Hòa thượng Nhẫn Tế phát xuất từ một trí thức thời loạn, dù được giữ
chức vụ trong ngành y nhưng sự huyền bí của Phật giáo đã hấp dẫn ông. Từ
chỗ nghiên cứu, say mê văn hóa Phật giáo, ông tin theo và quyết xuống
tóc quy y. Những năm 1935, khi nước nhà đang trong đà chấn hưng Phật
giáo, với quan niệm: "Muốn chấn hưng Phật giáo phải biết cội nguồn của
Phật pháp", thiền sư mạnh dạn cố công học tập, tích lũy vật dụng thực
hiện cuộc độc hành vạn lý vân du sang đất Phật học đạo.
Tiểu Đường Tăng Việt Nam
Nhắc đến Pháp danh Minh Tịnh, không chỉ những Phật tử mà người đời đều
ít nhiều biết đến. Thiền sư Minh Tịnh là Trụ trì đời thứ nhất của ngôi
chùa nổi tiếng sở hữu tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Ông
còn được lịch sử ghi nhận có công lao to lớn với nền cách mạng giải
phóng dân tộc. Những sự tích đã đi vào huyền thoại của ông dù ở khía
cạnh Phật giáo hay cách mạng đều được người dân đất Bình Dương ngưỡng
vọng.
Chân dung thiền sư Minh Tịnh (Ảnh tư liệu).
Theo những tài liệu còn ghi lại tại chùa Tây Tạng (TP. Thủ Dầu Một,
tỉnh Bình Dương), tục danh của thiền sư Minh Tịnh là Nguyễn Tấn Tạo
(Mười Tạo). Ông sinh năm 1888 tại thôn An Thạnh, tỉnh Thủ Dầu Một (cũ).
Sinh thời, ông vốn là một bậc trí thức. Thời Pháp thuộc, ông được biết
đến như một cán bộ công chức ngành y tận tâm. Là một trí thức, thường
xuyên tiếp xúc sách vở, ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Tấn Tạo đã có sự
đam mê kỳ lạ với văn hóa Đông và Tây học. Thế nên, mới 16 tuổi, ông đã
được
giới trí thức Tây học công nhận là một trong những người có kiến thức
uyên thâm, am hiểu sâu sắc về văn hóa Đông và Tây học.
Tuy nhiên, ít ai ngờ, trong khi giới trí thức cùng thời say mê nghiên
cứu lịch sử, nghệ thuật, văn học, Nguyễn Tấn Tạo lại gây bất ngờ bằng
việc chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo. Những năm tháng tìm hiểu Phật giáo
đã khiến ông say mê, trọn đời đặt niềm tin vào tôn giáo này. Cuối cùng,
ông xuống tóc quy y khi còn khá trẻ. Sau khi xuất gia, con đường tu đạo
của thiền sư cũng gắn liền với vận mệnh của đất nước. Ngoài một vị trụ
trì luôn hướng tâm, đạo về vận mệnh của đất nước trong ký
ức của các tăng ni, phật tử chùa Tây Tạng, thiền sư Minh Tịnh còn được
lịch sử Bình Dương ghi nhận như một người có công lớn.
Ghi nhận những đóng góp của thiền sư trong công cuộc kháng chiến cứu
nước, cuốn Lịch sử Bình Dương viết: Thiền sư Minh Tịnh là người yêu nước
và có nhiều cống hiến cho cách mạng. Vào năm 1945, ông được cử làm Chủ
tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một (cũ). Tháng 6/1946, ông trở
thành thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) tại khu Thuận
An Hòa. Với cương vị trụ trì, có kiến thức uyên thâm về Phật pháp,
thiền sư đem những ảnh hưởng của mình để kêu gọi giới Phật giáo dồn hết
sức tham gia vào kháng chiến.
Đến hôm nay, câu nói của vị trụ trì: "Khi nào còn chiến tranh thì một
viên ngói, một viên gạch cũng không được xây chùa..." vẫn được nhiều
tăng ni, phật tử nhớ đến. Hơn thế, ông còn là cha đỡ đầu của đồng chí
Nguyễn Văn Thi, Liên Trung đoàn trưởng, bản doanh đóng tại xã Bình
Chuẩn, Lái Thiêu (tỉnh Thủ Dầu Một cũ). Năm 1950, ông được cử làm cố vấn
cho tỉnh Thủ Dầu Một (cũ). Tại chùa Tây Tạng, vận động, kêu gọi tăng
sĩ, Phật tử của chùa trực tiếp tham gia kháng chiến như: Nguyễn Văn Lạc,
pháp
danh Pháp Cự, hy sinh năm 1949; Nguyễn Văn Xinh, pháp danh Thiện Hiệu,
hy sinh năm 1948; Lâm Văn Thảo, pháp danh Thiện Đắc, hy sinh năm
1945...
Cổng chùa Tây Tạng, Bình Dương (Ảnh Hà Nguyễn).
Ấp ủ hành trình Tây du không tưởng
Vào những năm 1930, khi đất nước chuyển mình chấn hưng nền Phật giáo
cần có một người thật sự uyên thâm Phật pháp, thiền sư trở thành người
tiên phong dám nghĩ và ấp ủ hành trình Tây du đến đất Phật. Trụ trì chùa
Tây Tạng nhận định: "Muốn chấn hưng Phật giáo phải biết cội nguồn của
Phật pháp". Với quan niệm đó, từ rất lâu, ông khát khao tự thân tìm sang
đất Phật. Tuy nhiên, đường sang Tây Trúc xa vạn dặm, ngăn sông cách
biển, văn hóa, ngôn ngữ cũng khác nhau. Thế nên dù bối cảnh đất nước
thúc
đẩy, thiền sư Minh Tịnh vẫn chưa thể tiến hành hành trình bấy lâu mơ
ước mà chỉ dám ấp ủ, âm thầm chuẩn bị cho ngày ra đi.
Để chuẩn bị cho ngày lên đường, theo một số tài liệu còn lưu giữ,
ngoài việc đảm bảo sức khỏe tốt, thiền sư Minh Tịnh cố gắng học tiếng
Anh, tiếng Ấn trong thời gian ngắn. Hơn thế, vị trụ trì cũng cần đảm bảo
một số tiền kha khá để đủ làm tiền lộ phí. Vốn xuất thân là một trí
thức tây học, việc học ngoại ngữ của thiền sư không mấy khó khăn. Hơn
thế, vốn kiến thức về văn hóa phương Đông, về Phật giáo từ những nghiên
cứu thời còn trẻ, cho phép thiền sư tự tin hơn về hành trình gian nan
phía
trước. Cuối cùng, sau những nỗ lực không mệt mỏi, thiền sư cũng chọn
được ngày xuất dương, vân du đất Phật.
Ngay sau khi chọn ngày, thiền sư không chần chừ, nhanh chóng viết đơn
xin xuất dương và đệ trình lên các cấp chính quyền nguyện vọng được ra
nước ngoài. Tại đây, sau khi nghe nguyện vọng đáng trân trọng của bậc
thiền sư, chính quyền lúc bấy giờ không những không gây khó dễ mà còn
tận tình hướng dẫn thiền sư một cách chi tiết. Theo đó, để được xuất
dương, thiền sư Minh Tịnh phải xin giấy xuất dương tại chủ tỉnh sau đó
phải lên Sài Gòn vào sở Thông hành để xin được cấp giấy thông hành.
Ông đệ trình giấy xin xuất dương từ ngày 1/4/1935 nhưng mãi đến ngày
16/4/1935 mới hoàn tất. Giai đoạn này việc xuất dương ra nước ngoài hầu
như được thực hiện bằng đường biển. Để sang Ấn Độ, thiền sư Minh Tịnh
đến bến Cảng Nhà Rồng tìm mua vé tàu. Tại đây, ông được tin đến ngày
17/4 mới có chuyến tàu từ Việt Nam đi Singapo, ngang qua Ấn Độ và cập
cảng Madras. Thời gian chờ khá dài đủ để chư tăng, phật tử bày tỏ sự lưu
luyến với vị trụ trì đáng kính.
Đêm 16/4/1935, sau khi biết việc thiền sư Minh Tịnh đã lấy giấy thông
hành và đang chu tất cho hành trình vạn lý vân du nơi đất Phật, rất
nhiều tăng ni, phật tử của chùa đến tiễn biệt. Trước hành trình vạn dặm,
muôn trùng gian khó, không thể hẹn ngày về, nhiều tăng, ni để lộ nét
mặt sầu bi, lo lắng. Thiền sư an ủi: "Sự du lịch đất Phật đây chưa phải
là chuyện hằng hữu. Nước nhà, mới một mình bần tăng là Thích tử Việt
Nam, ngày nay đi lễ bái Thế tôn thánh địa, nơi Trung thiên trước quốc.
Cổ
kim mới một lần thứ nhất có cái hạnh phúc này, sao lại không vui".
Thiền sư mặc một chiếc áo tràng tiến về phía bến Nhà Rồng. Từ đây, hành
trình không tưởng của một vị thiền sư Việt Nam vân du Ấn Độ, chinh phục
Hymalaya, đến Nêpan, vào vương quốc Tây Tạng với bao khổ cực bắt đầu.
Chinh phục Tây Tạng ở tuổi 47
Thiền sư Minh Tịnh "đam mê" Phật giáo từ năm 16 tuổi, sau đó
xuất gia với Hòa thượng Ấn Thành - Từ Thiện, chùa Thiên Tôn với pháp
danh Chơn Phổ - Nhẫn Tế. Sở dĩ thiền sư có thêm pháp danh Minh Tịnh là
do cầu pháp học đạo với tổ Huệ Đăng và thụ giới với Hòa thượng Ngộ Định -
Từ Phong. Thiền sư Minh Tịnh chinh phục dãy Hymalaya khi bước sang tuổi
47, độ tuổi không còn trẻ khỏe để mạo hiểm và đương đầu với thử thách
khắc nghiệt của khí hậu, địa hình. Vậy mà, ông đã vượt biển, vượt núi,
trải qua cái nắng khủng khiếp, chìm vào sức lạnh băng tuyết
lâu năm, bằng niềm tin Phật giáo vô biên.
|
Hà Nguyễn - Ngọc Lài