Vấn
đề tìm hiểu về địa danh đã tạo được sự chú ý cho nhiều giới, nhiều
người. Một số từ điển địa danh và những tác phẩm liên quan đến địa danh
đã được xuất bản. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó cũng còn những
vướng mắc, những khó khăn bởi một số tên địa phương chưa truy tìm ra
nguồn gốc – chưa biết có xuất xứ từ đâu và ý nghĩa là gì. Bạc Liêu là một trong số này. Qua một thời gian dài, từ Bạc Liêu đã
được nhiều người nghiên cứu và tìm hiểu, họ chú ý cả về ngữ nghĩa lẫn
từ nguyên, nhưng đến nay cũng chưa được một kết luận nào có chứng minh
xác thực, chung quanh từ Bạc Liêu vẫn còn tồn động nhiều ý kiến và giả thuyết khác nhau.
Theo Nguyễn Lộc Tấn : ”Bạc Liêu theo tiếng Hoa kiều (Triều châu) là Pò léo (薄寮),
có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức là chài lưới, đánh cá, làm
biển. Theo Á Đông liệt nghề đánh cá là nghề hèn hạ và tệ bạc. Pó (薄) phát âm Việt
Nam thành Bạc và Léo (寮) phát
âm thành Liêu. Nghề đánh cá thông thường ở Bạc Liêu là đóng đáy, tức là
đóng cọc giữa sông, ngay theo lằn nước chảy giăng lưới ngang qua các
cọc đó, trong lúc nước ròng, để chận cá vào lưới, nên Bạc Liêu được
người địa phương giải thích là Xóm Trại Đáy” (1).
Nhưng Huỳnh Minh lại giải thích khác hơn : “Danh
từ Bạc Liêu đọc theo tiếng Hoa kiều giọng Triều Châu gọi là Pô léo, có
nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi
biển. Pô phát âm theo Hán Việt là Bạc và Léo phát âm
thành Liêu. Một thuyết khác cho rằng : Pó là bót, đồn, Liêu là Lào (Ai
Lao) theo tiếng Cao Miên, vì trước khi người Hoa kiều đến đây sinh sống,
nơi đó có một đồn binh do người Lào đồn trú. Người Pháp do theo tiếng
Triều Châu Pô leo có nghĩa là xóm nghèo làm nghề hạ bạc – như nói ở trên
– nên dịch theo nghĩa ấy là Pécheríe Chaume (đánh cá và cỏ tranh)” (2).
Sơn Nam trong quá trình tìm hiểu về miền Nam đã ghi lại : “...tỉnh
Bạc Liêu thành hình lấy tên là Bạc Liêu vì ngay chợ của tỉnh lỵ có con
rạch Bạc Liêu (có giả thuyết cho rằng Poanh Liêu, tức là nơi có đạo quân
Lào trú đóng ngày xưa” (3).
Vương Hồng Sển một nhà khảo cứu lão thành ở Nam Bộ khi nói về Bạc Liêu, cụ đã dùng những lời rất bình dị như sau : “Truy
nguyên, Cơ me gọi Bạc Liêu là PôLoeu (Pô là cây Lâm vồ ; Phật nhập Niết
Bàn dưới gốc cây này, nên người Miên rất trọng vọng và không dám đốn,
còn Loeu là trên cao). Pô loeu là chỗ, vùng có cây Bồ Đề (Lâm vồ) cao
nhất. Người Triều Châu đọc Po-Léo, âm ra tiếng ta là Bạc Liêu (Bạc là
mỏng, xấu, bạc bẻo) ...
Po Loeu cũng viết Pô Loenh” (4).
Trong phần mở đầu của tác phẩm Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ Thị xã Bạc Liêu, các tác giả cũng đề cập đến nguồn gốc của từ Bạc Liêu :“Theo truyền thuyết tiếng Bạc Liêu có trên hai trăm năm, nó xuất xứ bởi hai từ liều bạc (5) dựng lên cặp ven biển của ngư dân, thời ấy bãi biển nằm sát nội ô thị xã bây giờ” (6).
Đinh Xuân Vịnh trong khi nghiên cứu về các địa danh ở Việt
Nam đã ghi vắn tắt về xuất xứ của từ Bạc Liêu như sau : “Bạc Liêu : gốc từ tiếng Khmer là
Po Loenh nghĩa là cây đa cao” (7). Tiếp theo, nhà ngiên cứu Nguyễn Văn Tân cũng khẳng định : “Bạc Liêu : gốc từ tiếng Khmer là
Po Loenh nghĩa là cây đa cao”.
Riêng nhà báo Trần Chí Thành (8) thì cho rằng hai chữ Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ cổ Malayu có nghĩa là “cù lao”.
Nhưng trong sách Bạc Liêu thế và lực mới trong thế kỷ XXI lại thêm một lần nữa viết về tên gọi Bạc Liêu như sau : Danh
xưng Bạc Liêu, đọc theo tiếng Trung giọng Triều Châu là Pô Léo, có
nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi
biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là Bạc và Léo phát âm là Liêu. Một
giả thuyết khác cho rằng ; Pô là bót, đồn. Liêu là lào (Ai Lao) theo
tiếng Cao Miên, vì trước khi người Hoa Kiều đến sinh sống, nơi đó có một
đồn binh của người Lào. Còn người Pháp họ căn cứ vào tên Pô Léo theo
tiếng Triều Châu, nên gọi vùng đất này là Phêcheri – chaume (đánh cá và
cỏ tranh) (9).
Ngoài ra cũng có người nói rằng : “Cái tên Bạc Liêu chỉ mới có từ năm 1882, khi vùng này được thành lập hạt (arrondissement). Ngày 18-12-1882 là ngày Thống đốc
Nam kỳ Le Myre De Villerský nghị định thành lập hạt Bạc Liêu cũng là ngày khai sinh của từ Bạc Liêu” (10).
Như
vậy, tùy theo góc độ và môi trường nghiên cứu, mỗi người đã có sự giải
thích khác nhau. Tuy nhiên cũng có thể gom các ý kiến từ trước đến nay
phân làm hai loại :
1)- Loại nghiêng về ngữ nghĩa, gồm bốn nhóm :
a- Bạc Liêu có nghĩa : cây đa cao,
b- Bạc Liêu có nghĩa : xóm nghèo, xóm nhà thưa, xóm trại đáy.
c- Bạc Liêu có nghĩa : đồn Lào.
d- Bạc Liêu là : cù lao
2)- Loại nghiêng về từ nguyên, gồm năm nhóm :
a- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ Pô loeu (Polloeu) của Khmer.
b- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ Pò léo của Triều Châu.
c- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ liều bạc (có lẽ là lều bạt)
d- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ cổ Malayu
c- Bạc Liêu có xuất xứ từ văn bản hành chánh của người Pháp.
Chín
nhóm ý kiến trên, bề ngoài tuy rất khác nhau không liên quan với nhau,
nhưng kết luận của các ý kiến đó đều là những chi tiết – những bộ phận
trong một tổng thể, nói cách khác đó là những danh xưng của từng giai
đoạn trong tiến trình hình thành và chuyển hóa của địa danh Bạc Liêu.
.
Thực
ra vùng đất này đến đầu thế kỷ XVIII vẫn còn hoang vu chưa được khai
thác. Đến nnăm 1757, vùng này được sáp nhập vào Hà Tiên. Lúc ấy ở Hà
Tiên đã có một số khá đông người Triều Châu vừa di cư sang chưa có chỗ
định cư, nên sẵn dịp đó Tổng binh Mạc Thiên Tứ (1706 – 1780) đã đem toàn
bộ số người Triều Châu vừa đến, một số người Khmer và cả người Việt
xuống vùng này để khai hoang lập ấp. Khu định cư ban đầu của những người
di dân lại nằm trong địa bàn của chợ Bạc Liêu ngày nay.
Khi đã thành thôn xóm, dĩ nhiên phải có tên. Có người nói lúc đầu mang tên Polloeu của người Khmer, lại có người nói vùng này có tên Pò Léo do người Triều Châu đặt ra. Không rõ sự thật như thế nào, nhưng sau đó chính người Việt đã căn cứ vào hai chữ Pò Léo đọc theo âm Hán Việt là Bạc Liêu.
Người Việt càng ngày càng đông, từ Bạc Liêu càng được sử dụng. Nhất là
khi Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) đem binh lính và lưu
dân người Việt vào lập đồn điền và làng xã ở đây (vào khoảng năm 1855)
thì hai chữ Bạc Liêu càng được sử dụng rộng rãi hơn.
Lúc
bấy giờ có một số ngư dân ở Gò Công xuống ở, họ làm nghề giăng câu,
đóng đáy; họ cất những cái chòi nhỏ ngoài bãi biển để hành nghề. Cái
cảnh chòi thưa hiu quạnh này thật hợp với cái nghĩa của từ Bạc Liêu. Và
cũng từ hình ảnh này có người gọi là xóm Trại Đáy. Một số người
lại nghĩ khác, họ cho rằng lúc đầu người Khmer, người Hoa và cả lưu dân
người Việt cũng đều là những người nghèo xơ nghèo xác, mỗi hộ chỉ có
cái chòi để che nắng che mưa, hộ khá lắm cũng chỉ có căn nhà lá nhỏ; nên
Bạc Liêu được họ hiểu là xóm nghèo.
Đến khi người Pháp chiếm miền Nam (11), chữ Pháp được truyền bá rộng, một số học giả biết chữ Pháp lại lẫn lộn từ bạc gốc Hán có nghĩa là mỏng với từ bạt gốc Pháp (bâche) là loại vải bố không thấm nước dùng để phủ đồ vật hoặc che lều. Và lều lại là từ biến âm của từ liêu gốc Hán. Nên số học giả này lại nghĩ rằng từ Bạc Liêu có liên quan đến từ lều bạt.
Ba học giả Vương Hồng Sển, Đinh Xuân Vịnh và Nguyễn Văn Tân đề xuất ý nghĩa của từ Polloeu là cây đa cao, tuy hiện nay ở Bạc Liêu còn nhiều cây đa rất lâu năm, nhưng sau khi tra cứu từ Polloeu không có nghĩa là Cây đa cao.
Về giả thuyết nói Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ Pó Liêu hoặc Poanh Liêu và cho đó là đồn bót của người Lào. Thực ra Pó Liêu hay Poanh Liêu đều là cách nói trại âm của từ Polloeu. Hơn nữa trong lịch sử cũng không thấy nói đến việc quân đội Lào đã có lần đóng quân ở đây.
Còn
ý kiến cho rằng từ Bạc Liêu xuất hiện khi hạt Bạc Liêu được thành lập.
Điều này thực không phải hoàn toàn sai, bởi mọi người hôm nay đều biết
Thống đốc Nam kỳ Le Myre De Villers ký nghị định thành lập hạt Bạc Liêu
ngày 18-12-1882, dĩ nhiên trong nghị định này phải bao hàm việc ấn định
cái tên Bạc Liêu cho hạt mới , nhưng thực ra cái tên Bạc Liêu đã có từ
trước – vùng này đã mang tên Bạc Liêu, chẳng qua trước năm 1882 nó không
phải là tên của một hạt mà thôi. Bằng chứng cụ thể là con rạch Bạc Liêu
và chợ Bạc Liêu có trước khi hạt Bạc Liêu ra đời. Vì vậy việc áp dụng
từ Bạc Liêu vào năm 1882 chỉ là việc hợp thức hóa cho một địa danh
thường để trở thành tên của một đơn vị hành chánh cấp hạt, chớ không
phải là việc đặt tên mới.
Nói
tóm lại, mọi người đều có cách hiểu của mình hoặc căn cứ vào một sự
kiện có thật hoặc suy luận từ những yếu tố có liên quan và từ đó đưa ra
những kết luận khác nhau, những kết luận khác nhau này lại nằm trong một
quá trình diễn tiến của ngữ nghĩa và ngữ âm càng ngày càng xa nguồn
gốc. Vì vậy, muốn xác thực vấn đề này phải căn cứ vào tài liệu văn bản
là tốt nhất, hiện nay chỉ còn lại quyển Images de Cochinchine
xuất bản năm 1925 tại Sài Gòn, có thể nói là quyển sách xưa nhất có đề
cập đến nguồn gốc và ý nghĩa của từ Bạc Liêu (12). Nội dung quyển sách
gần như một quyển địa chí của Nam Bộ, trong phần tỉnh Bạc Liêu đã xác
định từ Bạc Liêu có nguồn gốc bởi từ Pò Léo của người Triều Châu, có nghĩa là “Xóm Nghèo”.
Lời xác định này rất phù hợp với những lời truyền khẩu dân gian ở Bạc
Liêu, vì vậy trong thời gian chưa tìm được tài liệu nào ra đời trước hơn
hoặc có tính thuyết phục hơn thì quyển Images de Cochinchine nên được chọn làm cơ sở khi nói về nguồn gốc và ý nghĩa của từ Bạc Liêu.
CHÚ THÍCH
(*) Trường Cao đẳng Phật Học Bạc Liêu
(1) Nguyễn Lộc Tấn, Địa phương chí tỉnh Bạc Liêu – 1965, trang 1.
(2) Huỳnh Minh, Bạc Liêu xưa và nay – 1966, trang 15.
(3) Sơn
Nam, Lịch sử khẩn hoang miền
Nam – 1994, trang 251.
(4) Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền
Nam – 1993, trang 63.
(5) Theo ý của câu này thì từ “liều bạc” được sử dụng ở đây có lẽ là “lều bạt”.
(6) Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thị xã Bạc Liêu (1930-1975) – 1975, trang 9.
(7) Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay Địa danh Việt
Nam – 1996, trang 34.
(8) Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu
(9) Bạc Liêu thế và lực mới trong Thế kỷ XXI – 2006, trang 17.
(10) Ghi nhận trong quá trình điền dã.
(11) Đến ngày 15-03-1874, toàn xứ
Nam kỳ đã chính thức thuộc Pháp.
(12) Alexandre Varenne, Images de Cochinchine. Xuất bản tại Sài Gòn năm 1925.