Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Lý Thái Tổ với Phật giáo
13/10/2010 10:55 (GMT+7)


Xuất thân gắn liền với ngôi chùa. Nhờ sự ủng hộ của lực lượng của Phật giáo mà lên ngôi.

Có truyền thuyết cho rằng: Cha thân sinh ra Lý Công Uẩn nhà nghèo đi làm ruộng thuê ở chùa Tiên Sơn (nay thuộc xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) phải lòng một tiểu nữ rồi làm nàng có thai. Nhà sư chùa Tiên Sơn thấy thế đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng dẫn nhau đến khu rừng Báng mệt mỏi, dừng lại nghỉ. Chồng khát nước, đến chỗ giếng nước giữa rừng uống, chẳng may sẩy chân chết đuối. Vợ chờ lâu không thấy, đến xem thì đất đã đùn lấp giếng.

Người phụ nữ bất hạnh than khóc một hồi rồi xin vào ngủ nhờ ở chùa Ứng Tâm gần đấy (chùa Ứng Tâm bây giờ có tên là chùa Dặn - Bắc Ninh). Sư trụ trì chùa Ứng Tâm đêm trước nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: "Ngày mai dọn chùa cho sạch có Hoàng đế đến". Tỉnh dậy, nhà sư sai chú tiểu quét dọn sạch sẽ, túc trực từ sáng đến chiều chỉ thấy một người đàn bà có thai xin ngủ nhờ.

Được vài tháng bỗng có chuyện lạ: Một đêm khu Tam quan của chùa sáng rực hẳn lên, hương thơm ngào ngạt lan tỏa. Nhà sư ra xem thì thấy người đàn bà ấy đã sinh một cậu con trai, hai bàn tay có bốn chữ son "sơn hà xã tắc". Sau đó, trời bỗng nổi trận mưa to gió lớn, mẹ chú bé chết ngay khi sinh con và chú bé được nhà chùa nuôi nấng. Khi 8, 9 tuổi nhà sư cho chú bé theo học sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ - vị "cố vấn chính trị" của vương triều Tiền Lê bấy giờ. 

Có truyền thuyết lại cho rằng bà Phạm Thị Ngà - mẹ của Lý Công Uẩn "đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có thai, sinh ra Lý Công Uẩn...".

Dù có nhiều truyền thuyết, huyền thoại về nguồn gốc, sự ra đời của Lý Công Uẩn nhưng một điểm chung nổi bật lên đó là việc ra đời Lý Công Uẩn gắn chặt với ngôi chùa. Từ bé Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường của nhà chùa và bởi những vị sư hàng đầu của đất nước bấy giờ. 

Việc lên ngôi của Lý Công Uẩn cũng có vai trò to lớn của các nhà sư mà tiêu biểu là Vạn Hạnh.

Ngay từ bé Lý Công Uẩn đã bộc lộ tư chất thông minh, được sư Vạn Hạnh (? - 1018) khen: "Không phải là người thường. Sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm chúa trong thiên hạ". Đến tuổi trưởng thành, Lý Công Uẩn càng tỏ rõ là người thông minh, tài kiêm văn võ. Sư Vạn Hạnh đã tiến cử ông với Vua Lê Đại Hành. Với sự tiến cử này Lý Công Uẩn đã nhập triều, trở thành người thân tín bên cạnh Thái tử Long Việt và được sự bảo trợ của nhiều nhà sư lúc này đang giữ những chức vụ cao trong triều đình (Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ).

Dù đã gửi đệ tử của mình về kinh đô, nhưng Vạn Hạnh luôn theo dõi sát diễn biến chính trị ở chốn cung đình.  Nhận thấy triều Tiền Lê suy vi, lòng dân bất mãn với Lê Long Đĩnh. Vạn Hạnh đã âm thầm vận động, chuẩn bị tư tưởng trong nhân dân, tạo uy tín cho Lý Công Uẩn.

Tháng 11/1009, Vua Lê Long Đĩnh qua đời. Trước đó, ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, tước lần vỏ ngoài lộ ra mấy câu sấm: "Thụ căn diểu diểu, Mộc biểu thanh thanh, Hòa đao mộc lạc, Thập bát tử thành...". Vạn Hạnh xem câu sấm ấy rồi giải thích cho dân rằng: câu "Thụ căn diểu diểu" chữ "căn" là gốc tức vua. Chữ "diểu" đồng âm với "yểu". Câu "Mộc biểu thanh thanh". Chữ "biểu" nghĩa là ngọn, tức là bề tôi. "Thanh" là thịnh.  "Hòa đao mộc" là chiết tự của chữ "Lê". Thập bát tử là chiết tự của chữ "Lý", cho rằng, đó là điềm trời báo nhà Lê đổ nhà Lý sắp lên. 

Trong đời sống xã hội nước ta trước đây, sấm ngôn có tác động rất lớn đối với đời sống tâm linh của con người. Lời sấm được coi như những điều hiển nhiên, thuận với lẽ trời, hợp với lòng người. Nó tồn tại và lưu truyền như những lời tiên đoán có phần thần bí nhưng linh thiêng, và vì vậy, hầu như ai cũng nghĩ rất nên tin, hơn thế, trong không ít trường hợp, cần phải tin. Nhiều người đã sử dụng sấm như một hình thức tạo dư luận, gây lòng tin nơi dân chúng, thường không cần viện tới chứng lý thật rõ ràng.

Có thể nói lời sấm kia chính là sáng tác của Vạn Hạnh nhằm chủ động tạo ra dư luận xã hội để chuẩn bị cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn sau này. Sau đó Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn: "Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa" . 

Sư Vạn Hạnh còn cùng một số quan trong triều Tiền Lê, tiêu biểu là quan Chi hậu Đào Cam Mộc (? - 1015) bàn tính, chuẩn bị dư luận, tiền đề nhiều mặt cho Lý Công Uẩn lên ngôi.

Chùa Láng được xây dựng từ thời Vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Sau cái chết của Lê Ngọa Triều Lê Long Đĩnh (11/1009), Lý Công Uẩn cùng Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đề đem 500 quân Tùy long vào cung canh giữ. Nhân tình hình rối ren này, Chi hậu Đào Cam Mộc đã đem việc thoán ngôi bàn với Lý Công Uẩn: "Người trong nước ai cũng bảo là họ Lý sẽ dấy lên, mà lời sấm cũng hiện ra rồi... Đấy chính là lúc trời trao người theo, Thân vệ còn nghi ngờ gì!". Lý Công Uẩn nghe theo và lập nên nghiệp nhà Lý.

Như vậy, việc Lý Công Uẩn lên ngôi ngoài yếu tố năng lực, phẩm chất cá nhân của ông "là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay" thì còn có sự góp công trực tiếp và to lớn của các vị tăng quan, tiêu biểu như Vạn Hạnh. Chính họ là một trong những vị tăng quan đầu tiên góp phần khởi dựng và thúc đẩy sự tồn tại, phát triển của triều Lý.

Ứng xử với Phật giáo

Bên cạnh những quyết sách mang tính lịch sử mà tiêu biểu là việc dời đô ra Đại La, đặt tên mới cho kinh đô là Thăng Long thì việc ứng xử với Phật giáo của Lý Công Uẩn cũng có thể coi là một việc làm mang tính chiến lược.

Ở triều đình, Lý Thái Tổ đặt ra Tăng ban, bên cạnh Văn ban, Võ ban, Thái giám ban. Đây là ban đặc biệt, là cơ quan giúp vua chuyên trông coi các hoạt động của đời sống tâm linh, là cơ quan chịu trách nhiệm truyền giảng kinh sách. Vạn Hạnh được Lý Thái Tổ phong là Quốc sư.

Để đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh, nhu cầu về tôn giáo tín ngưỡng của tầng lớp quý tộc cung đình cũng như dân chúng ngay sau khi dời đô về Đại La, Lý Thái Tổ cho xây dựng hàng loạt chùa chiền, đúc chuông, thỉnh kinh và độ Tăng xuất gia tu học theo Phật pháp.

Tháng 7/1010, vua cho phát hai vạn quan tiền, dựng tám cảnh chùa, đều lập bia ghi công đức. Trong thành Thăng Long, dựng chùa Hưng Thiên ngự tự, cung Thái Thanh và chùa Vạn Tuế; ở ngoài thành dựng chùa Thắng Nghiêm, chùa Thiên Vương, chùa Cẩm Y, chùa Long Hưng, chùa Thái Thọ, chùa Thiên Quang và chùa Thiên Đức, những đền chùa ở các làng mạc, có ngôi nào đổ nát, đều sai sửa chữa lại cả.

Năm 1014, tháng 5, vua cho mở đàn chay tại chùa Vạn Tuế, thành Nội để độ chúng tăng đồ thụ giới. Đến tháng 9, lại xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên. Tháng 10, lại xuống chiếu phát trăm lạng bạc trong kho để đúc 2 quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và tinh lâu Ngũ Phượng.

Năm 1018, mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin thỉnh Tam Tạng kinh.

Năm 1019, xuống chiếu độ dân trong nước làm tăng, lập đàn giới ở chùa Vạn Thọ, sai các tăng  đồ  đến thụ giới. Phát vàng  đúc chuông lớn  để  ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo và Thắng Nghiêm.

Năm 1024, mùa thu, tháng 9, cho xây chùa Chân Giáo ở trong thành để nhà vua tiện ngự đọc tụng kinh kệ.

Năm 1027, cho sao chép Đại Tạng Kinh làm nhiều bản để phổ biến cho dân chúng nghiên cứu, tu học.

Sử gia Lê Văn Hưu đã nhận xét về việc sùng Phật của Lý Thái Tổ trong Đại Việt sử ký: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ điệp (văn bằng cấp cho người xuất gia đi tu) cho làm Tăng hơn nghìn người ở kinh sư làm sư".

Trên đây là một số sự kiện thể hiện sự sùng mộ Phật giáo của Vua Lý Thái Tổ. Các đời vua kế tiếp như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông... vẫn mộ Phật. Vào thời kỳ này Phật giáo trở thành quốc giáo, đạo Phật phát triển mạnh mẽ rộng khắp trong đời sống nhân dân, đến nỗi sử gia Lê Văn Hưu đã phải thốt lên: "Trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền, nhân dân quá nửa là sư sãi"...

Như vậy khi Lý Thái Tổ tức vị, ông tiến hành một loạt biện pháp nhằm truyền bá đạo Phật ở trong nước, tu bổ chùa chiền, tăng cường ảnh hưởng học thuyết Phật giáo trong nhân dân. Lý Thái Tổ là người đặt nền móng vững vàng cho sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý. Thậm chí có thể nói, với việc thành lập triều Lý, đã bắt đầu một thời kỳ thống trị của Phật giáo trong đời sống tôn giáo của xã hội Việt Nam thời phong kiến.

Đánh giá về thái độ của Lý Thái Tổ với Phật giáo, Ngô Sĩ Liên cho rằng: "Việc ham thích Phật, Lão là chỗ kém". Ở đây phải thấy rằng Ngô Sỹ Liên là sử triều Lê. Dưới nhãn quan của một sử thần ở thời kỳ Nho giáo là tư tưởng chính trị chính thống thì việc đánh giá như vậy là điều dễ hiểu.

Nhưng để hiểu đúng về thái độ, cách ứng xử của Lý Thái Tổ với Phật giáo cần nhìn vào nguồn gốc xuất thân của Lý Thái Tổ (như trên đây). Đồng thời phải thấy được bối cảnh, yêu cầu của xã hội bấy giờ.

Ngoài lý do dễ nhận thấy đó là Lý Công Uẩn đã chịu ơn sâu nặng của nhà chùa, đứa con tinh thần của giới Phật giáo đang vươn lên nắm giữ vai trò trụ cột của đất nước và xã hội, nhờ sự ủng hộ của các nhà sư để lên ngôi nên những hành động sùng Phật này có thể coi là sự "đền ơn" của ông.

Nhưng mặt khác có thể thấy rằng trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XI, ý thức hệ ấy chỉ có thể là Phật giáo. Và, cho dù là người nhờ thế lực Phật giáo mà nắm quyền, Lý Thái Tổ đã không "vô tư" phục vụ Phật giáo, mà căn bản là ông sử dụng tôn giáo này như một phương tiện để đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tiến trình lịch sử: xây dựng và củng cố một nhà nước độc lập, một chế độ trung ương tập quyền vững mạnh.

Mặt khác để giữ vững chủ quyền một cách thực sự phải có nền văn hóa phù hợp với dân tộc Việt, khác với văn hóa phương Bắc. Lý Thái Tổ đã tìm thấy những nét tương đồng, phù hợp với nhau giữa tâm tư, tư tưởng người Việt và tư tưởng Phật giáo. Khuyến Phật thật sự là một chiến lược về văn hóa, tư tưởng để xây dựng một nền văn hóa dân tộc độc lập với văn hóa phương Bắc.

Như vậy thì việc ông hoằng dương Phật giáo không chỉ đơn giản là hành động của một ông vua sùng đạo nữa, mà đó là động thái của một nhà cai trị có tầm nhìn chiến lược: nhà nước trung ương tập quyền cần phải có một ý thức hệ thống nhất như là điều kiện cho sự thống nhất quốc gia, ý thức hệ ấy sẽ làm giảm ý nghĩa của các tín ngưỡng địa phương - là cái thường xuyên được/ bị các thế lực cát cứ lợi dụng.

Đinh văn Viễn (CAND)

Tài liệu tham khảo: 1. Lê Văn Hưu: Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, HN - 1993. 2. Quốc sử quán Triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, NXB Giáo dục, HN, 1998. 3. Trương Đình Tưởng: Những nhân vật lịch sử thời Đinh - Lê, NXB VHDT, HN, 2007

Các tin đã đăng:
Về đầu trang