Với bầu không khí mùa Đông giá lạnh trong khung cảnh êm đềm
tịch tĩnh của màn đêm, khi nhân loại còn đang mải mê đắm chìm trong giấc
ngủ say sưa của dòng đời vô minh, ngũ dục đầy đau khổ, có ai biết chăng
trong số đó một bậc vĩ nhơn siêu phàm chợt bừng tỉnh thức hoàn toàn bản
chất tự tâm tại cây Bồ-đề thiêng trong đêm hôm ấy vào năm 528 trước
Công Nguyên.(1) Đó là Thái tử Siddhattha với độ tuổi vừa tròn
35. Ngài đã thực sự chứng ngộ quả vị Vô Thượng Bồ-đề, giải thoát hoàn
toàn mọi phiền não vô minh, sinh tử luân hồi, và đã trở thành vị Phật
với danh hiệu Thích-ca-mâu-ni.
Sự chứng ngộ của Ngài đã mở ra cho nhân loại một hướng đi mới nhằm
giải thoát mọi phiền não khổ đau, hầu mang lại cho con người một cuộc
sống hoàn toàn chân thiện mỹ và đầy an lạc hạnh phúc qua con đường tu
tập lý Trung Đạo mà Ngài đích thân đã chứng ngộ. Trong kinh Pháp Cú, Ngài đã dõng dạc tuyên bố với nhân loại rằng:
"Chỉ có con đường này; không có con đường nào khác đưa đến sự thanh
tịnh về tri kiến. Thực hành theo con đường này, mọi thứ khác trên cuộc
đời đều là sự mê loạn của Ma Vương" (This is the path; there is no
other that leads to the purification of intelligence. Follow this
(path), for everything else (in this world) is the deceit of Màra the
Tempter).(2)
Ngài cũng khẳng định cho chúng ta biết rằng: Sự giác ngộ của mỗi
người đều tuỳ thuộc vào sự nỗ lực tự thân mà không phải nương tựa vào
ai:
"Các ngươi phải tự nỗ lực lên. Các đức Như Lai chỉ là những người chỉ
dạy. Những người đi theo con đường này và thực hành thiền định sẽ giải
thoát khỏi sự ràng buộc của Ma Vương" - (You yourself must make an
effort. The Blessed Ones (Tathàgata) are only preachers. Those who
follow the Path and practise meditation are freed from the bondage of
Màra the Tempter).(3)
Ngày nay, tuy Đức Phật đã đi vào trạng thái Niết-bàn, sự kiện giác
ngộ tại linh cội Bồ-đề và lời dạy của Ngài vẫn luôn là tiếng chuông ngân
vang mãi trong mỗi trái tim của người con Phật (nói riêng) và cả thế
giới nhân loại (nói chung) suốt hơn 25 thế kỷ qua.
Nhân dịp lễ tưởng niệm ngày Phật Thành Đạo, Phật Lịch 2545, và chào
đón thiên niên kỷ mới của nhân loại năm 2001 tại Bồ-đề Đạo Tràng, người
viết xin được mạo muội góp chút suy nghĩ và sự hiểu biết của mình cho
buổi thảo luận với chủ đề: "Sự giác ngộ của Đức Phật là quá trình chuyển hoá tâm linh"
I . GIẢI THÍCH Ý NGHĨA ĐỀ TÀI
Trước nhất, chúng ta nên thảo luận một vài từ ngữ để làm sáng tỏ hơn
về ý nghĩa của đề tài. Chữ "giác ngộ" được các nhà học giả dịch ra nhiều
khía cạnh và ý nghĩa khác nhau. Theo Từ Điển thuật ngữ Phật học Hán
Anh, chữ "giác ngộ" có nghĩa là: "thức tỉnh, trở thành tuệ giác, hoặc sự
nhận thức rõ ràng về thực tại tâm linh" (to awake, become enlightenment, or comprehend spiritual reality).(4) Trong cuốn Bách Khoa Từ Điển của Đại học Oxford, "giác ngộ" bao hàm 2 nghiã: (a) hành động tỉnh thức (act of enlightenment), (b) trạng thái được thức tỉnh (state of being enlightened).(5) Ngoài ra, chữ "giác ngộ" còn có nghĩa là "trạng thái tâm linh cao nhất có thể đạt được" (Enlightenment is the highest spiritual state that can be achieved).(6)
Chữ "tâm linh" có nghĩa là "tâm hồn"(7), hay còn gọi là "tâm tinh thần hoặc tư tưởng."(8)
Theo Từ Điển Pàli - English, chữ "tâm" được viết theo chữ Pàli là
Citta, có nghĩa là "trọng tâm và tiêu điểm của bản tính xúc cảm của con
người, cũng như căn bản trí vốn sẵn có bên trong và đi kèm với những sự
biểu lộ bên ngoài của nó, ví dụ tư tưởng. Hay nói đơn giản hơn, tâm
chính là "sự tư duy" (the center and focus of man’s emotional nature
as well as that intellectual element which inheres in and accompanies
its manifestations; i.e. thought).(9) Mặt khác, "tâm" có nghĩa là "khả năng để tư duy, cảm thọ và để nhận thức về sự vật" (the ability to think, feel emotions and be aware of thing).(10) Hay có nghĩa là " năng lực tri kiến" (one’s intellectual powers )(11)
Chữ "quá trình" ở đây được dùng để chỉ chung cho khoảng thời gian tu
tập lâu dài tuần tự theo thứ lớp, mà không có sự vượt bậc, đột ngột.
Chữ "chuyển hoá" có nghĩa là sự chuyển đổi từ tư tưởng tiêu cực sang
tư tưởng tích cực, từ tâm phiền não trở thành tâm giải thoát v.v. . .
Tóm lại, trong đề tài này, người viết muốn nhấn mạnh chữ "giác ngộ" mang ý nghĩa là: sự nhận thức thấu đáo được bản chất như thật của vạn hữu. Chữ "Tâm Linh" được dùng với ý nghĩa: tâm hồn hoặc tư tưởng. Từ đây ta có thể hiểu rõ hơn về chủ đề của bài viết này là: "Sự nhận thức thấu đáo của Đức Phật về bản chất như thật vạn hữu là một quá trình tu tập lâu dài chuyển hoá tâm linh theo thứ lớp."
II . SỰ GIÁC NGỘ CỦA ĐỨC PHẬT LÀ QÚA TRÌNH CHUYỂN HÓA TÂM LINH
Khi nói đến "qúa trình," người viết muốn nhấn mạnh về chuỗi thời gian
tiệm tiển trong tiến trình giác ngộ của đức Phật để chứng minh rằng: Sự
Giác Ngộ của Đức Phật không phải chỉ trong thời gian ngắn ngủi đôi ba
phút mà thành tựu, nó đòi hỏi cả một quá trình tu tập lâu dài và bền bỉ
của Ngài ngay từ khi bắt đầu thực hành pháp tu khổ hạnh cho đến lúc
chứng ngộ quả vị Vô Thượng Bồ-đề, tức thành Phật. Vậy bằng phương pháp
gì Đức Phật tu tập trong suốt quá trình chuyển hóa tâm linh để chứng ngộ
Bồ-đề? Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận tuần tự về vấn đề này.
1. BẰNG PHƯƠNG PHÁP TU TẬP VƯỢT QUA HAI LỐI SỐNG CỰC ĐOAN
Khi Đức Phật còn là một vị Thái tử, Ngài đã từng sống trong cảnh xa
hoa lộng lẫy, được nuông chiều chăm sóc và nuôi dưỡng cẩn thận của một
hoàng nam: nào là sống trong một cung điện nguy nga tráng lệ sang trọng
hợp theo thời tiết 3 mùa: mùa Đông, mùa Hạ, và mùa Mưa; nào là ăn mặc
quần áo bằng các loại vải Kàsi thượng hạng được mang về từ thành
Ba-la-nại,.v.v.(12); cho đến lúc Ngài trở thành vị Sa-môn
thực hiện đời sống tu hành ép xác khổ hạnh hơn ai hết: nào là theo
phương pháp hướng nội như thiền nín thở, nghiến răng, chận lưỡi,.v.v.(13); nào là theo phương pháp hướng ngoại như mặc y phấn tảo, nhịn ăn đến độ chỉ còn dùng một nắm gạo hay 1 trái cây mỗi ngày (14). Nhưng tất cả mọi thứ ấy đều không đưa Ngài đến sự an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn. Ngài nghĩ rằng:
"…Dầu ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh
như vậy, ta cũng không chứng được các pháp Thượng nhân, không có tri
kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện
ấy, không chứng được pháp Thượng nhơn với Thánh trí tuệ. Chính thánh
trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có
thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau."(15)
Cuối cùng Ngài đã từ bỏ hai lối sống cực đoan và nhận thức rằng: cuộc
đời không phải lúc nào cũng đem đến cho con người mọi lạc thú an vui và
hạnh phúc, ngay chính đằng sau mọi lạc thú và hạnh phúc ấy đều sẵn có
nỗi khổ đau vô thường rình rập họ. Ngài đã dạy các đệ tử rằng:
"Này các Tỳ-kheo! Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực
hành theo. Thế nào là hai ? Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ
liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục
đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên
hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con
đường Trung đạo do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa
đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn."(16)
Từ những kinh nghiệm cuộc sống sung túc xa hoa và lối sống tu hành ép
xác khổ hạnh, Ngài đã phá bỏ hai con đường cực đoan ấy và tìm ra được
một con đường mới, đó là con đường Trung đạo với lối sống tri túc, quân
bình, đúng đắn và thích hợp qua hình ảnh Ngài tiếp nhận bát cơm đầy sữa
của nàng Sujata. Chính con đường Trung đạo đã đưa đức Như Lai diệt tận
mọi khổ đau, phiền não, vô minh và thành tựu thắng trí, giác ngộ,
Niết-bàn. Vậy thế nào là con đường Trung đạo? Đó chính là "con đường
Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ,
chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là
con đường Trung đạo, này các Tỳ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành
mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn."(17)
Sự chứng ngộ của Đức Phật là sự kiện bắt nguồn cho một trường phái tư
tưởng mới, một tôn giáo mới, một khối kim cương pha lê của giác ngộ,
vượt thoát khỏi mọi ràng buộc và chấp mắc ở đời. Trong ánh sáng chói lọi
của sự giác ngộ, xuất hiện ra một hệ tư tưởng mới được hun đúc từ sự
hoà hợp của những yếu tố tư tưởng cũ và mới, giải thích hiện tượng nhân
sinh và thế giới quan về bản chất như thật của nó, phá vỡ tư tưởng Ngã
và Ngã sở, nêu rõ con đường Trung đạo chấm dứt mọi phiền não khổ đau đưa
đến sự an lạc giải thoát, và cuối cùng vượt hẳn lên mọi tri kiến lỗi
thời để trở thành chân lý phổ quát bao trùm vạn vật.
2. BẰNG PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BÁT CHÁNH
Chuyển hóa tâm linh là một quá trình nổ lực tu tập liên tục theo thứ
lớp bằng con đường Bát Chánh được biểu hiện qua 3 món Tam Vô Lậu: Giới,
Định, Tuệ mà Ngài đã trải qua. Chỉ có con đường Bát Chánh mới có thể đưa
con người diệt tận phiền não khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi, đạt
đến sự an lạc hạnh phúc, giải thoát giác ngộ. Và bằng phương pháp này,
đức Phật đã chứng ngộ tâm linh thành tựu quả vị Vô thượng Chánh Đẳng
Chánh Giác. Ngài đã khẳng định rõ ràng rằng: "Mỗi chúng sanh đều có Phật
tánh, Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành." Điều này
Ngài muốn nói rằng: Sự giác ngộ mà Đức Phật đã chứng được tại linh cội
Bồ-đề cũng chính là quả giác ngộ của chúng ta trong tương lai nếu như
chúng ta tu theo thứ lớp và đúng theo con đường Bát Chánh. Ngay tại đây,
Đức Phật đã khéo để lại cho chúng ta bài học kinh nghiệm rằng: Trước
khi tu tập tâm linh, hành giả phải tu tập Tuệ học bằng sự nhận thức đúng
đắn về con đường Bát Chánh đưa con người đến sự diệt khổ và đạt được
thắng trí giác ngộ Niết-bàn (Chánh kiến), đồng thời phải quán triệt thấu
đáo như thật về bản chất của Ngã và Ngã sở (Chánh tư duy). Khi thấu
triệt đúng đắn như thế, hành giả tiếp tục tu tập Định học bằng cách
chuyên tâm tinh tấn tu trì một cách nhiệt tâm (Chánh tinh tấn) qua
phương pháp chánh niệm tỉnh giác trong tứ oai nghi và tam nghiệp (Chánh
niệm) với trạng thái tâm an tịnh, kiên cố và không thối chuyển (Chánh
định). Với tâm kiên cố và thuần thục, hành giả thực hành Giới học được
biểu lộ qua lối sống đạo đức (Chánh mạng), lời nói ôn hoà nhã nhặn khiêm
tốn (Chánh ngữ), và việc làm đúng đắn của chính mình (Chánh nghiệp). Có
như thế, con đường Bát Chánh mà chúng ta đang tu tập hầu mong mới có
ngày đạt đến:
"Buộc tâm lấy Giới làm dây,
Lắng tâm lấy Định dựng xây đạo tràng,
Rõ tâm đuốc Tuệ soi đường,
Tâm không cảnh tịch Niết-bàn an vui."
Mặt khác, đối với giáo lý của đức Phật, Ngài không bao giờ khuyên
chúng ta phải tin theo một cách hồ đồ và mù quáng; mà trái lại, Ngài căn
dặn khi nghe Pháp và thực hành Pháp điều trước tiên phải tuân theo 3
bước cơ bản: Văn (lằng nghe hay học hỏi tường tận), TƯ (suy nghĩ chính
xác), Tu (thực hành đúng cách và nghiêm túc). Ngài nhấn mạnh rằng giáo
pháp của Ngài không phải chỉ đến để mà tin, ngược lại "đến để nghe," để
suy nghĩ và cuối cùng là để tu tập. Điều này có nghĩa là bất cứ con
người nào trước khi tu tập, họ cần phải thẩm đạt và thấu triệt rõ ràng
về con đường mình đang tu tập đưa đến giá trị lợi lạc cho tâm linh hay
không? Đó là điều cơ bản và cần thiết cho người học Phật hiểu rõ. Ngay
cả đức Phật, trước khi vào thiền định tu tập về con đường Bát Chánh,
Ngài cũng phải hiểu rõ về giá trị lợi lạc của con đường ấy ra sao trong
khi tu tập. Qua ý nghĩa này, cho tới ngày nay chúng ta vẫn còn nghe vang
vọng đâu đây lời nhắc nhở của các bậc Tôn đức trưởng lão đối với thế hệ
trẻ Tăng Ni ngày nay: "Phàm tác sự tu tư duy chi hậu quả," có nghĩa là:
Phàm làm việc gì phải suy nghĩ kỹ lưỡng hậu quả của nó về sau.
3. QUÁ TRÌNH CHUYỂN HOÁ TÂM LINH BẰNG SỰ KẾT HỢP THIỀN VÀ TUỆ THEO THỨ LỚP
Ngay khi tiếp nhận bát cơm đầy sữa của nàng Sujata và từ bỏ lối sống
tu tập ép xác khổ hạnh, đức Phật đã tìm ra được con đường Trung đạo đưa
đến sự an tịnh thắng trí bằng sự kết hợp Thiền và Tuệ. Suốt 49 ngày đêm
ngồi trầm tư dưới cội Bồ-đề, tư tưởng Ngài không hề nảy sinh một chút
giải đãi và biếng lười nào, tâm Ngài luôn an trú trong chánh niệm tỉnh
giác qua từng hơi thở ra vào, kiên quyết diệt trừ những ảo tưởng tham ái
vô minh phiền não ở nội tâm qua từng sát na, kết quả cuối cùng đưa đến
cho Ngài với thân được khinh an, không dao động; tâm được định tỉnh và
thuần nhất. Ngài bắt đầu tuần tự thể nhập vào trạng thái thiền định qua 4
giai đoạn, và chứng đắc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.(18)
Ngay tại đây, chúng ta thấy rằng tuy phương pháp hành thiền không phải
là điểm cứu cánh tối hậu đưa đến sự giác ngộ, nó đóng một phần vai trò
quan trọng cho hành giả bước đầu thực hiện quá trình tu tập thuần thục
tâm. Do vậy, sau khi đức Phật đã điều phục tâm trở nên định tỉnh, không
cấu uế, thoát ly mọi lậu hoặc, nhu nhuyến, dễ sử dụng, kiên cố, bất
động; Ngài bắt đầu kết hợp với Tuệ giác của mình bằng cách hướng tâm hồi
tưởng đến các tiền kiếp quá khứ và chứng được " Túc Mạng Trí " trong
đêm canh đầu. Tiếp đó, Ngài hướng tâm đến "Sanh Tử Trí," thấu rõ về luật
nhân quả về nghiệp mà chúng sanh đã tạo đưa đến kết quả tương xứng, và
chứng đắc "Sanh Tử Trí "vào canh giữa đêm. Cuối cùng Ngài đột nhập vào
tri kiến thứ ba, đó là tri kiến về " Khổ" và " Lậu Hoặc " qua Tứ Thánh
Đế, Ngài chứng đắc " Lậu Tận Trí " vào đêm canh cuối. Và một tri kiến
khởi lên trong Ngài: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã
làm, không còn trở lui trạng thái này nữa."(19)
Qua sự kiện chứng ngộ của đức Phật kéo dài suốt 3 canh (đầu, giữa và
cuối), ta thấy rằng đức Phật luôn theo một tiến trình tuần tự trong quá
trình tu tập chuyển hoá tâm linh bằng sự kết hợp Thiền và Tuệ. Đối với
Ngài, các học Pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường
là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Điều này rất phù
hợp với lời dạy của Ngài đã khẳng định trong Tiểu Bộ kinh:
"Ví như, này các Tỳ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận
h-ớng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy
này các Tỳ-kheo, trong Pháp và Luật này các học Pháp là tuần tự, các quả
dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập
chánh trí, thình lình."(20)
Mặt khác, tiến trình giác ngộ của đức Phật luôn dựa trên Chánh Trí
Tuệ làm nền tảng soi sáng tâm linh. Do vậy trong khi tu tập, Ngài luôn
luôn để tâm hướng về Túc Mạng Trí, Sanh Tử Trí và Lậu Tận Trí làm kim
chỉ nam trên bước đường tu tập hướng đến quả vị giải thoát giác ngộ.
Điều này chứng tỏ rằng sự giác ngộ của Ngài không phải là trạng thái nằm
ngoài tự thân, hay một vấn đề gì gọi là "xuất thần" cả, đó chính là một
trạng thái chơn an lạc hạnh phúc tối cao kéo dài trong dài nhiều giờ
dưới sự hỗ trợ của Tối Thắng Tri Kiến cực kỳ minh mẫn:
"Người tâm ý an tịnh; Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát; Tịnh lạc là vị ấy"(21)
Ngay tại đây, có lẽ chúng ta đã thừa hiểu được rằng: Bằng phương pháp
gì đức Phật tu tập trong suốt qua trình chuyển hóa tâm linh hướng đến
giác ngộ giải thoát?
III. PHẦN NHẬN ĐỊNH
Quá trình tu tập chuyển hoá tâm linh của đức Phật đưa đến sự chứng
ngộ Vô thượng Bồ-đề là một bài học kinh nghiệm quý báu cho những ai muốn
tầm cầu đạo giải thoát, an tịnh tâm linh. Chúng ta có thể nhận định như
sau:
a - Quá trình của Phật được ghi lại như sau: "Dầu
chỉ có da, gân hay xương còn lại, dầu thịt và máu có khô cạn trong thân,
điều mà sự kiên trì của con người, sự tinh tấn của con người, sự nổ lực
có thể đật được, nếu ch-a đạt được thời tinh tấn không có chấm dứt."(22) Hay trong kinh Pháp Cú 144 dạy rằng:
"Như ngựa hiền chạm roi; Hãy nhiệt tâm, hăng hái,
Với tín, giới, tinh tấn; Thiền định cùng trạch pháp,
Minh hạnh đủ, chánh niệm; Đoạn khổ này vô lượng"(23)
Nói cách khác, nếu sự giác ngộ của đức Phật là một quá trình tu tập
lâu dài, thì hành giả hướng đến con đường giải thoát do Phật chỉ dạy
phải luôn nổ lực tu tập liên tục tuần tự theo thứ lớp với tâm kiên cố,
đạo niệm tinh chuyên theo con đường Bát Chánh đặt trên nền tảng Giới
Định Tuệ.
b - Sự giác ngộ, giải thoát sẽ không đơm hoa kết
trái một cách mỹ mãn cho những ai tu học vượt thứ bậc, hấp tấp, vội vã,
cũng như không chuyên tu tập thiền định và thắng trí . Nó đòi hỏi hành
giả phải tu tập theo thứ lớp với tâm định tỉnh và thuần nhất trong khi
thiền định và tuệ quán qua con đường Bát Chánh:
"Ai sống một trăm năm; Ác tuệ, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày; Có tuệ tu thiền định."(24)
c - Sự giác ngộ của Ngài luôn dựa trên quá trình
tổng hợp giữa Thiền và Tuệ. Vì sao? Vì Thiền và Tuệ như là đôi chân của
hành giả đang trên đường tu tập giải thoát giác ngộ, nếu thiếu một trong
hai thì quả vị Vô thượng Bồ-đề khó mà đạt được. Cũng vậy, nếu người nào
tu tập thiền định mà không có sự hỗ trợ của Tuệ, Định đó sẽ trở thành
Tà Định. Và ngược lại, nếu người tu tập Tuệ mà không có sự Thiền Định,
Tuệ đó trở thành Tà Tuệ (Tà kiến). Do đó, người tu thiền luôn dựa trên
sự tổng hợp giữa Thiền và Tuệ làm căn bản hầu mới đạt được thắng trí
giác ngộ Niết-bàn:
"Tu thiền, trí tuệ sanh; Bỏ thiền, trí tuệ diệt,
Biết con đường hai ngả; Đưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nổ lực; Khiến trí tuệ tăng trưởng."(25)
d - Sự giác ngộ của Ngài là một quá trình "chuyển mê
khai ngộ," từ tư tưởng tiêu cực trở nên tích cực, từ tâm khổ đau phiền
não hướng đến tâm an lạc giải thoát bằng sự nổ lực tự thân. Ở đây, Ngài
muốn cho chúng ta thấy rõ rằng: sự chứng ngộ của Ngài là một quá trình
nổ lực tự thân đúc kết từ những kinh nghiệm tu tập cũ của bản thân mà
không nhờ một quyền năng bên ngoài nào hỗ trợ:
"Tự mình y chỉ mình; Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục; Như khách buôn ngựa hiền."(26)
Đồng thời, khẳng định được sự chứng ngộ của Ngài không phải đạt được
từ một điều gì mới mẻ cao xa, mà là sự chuyển hoá bản u mê và vô minh
trở thành tuệ giác và tỉnh thức. Mặt khác, quá trình chuyển hoá tâm linh
là một quá trình tu tập "phản bổn hườn nguyên" hay "hồi quang tự kỷ" để
làm cho con người quay trở về với bản tâm thanh tịnh vốn có của chính
mình mà bấy lâu bị màng vô minh vọng tưởng điên đảo che lấp. Đức Phật,
Ngài đã ví dụ "bản tâm thanh tịnh" ban đầu của con người như một đạo lộ
cũ, một con đường cũ, một cổ thành cũ đã bị lãng quên và nay đã được trở
về với cổ thành xưa đó. Ngài dạy:
"Các ngươi nên biết, trong khi đi ngang một khu rừng, một chặn núi,
tôi thấy được một con đường cũ, một đạo lộ cũ do những người xưa đã từng
đi qua. Tôi đã đi theo con đường ấy và thấy được một cổ thành, một cố
đô do người xưa ở, với đầy đủ vườn tược, đầy đủ rừng cây, đầy đủ hồ ao,
với thành lũy đẹp đẽ. Thưa các Tôn giả, hãy xây dựng lại ngôi thành ấy"(27).
Quả thật, đạo Giác ngộ của Ngài luôn là vầng dương trí tuệ xua tan
màn đêm vô minh phiền não đem lại ánh sáng an lạc hạnh phúc cho muôn
loài, là thuyền từ bát-nhã đưa chúng sanh thoát khỏi biển ái sông mê, là
con đường chân lý tối hậu đưa thế nhân đến quả vị cứu cánh Vô thượng
Bồ-đề. Giáo pháp của Ngài thật sự:
"Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp; Bá thiên vạn kiếp nan tư ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì; Nguyện giải Như Lai chơn thật nghĩa."
Cầu chúc quí vị vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường, và mau sớm
chứng ngộ Phật tâm của chính mình trên lộ trình tu học đạo giải thoát
giác ngộ của Đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
***
CHÚ THÍCH
(1) G.S. Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, trang 144
(2) N.V.Banerjee, The Dhammapada, câu 274, trang 107
(3) Tương tự, câu 276, trang 108.
(4) W.E. Soothill and L. Hodous, A Dictonary of Chinese Buddhist Terms, trang 480
(5) A.P. Cowie (Tổng biên tập), Oxford Advanced Learner‘s Encyclopedic Dictionary, trang 296
(6) P. Procter (Tổng biên tập), Cambridge International Dictionary of English, trang 459
(7) W.E. Soothill and L. Hodous, tương tự, trang 152
(8) HT. Bửu Chơn, Từ điển Pàli-Việt, trang 125
(9) T.W R. Davids and W. Stede, Pali- English Dictionary, trang 266
(10) P. Procter, tương tự, trang 898
(11) A.P. Cowie (Tỏng biên tập), tương tự, trang 568
(12) HT. Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 259
(13) HT. Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I, trang 531-535
(14) Tương tự, trang 180-181
(15) Tương tự, trang 187-188
(16) HT. Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 611
(17) Tương tự, trang 611
(18) HT. Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I , trang 53-54
(19) Tương tự, trang 54-57
(20) HT. Minh châu (dịch), Tiểu Bộ Kinh I, trang 214-215
(21) Tương tự, Pháp Cú. 96, Phẩm 7: A La Hán , trang 51
(22) HT. Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh III, trang 545
(23) Tương tự, Pháp Cú. 144, Phẩm 10: Hình Phạt, trang 60
(24) Tương tự, Pháp Cú.111, Phẩm 8: Phẩm Ngàn, trang 54
(25) Tương tự, Pháp Cú.282, Phẩm 20: Phẩm Đạo, trang 87
(26) Tương tự, Pháp Cú.380, Phẩm 25: Phẩm Tỳ kheo, trang 106
(27) HT. Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh II, trang 189
SÁCH THAM KHẢO
A. PHẦN KINH SÁCH
1. HT. Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh II & V, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1993.
2. HT. Minh Châu (dịch), Tiểu Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1999
3. HT. Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1992.
4. HT. Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh I & III, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1996.
5. G.S. Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1997.
6. NV. Banerjee, The Dhammapada, Delhi 55: Munshiran Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., 1989.
B. SÁCH TỪ ĐIỂN
1. T.W.R. Davids and W. Stede, Pali-English Dictionary, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 1997
2. A.P. Cowie (Tổng Biên tập), Oxford Advanced Learner’s Encyclopedic Dictionary, London: Oxford University Press, Oxford, 1992
3. P.Procter (Tổng biện tập), Cambridge International Dictionary of English, London: Cambridge University Press, Cambridge, 1995.
4. W. E. Soothill and L.Hodous, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, Delhi: Motilal Banarsidass, 1997.
5. HT. Bửu Chơn, Từ điển Pàli-ViệtNam, TPHCM: CTQDI/Văn Hữu - Viễn Đông, 1976.
Theo: DPNN