Chinh phục dãy Yên Tử từ sườn Đông về hướng Tây theo đường Xích Tùng
cổ chạm đến địa phận huyện Sơn Động (Bắc Giang) thì phải dừng lại, vì
rừng rú bịt bùng lối đi, tôi đành vòng sang huyện Đông Triều (Quảng
Ninh), vùng đất Yên Sinh cổ, nơi có khu nghĩa địa 8 vị vua triều Trần.
Tôi như bắt được vàng khi cầm trên tay tập tài liệu của PGS.TS. Phan
Khanh, do anh Nguyễn Văn Sơn – cán bộ Phòng Văn hóa – Truyền thông
huyện Đông Triều cung cấp. Tài liệu có đoạn nói về các tuyến đường kết
nối các di tích trên dãy Yên Tử từ 700 năm trước.
Theo đó, thời Trần, có một con đường từ chùa Quỳnh Lâm (trung tâm
Phật giáo lớn nhất nước) đến đền Sinh, đền Thái, quần thể lăng mộ vua
Trần, lên hệ thống Ngọa Vân, vòng sang chùa Hồ Thiên, Ba Bậc. Từ hệ
thống di tích sườn Tây và Nam này, sẽ đi dọc sườn Yên Tử sang Hoa Yên,
chùa Lân bên sườn Đông.
Như vậy, thời Trần đã tạo ra một con
đường liên thông nối các di tích từ sườn Tây và Nam sang sườn Đông của
dãy Yên Tử, tạo thành một con đường hành đạo thông suốt dài mấy chục km
quanh dãy núi thiêng.
|
Quang cảnh từ đỉnh Phật Sơn, nơi có chùa Hồ Thiên, nhìn xuống. |
Thậm chí, nhà khảo cổ Nguyễn Văn Anh (Viện Khảo cổ học) còn đưa ra
nhận định rằng, khu vực Ngọa Vân là cầu nối dài hệ thống chùa tháp của
thiền phái này đến tận vùng Côn Sơn, Hải Dương ngày nay.
Như
vậy, ngay từ thời kỳ đó, vùng đất núi cao rừng rậm này từng là một hệ
thống di tích Phật giáo vô cùng rộng lớn, mà hiện nay chúng ta vẫn chưa
thể tưởng tượng nổi, chứ đừng nói đến chuyện khám phá hết.
Nắm được con đường cổ kết nối các di tích Yên Tử, tôi tìm đến xã An
Sinh. Nhà ông Nguyễn Hữu Tâm nằm ngay lăng mộ Trần Hiến Tông. Ông là
người khá hiểu biết về sườn Tây và Nam Yên Tử.
|
Những di vật của ngôi chùa Hồ Thiên nổi tiếng nằm lẫn với cỏ. |
Ông dẫn tôi lên đập Trại Lốc, con đập cao vòi vọi nhấn chìm cả 2 ngôi
mộ khổng lồ của Trần Minh Tông và Trần Anh Tông, rồi chỉ tay ra tứ
phía mô tả hệ thống di tích triều Trần ở vùng Yên Sinh cổ cho tôi nắm
bắt.
Đứng trên đập Trại Lốc, phóng tầm mắt về phía Nam, nhìn
thấy khu vực nơi từng là chùa Quỳnh Lâm, nhìn rõ quần thể đền An Sinh
mới được phục dựng, mỏm đồi từng có đền Thái khổng lồ và những khe núi,
đỉnh đồi, nơi từng có những quần thể lăng mộ, đền đài nổi tiếng thờ
các vua Trần.
Thật đau lòng khi những di sản kỳ vĩ được ghi
chép tường tận trong lịch sử, nằm trong tầm mắt khi đứng trên đập Trại
Lốc giờ chẳng còn bóng dáng đâu nữa.
|
Dấu vết nền chùa. |
Theo ông Tâm, từ đập Trại Lốc của xã An Sinh, sẽ có một con đường
vòng cung đi lên am Ngọa Vân. Cứ bám dọc suối Trại Lốc, đi vòng sang
phía huyện Lục Nam, xuyên qua những cánh rừng già, đại ngàn trúc, qua
mấy dãy núi, lên đến đỉnh núi Bảo Đài (tên cổ là núi Vây Rồng), sẽ đến
được am Ngọa Vân.
Còn một con đường nữa là xuất phát từ con
suối của xóm Tây Sơn (xã Bình Khê, Đông Triều) đi thẳng nên sườn núi
Bảo Đài. Chỉ đi một đoạn, rẽ ngang về hướng Đông, sẽ gặp một di tích
hoang phế tuyệt đẹp, mà theo các nhà khoa học, đó là chùa Hồ Thiên nổi
tiếng.
|
Chân đế còn, nhưng bia đá đã bị đập vỡ. |
Ông Tâm thuộc các con đường với những địa điểm có di tích làu làu, vì
lúc còn trẻ ông hay vào rừng kiếm sống. Tuy nhiên, giờ ông tuổi cao,
lại bị viêm đa khớp, đầu gối sưng tấy, không đi được nữa.
Ông
Tâm đã kiếm cho tôi một người dẫn đường, cũng khá thuộc những con đường
dọc ngang phía Tây và Nam Yên Tử. Vậy là chúng tôi vạch rừng lên
đường.
Sớm tinh mơ, tôi cùng anh Tuấn – người dẫn đường đã có mặt ở con suối chảy về xóm Tây Sơn, thuộc xã Bình Khê.
Qua mấy sườn đồi rặt là vải, na, nhãn, anh Tuấn – người dẫn đường bảo
đã đến chân núi Phật Sơn, ngọn núi thiêng của dãy Yên Tử.
|
Những tảng đá chân cột còn rất nhiều và nằm lăn lóc ở phế tích chùa Hồ Thiên. |
Từ chân ngọn núi này, cuốc bộ leo dốc quanh co, xuyên qua những khu
rừng trúc ken dày, chừng 4 tiếng đồng hồ thì đến khu vực mà theo các
nhà khoa học từng là chùa Hồ Thiên.
Thứ tôi nhìn thấy trên
mỏm núi tuyệt đẹp không phải là một ngôi chùa cổ tráng lệ như trong sử
sách mô tả, mà là vài gian nhà nhỏ xíu xây bằng gạch, trát vữa, quét
sơn sáng bóng, lợp ngói đỏ au hoặc lợp tôn đỏ sẫm.
Một dãy nhà nữa trát vữa, chưa quét sơn, tường nứt loang lổ, mái lợp phibrôximăng.
Tuy nhiên, đi dạo một vòng quanh mỏm núi lảng bảng mây mù này, tôi có
thể hình dung được cảnh tượng hoành tráng của một công trình Phật giáo
khi xưa.
|
Chân đế còn, nhưng tháp đá đã bị giật đổ. |
Trên diện tích đất tương đối bằng phẳng, rộng chừng 3ha trên mỏm phía
Nam của núi Phật Sơn la liệt khắp nơi là các di vật khảo cổ.
Lẫn trong bụi cỏ, hốc cây là những phiến đá xanh đỗ vỡ ngang ngửa, những
đống gạch vỡ vụn thời Trần, những tảng chân cột chạm trổ hình hoa sen
rất lớn, những tượng voi, ngựa, rồng đá cụt đầu, cụt đuôi, những bia đá
nứt vỡ được chắp vá vụng về.
Sử cũ ghi rằng, chùa Hồ Thiên được xây dựng vào thời Trần, là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông.
Sau khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông, vào thế kỷ 14,
ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình với quy mô đồ sộ như khu
chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp… để làm nơi truyền
kinh giảng đạo.
Đến thời Hậu Lê, chùa Hồ Thiên đổ nát và được triều đình đứng ra trùng tu lại nguyên trạng.
|
Nhà
sư Thích Đạt Ma Trí Thông cùng các phật tử dựng tạm một số ngôi nhà
lòe loẹt trên nền cũ chùa Hồ Thiên để nhang khói và trông coi các di
vật. |
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Chùa Hồ Thiên ở xã Phú Ninh, tổng
Thủy Sơn, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần… Trước chùa có hồ sen,
lại có đôi chim hạc thường bay đi bay về”.
Tại chùa, hiện vẫn
còn một tấm bia đá xanh rất lớn, rất đẹp, có nội dung ca ngợi cảnh đẹp
thiên đường của Hồ Thiên và ca ngợi công đức vô lượng của chúa Trịnh
khi trùng tu ngôi chùa này.
Văn bia có đoạn: “Ngọn núi Đôi nổi
tiếng miền Đông là thắng cảnh bậc nhất trong thiên hạ. Vân am long động
(am mây hang rồng) sừng sững xanh xanh mây dồn gấm tụ đá núi liền tận
Quỳnh Lâm Bảo Đài. Giáp ất lô trước đều là cảnh vắng rừng già vậy.
Mà động Trù Phong (chùa Hồ Thiên còn có tên là Trù Phong) sừng sững,
nhấp nhô góp dồn xe biếc, bao đỉnh núi bao quanh, dồn sóng biển về dưới
chân, chẳng phải mượn thế vân, riêng một càn khôn đẹp nhất trời một
động.
Chỉ có nhà Trần vốn tôn sùng đạo Phật, từng mở núi san
nền nơi đây, xâp tam cấp, dựng bảo tháp năm tầng, hệt như phép màu cất
cánh bay lên, rỡ ràng vẻ đẹp hùng vĩ. Trải bao sương gió, nền móng vững
bền mà biếc vàng lộng lẫy…”.
|
Một tảng đá chân cột rất đẹp và nguyên vẹn còn sót lại. |
Chiến tranh liên miên, Phật giáo lúc thịnh, lúc suy, rồi ngôi chùa Hồ
Thiên tráng lệ này bị lãng quên, chìm nghỉm trong đại ngàn hoang rậm,
bị cỏ mọc lút gối. Dù Hồ Thiên có được nhắc đến trong sử sách, song chả
ai biết nó ở đâu.
Còn tiếp…
Theo Phạm Ngọc Dương - VTC