Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ni sư Mandala - Một đời người đồng hành cùng đất nước
03/01/2011 04:44 (GMT+7)


Từng là lãnh đạo phong trào đấu tranh của sinh viên tại Nhật chống chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo những năm 1960; ni sư Mandala cũng là người đặt nền móng cho phong trào Phật tử yêu nước tại Pháp, cả cuộc đời bà tâm niệm "dù đạo hay đời cũng có chung Tổ quốc"; "Đất nước có yên ổn, có độc lập, hoà bình thì mình hoằng đạo mới tốt hơn".

Ni sư Mandala trong những ngày ở Hà Nội dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII.

Cuộc đời dâng hiến cho Đạo pháp và hạnh phúc của tha nhân

Tôi tranh thủ đến gặp bà tại nhà khách Chính phủ vào những ngày Hà Nội đang rét đậm. Bà đón khách từ cửa, với nụ cười hiền từ. Suốt cuộc đời mình, bà đã sống sẻ chia như thế. Pháp danh Mandala của bà vừa có nghĩa là trung tâm của trí tuệ tỏa khắp 10 phương vừa là tên một loại hoa sen trang nghiêm, thanh tịnh.

Sinh ra trong gia đình Phật tử, bà sớm ngộ đạo, từ ngày còn trẻ đã ăn chay và nguyện dâng hiến cuộc đời cho Phật. Năm 1953, bà vào Huế theo thầy học về đạo Phật. Vào thời điểm đó, chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo nặng nề. Bà tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đã sớm cùng các thầy và tăng ni đi giảng các nơi để trấn an cho đồng bào phật giáo.

Cũng vào thời điểm đó, chứng kiến cuộc sống đau khổ của nhân dân, các thầy tổ dạy phải gắng nhập thế, bởi nếu không làm việc xã hội, thì không thấu hiểu được cái cực khổ thực sự của quần chúng, bà gấp sách để đi làm việc thiện. "Thầy tôi dạy, từ bi hỉ xả là phải thực hiện từ bi". Dù lúc đó mới 18, bà cùng 1 ni cô khác khoác tay nải lên đường tìm cách mở cô nhi viện phật giáo đầu tiên cho phong trào phật giáo làm công tác xã hội ở Tuy Hòa (Phú Yên), lấy tên là Phước Thiện.

Mới đầu, cơ sở vật chất chưa có gì, các sư cô đi khắp nơi mang những đứa trẻ bị bỏ rơi về chăm sóc nhờ nhà dân. "Xứ ấy rất nghèo, bà con không có giường, chỉ có ghế làm bằng bao bố, phải quấn cà sa vào cái chai để gối đầu. Những ngày đầu tiên, người ta mang đến cho 2 đứa trẻ, một đứa 1 tuần tuổi và còn đứa kia 1 ngày tuổi, tôi phải cởi áo mình ra để may áo cho 2 đứa trẻ sơ sinh. Không có nôi, có giường, phải treo dây thừng vào 2 cái thúng ở 2 bên ghế bố mình nằm để nuôi 2 cháu cho đến mấy tháng sau, cô nhi viện mới hoàn thành”. Lúc đó, bà một mặt vừa đi dạy ở trường Bồ Đề, vừa đi giảng đạo, vừa vào nhà thương học cách chăm sóc trẻ, vừa nuôi trẻ. Bà nhớ, có những bận 2, 3 ngày không sờ đến bàn chải đánh răng, vì có đến 38 cháu nhỏ, mà chỉ có 2 sư cô chăm sóc.

Thời gian sau đó, thấy bà sáng trí, sư thầy bèn cử sang Nhật học để lấy kiến thức về tiếp tục phát triển Phật giáo trong nước. Trong thời gian bà học ở Nhật thì xảy ra kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm, đặc biệt là sự kiện đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/8/1963, vợ chồng Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân ra lệnh bắt hết tăng ni trong miền Nam, do muốn trả thù việc ngài Thích Quảng Đức tự thiêu. Nghe tin, bà muốn tự sát để phản đối hành động phi nghĩa đó, nhưng giáo hội trong nước đánh điện yêu cầu bà phải sống để tranh đấu, nên bà bỏ ý định tự sát, mà tuyệt thực để phản đối.

Là nữ tu sĩ đầu tiên đi học ở nước ngoài, là người duy nhất ở Nhật, thân cô thế cô ở xứ người, không biết dựa vào ai, Mandala liền chọn cổng trường làm nơi tuyệt thực. Hình ảnh một sư cô bé nhỏ cô độc đấu tranh hết mình đã khiến giới giáo hội Phật giáo Nhật và người dân Nhật cảm mến, ủng hộ hết mình. "Chưa ai được người dân Nhật thương bằng tôi lúc đó. Người dân gửi cho tôi hàng thúng quà động viên. Tôi lên cả đài phát thanh của Nhật để gửi thông điệp phản đối".

Đặc biệt, giáo hội Phật giáo Nhật đã bố trí để bà được tiếp xúc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lúc đó là Henry Cabot Lodge, trong chuyến ông này thăm Nhật, để đưa tối hậu thư: "Tôi, nhân danh là một nữ học sinh của Phật giáo, phản đối hành động của vợ chồng Ngô Đình Nhu đem thù riêng áp dụng vào việc chung. Dù tiếng nói của tôi nhỏ nhoi, tầm thường, nhưng tôi đem mạng sống của mình ra để làm tối hậu thư. Nếu tính mạng tăng ni trong nước có mệnh hệ gì, tôi sẽ lập tức tự sát để phản đối".

Không chỉ thế, bà còn gửi cả thư phản đối đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc Uthan và giáo hội Phật giáo các nước khác. Phong trào dần dần lan rộng, các tu sĩ Việt Nam đang du học tại Ấn Độ, Pháp và các nước khác đã lên tiếng ủng hộ. Từ sự kiện này mà phong trào đấu tranh lan rộng khắp nơi, cả trong và ngoài nước đã khiến Diệm - Nhu phải nhượng bộ, thả hết tăng ni phật tử bị bắt giữ. Vì tham gia vào phong trào chống đối chính phủ, bà bị cắt học bổng, sức khỏe suy kiệt do tuyệt thực, nhưng bà kiên trì tự mình kiếm tiền tiếp tục học và tiếp tục tranh đấu.

"Giữ gìn cái gốc, thì cành lá, hoa trái mới tốt tươi"

Chưa thỏa mãn với những gì được học ở Nhật, bà tiếp tục sang Anh, Pháp để học tại Pháp bà đã lập nên phong trào Phật tử. Với quan niệm phải giữ gìn bản sắc dân tộc, "giữ gìn cái gốc thì cành lá hoa trái mới tốt tươi được", bà mong muốn xây dựng một nơi lưu giữ văn hóa Việt Nam, để người Việt xa xứ  thấy gần gũi hơn với quê hương mình. "Đem một cái cây ra chỗ đất lạ, dù cái cây có quí giá mạnh khỏe đến đâu, cũng phải mang theo một bầu đất cũ của nó, là nơi bén rễ đầu tiên, nuôi nấng cái cây trước khi nó đủ mạnh mà bám vào đất mới".

Phong trào do bà khởi xướng đã thành nơi tụ họp của đông đảo thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh ở trong nước. Hoạt động chủ yếu của phong trào là nói cho thế giới biết Việt Nam và những hoạt động tranh đấu của Việt Nam, nhất là lý do vì sao phải đứng dậy đấu tranh để giành độc lập. "Dân tộc đã cùng với đạo Phật thăng cùng thăng, trầm cùng trầm, nên Phật giáo và dân tộc là một. Trước khi là tu sĩ, mình là người Việt Nam, không thể ngồi yên được trước bom đạn, trước mất mát của đất nước", bà lúc nào cũng tâm niệm như vậy.

"Cuộc chiến đấu chống Mỹ của ta lúc đó thật thần kỳ, có một không hai trên thế giới. Toàn dân đoàn kết một lòng vì độc lập tự do thống nhất đất nước, mà không nghĩ đến cá nhân. Ai cũng biết đặt đại cuộc lên trước. Thế giới cũng ủng hộ Việt Nam. Ngay cả người Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam cơ mà. Sự hi sinh gian khổ của đồng bào trong nước là ngọn đuốc sáng khơi gợi cho chúng tôi ở nước ngoài tiếp tục tranh đấu”.

Những năm sau đó, bà đi khắp nơi để vận động hòa bình, vận động ủng hộ cho Việt Nam. "Những năm chống Mỹ là những năm in sâu vào chúng tôi hình ảnh đau khổ của đồng bào ở trong nước, cũng là những năm cao trào hoạt động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bà con Việt kiều ở Pháp lúc bấy giờ không tiếc gì công sức, tiền tài, vật lực, cái gì cống hiến được là cống hiến. Tôi nhớ có những lần Hội Việt kiều tổ chức những đêm không ngủ để phản đối trận ném bom B52 ác liệt của Mỹ vào Việt Nam... Chúng tôi đã tổ chức những buổi chiếu phim, giảng diễn, giải thích cho đồng bào nghe".

Những việc làm của bà đã làm rung động trái tim bạn bè năm châu và họ đã quyên góp nhiều tiền ủng hộ Việt Nam. Trong những năm ở Pháp, bà cũng vận động xây 2 ngôi chùa tại Pari và Marseille, như một chốn bình yên, với phép màu của đạo từ bi, của đạo giác ngộ, khiến con người tạm xếp hận thù vào ngăn kéo.

Khi chia tay chúng tôi, bà nói: "Phật giáo dạy rằng, địa ngục còn chúng sinh đau khổ thì tôi chưa thành Phật, phải vì tha nhân, vì hạnh phúc của người trước hạnh phúc của mình. Điều đó rất phù hợp với tinh thần của người cộng sản chân chính. Đối với chúng tôi, Bác Hồ như một vị Bồ Tát, nhìn Người với sự tôn kính, qua đó nhìn được con đường mình phải đi, là đóng góp cho đất nước".

Lưu Vinh - V.Hân - N.Yến (Theo CAND)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang