Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những kho báu trong núi ở Hải Phòng là có thật
27/02/2012 15:03 (GMT+7)

Ông Dương Văn Thớ, người sống 60 năm dưới chân núi Rùa, một trong ba quả núi ở làng Mỹ Cụ (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) có chứa vô số mộ Hán, dẫn tôi lên đỉnh quả núi này.
Trên đỉnh núi Rùa có ngôi đền dựng tạm bằng tôn, thờ Tuệ trung thượng sĩ Trần Tung, Trần Quốc Tuấn và vua Trần Nhân Tông.
Trần Tung sinh năm 1230, mất năm 1291. Ông là anh ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột của hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, tức anh vợ vua Trần Thánh Tông.

 

Ngôi đền thờ Trần Tung trên đỉnh núi Rùa, còn gọi là núi Dưỡng Chân.


Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân đánh giặc và có những chiến công lớn. Đất nước thái bình, ông làm Tiết độ sứ, quản lý vùng duyên hải. Nhưng làm quan một thời gian ngắn, ông lui về ở ẩn nơi trang ấp được phong có tên là Dưỡng Chân.
Tại Dưỡng Chân, ông tiếp tục nghiên cứu đạo Phật. Ông mất và được an táng tại ấp này.
Ông chính là người thầy giảng dạy đạo Phật cho Trúc Lâm Tam tổ, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông.

 

Tượng Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Tung được thờ trong ngôi đền dựng tạm trên đỉnh núi Rùa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng) cùng với ông Trần Quang Thiện (con cháu họ Trần) đã đi tìm vùng đất Dưỡng Chân và phát hiện ra núi Rùa chính là núi Dưỡng Chân chép trong lịch sử.

Ông Trần Văn Ngoang, trưởng làng Mỹ Cụ:

 “Năm 1962, các nhà khảo cổ trung ương đã về núi Phượng Hoàng khai quật cùng lúc 4 ngôi mộ Hán. Họ đã thuê nhân công trong làng đào đất ròng rã mấy tháng trời. Vợ tôi cũng được thuê đào đất làm phát lộ mộ. Khi 4 ngôi mộ lộ ra, công an, dân quân kéo đến quây kín, dựng lều bạt, hàng rào, không cho ai vào xem. Dân làng tận mắt chứng kiến các nhà khảo cổ chở đi mấy xe tải cổ vật”.

Vùng đất Mỹ Cụ được ghi nhận có lịch sử từ thời Hùng Vương, An Dương Vương, đến đời Trần là thái ấp của một nhân vật quan trọng.
Kể lại một chút vùng đất Mỹ Cụ, để thấy rằng, đây là vùng đất có bề dày và dấu ấn lịch sử.
Theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, một chuyên gia về mộ Bắc thuộc, thì loại hình mộ Hán (gồm mộ gạch, mộ cũi gỗ, mộ đất) xuất hiện ở nước ta từ thời Bắc thuộc, kéo dài đến tận thời Lý, Trần. Tuy nhiên, mộ thời Lý, Trần có quy mô nhỏ hơn.
Đã từng chứng kiến khá nhiều mộ Hán, nên nhìn những ngôi mộ vòm cuốn trong lòng núi ở làng Mỹ Cụ, tôi chắc chắn rằng đây là những ngôi mộ gạch kiểu Hán.
Ông Dương Văn Thớ dẫn tôi đi một vòng quanh quả núi Rùa và chỉ tôi một vài miệng hầm do giới đào trộm mồ mả đào bới, những chỗ núi lở, chỗ dân phá núi, lộ ra những vách mộ, miệng vòm cuốn.

 

Ông Thớ nhặt cho PV xem những viên gạch xây mộ Hán trên núi Rùa.

Theo ông Thớ, trong lòng quả núi này có vô số mộ vòm cuốn. Những ngôi mộ nằm san sát nhau, nằm chồng đống lên nhau. Có thể đây làm một nghĩa địa mộ kiểu Hán khổng lồ. Tuy nhiên, những ngôi mộ này thuộc về thời kỳ nào thì cần sự vào cuộc của các nhà khoa học. Không loại trừ khả năng một trong số những ngôi mộ trong lòng quả núi này thuộc về thời Trần, liên quan đến ông Trần Tung.
Ông Tăng Bá Hoành bác bỏ quan điểm cho rằng đây là những ngôi mộ Sở như lời đồn của nhân dân Mỹ Cụ. Theo ông Hoành, trước thời kỳ Bắc thuộc, ở nước ta chỉ táng bó chiếu hoặc mộ thuyền, mộ thân cây khoét rỗng. Loại mộ kiểu Hán chỉ xuất hiện từ đầu Công nguyên. Do đó, những ngôi mộ này không phải của người nước Sở.

 

Ông Tăng Bá Hoành bên ngôi mộ Hán do ông phục dựng ở Bảo tàng Hải Dương.


Tuy nhiên, theo ông Hoành, nếu gọi những ngôi mộ này là kho báu cũng không có gì sai. Những ngôi mộ Hán này thực sự là những kho báu khổng lồ, cực kỳ quý cả về giá trị vật chất lẫn giá trị lịch sử.
Ông Hoành đã đi nhiều nước châu Âu và ông thấy các bảo tàng ở châu Âu ăm ắp cổ vật lấy từ những ngôi mộ Hán thời Bắc thuộc ở Việt Nam. Người châu Âu coi đó là những cổ vật cực kỳ quý hiếm, có giá trị rất cao. Tuy nhiên, ở nước ta chúng lại chưa được coi trọng.

 

Ngôi mộ Hán khai quật ở xã Ái Quốc, Nam Sách, Hải Dương. Ảnh ông Tăng Bá Hoành cung cấp.


Những hầm đất chứa nhiều món đồ như bát đĩa, bình lọ, vàng bạc, ngọc ngà, tiền xu… nằm sâu trong lòng núi, thậm chí nằm dưới chân những ngôi mộ gạch cũng là một loại mộ Hán. Những ngôi mộ này dù nằm dưới mộ gạch, hoặc sâu trong lòng núi, thì cũng không có nghĩa là nó cổ hơn mộ gạch.
Người xưa có thể xây mộ gạch trên đỉnh núi, nhưng người đời sau lại đào hầm mộ đất từ sườn núi vào sâu bên trong, nên có thể mộ hầm đất nằm dưới mộ gạch là chuyện thường.
Dù là mộ gạch hay mộ đất thì kiểu hầm cũng tương đối giống nhau, gồm một hoặc nhiều đường hầm vòm cuốn song song, có ngách nối thông với nhau, hoặc hình chữ Chi.

 

Ông Ngoang bên một vách mộ Hán lộ ra ở sườn núi Rùa.


Mộ hầm đất hoặc mộ gạch có thể táng một người rồi lấp lại, cũng có thể táng nhiều người trong gia đình, dòng họ, trong nhiều thời kỳ khác nhau, rồi mới lấp lại.
Sở dĩ trong mộ có nhiều cổ vật, tiền bạc, là vì người xưa quan niệm “trần sao âm vậy”. Họ chia của cho người chết để dùng ở thế giới bên kia. Có thể trong nhiều năm, nhiều đời người ta chất của cải, đồ dùng trong mộ, nên khi khai quật một mộ, thu được cả xe tải cổ vật cũng không có gì lạ.
Theo ông Hoành, thực tế, ở Trung Quốc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều mộ kiểu Hán như ở Việt Nam. Có những ngôi mộ là một kho báu khổng lồ, chứa hàng vạn món ngọc, vàng, bạc, cổ vật giá trị. Lượng cổ vật trong một ngôi mộ Hán có thể đến vài xe tải chở mới hết.

 

Mộ Hán ở chân núi Rùa.


Những ngôi mộ Hán ở Việt Nam cũng chứa nhiều cổ vật, châu báu. Tuy nhiên, trải hàng ngàn năm biến loạn, hầu hết các ngôi mộ đã bị trộm đào bới lấy đi. Rất ít những ngôi mộ còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Do đó, theo ông Hoành, nếu những quả núi ở Mỹ Cụ còn chứa những ngôi mộ Hán nguyên vẹn, thì đây thực sự là một kho báu khổng lồ, có giá trị vật chất và giá trị khảo cổ vô cùng to lớn.

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cũng đồng quan điểm rằng, những kho báu ở làng Mỹ Cụ chính là mộ kiểu Hán, hay còn gọi là mộ vòm cuốn, mộ gạch.
Xem xét một số đồng tiền cổ mà anh Tuyến lấy từ hầm mộ trong núi Phượng Hoàng, ông Cường nhận diện được 2 đồng: một đồng Ngũ Thù (Triều vua Tây Hán Vũ Đế, niên đại 141 – 87 trước Công nguyên, năm đúc tiền 118 trước Công nguyên) và một đồng Đại Tuyền Ngũ thập (Triều vua Hán Nhũ Tử, niên đại 05-08 sau Công nguyên. Năm đúc 06 sau Công nguyên).

 

Ông Nguyễn Lân Cường đã đọc được 2 đồng tiền trong số những đồng tiền anh Tuyến lấy trong mộ Hán ở núi Phượng Hoàng.


Qua hai đồng tiền, có thể thấy rằng, ngôi mộ chứa đồng tiền này không thể có trước năm 118 trước Công nguyên, tức là sớm nhất thì cũng chỉ hơn 2.100 năm. Tuy nhiên, đồng tiền vẫn được lưu hành về sau này, nên niên đại ngôi mộ có thể muộn hơn so với năm lưu hành tiền.
Theo ông Cường, hồi năm ngoái, việc phát hiện một ngôi mộ Hán nhỏ ở Ciputra đã gây chú ý cho cả nước, khiến hầu hết các nhà khảo cổ quan tâm. Như vậy, việc phát hiện hàng loạt mộ Hán ở Mỹ Cụ phải được coi là vấn đề khảo cổ quan trọng.
Chính quyền địa phương cần bảo vệ an toàn tuyệt đối cho những ngôi mộ này. Trong thời điểm hiện tại, các nhà khảo cổ chưa có điều kiện khai quật, thì con cháu đời sau sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Tháng 8-1980, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật một ngôi mộ Hán có niên đại 2.000 năm ở Tượng Cương (Quảng Châu). Số cổ vật thu được như sau: 200 món ngọc khí được điêu khắc tinh xảo; bộ ti lũ ngọc y mặc cho người chết đính hàng vạn viên ngọc; hơn 500 món thanh đồng; 125 món thanh đồng chung; 1.314 nữu chung đồng; bộ câu dược bằng đồng 148 cái; 23 chiếc ấn bằng vàng ròng; 36 đỉnh đồng; 10 thùng đồ trang sức bằng vàng gắn hạt châu, 5 bộ ngà voi… Tổng số cổ vật quý thu được chất đầy 2 xe tải lớn.

 

Phạm Ngọc Dương

Theo tintuc.xalo.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang