Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Giải mã bí ẩn Bãi đá cổ Sa Pa
(Theo CAND - 10/11/2009)
27/08/2010 14:49 (GMT+7)

Vốn không phải là người nghiên cứu chuyên về Bãi đá cổ Sa Pa, công việc mà GS Lê Trọng Khánh dành cả đời để theo đuổi đó là nghiên cứu về chữ Việt cổ. Bắt đầu từ năm 1986, ông đã cho công bố nhiều công trình nghiên cứu của mình trong đó phải kể đến cuốn sách “Sự hình thành và phát triển của chữ Việt cổ”. Khi đó, công trình nghiên cứu này được dư luận đặc biệt quan tâm và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Nga, Pháp...

Cũng vì nghiên cứu về chữ Việt cổ, nên một tư liệu đặc biệt như Bãi đá cổ Sa Pa đã thu hút được sự quan tâm hàng đầu của ông. Những ngày mới bắt tay vào nghiên cứu, ông gần như trở thành một người dân của Sa Pa. Dọc theo thung lũng Mường Khoa từ xã Tả Văn đến Lý Xeo Chải, nơi có những khối đá lớn những hình thù kỳ lạ in sâu vào đá, ông thuộc như lòng bàn tay.

Vốn là giáo viên dạy sử của trường Đại học Tổng hợp (cũ), ông được tiếp xúc nhiều với các hiện vật khảo cổ. Rồi ông nhận ra rằng, trên những chiếc rìu đồng, ấn đồng hay trống đồng đều có những ký tự giống hệt với những ký tự in trên vách đá ở Sa Pa. Chính phát hiện này đã mở đường cho các công trình nghiên cứu sau này của ông. Những hình hoạ trên vách đá ở Sa Pa và trên các hiện vật đồng Đông Sơn còn được so sánh, đối chiếu để tìm sự logic với chữ Thái cổ, những văn tự “thắt gút” của người Chăm Hre ở Nghĩa Bình...

Kết quả mà ông thu được nằm ngoài dự kiến, ông đã tìm ra rằng, ở Bãi đá cổ Sa Pa có 2 loại chữ viết. Một là chữ đồ hoạ, các chữ đồ hoạ thường miêu tả cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược cùng những hoạt động lớn của xã hội lúc bấy giờ.

Điểm đặc biệt nhất của Bãi đá cổ Sa Pa mà không phải ai cũng biết, trong số 200 bản đá có khắc “hình thù kỳ lạ” thì có duy nhất một bản không khắc hình mà thay vào đó là những ký tự. Bản này được GS Lê Trọng Khánh phát hiện từ hơn chục năm trước. Bản đá có chữ này tuy không còn nguyên vẹn, do thời gian bào mòn, nhưng vẫn còn dịch được đại ý là “Ông cha đã xây dựng đất nước, con cháu muôn đời sau phải giữ gìn đất nước”.

Những hình đồ hoạ trên Bãi đá cổ Sa Pa.

Cũng từ đây, GS Lê Trọng Khánh khẳng định, những bản đá này thuộc văn hoá Gò Mun, khoảng đầu thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên, thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang. Gò Mun là thời kỳ tiền Đông Sơn. Khi đó, những người Việt cổ đã từng đánh bại quân xâm lược rất mạnh từ phương Bắc tràn xuống. Trên các bản khắc đá Sa Pa còn có hình mái nhà cong như trên trống đồng Đông Sơn loại 1.

Ông khẳng định, từ bản khắc Sa Pa lên tới trống đồng Đông Sơn là bước phát triển từ thấp đến cao. Hơn nữa, sơ đồ hình người ở Bãi đá cổ Sa Pa tương đồng với người trên rìu lưỡi xéo Đông Sơn.

Cho tới thời điểm hiện tại, GS Lê Trọng Khánh gần như là người mở đường cho việc nghiên cứu chữ viết cổ. Trước ông, ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ về việc nghiên cứu chữ viết cổ. GS Lê Trọng Khánh đã chọn thời kỳ Hùng Vương là sự khởi đầu cho quá trình nghiên cứu chữ Việt cổ.

Vào khoảng những năm 1970, ông đã có hàng loạt bài báo, công bố về các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, ông mới có đủ tư liệu để chứng minh một cách rõ ràng nhất. Hiện công trình thứ 2 của ông về chữ viết cổ với tên gọi “Phát hiện chữ viết khoa đẩu Văn hoá Đông Sơn” đang hoàn thiện và sẽ phát hành trong nay mai.

GS Lê Trọng Khánh và bản dập chữ viết duy nhất ở Bãi đá cổ Sa Pa.

Tròn 85 tuổi, Giáo sư Lê Trọng Khánh không thể đi đi về về giữa Hà Nội và Sa Pa như thời trai trẻ nữa. Nhưng thay vào đó, ông đã tìm được cho mình một “trợ lý” rất hợp ý. Mỗi khi ông cần thêm tư liệu gì từ Sa Pa, người cháu nội ông - hiện đang là sinh viên Đại học Bách khoa lại đi tàu từ Hà Nội lên để tìm cho bằng được. Tuổi trẻ, có kiến thức cộng thêm việc sử dụng những công nghệ lưu trữ hiện đại, những tài liệu mà cháu nội mang về luôn khiến ông ưng ý.

Sự nhiệt tình của cháu nội cũng là nguồn động lực để ông cố gắng vượt lên bệnh tật và tuổi già hoàn thành công trình nghiên cứu chữ viết Đông Sơn mà theo lời ông “đó là công trình cuối cùng”.

Cuốn sách mà ông đang ấp ủ phát hành cũng đang được nhiều NXB ngấp nghé. Ông bảo, đây là công trình tâm huyết của cả đời ông. Ông nghiên cứu không vì danh lợi, mà chỉ để góp phần khẳng định, nền văn minh từng phát triển rất sớm của dân tộc ta. Đồng thời lưu lại cho con cháu đời sau những tư liệu quý về nguồn cội, về địa danh chủ quyền của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam

Các tin đã đăng:
Về đầu trang