc Dương, nghe có đại sư Ấn Độ sang giảng kinh lại còn lập đàn thọ giới cho chúng đồ thì háo hức tìm tới xem. Chu Sỹ Hành là một trong những người đầu tiên lên giới đàn xin được thọ giới của Huyền Hà Gia La, xuất gia theo Phật. 

Chu Sỹ Hành

Theo những gì sử sách ghi chép thì Chu Sỹ Hành chính là người Hán đầu tiên xuất gia làm hòa thượng mặc dù Phật giáo đã được truyền tới Trung Quốc trước đó khá lâu. Tuy nhiên, đây không phải là “kỷ lục” duy nhất mà vị hòa thượng họ Chu đã ghi dấu ấn trong lịch sử Phật giáo ở quốc gia đông đúc này.

Sau khi xuất gia, Chu Sỹ Hành chuyên tâm tu tập, nghiên cứu kinh sách, lấy việc hoằng dương Phật pháp làm chí nguyện. Tuy nhiên, thời bấy giờ, kinh Phật được dịch ra tiếng Hán còn rất ít. Những kinh đã được dịch phần nhiều đều thuộc kinh điển Tiểu thừa do các vị cao tăng như An Thế Cao, Khương Tăng Hội dịch.

 Còn kinh điển Đại thừa thuộc hệ Bát Nhã chỉ lưu hành một bộ kinh là “Đạo hành bát nhã” do Trúc Phật Sóc khẩu truyền, Chi Lâu Ca Sấm dịch sang tiếng Hán vào đời Hán Minh Đế niên hiệu Quang Hòa thứ 2, tức năm 179.

Vì kinh này do Đại sư Trúc Phật Sóc khẩu truyền, lại thêm Chi Lâu Ca Sấm là người nước Đại Nhục Chi, đối với ngôn ngữ tập tục của Trung Quốc chưa thông đạt, nên khi dịch ra văn Hán chưa diễn đạt được hết ý nghĩa. Chu Sỹ Hành khi đọc bản kinh “Đạo hành bát nhã” này đã phát hiện nội dung bản dịch chữ Hán có 4 điều chưa đạt. Thứ nhất là kinh “Đạo hành” là loại thứ 4 trong kinh “Đại bát nhã” nhưng nội dung dịch quá giản lược. 

Thứ hai là nhóm phiên dịch kinh “Đạo hành bát nhã” từ tiếng Phạn sang tiếng Hán gồm có: Đại sư Trúc Phật Sóc người nước Thiên Trúc khẩu truyền kinh Đạo hành bằng tiếng Phạn, Sa môn Chi Lâu Ca Sấm người nước Đại Nhục Chi khẩu dịch sang tiếng Hán để một người nghe và ghi chép lại bằng chữ Hán, người này là người Trung Quốc. Vì thế ban phiên dịch này chưa đạt được về lý kinh, cả về văn Phạn cả về văn Hán. 

Thứ ba là giữa người khẩu dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán và người ghi chép lại không tương ứng, có đoạn ghi chép lại được, nhưng có đoạn không ghi chép lại được, nên nội dung bản dịch chữ Hán không được liền mạch. 

Thứ tư, người khẩu dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán không dùng phép tu từ, người nghe và ghi chép lại cũng không dùng phép tu từ, nên bản dịch chưa đạt được về cả văn lẫn chất. Sử chép lại rằng, Chu Sỹ Hành than vãn với các đệ tử rằng: “Kinh này vô cùng quan trọng, thế mà việc dịch lại không được thấu đáo”. 

Vào lúc bấy giờ, Chu Sỹ Hành nghe rằng, ở Tây Vực có một kinh “Đại hành” nguyên bản bằng tiếng Phạn, ông ghĩ rằng nếu như mình lấy được bản gốc bằng tiếng Phạn rồi tổ chức dịch lại thì tương lai của việc truyền bá kinh Phật sẽ vô cùng xán lạn. Vì vậy, vào năm 260, khi tuổi đã ngoài 50, Chu Sỹ Hành vẫn lập chí “Tây du”, quyết cầu cho được kinh Phật mang về. Đó cũng là thời điểm bắt đầu của chuyến viễn du cầu pháp đẫm màu huyền thoại đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. 

Và chuyến “Tây du” một đi không trở lại

Vào năm 260, Chu Sỹ Hành xuất phát từ Ung Châu (nay là Thiểm Tây) đi thẳng về phía Tây. Trải qua rất nhiều gian nan, hiểm trở, cuối cùng, Chu Sỹ Hành cũng đến được nước Vu Điền, nay là Hòa Điền, Tân Cương. Tại đây, quả nhiên, Chu Sỹ Hành tìm thấy bản kinh “Đạo hành” nguyên bản bằng tiếng Phạn. Vui mừng khôn tả, ông lập tức sao chép lại nguyên bản 90 chương của kinh “Đạo hành bát nhã”. Vì cuốn kinh có 90 chương, nên sau này có người gọi là Cửu thập chương. 

Sau khi sao chép xong nguyên bản tiếng Phạn, Chu Sỹ Hành định sai đệ tử của mình là Phất Như Đàn cùng 10 người khác đưa bộ kinh “Đạo hành bát nhã” tiếng Phạn về Lạc Dương. Tuy nhiên các tín đồ Tiểu thừa tại nước Vu Điền cho rằng, nếu như để Chu Sỹ Hành mang được bộ kinh “Đại hành bát nhã” của dòng Đại thừa về Trung Quốc thì ắt sẽ gây ra cản trở, ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của dòng tu Tiểu thừa tại đây. 

Chính vì thế, họ mới vu cáo “Đại hành bát nhã” là loại kinh điển ngoại đạo và nói với Quốc vương nước Vu Điền rằng: “Sa môn người Hán dùng sách Bà La Môn để làm mê loạn chính điển, nếu như đại vương cho phép họ về nước, sự phát triển của đại pháp tất sẽ bị tàn lụi và tội lỗi tất cả là do đại vương mà ra”. 

Vua nước Vu Điền nghe thấy vậy, nhất định không cho phép Chu Sỹ Hoành và các đệ tử ra khỏi đất nước, trở về Trung Quốc.

Chuyện kể rằng, Chu Sỹ Hành biết chuyện những người thuộc dòng tu Tiểu thừa ở Vu Điền vu cáo mình thì vô cùng tức giận, bèn tới gặp Quốc vương Vu Điền rồi nói rằng, trước mặt đức vua, ông sẽ ném bộ kinh “Đạo hành bát nhã” vào lửa, nếu như lửa không thể thiêu rụi được bộ kinh, chứng tỏ nó không phải là loại “bàng môn tà đạo” như lời người ta vu cáo, và xin đức vua cho phép đưa kinh trở về Trung thổ. 

Nói dứt lời, Chu Sỹ Hành lập tức cầm bản “Đạo hành bát nhã” ném thẳng vào lò lửa. Tuy nhiên, ngay khi cuốn kinh vừa ném vào ngọn lửa thì ngọn lửa đang cháy bừng bừng bỗng tắt lịm, cả cuốn kinh vẫn nguyên vẹn, không mảy may tổn hại. Cả triều đình nước Vu Điền đều lấy làm kinh ngạc, còn những người thuộc tăng phái Tiểu thừa thì không nói được lời nào. 

Tuy nhiên, đó dường như chỉ là một câu chuyện đẫm chất huyền thoại được các tín đồ sau này tưởng tượng ra. Còn trên thực tế, thì phải mất tới 12 năm sau đó, nghĩa là tới năm 282, khi Chu Sỹ Hành mất, đệ tử của ông là Phất Như Đàn và một số đệ tử khác mới tìm được cách đưa bộ kinh “Cửu thập chương” về tới đất Trung thổ. Rồi lại phải mất gần mười năm sau đó, tới năm 291, Phất Như Đàn mới mời được người biên dịch cuốn kinh này từ tiếng Phạn ra tiếng Hán. 
Tượng Chu Sỹ Hành

Theo sử sách ghi chép, năm 291, Phất Như Đàn mời một ban phiên dịch tập trung tại chùa Thủy Nam, huyện Đông Lưu, Hà Nam để tiến hành dịch kinh “Cửu thập chương”. Ban phiên dịch gồm có: Đại sư Vô La Xoa, người nước Vu Điền, đọc văn kinh tiếng Phạn, Đại sư Trúc Thúc Lan, khẩu dịch ra tiếng Hán và Chúc Thái Huyền và Chu Huyền Minh làm người ghi chép lại bằng chữ Hán.   

Bộ kinh được dịch xong vào tháng chạp năm đó, tuy nhiên, mãi đến 12 năm sau, tới đời Vua Tấn Huệ Đế niên hiệu Thái An năm thứ 2 (năm 303), Đại sư Trúc Pháp Tịch đến chùa Thủy Nam cùng Sa môn Trúc Thúc Lan đã hiệu đính và đổi lại kinh thành kinh “Phóng quang bát nhã”. 

Một năm sau đó, vào niên hiệu Vĩnh An nguyên niên, tức năm 304 thì hiệu đính xong. Như vậy, tính từ thời điểm Chu Sỹ Hành tới được Vu Điền lấy được kinh cho tới khi bộ kinh này được dịch hoàn tất tổng cộng mất tới hơn 30 năm. Cho tới khi bộ kinh này được dịch hoàn tất ra tiếng Hán theo đúng tâm nguyện của Chu Sỹ Hành thì ông đã qua đời hơn 20 năm.

Mặc dù Chu Sỹ Hành không thể tự tay mang bộ kinh về tới Trung thổ, phần dịch ra tiếng Hán của các đệ tử vẫn được tiến hành theo phương pháp cũ, nhiều chỗ không được hoàn thiện, tuy nhiên, các học giả đời sau đều thống nhất cho rằng, cuộc “Tây du” của Chu Sỹ Hành là một tiền lệ tốt cho những chuyến viễn du Tây Thiên cầu Phật pháp của Pháp Hiển hay Huyền Trang sau này. Hơn nữa, chuyến đi của Chu Sỹ Hành còn mở ra quá trình giao lưu về văn hóa và Phật giáo giữa Trung Quốc với các quốc gia nằm ở phía Tây.

Theo: phunutoday.vn
Đánh 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang