Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nếp sống trong ngôi chùa Việt
31/10/2010 21:20 (GMT+7)



Những năm gần đây, do ảnh hưởng của nếp sống hiện đại, những sinh hoạt thường nhật nơi các tự viện đã ít nhiều bị tác động, một số hình thức sinh hoạt xa dần nền tảng truyền thống. Trên tinh thần cốt lõi của Mùa An cư: an cư không chỉ trong ba tháng mùa Hạ, VHPGVN xin giới thiệu sơ lược nét sinh hoạt theo truyền thống Bắc tông (nghi thức Tịnh độ tông) đến quý vị độc giả.

Từ ngàn đời nay, giới luật và truyền thống sinh hoạt của tăng chúng được duy trì, phát triển tuỳ theo điều kiện tự nhiên, xã hội của mỗi quốc gia mà đạo Phật du nhập. Nếp sinh hoạt đó tạo nên bản sắc văn hoá đặc thù trong các phương pháp thực hành Phật giáo. Trên cơ sở hội nhập văn hoá bản địa, văn hoá Phật giáo trở thành một trong những yếu tố nền tảng của văn hoá dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị sống thấm đượm tinh thần nhân văn. Những giá trị đó được thể hiện ra một cách sinh động trong đời sống thường nhật của người xuất gia.

Buổi sáng

Ngày mới được đánh thức bởi tiếng chuông thức chúng vào lúc 3 giờ sáng (tuỳ thời tiết, có nơi muộn hơn). Một vị tăng (thường là sa di, chú tiểu), người được giao nhiệm vụ đánh chuông, thức dậy sớm nhất, rửa tay, xúc miệng, mặc áo tràng, đến tháp chuông và thực hành nghi thức thỉnh chuông với 3 hồi, 108 tiếng.

Nghi thức thỉnh chuông trong ngày mới được mở đầu bằng lời nguyện:

Nguyện tiếng chuông này ngân khắp pháp giới,

Ngục Thiết vi u ám đều nghe tiếng,

Nghe rồi nghiệp trần thanh tịnh chứng viên thông,

Tất cả chúng sinh đều thành chính giác.

Tiếng chuông ngân lên, đèn trong chùa được bật sáng, có một vị tăng gọi là Duy na sẽ đi từng phòng để nhắc nhở chúng tăng phải thức dậy đúng giờ, trang nghiêm y hậu. Trong giới luật cũng ghi rõ, nếu nghe tiếng chuông mà không thức dậy thì hiện tại tâm trí sẽ u ám và kiếp sau làm thân rắn. Chỉ trừ những vị đang mắc bệnh trong người không thể thức dậy thì báo với vị Duy na xin được miễn các nghi thức, tuy nhiên khi nằm vẫn phải hướng tâm đến nơi chư tăng đang trì tụng kinh chú và điều tức hơi thở của mình.

Sau khi dứt 108 tiếng chuông, một vị tăng được giao trách nhiệm đánh mộc bản (bảng bằng gỗ hình chữ nhật hay hình con cá chép, thường những việc này được cắt cử luân phiên). Trong khi đó, một số các vị sa di và chú tiểu được phân công vào thời công phu khuya, trì Thập hội Lăng Nghiêm thần chú và Đại bi thập chú. Còn lại tăng chúng sẽ tập hợp tại Tổ đường (hoặc Trai đường) để niệm Phật.  Sau khi niệm 3 lần danh hiệu Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, một vị tăng đọc bài kệ mộc bản:

Vầng ô vừa hé phương Đông,

Lờ lờ mặt đất ánh hồng rạng soi.

Tự tâm xúc cảnh đổi rời,

Muôn màu ngàn sắc mắt ngời choáng đi.

Sắc phàm đắm chấp làm chi,

Cất đầu tỉnh dậy tu trì sớm mai.

Chuyên cần sáu niệm không sai,

Sao cho công quả Như Lai tròn đầy.

Kính lễ Đức Thường Tinh Tiến Bồ tát Ma ha tát.

Sau khi vị tăng trên dứt mộc bản, thì vị tăng trong Trai đường hoặc Tổ đường, đọc bài kệ cảnh sách trước đông đảo chúng tăng:

Bài cảnh sách trong nhà tịnh nghiệp,

Tuân lời vàng cổ triết thiền tông.

Muốn tu tịnh độ thành công,

Cốt sao ba nghiệp sạch trong làu làu.

Thân khẩu ý trước sau tinh khiết,

Thời hiện tiền tịnh nghiệp mới nên.

Trau dồi ba nghiệp chưa chuyên,

Vãng sinh tịnh độ nhân duyên lu mờ.

Ngày đêm phải sáu thời tinh tiến,

Ý, miệng, thân ba nghiệp cần chuyên.

Thân cần lễ bái, tọa thiền,

Miệng cần tụng niệm, lặng yên ít lời.

Ý cần chuyên không rời tịnh niệm,

Đêm và ngày kế tiếp không ngơi.

Mới hay tịnh độ hiện thời.

Rõ ràng tam muội sáng ngời tự tâm.

Ngoài sáu thời chuyên tâm tu tập,

Không chuyện trò đón tiếp vãng lai.

Nếu còn giao thiệp bề ngoài,

Chỉ e tịnh nghiệp phí hoài công phu.

Quy ước ấy ai mà không giữ,

Ngôi chủ đường xét xử phạt ngay.

Ba lần cán gián cố chây,

Thời mời ra khỏi nhà này không dung.

Vị tăng dứt bài cảnh sách, cả chúng đồng thanh niệm Phật (khoảng 3 đến 7 tràng, mỗi tràng 108 lượt).

Cả chúng vừa dút tiếng niệm Phật thì vị tăng đọc bài cảnh sách phân công:

Đây bài cảnh sách phân công,

Đảm đang chức sự trong tùng lâm ta.

Cúng dường Phật – Pháp – Tăng già,

Làm tròn nhiệm vụ lợi ta lợi người.

Nên chẳng quản hao hơi nhọc sức,

Cố gắng làm công đức vẹn toàn.

Lẽ đâu ngại khó ngại phiền,

Mượn điều lẩn tránh ngồi yên sao đành.

Lơ là khuyết điểm nảy sinh,

Công việc chung cũng trở thành dở dang.

Nên suy xét đảm đang nghiêm túc,

Phục vụ người tức phục vụ mình.

Chăm lo củi nước hoàn thành,

Cũng là đường lối tu hành cần chuyên.

Giúp ta giác ngộ cơ thiền,

So đo hơn thiệt não phiền càng tăng.

Tổ Tào Khê siêng năng giã gạo,

Tổ Tuyết Phong tần tảo làm cơm.

Quy Sơn bếp núc chăm nom,

Kính Sơn quét tước thường làm vệ sinh.

Tổ Bách Trượng thanh minh trong chúng,

Ngày không làm thời cũng không ăn.

Thọ Xương cày cấy chung thân,

Đều là những bậc vĩ nhân cửa thiền.

Gương xưa mãi mãi lưu truyền,

Cần lao phục vụ lực điền tận tâm.

Nay đại chúng tùng lâm cộng trụ,

Chức vụ thường thiếu sự gắng công.

Ai đủ sức lên xung phong,

Rụt rè hoang phế việc chung sao đành?

Có công Phật Tổ mới thành,

Không thời biển khổ lênh đênh đời đời.

Trên Chính điện tụng kinh, dưới trai đường niệm Phật, thời khoá kết thúc bằng lời nguyện: “Nguyện đem công đức này, Hướng về khắp tất cả, Đệ tử và chúng sinh, Đều trọn thành Phật đạo”.

Một ngày mới bắt đầu bằng những lời cảnh tỉnh và sách tấn việc tu hành. Ai vào việc nấy theo sự phân công của ban chức sự. Khi công việc hoàn thành trong thời gian vừa đủ, khoảng 6 giờ sáng, tiếng mộc bản vang lên, tăng chúng tập trung ở trai đường, điểm tâm trong im lặng với các món ăn theo truyền thống như cháo trắng, dưa muối, hay canh bún đậu, có thể ngồi bốn người, hay ngồi theo từng dãy bàn tuỳ điều kiện của từng trú xứ.

Buổi trưa

9 giờ 30 sáng, đại hồng chung vang lên báo hiệu giờ tụng kinh cầu quốc thái dân an và siêu độ cho cửu huyền thất tổ và những vong hồn oan khuất không người thờ cúng. Vị tăng dẫn thỉnh đến Tổ đường, gõ kiểng tác bạch dẫn thỉnh tăng chúng quang lâm Đại hùng bảo điện để thực hiện khoá lễ. Ngoài những vị được chúng tăng sai việc bên ngoài và những vị phải theo học tại các trường, viện Phật học cũng như thế học, tăng chúng không được ai thiếu vắng, vì đây là khoá lễ chính thể hiện tinh thần báo đáp tứ ân: ân quốc gia, ân thầy tổ dạy giỗ, ân cha mẹ sinh thành dưỡng dục, ân thập phương tín thí cúng dường.

10 giờ 45 phút mộc bản vang lên, tăng chúng tập trung về trai đường để làm lễ cúng ngọ và thọ trai. Theo truyền thống có từ thời Đức Phật, tăng chúng chỉ ăn một bữa vào chính ngọ (11-12 giờ trưa) nên đây là bữa ăn quan trọng với những nghi thức đậm tính chất nhân văn của Phật giáo.

Đức Phật dạy chúng Tăng, khi ăn cơm phải quán tưởng năm điều: Thứ nhất xét công bao nhiêu, có tương xứng với vật cúng của thí chủ không. Thứ hai xét đến đức hạnh của mình, có trọn vẹn hay thiếu khuyết để thụ nhận vật cúng không. Thứ ba phòng tâm phóng túng mà tham lam luôn đứng hàng đầu. Thứ tư cơm này chính là thuốc tốt để trị thân gầy khô. Thứ năm vì quyết tâm thành đạo nên mới nhận ăn cơm này.

Nếu tâm tán loạn, nói chuyện lao xao thì ăn của tín thí sẽ khó tiêu. Vì vậy khi nghe tiếng kiền chùy thì chúng tăng phải đều vào chính niệm thực hiện Tam đề trong khi bắt đầu vào bữa ăn: nhai miếng thứ nhất phải nguyện không làm điều ác, khi nhai miếng thứ hai phải nguyện chỉ làm việc lành, khi nhai miếng thứ ba phải nguyện cứu độ tất cả chúng sinh.

Phải đối trước mười phương Tam bảo, Bồ tát, Thánh tăng mà phát tâm tinh tiến. Vì bản thân không cày cấy mà có cơm ăn, không dệt vải mà có áo mặc, thân hình gầy khô, toàn là nhờ vào của tín thí, nên nguyện chư Phật phóng quang vô cực, thương xót chúng sinh, trữ nơi sóng lớn biển phúc, phủ khắp thuyền lớn gió từ, khiến cho người thí chủ cúng dường đắc Bố thí ba la mật, đều được rưới ơn mưa pháp, người thụ dụng được quả Bồ đề tròn tịnh, cùng đến Hội Liên trì, công không rò khuyết, phúc không lường hết.…

Buổi chiều và tối

12 giờ đánh chuông chỉ tĩnh, chư tăng nghỉ trưa. 13 giờ đánh chuông thức chúng. 13 giờ 15 vào thời giảng kinh, luật, luận cho chư Tăng theo lịch giảng của trường hạ, hoặc thuyết pháp cho Phật tử theo lịch hàng tuần.

15 giờ, chuông lên chùa lại điểm, chư tăng vân tập tại Tổ đường (hoặc Trai đường), vị tăng dẫn thỉnh tác bạch cung thỉnh chư tăng quang lâm Đại hùng bảo điện thực hiện khoá lễ cầu quốc thái dân an, siêu độ cửu huyền thất tổ… Vào những ngày 14, 30 âm lịch thì thực hiện khoá lễ sám hối, để sáng ngày 15 và mùng 1 âm lịch, tăng chúng thân tâm thanh tịnh bước vào nghi thức tụng giới (tụng lại những giới luật mà mình đang giữ). Nếu trong thời gian 15 ngày, vị tăng nào phạm giới thì đến ngày tụng giới sẽ đứng ra làm lễ sám hối trước tăng chúng. Sám hối là sám lỗi trước và chừa không phạm lỗi sau. Tuỳ theo tội nặng nhẹ mà vị ở ngôi đường chủ xét xử và ra các án phạt khác nhau. Vào ngày mùng 8 và 23 âm lịch thì hành lễ sám nguyện Tịnh độ, lạy danh hiệu chư Phật và đi nhiễu quanh Phật 3 hoặc 7 vòng (đi từ bên tay trái).

17 giờ, khi hoàng hôn chuẩn bị buông xuống, tiếng mộc bản vang lên, một vị tăng đứng bên mộc bản niệm 3 lần Nam mô A Di Đà Phật và đọc bài kệ:

Bóng chiều đã xế ngàn dâu,

Mặt trời thấp thoáng gác đầu non Tây.

Thời giờ thấm thoắt mau thay,

Cái già cái chết theo ngay bên mình.

Chẳng ai có thuốc trường sinh,

Hàng ngày cái chết vẫn rình bên ta.

Hôn trầm tán loạn tránh xa,

Mọi người tự giác để mà tiến tu.

Kính lễ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Mi Phật.

Kế đó, vị tăng trong Trai đường đọc bài kệ cảnh sách buổi chiều:

Bài cảnh sách Thảo đường phúng tụng,

Xin bạch cùng thất chúng thiền gia.

Thế giới nào khác không hoa,

Thân người huyễn hoá như là chiêm bao.

Mọi sự việc trước sau đều thế,

Là vô thường không thể cậy trông.

Nhân tu nếu chẳng sớm trồng,

Thời theo cảnh huyễn mãi trong luân hồi.

Cũng vì vậy Như Lai thương xót,

Hiện ra đời thuyết pháp dạy khuyên.

Khiến cho tắt lửa não phiền,

Cạn dòng ái dục thoát miền hôn mê.

Hết sinh tử xa lìa khổ não,

Chứng Niết bàn vui đạo nhiệm màu.

Phép tu giải thoát có nhiều,

Tóm tắt thời có ba điều như sau.

Tham thiền tu quán làm đầu,

Với môn niệm Phật để cầu vãng sinh.

Phép tham thiền không thành không lập,

Phải tự mình khế hợp chân như.

Túc căn nếu chẳng trồng sâu,

Đường đi lắm ngả dễ hầu tới nơi.

Huống đời mạt pháp lòng người,

Kém phần phúc tuệ chây lười ngả nghiêng.

Phép tu quán tâm huyền mầu nhiệm,

Xét cho cùng tâm niệm sát na.

Hữu - vô hai chữ đều xa,

Nếu không trí tuệ khó mà thành công.

Môn niệm Phật phổ thông đệ nhất,

Thực rõ ràng đường tắt không hai.

Kể từ cổ vãng kim lai,

Hiền ngu, già trẻ, gái trai đều thành.

Tứ diệu giảng rành rành kể rõ,

Tu môn nào dễ khó phân minh.

Cốt sao chuyên nhất cho tinh,

Chớ ngờ rằng Phật với mình cách xa.

Đem sáu chữ Di Đà ấn tượng,

Tâm tưởng đều không vướng tạp duyên.

Tai nghe, bụng nghĩ, mắt nhìn,

Rõ ràng chư Phật hiện tiền trước ta.

Vì phút chốc lơ là tản mạn,

Thời hôn trầm tán loạn hiện ngay.

Phát tâm tinh tiến cho dày,

Nối liền tịnh niệm đêm ngày chớ ngơi.

Dù tịnh niệm còn chưa kế tiếp,

Cứ giữ gìn tịnh niệm cho chuyên.

Tâm tâm Tịnh độ tưởng liền,

Dốc lòng cứ niệm thường xuyên Di Đà.

Thời hiện tại không xa gang tấc,

Ngay chốn này Cực lạc rồi đây.

Không còn đợi đến sau này,

Thân về an dưỡng tháng ngày thanh cao.

Được thắng lợi dồi dào đến thế,

Há lại không quyết chí tu trì?

Đem thân giả tạm nghĩ suy,

Sinh, già, bệnh, chết thọ kỳ bấp bênh.

Mà đổi lấy thân Vô lượng thọ,

Là Pháp thân không có động dao.

Vui này há chẳng vui sao,

Vãng sinh Cực lạc vui nào còn hơn?

Tụng rằng:

Trong ba cõi lửa phiền nóng bức,

Nước tám dòng công đức thanh lương.

Muốn xa cõi uế vô thường,

Đem thân an trụ Lạc bang quê nhà.

Thời sáu chữ Di Đà kế niệm,

Như bánh xe liên tiếp quay hoài.

Di Đà Phật chẳng riêng ai,

Chí nhân ngày tháng hôm mai tự cường.

Kìa tám vạn bốn ngàn hảo tướng,

Vốn không ngoài tâm tưởng người ta.

Há phiền Đức Phật Thích Ca.

Ấn chân xuống cõi Sa Bà trang nghiêm.

Sau đó, đại chúng trì tụng Đại bi thập chú và niệm vang câu Nam mô A Di Đà Phật (từ 1 đến 3 tràng) và hồi hướng công đức đến khắp cả chúng sinh. Niệm Phật xong, đại chúng cùng thọ thực trong im lặng. Theo truyền thống từ thời Đức Phật, chư tăng chỉ ăn một bữa trưa, sau đó đi kinh hành hay ngồi thiền định. Ngày nay, do các điều kiện xã hội đổi thay, sinh hoạt tăng đoàn có nhiều điểm khác xưa, vì thế ở một số quốc gia Phật giáo Đại thừa phát triển, các tông phái sử đã cho phép tăng chúng được dùng bữa ăn chiều theo phương pháp y học, ăn vừa đủ và thức ăn chủ yếu là rau củ quả.

21 giờ 30, mộc bản lại vang lên, đại chúng bước vào thời lâm thụy (trước khi đi ngủ). Một vị tăng sẽ đọc Lâm thụy vô thường kệ:

Nhật sắc một thời lâm dạ sắc,

Hôn cù nhiễu nhiễu hựu trùng tăng.

Đồ chi ngoại điểm ta đà chúc,

Bất khẳng hồi nhiên tự kỷ đăng.

Ẩn ẩn kim ô sơn dĩ nhập,

Đồng đồng ngọc thỏ hải sơ đằng.

Tử sinh đại tạ hồn như thử,

Hà bất quy y Phật - Pháp - Tăng?

Đại chúng cùng nhau niệm Phật từ 1 đến 3 tràng, sau đó mọi người về phòng, tắt đèn cũng như tránh làm những việc gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của tùng lâm nói chung và của những bạn đồng tu chung quanh nói riêng. Bên cạnh đó, để giữ vững niềm tin và lòng kính trọng của người Phật tử đối với tăng chúng, mỗi vị tăng luôn phải ý thức giữ gìn giới luật, oai nghi, tế hạnh trong từng cử chỉ đi đứng, nói cười, ăn uống, tắm giặt, giao thiệp, học tập…

Ngoài những thời khoá chính thức kể trên, các vị tăng phải làm tròn nhiệm vụ của mình theo lịch phân công chức sự, song song đó là học tập, nghiên cứu nội, ngoại điển, hay dành thêm thời gian để ngồi thiền, lạy Phật, tụng kinh, trì chú..., hoặc đơn giản chỉ là bình tâm suy nghĩ cho những điều đã làm trong một ngày.

Tố Nhiên - Thích Giác Đạo

(Theo Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam số mùa Hạ)

http://diemnhin.vn/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang