Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những ngày tháng năm lịch sử
25/08/2011 10:12 (GMT+7)

Ông là người có tâm tính bộc trực, luôn kính Phật trọng Tăng, thân cận bạn đạo, được nhiều người quý kính. Những bước đi của Phật giáo Việt Nam, với ông, là sự sống. Bởi ở đó, ông đã gắn bó, đã đồng hành qua từng giai đoạn, là chứng nhân của nhiều sự kiện quan trọng… Nhớ lại, một thời, trầm ngâm bên chén trà nóng, câu chuyện của ông kể sinh động như mới diễn ra vào ngày hôm qua…

“… Khi đất nước chưa bị chia cắt bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) thì Phật giáo ba miền Bắc - Trung - Nam đã từng có cuộc họp thống nhất tại chùa Từ Đàm (Huế). Khi ấy tôi còn là một thanh niên trẻ, một Phật tử thuần thành, yêu đạo, yêu dân tộc.

CS.Tống Hồ Cầm (giữa) cùng các bạn đạo
chung làm Phật sự trước chùa Từ Đàm, Huế 
 
“Trải qua nhiều năm, tôi thấy thời nào cũng có các vị nhân sĩ trí thức, cư sĩ hoạt động bên cạnh các vị giáo phẩm và họ đã có nhiều đóng góp tích cực trong các công tác Phật sự. Do vậy, nên chăng trong cơ cấu của Hội đồng Trị sự cần bổ sung và đưa nhiều nhân tố trẻ, cư sĩ, nhân sĩ yêu Phật giáo để họ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển Giáo hội. Theo Phật dạy thì trong chúng hội đồng tu thì có bốn chúng đồng tu (Tăng-Ni-cư sĩ nam-cư sĩ nữ), nên việc cơ cấu nhân sự là nhân sĩ, trí thức vào những vị trí quan trọng cũng là giúp cho tứ chúng hòa hợp, hoạt động mỗi ngày mỗi hiệu quả hơn” - (Cư sĩ Tống Hồ Cầm)
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ hình thành thì hai miền Nam - Bắc bị chia cắt bởi dòng sông Bến Hải (Quảng Trị). Đến khi đất nước được thống nhất (năm 1975) thì Phật giáo hai miền đã có những mong muốn thống nhất qua các cuộc vận động các hệ phái trong cả nước để đi đến Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội (7-11-1981). Ngày đó cũng là ngày mà chư Tăng Ni và Phật tử khắp ba miền nhất tâm hoan hỷ. 

Lúc bấy giờ Đại hội suy tôn Đại lão HT. Thích Đức Nhuận vào ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, đã bầu Đại lão HT.Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các hệ phái đều hiện diện trong tổ chức Phật giáo mang tên GHPGVN.

Tôi nghĩ rằng, lòng mong mỏi thiết tha được thống nhất Phật giáo hai miền Bắc-Nam là nguyện vọng chung của các hệ phái cả nước mà nhờ ngày thống nhất đất nước mới có cơ hội và điều kiện để hình thành thống nhất thật sự tổ chức GHPGVN.

Tôi còn nhớ, những ngày đầu đó, bản thân tôi đã cùng với đạo hữu Tăng Quang, đại diện cho Hội Phật học Nam Việt, là hội đoàn thứ 9 tình nguyện gia nhập vào ngôi nhà chung của GHPGVN. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần đại hội, các nhiệm kỳ, tôi đã xuyên suốt là Ủy viên Kiểm soát của HĐTS T.Ư GHPGVN nên nhận thấy nhiều bước phát triển trong tiến trình đưa Phật giáo hội nhập vào đời sống cũng như giao lưu văn hóa Phật giáo cùng các tổ chức Phật giáo trên thế giới.

Là người chứng kiến, sống cùng với những đổi thay của dân tộc, đồng hành cùng đạo pháp… tôi rất vui vì mình đã có phần nào đóng góp những việc làm hầu mong dâng lên chư Phật tấm lòng chân chính của một cư sĩ tại gia. Đó là tấm lòng phụng sự, không một mảy may tâm niệm gì khác.

Những ngày đầu thành lập, Tăng Ni và Phật tử cả nước đều nhất tâm kiến tạo, bảo dưỡng ngôi nhà chung mỗi ngày mỗi tốt hơn. Nhất là với sự lãnh đạo của chư tôn đức giáo phẩm đạo cao đức trọng làm bóng cây che mát cho Phật giáo đi lên, hòa cùng với sự phát triển của dân tộc.

Những năm tháng khó khăn chung đó, nhiều chư tôn đức Tăng Ni đã xông xáo cùng với xã hội thúc đẩy cho kinh tế đất nước đi lên. Đấy cũng là một trong những biểu hiện căn bản của tính hội nhập ứng biến cùng dân tộc của đạo Phật, của những người con Phật.

Phật sự ngày một phát triển theo đúng định hướng trong Hiến chương của Giáo hội. Sự kế thừa liên tục của các vị lãnh đạo GHPGVN, sự đoàn kết cũng như phát huy hết năng lực của các Ngài đã góp phần to lớn cho sự phát triển của GHPGVN. Đó cũng là góp phần đưa đạo Phật đến gần quần chúng hơn.

Qua những bước hướng dẫn thiết thực, dài ngày của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các giáo phái là kết quả vô cùng quý giá cho sự hình thành rộng rãi, phù hợp của Giáo hội. Và cũng trên tinh thần sống đạo của các Ngài đã làm cho đạo Phật trở thành gần gũi mật thiết cùng toàn dân. Tôi cũng như các bạn cư sĩ cùng thời luôn có một niềm tin tưởng là hàng giáo phẩm kế thừa sẽ thích ứng với hoàn cảnh phát triển tiến bộ của đất nước để góp phần đưa Giáo hội phát triển, hội nhập đúng với truyền thống văn hóa của Phật giáo.

Công tác hoằng pháp rộng rãi, sự giao lưu giữa các hệ phái được tích cực phát huy trong một tổ chức thống nhất đã giúp sự học hỏi, hấp thụ của Tăng Ni, Phật tử trở nên sâu rộng hơn. Đó là những điều đáng mừng mà tôi nhận thấy sau 30 năm Giáo hội hình thành, phát triển. 

Ngày càng có nhiều vị Tăng Ni trẻ được học hành cao ở trong nước cũng như ra nước ngoài. Đó là cơ hội để Phật giáo Việt Nam tiếp cận với Phật giáo thế giới ở những nước tiên tiến. Niềm hy vọng và ước mong lớn của tôi là những vị Tăng Ni được đi học cao về Phật học có thêm thực tu, thực chứng và trở về kế thừa công việc của Giáo hội.

Từng là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM nhiều nhiệm kỳ trước đây, tôi luôn tâm niệm công tác đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội là niềm ưu tư lớn của chư tôn đức Giáo hội chúng ta. Trong đó, bậc thầy khả kính, HT.Thích Minh Châu, nhà giáo dục lỗi lạc, chính là vị thầy có nhiều ưu tư mà tôi nghĩ các vị Tăng Ni trẻ nên nhớ tới Ngài, để cố gắng quyết tâm kế thừa hiệu quả cho Giáo hội chúng ta.

Tại tòa soạn Báo Giác Ngộ, nơi tôi đang công tác, với cương vị Phó Tổng Biên tập hiện nay có rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội, tổ chức các chương trình dành cho giới cư sĩ, Phật tử trẻ như Hội trại, Tiếp sức mùa thi… Đó có thể là một gợi ý để Giáo hội thiết kế thêm những chương trình hoạt động đưa hình ảnh Phật giáo đến với số đông…”

(Chúc Thiệu ghi theo lời kể của CS.Tống Hồ Cầm)

http://www.giacngo.vn/thoisu/2011/08/24/5A6601/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang