Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những câu chuyện ly kỳ trên dãy Yên Tử (1)
Phạm Ngọc Dương
21/11/2011 13:56 (GMT+7)


Kỳ 1: Những người tu hành khổ hạnh trong đại ngàn Yên Tử

Tôi đã có suốt một tuần lang thang ở “nghĩa địa vua Trần” nơi vùng đất Yên Sinh cổ (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh), để ghi lại một cách sinh động nhất, đau đớn nhất về lăng mộ và các công trình đổ nát thờ các vị quân vương lừng lẫy của một triều đại vang bóng.

Đã có quá nhiều xúc cảm quanh những câu chuyện đau lòng ấy. 8 vị vua Trần, với những ngôi mộ, đền thờ đổ nát, hoặc không còn gì, hoặc đã chìm dưới lòng hồ, hoặc chỉ còn lại vài viên gạch, vài chân đế cột trụ tố cáo sự vô tình của lớp hậu sinh.
 

 
Những thứ còn lại ở lăng mộ vua Trần Anh Tông. 


Đứng dưới đập nước Trại Lốc, đập nước đã xóa sổ lăng mộ vua Trần Minh Tông và nhấn chìm lăng mộ Trần Anh Tông, ông chủ thầu hồ Trại Lốc chỉ tay lên đỉnh Tây Yên Tử lẫn trong mây mờ bảo: “Phía sau mấy ngọn núi cao chót vót kia là nơi an nghỉ của vua Trần Nhân Tông đấy! Xa lắm, phải mất vài ngày đi bộ mới khám phá hết được lăng mộ và các công trình đổ nát trong rừng. Phải tìm được người hiểu biết, thuộc đường, mới đi tìm được”.

Sườn Tây Yên Tử nhìn từ hồ Trại Lốc, thuộc xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa sau mấy dãy núi trập trùng. 


Cái chỉ tay của ông chủ thầu hồ Trại Lốc khiến tôi trằn trọc nhiều đêm. Không hiểu cái am đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông kia từng tu hành, đoạn tuyệt hoàn toàn với hỉ nộ ái ố, rồi chết trong thế nằm nghiêng giữa rừng, để cây trúc mọc xuyên qua kia giờ như thế nào? Liệu lăng mộ, am tháp của ngài có phải chịu cảnh bị bọn trộm đổ cổ đánh mình nổ tung để tìm kho báu không? Hay lăng mộ của ngài cũng những công trình huyền thoại vẫn còn ẩn bóng dưới rặng tùng trong đại ngàn Yên Tử?

Chùa Hoa Yên. 


Ông Lê Quang, Phó giám đốc Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử đứng ở trụ sở cơ quan chỉ tay về dãy Yên Tử bảo: “Nếu so với các dãy núi khác ở Việt Nam, thì Yên Tử không phải là cao, chỗ cao nhất chỉ hơn ngàn mét so với mặt nước biển. Nhưng các cụ đã nói: Núi không cốt ở cao, vấn đề là trên núi có tiên ngụ, sông không cốt ở sâu, niềm thiêng ở chỗ dưới sông có rồng ở. Yên Tử được xưng tôn là đệ nhất danh sơn, là một non thiêng, bởi nó là ngọn núi của tâm linh, của Phật và chỉ những người có căn cơ với thiền mới ở trên đó được”.

Tượng An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử. 
 
Và, người có căn cơ đầu tiên và kỳ lạ nhất chính là đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông. Làm sao một dãy núi bình thường lại có thể khiến một vị vua rũ bụi trần, bỏ long bào cùng với ngai vàng lấp lánh, người đẹp sớm chiều để khoác áo cà sa lên núi tu hành? Điều đó chứng tỏ mảnh đất này thiêng liêng, cuốn hút ngài ghê gớm lắm.

Sự rũ bỏ tham sân si của ngài cao độ đến nỗi ngài coi cái chết là một điều giản dị đến khó tưởng tượng. Ngài nằm nghiêng thanh thản trong rừng, tựa dáng sư tử nằm, ngóng về xa xăm, rồi hóa giữa đại ngàn hoang vu, đến nỗi, khi cây trúc mọc xuyên qua người ngài, đệ tử mới phát hiện ra, để rồi dựng lại hình ảnh ấy bằng bức tượng đá gây cảm động cho muôn đời sau.
Chen chúc lên chùa Đồng. 


Theo ông Quang, Phật hoàng Trần Nhân Tông từng có 19 năm tu hành rất khắc nghiệt. Di tích chùa Cầm đã nói lên điều đó. Tôi đã cuốc bộ lên tận di tích chùa Cầm để tưởng nhớ tới việc ngài chỉ uống nước cầm hơi, không ăn uống gì.

Trong chuyến nhiều ngày xuyên rừng thăm thẳm quanh dãy non thiêng Yên Tử, tôi đã được nghe kể và được tận mắt rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về những đệ tử đang ngày đêm tu luyện theo lối khổ hạnh của ngài, với mong ước siêu thoát triệt để. Những câu chuyện về họ cứ ám ảnh, lơ mơ như trong cổ tích. Họ đang thầm lặng tiếp bước con đường mà vị Phật tổ của mình đã vạch ra.

Thành kính trên đỉnh non thiêng. 


Tôi đã gặp những vị sư kỳ lạ như Thích Minh Tiến, Đạt Ma Trí Thông, Thích Thanh Quý… bao năm kỳ công tu tập giữa rừng, trong hang đá như những thiền sư của xứ sở mây mù, xa xôi, nguồn cội Phật giáo mãi bên Tây Tạng.

Họ bỏ chút ít thời gian để hái quả vả, chuối rừng ăn, uống nước cầm hơi, còn lại tất tật thời gian họ dành cho việc tu luyện trong mái đá giữa rừng già. Họ đang đi tìm đức Phật ở trong chính con người họ.

Am tháp trên đường lên đỉnh Yên Tử. 


Chuyện về những người tu hành khổ hạnh trong đại ngàn Yên Tử thì có nhiều lắm, kể cả ngày không hết. Nhưng, ám ảnh nhất với tôi, có lẽ là một vị nữ tu bên sườn Đông Yên Tử. Bà đã biết mất một cách kỳ lạ trên con đường khổ hạnh.

Chuyện rằng, thập kỷ 80, dãy Yên Tử còn hoang vu lắm, cây cối cổ thụ, dây leo chằng chịt, hùm beo gầm gừ, thì có một nữ tu khổ hạnh vạch đường lên núi.

Nữ tu tìm lên khu vực di tích chùa Cầm, rồi sống đúng theo tinh thần tu hành của Phật hoàng. Bà chỉ ăn hai thứ duy nhất là măng mọc dưới đất và quả vả mọc trên cây. Người ta vẫn tin rằng, ăn quả vả mọc hoang trong rừng sẽ khiến lòng thiền sáng hơn. Mỗi ngày bà ăn một bữa ngon lành hai thứ đó, rồi ngồi trong am tu thiền.

Am tháp ẩn hiện trong đại ngàn Yên Tử. 


Những lâm tặc, những người đi rừng phát hiện ra bà. Người ta kể, dáng bà thanh mảnh, mặc áo nâu sồng, đôi mắt sáng rực, hiền từ như một vị Bồ Tát.

Rồi người đi rừng phát hiện ra bà. Những câu chuyện đồn thổi về bà cứ ngày một lớn. Ai cũng tin bà là Bồ Tát hiển linh. Phật tử khắp nơi đổ về vái lạy bà như Thánh và xin theo bà hạ hầu khói nhang.

Nhưng rồi một ngày, cách đây dăm năm, bà đột nhiên mất tích. Từ bấy đến giờ, chẳng ai còn thấy bóng dáng bà trong cánh rừng hoang rậm. Không ai biết bà tên gì, đến từ đâu. Các đệ tử khẳng định bà là đức Bồ Tát hiển linh. Người ta tin bà đã về thế giới cực lạc rồi.

Tôi còn được nghe một câu chuyện nữa, về một vị chân tu tên Hoàng, do bà vãi tên Minh, săn sóc am Ngọa Vân, sống ở thôn Tây Sơn (Bình Khê, Đông Triều) kể.

Chẳng ai biết lý lịch của vị sư này, đến từ chùa nào. Sư Hoàng tin rằng chỉ có cách tu hành khổ hạnh theo lối của Phật hoàng Trần Nhân Tông mới về được thế giới cực lạc.

Nơi sư Hoàng tu hành khổ hạnh giờ chỉ còn là bãi đất trống. 


Ông dứt bỏ hoàn toàn bụi trần để ẩn tu trong rừng trúc, cách am Ngọa Vân không xa. Sư Hoàng chỉ có một mình sống giữa hoang vu rừng rậm. Ông dựng một căn lều nhỏ bằng trúc giữa rừng trúc, cách vườn mộ tháp cùng vườn tùng không xa, để bắt đầu một cuộc đời tu hành khổ hạnh.

Ngày ông cũng chỉ ăn một bữa quả vả, hoặc chuối rừng, rau rừng vào đúng giờ ngọ, rồi ngồi thiền định giữa đại ngàn mịt mùng như những vị chân tu. Ông cũng được phát hiện bởi đám lâm tặc.

Biết nơi tu hành khổ hạnh của sư Hoàng, bà Minh cùng các phật tử của Ngọa Vân am thi thoảng vẫn vạch rừng đến xem sư Hoàng tu hành ra sao. Bà thường hỏi sư cần gì thì sẽ cung ứng giúp, nhưng sư đều từ chối.

Nhưng rồi, một ngày, chẳng ai thấy bóng dáng sư Hoàng đâu nữa. Ông đã biệt tăm, biệt tích.

Tôi đã đi qua rừng trúc đó và chỉ còn thấy nền đất tịch mịch giữa rừng trúc mênh mang. Người ta bảo, ông đã về Thiên Trúc với vị Phật hoàng của mình.

Còn tiếp…

Theo: vtc.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang