Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nơi có nhiều
danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử.
Ngay giữa thủ đô Hà Nội, tập trung
hơn 100 ngôi chùa lớn nhỏ, nằm xen kẽ trong các phố phường tấp nập. Mặc dù vậy,
những ngôi chùa vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nguyên sơ của chúng. Dưới đây là các
ngôi chùa tiêu biểu ở Hà Nội.
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ , phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Trước đây, khu vực này thuộc thôn Yên Tập, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên.
Chùa thờ Phật và thờ vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh Không.
Năm 1943, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ. Năm 1942, chùa
được xây lại theo quy mô kiến trúc và trang trí nội thất như ngày nay. Chùa có
quy mô kiến trúc lớn, tam quan kiểu 3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông.
Qua tam quan đến một sân rộng lát gạch. Giữa sân xây tòa chính điện cao, hình
vuông, có hành lang bao quanh. Hai bên và đằng sau là là dãy nhà dung làm thư
viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng. Chùa Quán Sứ hiện nay là trụ sở của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự)
Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo
Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý. Chùa lập ngay trên nền nhà
cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh và Nguyễn Thị Loan, ở địa phận làng Yên
Lãng, tức là làng Láng vì thế gọi là chùa Láng.
Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh đã đắc đạo liền hóa kiếp ở chùa Sài Sơn (tức
chùa Thày), huyện Quốc Oai, đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu
Dương Hoán, em ruột vua Lý Nhân Tông. Lý Nhân Tông không có con trai, lập con của
Sùng Hiền hầu Dương Hoán làm Thái tử. Về sau người con trai ấy làm vua tức là Lý
Thần Tông. Cũng vì sự tích ấy mà sau này chùa Láng cũng như chùa Thày thờ Từ Đạo
Hạnh đều có thờ Lý Thần Tông.
Chùa Láng xây dựng trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ, từ xưa vẫn được
coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Từ thời Lý đến nay, chùa đã
được nhiều lần sửa chữa, nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính.
Trong chùa có nhiều đồ thờ cổ, có nhiều tượng phật, có tượng Lý Thần Tông và đặc
biệt là tượng Từ Đạo Hạnh không tạc bằng gỗ đá, mà đan bằng mây và quét sơn bên
ngoài. Trước đây, trong chùa còn giữ được một cuốn sách kinh bằng đồng khắc chữ,
tương truyền là của vua Lý Nhân Tông dùng tụng niệm khi sinh thời.
Chùa Cầu Đông
Chùa có tên là "Đông Hoa Môn tự" bắc qua sông Tô ở phía đông Hoàng thành
Thăng Long xưa. Hiện nay chùa nằm tại số 38 B phố Hàng Đường phường Hàng Đào,
trong khu vực phố cổ Hà Nội. Phố này dài 180m nhưng thuộc về đất đai của hai
làng cổ. Đoạn trên là đất làng Vĩnh Thái, đoạn dưới là đất làng Đông Hoa Môn.
Chùa Cầu Đông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII). Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624),
chùa được sửa chữa và mở rộng. Các năm 1639, 1711, 1816 chùa lại được trùng tu.
Chùa hiện giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ. Tam quan xây lầu cao làm gác chuông.
Chùa chính hình chữ đinh, các mảng chạm hổ phù, rồng vờn mây, hoa lá mang phong
cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.
Chùa có 60 pho tượng cổ, tiêu biểu nhất là các tượng Tuyết Sơn, Di Lạc và bộ Tam
Thế là cổ vật rất quí. Chùa còn bốn tấm bia có các niên đại 1624, 1639, 1711,
1816. Bia 1624 có tên là Đông Môn tự ký (bài ký về chùa Đông Môn) do nhà sư
Nguyễn Văn Hiệp dựng, kể lại việc chính ông mua thêm đất mở rộng khuôn viên và
xây dựng mở mang chùa.
Ngoài ra, trong chùa còn cổ vật là quả chuông đồng đúc thời Tây Sơn năm 1800,
niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8. Trên chuông có bài minh mở đầu bằng dòng chữ: “An
Nam quốc, Phụng Thiên phủ, Thọ Xương huyện, Đông Hoa Môn Nội Tự thôn”, và cho
biết: “Duy gọi chùa cổ, cầu đá ven sông, sông Tô bên trái, cửa Hoa bên phải”.
Ghi chép này đúng với vị trí hiện nay của chùa. (Cửa Hoa tức cửa Đông Hoa ở
khoảng ngã tư Hàng Vải-Bát Sứ). Trong chùa bên trái hậu cung có thờ hai pho
tượng Trần Thủ Độ và bà vợ. Như vậy, nơi đây độc nhất ở Hà Nội có thờ vị khai
quốc nhà Trần. Chùa Cầu Đông đã đi vào ca dao:
"Cầu Đông vang tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương
Mặt ngoài có phố Hàng Đường...”
Năm 1989, chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
Chùa Ngũ Xã
Chùa Ngũ Xã có tên là Thần Quang Tự, được xây dựng từ thế kỷ XVIII thời hậu
Lê (1428-1788 ). Xưa chùa thuộc thôn Ngũ Xã, là một bán đảo bên hồ Trúc Bạch, có
nghề đúc đồng nổi tiếng thuộc tổng Thuận Thành, huyện Vĩnh Thuận, thành Thăng
Long. Nay là số nhà 44 phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội.
Chùa Ngũ Xã, ngoài việc thờ Phật còn thờ nhà sư Nguyễn Minh Không, tục truyền là
tổ nghề đúc đồng. ở đây chỉ có một pho tượng Di Đà rất lớn, mới được đúc năm
1952.
Việc đắp cốt được khởi công vào ngày Phật Đản (tức ngày 8-4 âm lịch) năm 1949.
Đến cùng ngày này năm 1952 thì khánh thành. Tượng cao gần 4m, chu vi tượng
đo tới 11,6m. Trọng lượng toàn pho tượng là 10 tấn đồng. Còn Tòa sen gồm 76 cánh
cũng đã dùng tới 1,6 tấn đồng. Tượng Di Đà của Chùa Ngũ Xã là một kiệt tác của
nghề đúc đồng thủ công ở Hà Nội.
Chùa Ngũ Xã là một trong số ba ngôi chùa ở Hà Nội được xây dựng lại trong thập
kỷ 40 và 50 bằng vật liệu mới (xi măng, sắt thép), nhưng vẫn giữ phong cách chùa
cổ điển Việt Nam (hai ngôi chùa kia là chùa Quán Sứ xây dựng lại vào năm 1942 và
chùa Hưng Ký xây năm 1933).
Chùa được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa ngày
11/5/1993.
Chùa Hòe Nhai
Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự, nay ở số 19 phố Hàng Than, phường
Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ
đời nhà Lý, trải qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1687, 1899 và 1952.
Phía trước là nhà chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là
hành lang. Trong chùa có một số bia đá, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24
(1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Chính
nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày
29-1-1258 của quân dân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân
Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
Trong chùa có 36 pho tượng, cổ nhất là tượng Cửu Long (Thích Ca mới ra đời) và
đặc sắc nhất là tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua nằm phục xuống.
Chùa Hòe Nhai là “chốn tổ” của phái Tào Động, một trong hai phái lớn của Thiền
Tông ở miền Bắc Việt Nam.
Năm 1962, Thành Hội Phật giáo Hà Nội đã dựng tại đây tháp ấn Quang để kỷ niệm
Hòa thượng Thích Quảng Đức tu tại chùa ấn Quang Sài Gòn đã tự thiêu ngày
11-6-1963, để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam.
Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa ngày 21/1/1989.
Chùa Kim Liên
Chùa được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây, nay thuộc
phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Tương truyền nơi dựng chùa là nền cũ của cung Từ
Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông (1128-1138)
đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu, nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang (tằm
dâu).Trại này sau đổi tên là phường Nghi Tàm.
Chùa có từ thế kỷ XVII. Theo tấm bia hiện còn trong chùa soạn ra có nêu: chùa
vốn có tên là Đại Bi dựng vào năm 1631. Bảy năm sau, nhân dân góp công để mở
rộng thêm khu chùa. Đến năm 1771, chúa Trịnh cho dỡ chùa Bảo Lâm ở phía tây kinh
thành về tu bổ lại chùa này và đổi tên chùa là Kim Liên.
Cái tên Kim Liên có từ đó, nhưng diện mạo chùa như hiện nay là do lần trùng tu
vào năm 1792 với bố cục theo kiểu chữ "tam", gồm ba nếp, mỗi nếp có hai tầng
mái. Các đầu đao cong vút, mềm mại.
Trong chùa có một pho tượng quý khiến giới sử học hết sức quan tâm đó là pho
tượng có hình dạng như một người trung niên, râu ba chòm, mình mặc áo cà sa, tay
cầm hốt, đầu lại đội mũ dành cho vua quan. Có thuyết bảo đó là tượng chúa Trịnh.
Nhưng cũng có người cho rằng đó là tượng của một vị hòa thượng coi giữ chùa,
nguyên là nội thị trong phủ chúa Trịnh.
Ngoài pho tượng này (có cách đây hơn hai trăm năm), ở gian giữa chùa có bức
hoành phi "Hoàng uẩn” (có nghĩa là: Đạo lý sâu sắc và rộng rãi) làm vào năm
1870. Còn hoành phi "Liên hoa hải hội" (có nghĩa là: Cảnh sum vầy vui đẹp nước
Phật) thì mới được làm năm 1930.
Trong cuốn “Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-1995” do Ban Văn hóa Văn nghệ Trung
ương xuất bản đã đánh giá chùa Kim Liên là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc
sắc nhất Việt Nam.
Chùa Liên Phái
Ở giữa phố Bạch Mai nội thành Hà Nội, có một cái ngõ tên là ngõ Chùa Liên Phái.
Đó chính là lối dẫn vào ngôi chùa Liên Phái cổ kính. Hai bên cổng là hai hồ
rộng, ngay ở cổng chùa có tháp Diệu Quang cao 10 tầng hình lục lăng. Tiếp đến là
nhà bia có tấm bia kể lại sự tích chùa.
Qua sân rộng là nhà bái đường, sau đó là hậu cung. Một khoảnh sân trồng hoa ngăn
cách hậu cung với nhà tổ. Trong chùa có 15 pho tượng. Điều khiến cho chùa Liên
Phái được coi như một di tích lịch sử giá trị chính là khu vườn tháp phía sau
chùa.
Tại đó, trên một gò đất cao có 9 ngôi tháp xây thành 3 hàng: hàng thứ nhất có
hai ngôi, hàng giữa có năm ngôi và hàng sau hai ngôi. Hàng giữa chóan phần cao
nhất có ngôi tháp Cứu Sinh bằng đá là nơi táng hài cốt vị sư tổ thứ nhất, đồng
thời là người sáng lập ra chùa Liên Phái-Phò mã Trịnh Thập.
Sự tích vị sư tổ Trịnh Thập được kể lại như sau: Trịnh Thập (hay Hợp, sinh năm
1696, mất năm 1733) là một tôn thất họ Trịnh được lập phủ đệ riêng ở phường Hồng
Mai (nay là Bạch Mai). Một lần Trịnh Thập cho đào đất ở gò cao sau nhà để xây bể
nước thì thấy trong lòng đất có một tảng đá hình ngó sen. Ông cho đó là dấu
hiệu của Phật và tin rằng mình có duyên với đạo này.
Sau đó, Trịnh Thập biến phủ đệ của mình thành chùa Liên Tông, đồng thời xuống
tóc đi tu và trở thành vị tổ thứ nhất của chùa này. Ông mất năm 37 tuổi, hài cốt
được táng trong ngôi tháp xây ở giữa gò, nơi từng đào được ngó sen đá-đó là tháp
Cứu Sinh. Theo một tấm bia hiện còn ở chùa khắc năm 1857 thì chùa được xây vào
năm 1726.
Đến thế kỷ XIX, chùa Liên Tông đổi tên thành Liên Phái.
Như vậy, ngôi chùa đã trên 250 năm, ngôi tháp Cứu Sinh cũng ngần ấy tuổi. Đây là
ngôi tháp cổ có lai lịch rõ ràng nhất, hiện ở khu vực nội thành Hà Nội.
Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa ngày 28/4/1962./.
(TTXVN/Vietnam+)