Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Phật giáo Việt Nam – Dân tộc Việt Nam
30/08/2010 20:01 (GMT+7)





Nhìn lại lịch sử 1000 năm qua của dân tộc, cả một chặng đường dài với biết bao xương máu và nước mắt của nhân dân ta, từ thuở Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế là Lý Thái Tổ, năm 1010, dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và thành Đại La được đổi tên thành Thăng Long có nghĩa “rồng bay lên” cho đến thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn có thêm cái tên Hà Nội – biểu trưng cho ý chí tự lập tự cường, tự hào dân tộc, ngọn cờ lãnh đạo cho cả nước noi theo. Trải qua với biết bao thăng trầm trong lịch sử của dân tộc, dù cho lúc thái bình thịnh trị hay ngay cả lúc vận mệnh dân tộc lâm nguy, đất nước trong hoàn cảnh binh đao, cuộc sống dân ta chìm trong sự thống khổ nhưng Thăng Long – Hà Nội tự bao đời vẫn mãi trong trái tim của mỗi người con Việt. “Nghìn năm văn vật đất Thăng Long” đã trở thành một chân lý lịch sử và Thăng Long – Hà Nội vẫn là một đề tài văn nghệ quan trọng, thiêng liêng. (GS. Hoàng Như Mai).

Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi, cả ngàn năm đi qua giờ chỉ còn hơn một tháng là 86 triệu trái tim của người con Việt sẽ cùng chung một nhịp đập nô nức, hân hoan đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sự kiện đánh dấu một thiên kỷ hào hùng của đất nước ta. Hoà vào không khí phấn khởi chung của cả nước, Hội nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM đã phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM tổ chức buổi Hội thảo khoa học “Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” một hoạt động học thuật vô cùng quan trọng, không hình thức nhưng rất có chiều sâu, là một hoạt động rất có ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã cùng ôn lại những trang sử hào hùng có liên quan đến đại lễ. Xuyên suốt cả một chặng đường dài của lịch sử từ ngàn năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng dân tộc trải qua những cuộc thăng trầm hưng suy của đất nước qua nhiều thời đại. Trong bài Phát biểu khai mạc Hội thảo của HT. Thích Trí Quảng cũng đã nhấn mạnh điều này “Thời nhà Trần, nói đến Phật giáo là nói đến dân tộc, nói đến dân tộc là nói đến Phật giáo”. Hai triều đại Lý – Trần đã hình thành nên một nền “đức trị”, nền chính trị và luật pháp được xây dựng trên cơ sở đạo đức, những hạt giống từ bi sẽ hình thành trong mỗi con người. Đó thật sự là một triều đại đã xây dựng nên một nền chính trị bằng lòng từ bi và trí tuệ. Có thể khẳng định một điều rằng văn hoá Phật giáo luôn gắn liền với văn hoá dân tộc. Lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất qua từng giai đoạn dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước và đặc biệt là thời đại ngày hôm nay. Cứ nhìn vào sự phát triển đạo đức của con người bây giờ là chúng ta có thể thấy, cả một chiều hướng suy vi, giới trẻ vẫn chưa tập cho mình có một cái nhìn sâu trong cuộc sống, sống hời hợt, sống vội và … chết vội, những vụ án giết người dã man vẫn còn nhan nhản khắp đây đó, tham nhũng thì vẫn chưa có gì là cải thiện theo chiều hướng tích cực, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thái quá, trái đất ngày một nóng lên. Môi trường ô nhiễm. Do đâu? Đạo đức con người đã bị nhiễm ô! Xin một lần nữa được nhắc lại lời của Hoà thượng Trí Quảng “Nếu tách rời văn hoá Phật giáo thì khó có cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc”, “Sự gắn kết mật thiết này đã hoà quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống đạo đức của tổ tiên với tinh thần từ bi, trí tuệ, vị tha, vô ngã của đạo Phật”, nếu người dân biết thực hành ngũ giới, thập thiện, phàm làm việc gì cũng nghĩ tới nhân quả, mỗi người cần xây dựng cho mình lòng từ bi, làm việc bằng trí tuệ sáng suốt thì đúng thật “quốc thái dân an” chính là đây!

Buổi hội thảo đã thu hút gần 300 nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, văn học Việt Nam và lịch sử Việt Nam đến từ nhiều trường đại học trong nước. Hội thảo lần này gồm có hai chủ đề chính là “Phật giáo với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” và “Văn học với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Mỗi chủ đề đều có rất nhiều bài tham luận được gởi về. Không khí diễn ra thật sôi nổi, dù có những ý kiến bất đồng hay tán đồng trong quá trình trao đổi về một phương pháp hay đối tượng nghiên cứu nhưng tất cả các bài tham luận đều hướng đến mục đích phát triển và bảo vệ đất nước, thiết lập một nền ngoại giao quốc tế bền vững, lấy chữ “hoà” thay chữ “đấu”, trong nước không xảy ra tình trạng chiến tranh tôn giáo. Bên cạnh đó, bài học về nhân quyền và dân chủ cần phải được quan tâm sâu sắc và phát huy giá trị của nó. Một đất nước thịnh vượng, phát triển cả về vật chất và đạo đức con người là một đất nước luôn áp dụng những giá trị minh triết và đạo đức Phật giáo vào đời sống xã hội. Tinh thần đồng hành, hoà quyện giữa văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc luôn được quan tâm trong tất cả mọi thời đại. Ngàn năm qua đi, Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, gắn liền vận mệnh của cả dân tộc trong mọi thời đại, xây dựng trong lòng người dân một cuộc sống dựa trên tình yêu thương và sự hiểu biết.

Qua các bài tham luận trên, tuy nhiên, cũng có một điều rất đáng chú ý. Hiện nay Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TPHCM và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM xin được đề nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng một số đề xuất sau:

-    Thứ nhất: Về việc dựng tượng đài đức vua Lý Thái Tổ, thiền sư Vạn Hạnh và đức vua Trần Nhân Tông tại thủ đô Hà Nội và TPHCM

-    Thứ hai: Cấp mã đào tạo cho ngành Phật học: đây thật sự là một vấn đề rất được nhiều người quan tâm. Phật học không còn là một tôn giáo học, không phải là nơi để đào tạo thầy cúng hay giáo sĩ  mà đó chính là một ngành triết học, một bộ môn khoa học xã hội và nhân văn. Khoa học càng phát triển càng làm cho Phật giáo được hiểu rõ ràng và cụ thể hơn..

-    Thứ ba: Hợp tác song phương trong giáo dục.

Có thể nói, buổi Hội thảo đã diễn ra trong không khí tràn ngập niềm hồ hởi của người tham dự, cùng nhau ôn lại một thiên kỷ hào hùng của dân tộc, cùng trao đổi và hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước bền vững từ chính tâm hồn đạo đức của mỗi con người. Một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” không phải là xã hội chỉ phát triển ở vật chất mà phải là một xã hội được xây dựng trên tinh thần của bi, trí, dũng. Cuộc sống của con người tràn ngập tình yêu thương và làm việc bằng ánh sáng của trí tuệ. Phật giáo không phải là một tôn giáo như ai đó thường nhìn mà ở đó là cả một kho tàng triết lý sống mà nhân loại này cần phải khám phá và tu học. Đây chỉ là cảm nhận của người viết từ sau buổi Hội thảo trên và cũng chính là những suy nghĩ bấy lâu nay mong muốn được sẻ chia.

Xin phép được mượn lời khuyên của vua Trần Thái Tông để khép lại bài viết tại đây “Đã là người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không được xao lãng việc tu học của bản thân”. Lịch sử từ ngàn xưa đến ngàn sau, Phật giáo Việt Nam  vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và văn hoá Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hoá dân tộc Việt Nam.

TỊNH HẠNH

Nguồn: hoalinhthoai.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang