Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Lạ lùng chiếc chuông cổ biết chọn thời điểm "lặn xuống" và "ngoi lên" thích hợp từ biển sâu
26/02/2012 17:56 (GMT+7)


Một trong những quả chuông cổ nhất Việt Nam

Chùa Vân Bản là cái tên gắn liền với tháp Tường Long. Tháp Tường Long và chùa Vân bản tọa lạc trên ngọn núi đầu tiên, một trong 10 đỉnh cao liền nhau của Núi Rồng, quận Đồ Sơn, Hải Phòng; có độ cao 91,7m so với mặt nước biển. Tháp tường Long được xây dựng vào giai đoạn thịnh vượng của Phật giáo thời Lý (năm 1058); tức là chỉ xây dựng sau tháp Báo Thiên ở Thăng Long một năm và cũng theo lệnh của vua Lý Thánh Tôn. Cả 2 di tích đặc biệt này đều không còn tồn tại.

Chị Lê Tuyết - Trưởng phòng Thông tin - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: Chuông Vân Bản được tìm thấy năm 1958 tại Đồ Sơn - Hải Phòng, sau đó được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử cho đến ngày nay.

Hiện chuông Vân Bản được trưng bày trong Chuyên đề "Rồng trên cổ vật" đang diễn ra tại Bảo tàng. Chuông cao 125cm, có đường kính miệng rộng 80cm. Quai chuông được trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen, vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng.

Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới để trơn. Chuông có 6 núm tròn, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen.

Theo các tài liệu được Bảo tàng Lịch sử nghiên cứu: Chuông được đúc trong thời Trần và treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn - Hải Phòng). Tương truyền rằng: Vào thời Trần, sư Bần - một người Ấn Độ - đã đến Đồ Sơn dựng chùa Hang. Đồ Sơn là một trong những nơi tiếp nhận đạo Phật đầu tiên ở nước ta và còn được gọi là Châu Cự Liên (theo nghĩa rộng là nơi Phật giáo phát triển mạnh). Chùa Hang sát mép nước, sợ biển đe dọa nên nhân dân dời về chùa Vân Bản và đúc chuông.

Bài minh văn trên thân chuông đã được nhà nghiên cứu Đỗ Đức Thọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) tạm dịch: "...Khổ hạnh tăng Hướng Tâm, cư sĩ Đại Ác cộng khai sáng sơn lâm hạ động, Đông chí hải biên vi giới, Tây chí biên hải thạch đầu vi giới, bính chí Hoành Sơn vi giới,..., Bắc chí Sao Lương thạch vi giới..." Đoạn văn trên mô tả vị trí của cái động dưới chân núi do nhà sư tu khổ hạnh hiệu Hướng Tâm và vị cư sĩ hiệu Đại Ác khai sơn. Vì là động núi xa nơi thôn cư nên trong đoạn mô tả trên đây chúng ta không thấy những địa danh làng xã hoặc một kiến trúc nào, chỉ biết động ấy: phía Đông ra đến bờ biển; phía Tây đến hòn đá (hiểu nôm na là một hòn đá lớn hoặc khá lớn) bên bờ biển; phía Bắc cũng đến một hòn đá gọi là hòn Sao Lương. Như vậy, ba phía Đông, Tây, Bắc đã được nói đến, nhưng còn một phía nữa là phía Nam chưa thấy nói đến...

Quả chuông Vân Bản nổi tiếng đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Sau khi được phát hiện, thời gian đầu, các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã xác định được đây là chuông của chùa Vân Bản ở Đồ Sơn và cho rằng chuông đúc thời Lý. Gần hai mươi năm sau, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chiến và Đỗ Đức Thọ đã tìm ra những chứng cứ thuyết phục để chứng minh chuông Vân Bản không phải thời Lý, mà có niên đại thế kỷ XIII, thời Trần.

Chuông Vân Bản đã được coi là quả chuông cổ nhất Việt Nam suốt từ năm 1958 cho đến năm 1986. Trong 2 năm liền (1986- 1987), có 2 quả chuông cổ quý hiếm đã liên tục được phát hiện- Đó là chuông Thanh Mai (niên đại 798) và chuông Nhật Tảo (thời Ngô Quyền). Như vây, tính đến nay thì chuông Vân Bản đang đứng thứ 3 về "tuổi tác" trong thế giới những chiếc chuông cổ được tìm thấy tại Việt Nam.

Số phận kỳ lạ của quả chuông

Chuông Vân Bản được cho là một quả chuông "thiêng", do người dân khu vực Đồ Sơn gìn giữ nhiều đời. Trải qua các cuộc bể dâu của đất nước, chuông từng lưu lạc nhiều lần. Tuy nhiên, như một sự xui khiến, cho dù chuông bị vùi sâu dưới đáy biển thì vẫn được "thỉnh về". Các câu chuyện dân gian truyền miệng cho rằng, từ khi ra đời đến nay, thời gian chuông Vân Bản "ngụ cư" dưới nước nhiều hơn thời gian được treo tại chùa. Ít nhất 3 lần chuông phải vùi mình dưới đáy biển suốt thời gian dài, lần gần đây nhất bị ngâm dưới nước biển mấy trăm năm, thế nhưng vẫn không bị nước mặn phá hủy.
Người dân Đồ Sơn lý giải rằng, vì chuông được đúc với một tỷ lệ vàng quá cao, nên dù bị sóng biển vùi dập mấy trăm năm mà vẫn còn nguyên vẹn, tiếng chuông vẫn vang xa trăm dặm.

Các thông tin xung quanh số phận của quả chuông tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên, trong dân gian, chuông Vân Bản được khoác lên mình khá nhiều câu chuyện ly kỳ.

Chuông được cho rằng đã tự "lăn" vào lưới của một ngư dân ở Đồ Sơn vào năm 1958 khi người này đang buông lưới đánh cá. Thấy lưới nặng, người ngư dân nọ tưởng một con cá lớn mắc lưới nhưng kéo mãi không lên. Người ngư dân này đành nhờ người lặn xuống biển gỡ lưới, không ngờ "con cá" trong lưới chính là một quả chuông lớn.

Ngay sau khi quả chuông được phát hiện, người dân Đồ Sơn đã phỏng đoán đó là chuông Vân Bản vì câu chuyện về chiếc chuông Vân Bản nhiều lần đắm mình xuống đáy biển đã được lưu truyền từ lâu.

Tương truyền, trải qua thời gian phôi phai, chùa Vân Bản bị đổ nát, chuông lăn xuống biển. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó, sau này gọi là chùa Vân Bản. Trải qua vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa Vân Bản bị đổ sập, quả chuông lại bị rơi lăn xuống biển ở chân núi Tháp. Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng dựng lại ở ven núi, gần khu vực bãi tắm một ngày nay. Sau khi chùa mới dựng xong, người dân Đồ Sơn lại một lần nữa mò tìm, trục vớt quả chuông cổ từ bến Đò Họng, đem về treo ở chùa cách đó không xa.

Dân gian truyền miệng: Chuông Vân Bản còn một vài lần bị thất lạc dưới đáy biển trùng khớp với thời điểm đất nước có "biến". Những lần thất lạc ấy đều do "tự nhiên" xuất hiện giông bão làm đổ chùa và chuông "tự" rơi xuống biển hoặc do dân làng tại đây cố tình "cất giấu" bằng cách cho chìm xuống đáy biển (?!).

Có thông tin cho rằng, chuông còn một lần bị thất lạc từ thế kỷ XV để tránh cuộc tàn sát, vơ vét di sản văn hóa Đại Việt của giặc Minh. Cũng có ý kiến cho rằng, chuông bị mất từ đầu thế kỷ XIX, do người dân giấu chuông xuống đáy biển để đối phó với việc phá chùa Tháp của Hoàng Cao Khải...

Nhiều người tin rằng chuông Vân Bản biết "tự quay về" vào những thời điểm thích hợp. Cứ khi nào vận mệnh của đất nước lâm nguy thì chuông lại đằm mình dưới biển cả và đến lúc "trời yên bể lặng" thì chuông lại xuất hiện trở lại. Năm 1958 cũng là khi nước ta lập lại hòa bình được một thời gian ngắn.

Những thông tin về chuông Vân Bản đã có từ lâu, nhiều người vẫn để ý tìm nhưng dường như tìm kiếm một vật báu dưới đáy biển là việc làm... không tưởng. Hình như chỉ khi nào"muốn" trở lại mặt đất thì chuông sẽ "tự" cho con người những dấu hiệu để trục vớt.

Điều đặc biệt chuông Vân Bản tuy bị ngâm dưới nước biển nhưng không hề bị ăn mòn hay hư hỏng gì. Đây là một trong những báu vật được trục vớt từ biển nhưng còn rất nguyên vẹn. Nhiều người cho rằng chuông được đúc kèm theo vàng với một tỷ lệ cao nên không bị nước biển xâm thực.

Theo Hoàng Phương - GĐ&XH

Các tin đã đăng:
Về đầu trang