Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
TT. Bảo Nghiêm - Người luôn nặng lòng vì đạo pháp
Trúc Thanh
13/10/2011 19:36 (GMT+7)


Xin trích lại đoạn thơ nhỏ trong bài “Hẹn gặp lại chùa Bằng”, và cũng xin dâng lên những lời trân quý đến Thượng tọa - Người đã dày công xây dựng và đóng góp sức mình cho đạo pháp:

“Thôi chào nhé bạn ơi chào nhé!
Chia tay nhau mong bạn đừng buồn,
Hạt giống Phật gieo vào lòng tuổi trẻ,
Mái chùa Bằng xin ghi tạc trong tim!
Nhớ những buổi Thầy Bảo Nghiêm thuyết giảng
Đồng hành cùng dân tộc nghìn năm
”…

Là những dòng thơ mà các em thiếu niên đã lưu lại cho nhau sau khóa tu mùa hè tại chùa Bằng A- Hà Nội. Thật cảm động trước những vầng thơ mộc mạc giản dị nhưng đượm đầy hương vị của tình thương, các em không chỉ cảm nhận giá trị lợi ích của khóa tu đã ghi đậm trong tâm trí mình mà còn gắn kết tình bạn bè các em trong trong chốn thiền môn đạo pháp.

Là một du học sinh phương xa, khi đọc những vầng thơ ấy không tránh khỏi cảm xúc và nỗi niềm về những tâm hồn trẻ thơ, do vậy con xin mượn lại mấy dòng thơ của các em để nói lên cảm nhận của mình về sự hoằng pháp của Thượng tọa Bảo Nghiêm, trong bối cảnh mà tội phạm thanh thiếu niên ngày một gia tăng đáng báo động.

Con mong ước không chỉ chùa Bằng, mà các chùa của đất nước Việt Nam ta hãy nhân rộng mô hình những khóa tu mùa hè hữu hiệu này cho các em thanh thiếu niên, khi mà xã hội đang đầy rẫy những điều nguy hại luôn rập rình và dễ dàng đẩy đưa các em đến những vấp ngã khó lường.

Nếu như các chùa chiền của Phật giáo đều là nơi bồi dưỡng tinh thần tu tập hướng thiện cho các em thì có thể đây chính cách thức đưa văn hóa Phật giáo vào đời sống văn minh hiện đại, giúp xã hội giảm đi những tệ nạn đáng buồn.

Kính bạch Thầy, con vẫn biết người xuất gia là sống trong Tăng đoàn và hành trì theo nếp sống của tùng lâm, nhưng vì tiền đồ Phật pháp cũng như trách nhiệm mà lớp người trẻ chúng con phải gánh vác khi các bậc trưởng lão trong giáo hội tuổi đã xế chiều, trên tinh thần “tre tàn măng mọc” nên chúng con phải đi xa mà tầm học nghiên cứu.

Con nhận ra rằng cụm từ “tác Như Lai sứ” trong chốn Thiền môn vô cùng quan trọng. Người xuất gia là xuất thế tục gia, nghe ra có vẻ như người xuất gia không có gia đình, không có người thân nhưng thật ra người xuất gia đã có một đại gia đình vô cùng to lớn mà trong đó Thầy là người cho chúng con nương tựa về tinh thần, là cha mẹ bao bọc chở che, huynh đệ là anh em, Phật tử là thân bằng quyến thuộc, còn cao cả hơn khi chúng ta được sống trong ngôi nhà Phật pháp, được sống trong ánh sáng của tình thương, của sự bao dung, của lòng vị tha…

Người xuất gia khi rời xa gia đình vào chùa tu tập, đời sống của họ đã gửi gắm vào ngôi Tam Bảo. Và như vậy, người thầy đã trở thành điểm nương tựa tinh thần quan trọng của đệ tử. “Đệ tử - thế hệ trẻ là những búp măng non sẽ mọc lên sau khóm tre già”.

Đại đức Thích Minh Thuận - BBT web Phattuvietnam.net bên Thương tọa Thích Bảo Nghiêm

Câu nói quen thuộc ấy nói lên sự tiếp nối tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Người lớn rồi sẽ ra đi và người trẻ sẽ lớn lên. Nhưng để cho đệ tử hay bất cứ tín đồ Phật giáo nào cũng có đầy đủ những phẩm chất của một người con Phật, thực hành đúng lời Phật dạy và lời Thầy tổ truyền trao thì ngay bây giờ họ phải được quan tâm và giáo dục đúng mức. Người hoằng đạo Như Lai phải là một vị thầy tâm lý, hiểu biết những nỗi khó nhọc về sinh lý và tâm lý của đệ tử, có như thế, thầy và đệ tử mới trở nên dễ gần gũi, dễ cảm thông, và sẵn sàng giúp đệ tử tháo gỡ và thoát ra những khó khăn ấy.

Do vậy, người Thầy trong đạo Phật là đảm đương và gánh vác trách nhiệm của Như Lai, là người truyền đăng tục diệm cho những thế hệ kế thừa. Chẳng những thế, Thầy còn có trách nhiệm bảo hộ, vun vén cho đệ tử có được năng lực thật sự để mai này thay thế Thầy đảm trách Phật sự, truyền bá mạng mạch Phật pháp, Thầy đã làm tròn sứ mệnh của một người đi trước đối với người đi sau, đối với chúng sinh trong quan hệ hỗ tương, Thầy đã chỉ cho chúng con thấy việc hướng dẫn đào tạo đệ tử cũng như hướng dẫn chúng sinh quan trọng đến mức nào.

Đó là điều mà Thầy đã làm cho đệ tử cũng như cho Phật tử trong mọi khóa tu mùa hè. Cái hạnh của người xuất gia, là đem niềm tin và ánh sáng của Phật pháp đến trao cho mọi người, mọi nhà mà Thầy đã và đang làm điều đó….

Vai trò của người “tác Như Lai sứ” trong Phật giáo không chỉ là sự truyền thừa tiếp nối ngọn đèn bi trí mà còn là sự xiển dương lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại. Điều này đã được Thầy ứng dụng trong đời sống tu tập và giáo hóa của mình trong những chuyến Phật sự dài ngày tại các vùng còn thiếu ánh sáng Phật pháp.

Việc làm của Thầy đã khiến bao bậc phụ huynh cha mẹ tràn đầy niềm tin yêu vào đạo Phật khi con em của họ đã biết đến chùa, biết lễ Phật, biết tu tập những điều lành, tránh xa những điều tệ hại đang rình rập.

Bước chân Thầy đi đến đâu, Phật giáo nơi đó được bừng tỉnh, được hồi sinh đâm chồi nảy lộc. Đức hạnh và tài năng của Thầy có thể cảm hóa được chính quyền, thu hút được đông đảo quần chúng Phật tử để có thể làm nên những điều kỳ diệu cho Phật giáo nước nhà luôn thuận thời phát triển.

TT. Bảo Nghiêm tới động Hương Tích

Con kính Thầy ở việc giáo hóa hoằng pháp, và ngưỡng vọng các vị tôn túc đi trước đã nắm bắt kịp tính luân lưu và uyển chuyển thời đại. Ngoài việc hy sinh tâm lực cho đệ tử bước đến phương xa cầu học mọi lĩnh vực, đó chính là sự giáo dục mang tính thích ứng với thời đại, mục đích này không ngoài tâm niệm đào tạo nên những thế hệ kế thừa hữu ích cho đạo pháp, dân tộc và xã hội, cũng là tình thương vô bờ bến của thầy đối với đệ tử.

Những năm gần đây, Thầy không ngại khó khăn lặn lội đến những vùng sâu xa như Hà Tĩnh, Nghệ An tổ chức những buổi thuyết giảng giáo lý đạo Phật, giúp con người nhận thấy được giá trị của đời sống tinh thần trong đời sống vật chất là vô cùng quan trọng, con ngày đêm theo dõi các hoạt động của giáo hội mà Thầy đã đảm đương, con thật sự cảm động về những buổi thuyết giảng của Thầy, của chư vị tôn túc từ mọi miền đất nước về giảng dạy tại chùa Bằng, dắt dẫn thanh thiếu niên bước vào vườn hoa đạo pháp.

Sự nhiệm mầu của đạo Phật không chỉ ở giá trị thời gian mà còn ở giá trị hiện thực, sự thiết thực của đạo Phật là đáp ứng đời sống tâm linh khi con người đang thiếu thốn. Thầy đã có cái nhìn thấu đáo và đầy tính tâm lý nhân văn trong vấn đề hoằng pháp cho lớp trẻ trong xã hội đương đại và tương lai.

Thầy đã đến những miền thiếu ánh sáng Phật pháp để hoằng đạo, tổ chức lễ Phật đản và những chiếc xe hoa thật lộng lẫy diễu hành khắp nơi, giúp người dân vùng sâu tận mắt chứng kiến ngày Phật đản sinh, hiểu được ý nghĩa Ngài xuất hiện nơi cuộc đời, trong khi đó nơi đô hội náo nhiệt như Thành phố Hồ Chí Minh lại dần mất đi những hình ảnh đáng trân quý này. Thật là Thầy không chỉ nghĩ đến việc thiếu vật chất của con người nơi vùng sâu xa, mà còn nghĩ đến cảnh đói cả tinh thần, do vậy đem đạo pháp về những nơi ấy là điều cần quan tâm hơn bao giờ hết.

Một lần nữa con thành kính tri ân Thầy, việc hoằng hóa độ sinh của Thầy đã làm cho Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh, ngành hoằng pháp càng thêm khởi sắc, bừng lên sức sống mới. Con tin rằng Thầy sẽ vững tay lèo lái con thuyền Đạo Pháp, tạo mọi phúc lành cho nhân dân.

Dân có an cư thì quốc gia mới lạc nghiệp, đời sống tinh thần con người được quan tâm đúng mức thì xã hội mới an lành. Hy vọng một mùa hè đến và những mùa hè kế tiếp, các em thanh thiếu niên sẽ có những cảm nhận thành thật từ trong trái tim mình thành kính dâng lên cúng dàng Thượng tọa về một khóa tu dạt dào tình thương yêu và đầy ý nghĩa. 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang