Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mật đạo trong lòng Phật viện Đồng Dương?
Ngọc Thi
31/08/2011 21:46 (GMT+7)




Lịch sử ao Vuông

Theo thông tin do TS Trần Bá  Việt, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng cung cấp, Phật viện Đồng Dương được xây dựng từ thế kỷ thứ IX dưới triều đại Indravarman II. Đây là phật viện lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp của Phật viện nằm lân cận nhau và phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật, đó là ao Vuông trong khuôn viên Phật viện.

 
Ao Vuông nhìn từ trên cao, ảnh của Goolge Earth

Khu vực ao Vuông chính là hoàng cung của kinh đô Indrapura. Nguyên thủy đó là một quả đồi thấp sát đồng bị tách ra với phần còn lại ở hướng đông bằng một đường thủy hào. Trên quả đồi đó người ta lại đào tiếp một cái ao hình chữ nhật kích thước khoảng 100 x 180m. Toàn bộ số đất đào này được đắp thành dạng lũy vuông vức và bằng phẳng chạy vòng theo ao Vuông. Để tăng tính phòng thủ của hoàng cung, quả đồi được tạo dáng khá cẩn thận, có mặt bằng tổng thể theo hình chữ nhật lồi. 

Mật đạo trong lòng Phật viện?

Những người dân nơi Phật viện Đồng Dương còn truyền miệng nhau đến ngày nay là có một mật đạo giữa ao Vuông và Tháp Giếng. Tháp Giếng này cách ao Vuông khoảng 1km về hướng đông. Như vậy, nếu thực có mật đạo thì chiều dài của nó vào khoảng 1km. 

Ông Lê Công Chất, chánh văn phòng UBND xã Bình Định Bắc dẫn chúng tôi đi xem khu vực ao Vuông và cho biết ông cũng nghe nhiều về thông tin mật đạo trong lòng Phật viện Đồng Dương. Tuy nhiên, thực hư của mật đạo thế nào thì đến nay không ai chứng minh được.
 
"Tôi nghe nói là Tháp Giếng có ăn thông với khu vực ao Vuông. Và nếu ném một trái bưởi xuống giếng thì sau đó sẽ phát hiện trái bưởi tại ao Vuông", ông Chất cho hay.
 
"Nếu có mật đạo thì có thể nó nằm dưới khu vực này", ông Lê Công Chất nói.

Dẫn chúng tôi đến một khu đất có con đường mòn chạy qua, cách ao Vuông chừng 100m, ông Chất cho rằng, nếu thực sự có mật  đạo thì nhiều khả năng nó chạy qua khu vực này. Vì theo ông Chất, con đường mòn nơi đây ngày trước có thể dẫn thẳng lên Tháp Giếng. Giờ thì con đường không còn nguyên vẹn nữa.

Trước thông tin truyền miệng của người dân, nhiều giả thuyết cho rằng, mật  đạo Đồng Dương có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc hoặc có thể là một kỹ thuật cấp nước trong giếng cổ. Có thể  người Chăm xưa đã biết áp dụng "nguyên lý hai bình thông nhau". Với kỹ thuật gốm phát triển, họ đã đúc những ống gốm dẫn nước đặt ngầm trong lòng đất. Những ống này sẽ lấy nước từ khu vực nước có chất lượng cao và có cao trình bằng với cao trình nước mà họ muốn khống chế.

Để tìm hiểu sâu hơn về mật đạo Đồng Dương, chúng tôi đã tìm gặp ông Trà Tấn Tôn, sinh năm 1938, là một cao lão người Chăm ở khu vực Phật viện. Ông Tôn cho biết, lúc ông còn nhỏ đã từng đến chơi ở Tháp Giếng và cũng nghe ông nội ông kể nhiều về mật đạo giữa Tháp Giếng và ao Vuông.
 
Ông Trà Tấn Tôn nói với phóng viên rằng mình đã từng nghe ông nội nói về mật đạo Đồng Dương
 
"Khi nhỏ tôi hay trèo lên Tháp Giếng lắm. Lúc đó chu vi của tháp khoảng 1m và có chiều cao tầm 5m. Tháp Giếng được xây dựng có nhiều tầng cấp để đi lên trên miệng giếng được. Và điều đặc biệt là nước trong giếng không khi nào cạn dù trời có hạn hán cỡ nào đi nữa", ông Tôn nhớ lại.
 
Và theo ông Tôn thì việc nước giếng không bao giờ cạn có thể là do được thông với nước ở ao Vuông.  

Cần một cuộc nghiên cứu

"Từ năm 2002, UBND xã  đã tổ chức cho người dân đấu giá khu vực ao Vuông để trồng sen với giá đấu là 15,3 triệu  đồng/năm. Xã cũng đã có kế hoạch xây dựng mô hình nông thôn mới tại ao Vuông", ông Lê Công Chất cho biết. Trong khi sự thật của lịch sử chưa được tìm hiểu kỹ và có câu trả lời thỏa đáng, liệu những việc làm này của cấp chính quyền sở tại có gây khó khăn trong quá trình đi tìm lời giải?

Mới đây, tại Thăng Bình cũng đã diễn ra một hội thảo khoa học nhằm tìm ra phương cách bảo tồn và phát huy các giá trị của Phật viện Đồng Dương. Và nên chăng, khi những bí mật còn ẩn giấu trong lòng Đồng Dương, trong đó có mật đạo, chưa được làm sáng tỏ thì chúng ta không nên can thiệp quá sâu vào hiện trạng của di tích (?).

Người dân xã Bình Định Bắc còn truyền miệng nhau rằng, nếu thả trái bưởi ở Tháp Giếng thì sau đó trái bưởi sẽ nổi lên ở ao Vuông.

Thế nhưng, theo ông Đinh Hài, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam: "Tôi chưa từng nghe nói có mật đạo trong lòng Phật viện Đồng Dương. Riêng về công tác bảo tồn phật viện thì Sở đã có kế hoạch rồi. Mọi công việc ở Đồng Dương sẽ được bắt đầu từ công tác khảo cổ".

Theo: bee.net.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang