Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chùa Hàn San: Một trong mười ngôi chùa nổi tiếng ở Trung Quốc
Thanh Như dịch và sưu tập hình ảnh
31/08/2010 20:34 (GMT+7)


 

Qua con hẻm nhỏ đường Thạch Bản của cổ trấn Phong Kiều, hoặc đứng ở đầu cầu Phong Kiều, đưa mắt nhìn sẽ thấy trên con đường nhỏ quanh co xa tắp, thấp thoáng bóng chùa Hàn San với tường vàng ngói biếc, sân chùa tùng bách tươi xanh, tọa lạc trong rừng cây xanh thẳm.

 

Tấm bia ghi bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của nhà thơ Trương Kế

Trương Kế - Thi nhân đời Đường, khi đi ngang qua cầu Phong Kiều, nhìn con thuyền trôi lững lờ trên dòng sông Cổ Vận, nghe tiếng chuông chùa Hàn San đồng vọng ngân nga, ông tức cảnh sanh tình, làm bài thơ với nhan đề "PHONG KIỀU DẠ BẠC" lưu danh cho đời sau:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang Phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền

Dịch nghĩa:

Nhạn kêu trăng lặng đêm sương

Bến sông ánh lửa sầu vương thẫn thờ

Hàn San ven ngoại Cô Tô

Tiếng chuông lay tỉnh giấc hồ nữa khuya

(Thích Chiếu Sáng dịch)

Tiếng chuông trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này được lưu truyền đến nay đã hơn nghìn năm, ngôi cổ sát Hàn San nhân đây mà nổi danh trong thiên hạ.

Lầu chuông chùa Hàn San

Vào năm Trinh Quán đời nhà Đường (627-649), theo truyền thuyết, lúc đó có hai vị danh tăng là Hàn San và Thập Đắc từ núi Thiên Đài đến trụ trì nơi đây, cho nên đổi tên là Hàn San. Trong hơn 1000 năm qua, chùa Hàn San đã 5 lần bị hỏa hoạn, lần trùng tu cuối cùng là vào khoảng năm Quang Tự đời Thanh (1875-1908). Trên lịch sử, chùa Hàn San từng là một trong mười ngôi chùa lớn nổi tiếng ở Trung Quốc. Trong chùa di tích xưa rất nhiều, có bài văn bia được khắc trên đá của nhà thơ Trương Kế, có tượng Hàn San Thập Đắc được khắc bằng đá, những văn bia khắc bị vở của Văn Trưng Minh và Đường Dần... Trong chùa chủ yếu xây dựng Đại Hùng Bửu Điện, Vũ Điện (kiến trúc kiểu cung điện), Tàng kinh lâu, Bi Lang, lầu chuông, lầu Giang Phong v.v...

Tượng Hàn San và Thập Đắc
 

Bảo tháp Phổ Minh

Bắc Tống Thái Bình Hưng Quốc (tháng 12 năm 976 - tháng 5 năm 978), quan Tiết Độ Sứ là Tôn Thừa Hựu trùng tu tháp Phật 7 tầng, xưa nơi đây đã từng có tháp, hoặc xem tháp Tổ sư Phổ Minh là tháp Phật.

Nam Tống Kiến Viêm năm thứ 4 (1130), quân Kim xâm lăng Nam Tống, những ngôi chùa do nhà nước quản lí và các nhà dân tại trấn Tây Giao, Tô Châu, trong một đêm bị thiêu sạch. Chùa Hàn San tuy may mắn thoát khỏi hỏa hoạn, nhưng bị quân binh dày xéo. "Chư Tăng đều chạy trốn, mái chùa sụp đổ, ngói rơi lả chả trúng vào người." Nằm ngửa mặt thấy trời, bốn phía vách trống lạnh, sống cảnh như người chạy nạn. (Theo "Phong Kiều Tự Ký")

Thiệu Hưng năm thứ 4 (1134), có Trưởng lão Pháp Thiên không rõ từ đâu đến, đích thân thống lãnh đồ chúng, chỉnh sửa tu bồi, tiết chế y phục uống ăn, chắt chiu từng li từng tí, nếm đủ mùi gian khổ, gầy dựng vất vả nhọc nhằn, trải qua 12 năm, cuối cùng khiến cho "ngôi Phạm vũ mới hoàn toàn, có thể duy trì được mấy ngàn năm". Trong thời gian trùng tu tháp Phật, tiêu phí tài chánh, tiêu hao nhân lực 3 năm. Xây cất thêm viện Thủy Lục, trang nghiêm u nhã, vì rường cột Phật pháp mà thấp thỏm không yên. Chùa Hàn San sau khi được trùng tu, khí thế qui mô đồ sộ, nức tiếng từ xưa đến nay.

Cuối nhà Nguyên (1321-1367) Trương Sĩ Thành chiếm cứ Tô Châu, chùa Hàn San do Tôn Thừa Hựu trùng kiến, tháp Phật do trưởng lão Pháp Thiên trùng tu đều bị hủy hoại bởi chiến tranh binh lửa.

Minh Hồng Võ (1368-1398), có vị tăng là Xương Sùng trùng tu lại (Bách Thành Yên Thủy). "Cô Tô Chí" nói rằng: Hồng Võ quy vào tự viện, nhưng liệt vào Tòng lâm. Chùa này (chỉ cho chùa Hàn San) quy vào ba chùa, bốn am: chùa Tú Phong, chùa Tuệ Khánh, chùa Nam Phong. Đầu nhà Minh, sau khi pháp sư Xương Sùng trùng hưng thì chùa Hàn San vẫn còn là Tòng lâm.

Năm thứ ba Vĩnh Lạc, thiền sư Thâm Cốc Sưởng lại tu sửa. Căn cứ trong "Hàn San Tự Trùng Hưng Ký" của Diêu Quảng Hiếu ghi: "Thánh Triều Vĩnh Lạc năm thứ 3 (1405), Thiền sư lão thành Thâm Cốc Sưởng là người đầy đủ giới hạnh đến nhậm chức trụ trì, từ bàn tay trắng phấn đấu, quyên góp từ đàn việt, cắt đốn gai gốc, thu dọn gạch vụn, trước hết xây Phật Điện, kế tiếp xây tăng xá, cổng chùa rồi đến giảng đường, thiền đường, nhà bếp, nhà kho, nhà vệ sinh, rồi đến những thứ cần thiết trong tự viện Sư đều sắp xếp đầy đủ. Cho đến đắp các tôn tượng chư Phật, Thích Ca Thế Tôn thờ cúng trong điện đường. 

Chánh Thống Kỷ Mùi (1439), Quận hầu Huống Chung trùng tu trở lại (Bách Thành Yên Thủy).

Gia Tĩnh (1522-1566), có vị Tăng là Bổn Tịch đúc chuông xây lầu, nhưng lại gặp sự cố binh biến của Nhật. Chuông chưa rõ bị hư hoại lúc nào, về ngày tháng năm của chuông chùa bị hủy có thể bắt đầu khảo sát ở đây. (Theo: Bách Thành Yên Thủy)

Quang Tự năm thứ 32 (1906), Trần Quỳ Long trong lúc đi tuần tra Giang Tô, thẩm sát doanh ngũ, ngẫu nhiên đến Phong Kiều, nhân thấy chùa Hàn San - ngôi cổ sát nghìn năm bị hoang vu, bèn phát tâm tu sửa: "Chọn ngày lành để chuẩn bị khởi công, mở rộng cửa để được gần đại lộ. Từ cổng đi vào, rẽ hướng nam, cầu đường gồm 3 dãy, rồi từ đường tiến vào, có 3 kho dựng đồ riêng biệt. Dãy nhà phía đông rộng rãi, là nơi nghỉ ngơi của khách. Dãy phía tây thì hơi hẹp, là nơi đặt để bia cổ của chùa. Những thư sách của Văn Đãi Chiếu (tên của một chức quan) và thơ của Trương Ý Tôn, đến nay đã bị thất khuyết, nên khắc lại để bổ sung vào.

 

Sau cách mạng Tân Hợi đến năm 1949, trải qua cuộc chiến với bọn quân phiệt, khắp nơi người dân bị nạn kêu cứu thảm thương. Chùa Hàn San cũng không tránh khỏi, khói hương lạnh lẽo, ngoài ngõ không người, ra vào đơn độc, chư tăng tản mát mỗi người một nơi. Mùa thu năm 1941, các ông Cao Quan Ngô cùng tu sửa Tàng kinh lâu, đổi tên là Sương Chung Các. Lúc lạc thành, ông Mã Khởi Quyền tặng bức tranh "Hàn Sơn Bôi Độ", có đến 92 người làm thơ ca ngợi bức tranh này, tất cả 165 bài thơ (Xem: Nghệ Văn). Thời kỳ quân Nhật xâm chiếm Tô Châu, phòng xá điện đường chùa Hàn San đã trở thành nơi nhốt ngựa của quân Nhật. Chùa chỉ còn hai ba vị tăng nương nhau mà sống, nguồn thu nhập chỉ dựa tiền bán cơm và tiền viết liễn, cuộc sống trôi qua một cách miễn cưỡng

Khoảng năm 1966 đến 1976, tượng Phật, pháp khí, điện các của chùa Hàn San bị tổn hại, văn vật trong chùa đã bị thanh tra và tịch thu. Pháp sư Tánh Không tìm mọi biện pháp để bảo hộ, khiến cho các văn bia khắc, tạng kinh, La Hán ... được bảo tồn.

 

Sau năm 1976, khắp nơi thi hành chính sách dẹp loạn phục hồi trật tự. Ngày 15/11/1978, ông Triệu Phác Sơ - Hội Trưởng Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc, Phó chủ tịch Hiệp nghị Hội thương chính trị toàn quốc, lần đầu đến chùa Hàn San thị sát và chỉ đạo công tác tu sửa. Ngày 17/11 cùng năm, có 4 vị tăng chùa Hàn San là: Tịnh Trì, Tánh Không, Quả Phong và Pháp Nhẫn, mặc tăng bào, theo nghi quĩ Phật Giáo Trung Quốc, long trọng tiếp rước Điền Hồng Phạm, là đoàn trưởng của "Đoàn giáo dục xã hội Nhật Bản hữu nghị giao lưu Trung Quốc " gồm 17 tăng ni. Chùa Hàn San từ đây bắt đầu phục hồi.

 

Năm 1979, sau hội nghị toàn quốc, số người đến viếng thăm Trung Quốc không ngừng tăng thêm. Hai pháp sư Tịnh Trì, Tánh Không lần lượt đón tiếp khách ngoại quốc như các tác gia, các nhà nghệ thuật: Nữ ký giả Hoa Kỳ, vườn nghệ gia nước Cộng Hòa Liên Bang Đức... , họ đại biểu cho giới trí thức nước ngoài, họ cũng bày tỏ niềm hy vọng là được hiểu rõ về hiện trạng của tôn giáo Trung Quốc. Tháng 7 năm này, Chính phủ nhân dân thành phố,ban Tôn giáo dân tộc chánh thức khôi phục hoạt động, kịp thời triệu tập hội nghị nhân sĩ giới tôn giáo, nhận chân hàng loạt biện pháp cụ thể về vấn đề nghiên cứu chính sách tôn giáo. Đồng thời trên hội nghị đã tuyên bố, sẽ tăng tốc độ công trình chỉnh tu sửa chữa chùa Hàn San, lần chỉnh tu này sẽ do chính phủ cấp kinh phí. Cùng năm này, chùa đã thỉnh về các tôn tượng: Thích Ca, Ca Diếp, A Nan, Di Lặc, Vi Đà Bồ tát và Hàn San Thập Đắc từ chùa Tây Viên về chùa Hàn San để phụng thờ.

Đêm trừ tịch năm 1979, dưới sự phối hợp xướng đạo của Hiệp hội hữu hảo đối ngoại thành phố Tô Châu, tổ chức hoạt động "nghe tiếng chuông chùa Hàn San" lần đầu tiên, đối tượng tham gia hoạt động này có khoảng 120 bạn hữu người Nhật. Để xúc tiến tình hữu hảo Trung Nhật, chùa đã bắt đầu xây dựng một hình thức mới là phát triển ngành du lịch. Nhân số về sau cứ mỗi năm mỗi tăng thêm, sự qui mô mỗi năm mỗi mở rộng, ngày này năm này rất ảnh hưởng và đã trở thành hoạt động của ngày lễ truyền thống hằng năm.

 

 

Năm 1986, theo qui chế Tòng Lâm, chùa đã thỉnh pháp sư Sở Quang, pháp sư Diễn Lâm làm giám viện, hai vị này chia ra từng khoản mục, kiết thiết sửa sang cơ bản, hoạt động tôn giáo, tiếp đãi đối ngoại,đối nội. Cục du lịch quốc gia đã cấp chi phí 50 vạn nhân dân tệ, trùng kiến Tàng kinh lâu 365 m2  Mùa thu năm 1988, khởi công xây dựng khu sinh hoạt, diện tích kiến trúc 670 m2

 

 

 

Năm 1990, pháp sư Thu Sảng lãnh trách vụ giám viện, năm này cũng đã hoàn thành viên mãn công đức phết vàng 500 vị La Hán, kiến trúc đình Văn Chung.

Năm 2001, lần lượt hoàn thành các công trình lợp ngói lại Hoằng Pháp Đường, chỉnh tu phòng khách và trai đường, đại tu Tàng kinh lâu... dựng bia thơ "Phong Kiều Dạ Bạc". Ôn Tánh Trân - tín sĩ Đài Loan và gia quyến hiến cúng một lư hương lớn bằng đồng, do công ty Trung Hoa Thanh Đồng Đại học giao thông Thượng Hải chế tạo, nặng 5 tấn, để chỗ đất trống phía sau điện Thiên Vương.

 

 

Tháng 8 năm 2006, qua sự tiến cử của Pháp sư Tánh Không, Hiệp hội Phật giáo phê chuẩn, Pháp sư Thu Sảng tiếp nhận chức Phương trượng. Pháp sư là người tu học cần mẫn, đạo tâm kiên định, tích cực hiệp trợ Phương trượng Tánh Không, quản lý tự viện rất tốt, không ngừng hoàn thiện các công trình xây dựng, pháp sư đã đem hết sức mình để phát huy công năng cho ngành du lịch văn hóa tôn giáo của tự viện. Sư tiếp nhận chức Phương trượng chùa Hàn San, thể hiện đầy đủ chính sách tự do tín ngưỡng của tôn giáo. Ngoài ra Sư còn kế thừa thư pháp của thầy, tác phẩm thư pháp của sư được đánh giá, triển lãm trong và ngoài nước. Hiện là Ban quản trị Hiệp hội Phật giáo tỉnh Giang Tô, Phó Hội Trưởng Hiệp Hội Phật giáo thành phố Tô Châu, Hội Trưởng Hiệp hội Phật giáo thành Phố Côn Sơn, Ủy viên Hiệp thương Chính trị thành phố Giang Tô.

 

 

Cuối năm 2006, Cục Sự Vụ Tôn giáo Dân tộc thành phố Tô Châu, qua sự nghiên cứu thảo luận của Hiệp Hội Phật giáo thành phố Tô Châu, quyết định mời pháp sư Thu Sảng - phương trượng chùa Hàn San kiêm nhiệm trụ trì chùa Trùng Nguyên. Tháng 3/2007, lấy pháp sư Thu Sảng làm tăng đoàn đầu tiên và chính thức tiến vào chùa Trùng Nguyên, khai triển toàn diện pháp vụ Phật giáo và xây dựng nền văn hóa Phật giáo tự viện, thành tựu một đạo tràng Phật giáo có đủ Tam bảo Phật Pháp và Tăng.  

 

 

Pháp sư Thu Sảng - Phó Hội Trưởng Hiệp Hội thành phố Tô Châu,
 đương kim trụ trì chùa Hàn San
 
 

 

Doanh Châu (truyền thuyết: núi Tiên ở Đông Hải)

 

 

 

Tương truyền tiếng chuông chùa Hàn San là độc nhất vô nhị, sự cảm xúc đã gợi hứng cho rất nhiều thi nhân qua các triều đại, nhưng nổi bậc vẫn là bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" của thi sĩ Trương Kế. Kiệt tác này hiện là pháp bảo vô giá của Hàn San, được khắc trên bia đá sừng sững giữa trời thi gan cùng tuế nguyệt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

\

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Theo: giacngo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang