Tiếp tục hành trình về thời đại Hùng Vương
Cho đến nay, với nhiều nỗ lực nghiên cứu, các nhà sử học nước ta đã
phát hiện rất nhiều tài liệu quan trọng về nền văn minh của nước ta
thời đại Hùng Vương, đặc biệt là đã thu thập, giám định, phân tích một
khối lượng đồ sộ các di chỉ khảo cổ học từ văn hóa Phùng Nguyên, văn
hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Những nỗ lực đó cho
phép phác thảo bước đầu diện mạo của thời đại khởi nguồn của dân tộc,
đủ để bác bỏ những mưu đồ phủ nhận hoặc hạ thấp công lao dựng nước của
tổ tiên. Ghi nhớ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các vua Hùng có công
dựng nước...", Nhà nước ta đã chính thức quyết định lấy ngày Giỗ tổ
Hùng Vương làm Quốc Giỗ.
"Sau ngày độc lập, cụ Hồ Chí Minh rất chính xác khi lấy tên Hùng
Vương đặt cho con đường chính giữa thủ đô, ngang qua Hội trường Ba
Đình, đó là điều hết sức có ý nghĩa", giáo sư Lê Mạnh Thát nói với
chúng tôi. Ông lưu ý rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong khi Ngọc phả
nhà Lý mất, Ngọc phả nhà Trần mất, Ngọc phả nhà Lê cũng mất thì Ngọc
phả Hùng Vương lại được lưu giữ, hiện còn 3 truyền bản, 2 truyền bản có
từ thời Tiền Lê (Lê Đại Hành) và 1 có từ thời Lê Thánh Tôn. "Lê Đại
Hành dựng lại Ngọc phả Hùng Vương giữa lúc chuẩn bị đánh Tống. Đánh Tống
là cuộc kháng chiến chống một cường quốc chứ không phải chống đội quân
lèo tèo như Nam Hán. Lê Thánh Tôn nói: Một tấc đất của tổ tiên cũng
không để mất! Kèm theo câu nói đó là việc dựng lại Ngọc phả Hùng
Vương". Ông nói tiếp: "Giữa lúc người Mỹ tuyên bố đưa Việt Nam trở về
thời kỳ đồ đá thì Việt Nam lại có một cuộc khảo sát lớn nhất về thời
đại Hùng Vương do chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo. Giữa cuộc
kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã thực hiện 4 tập sách về thời đại Hùng
Vương. Đó là một cuộc nghiên cứu nghiêm túc nhất từ trước tới nay. Lần
đầu tiên chúng ta có một cuộc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng
Vương với quy mô lớn, do Nhà nước chủ trương, chứ không phải là nghiên
cứu lẻ tẻ. Chúng ta thu được những thành quả quan trọng về khảo cổ học
và tập hợp được một số tài liệu chữ Hán giai đoạn đầu. Điều đó rất có ý
nghĩa và cần được tiến hành tiếp tục".
Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề quan trọng về lịch sử của thời đại này
vẫn đang bị bỏ ngỏ hoặc bế tắc, trong đó có vấn đề chữ viết, luật pháp
cùng những vấn đề căn bản khác của một nhà nước mà chắc chắn là nó phải
có trong thời đại Hùng Vương. Bởi vậy, những khám phá của giáo sư Lê
Mạnh Thát có ý nghĩa vô cùng.
Sau khi đưa ra các minh chứng để đề nghị loại bỏ hai triều đại An
Dương Vương và Triệu Đà ra khỏi lịch sử và xác định thời đại Hùng Vương
tồn tại cho đến năm 43, giáo sư Lê Mạnh Thát tiếp tục phát hiện thêm
những tài liệu quan trọng có thể khai thông những bế tắc từ bấy lâu
nay.
Việc tồn tại của Việt luật (mà Mã Viện "điều tấu"), theo giáo sư Lê
Mạnh Thát, cho phép chúng ta giả thiết rằng tiếng nước ta vào thời điểm
đó (thời Hai Bà Trưng) đã phát triển đến một mức độ chính xác nhất
định và có một hệ thống chữ viết đủ rõ ràng để ghi chép các quy định
của luật pháp.
Vấn đề là Việt luật hiện nay không còn, điều đó không có gì là lạ, vì
chính Hán luật cũng không còn. Chúng ta cũng chưa tìm được chữ viết
trong các di chỉ khảo cổ học. Điều đó cũng không có gì lạ và chưa tìm
được không có nghĩa là nó không có, bởi ngay đến chữ viết thời Lý -
Trần mà vẫn không tìm được trên các di chỉ khảo cổ học khai quật tại Hà
Nội, trừ bia Lý Thường Kiệt và vài tấm bia ít ỏi khác tìm được ở rất
xa ngoài Thăng Long. "Lịch sử Lý - Trần rực rỡ như vậy mà không còn một
tấm bia nào ở thủ đô hết, chúng (nhà Minh) nhất định không để lại một
vết tích nào của lịch sử. Đến nỗi, ông Hoàng Xuân Hãn phải đề nghị một
hướng mới là tìm nó dưới nước, tức là khảo sát dưới hồ Tây", thiền sư
Lê Mạnh Thát bức xúc. Nói thế để thấy kẻ thù thâm độc như thế nào trong
mưu đồ triệt hạ văn hóa của dân tộc ta, triệt hạ tận gốc để dân ta
không biết gốc tích của mình.
Truy lại chữ viết của tổ tiên vì vậy mà trở nên thiên nan vạn nan.
Nhưng không phải không có cách. Giáo sư Lê Mạnh Thát nói đầu thế kỷ
trước, người Pháp đã khai quật một ngôi mộ cổ ở Bắc Ninh, phát hiện một
thứ chữ viết trên gốm, "giống chữ Hán nhưng người Hán không đọc được",
nghĩa là một thứ chữ viết theo kiểu Hán nhưng không phải chữ Hán, đó
rất có thể là chữ Việt.
Theo ông, chúng ta hiện có hai nguồn tư liệu cơ bản: Nguồn thứ nhất
là Lục độ tập kinh cùng các dịch phẩm khác của Khương Tăng Hội là Cựu
tập thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh chú giải và Tạp thí dụ kinh do một
tác giả vô danh thực hiện. Ông đã khảo cứu một cách công phu tường tận
ngữ âm tiếng Việt còn lưu giữ trong những tập kinh này. Chẳng hạn, để
diễn tả ý niệm "trong lòng", Lục độ tập kinh có hai dạng cấu trúc. Dạng
thứ nhất tập trung ở quyển 7 có 7 trường hợp dùng "tâm trung" (cấu
trúc ngữ âm tiếng Trung Quốc), dạng thứ hai có 8 trường hợp rải đều
trên 6 quyển dùng từ "trung tâm" (cấu trúc ngữ âm tiếng Việt). Khảo sát
tiếp Kinh Thi do Khổng Tử san định, trong 305 bài thì có 15 bài dùng
"trung tâm". Sau Kinh Thi là Lễ ký do ảnh hưởng của Kinh Thi có 4 lần
sử dụng "trung tâm". Và trong 300 năm đầu sau dương lịch, dạng "trung
tâm" hầu như không được các học giả Trung Quốc dùng tới, nếu có vài
trường hợp thì đều là ở dạng trích từ Kinh Thi hoặc nhái theo Kinh Thi
mà thôi. Thế mà Lục độ tập kinh, với 91 truyện, có 8 lần sử dụng cấu
trúc đó, tỷ lệ gần 1/10, cao hơn nhiều so với Kinh Thi (15/305). Trong 7
lần sử dụng dạng "tâm trung", có khả năng ban đầu cũng dùng dạng "trung
tâm", sau bị điều chỉnh lại, là do nó chỉ tập trung trong quyển 7, là
quyển chủ yếu trình bày về thiền, chắc chắn do nhu cầu tìm hiểu về
thiền nên nó được lưu hành rộng rãi qua nhiều tay người đọc Trung Quốc
và quá trình đó đã được nhuận sắc cho đến khi được khắc bản vào năm
927, trong khi cấu trúc dạng "trung tâm" tiếp tục tồn tại trong các
quyển kia của Lục độ kinh. Trong Lục độ kinh còn có một số cấu trúc ngữ
âm tương tự, ví dụ như cấu trúc "thần thọ" có nghĩa là "thần cây" chứ
không phải "cây thần" như tiếng Trung Quốc...
"Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện
trăm trứng còn đó... Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước
văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói !" (Thiền sư Lê Mạnh
Thát).
Thiền sư nổi giận
Ngoài việc phát hiện việc Lục độ tập kinh chữ Hán "không
chấp hành" nguyên tắc ngữ âm tiếng Trung Quốc như trường hợp cấu trúc
"trung tâm", trong khi dịch tập kinh này ra tiếng Việt hiện nay, giáo
sư Lê Mạnh Thát còn phát hiện các trường hợp Khương Tăng Hội dùng "tá
âm" hoặc dùng thuần túy tiếng Việt, chỉ phiên âm ra nó lập tức biến
thành những câu tiếng Việt dễ hiểu. Ông lưu ý do Khương Tăng Hội "sinh
ra, lớn lên và đào tạo thành tài ở nước ta" cho nên khi
phiên dịch và trước tác dứt khoát không thể nào không chịu ảnh hưởng
của tiếng Việt trên cả ba mặt ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp, song
Khương Tăng Hội lại là người sử dụng tiếng Trung Quốc tới mức "nhuần
nhuyễn của một diệu thủ" thì lẽ ra những ảnh hưởng đó phải bị hạn chế
tối đa, thế thì tại sao Lục độ tập kinh tồn tại nặng nề và sâu
đậm đến vậy những "tàn dư" của ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt
? Chỉ có thể giải thích là tập kinh đó đã được dịch ra chữ Hán bằng
một nguyên bản tiếng Việt.
Tôi hỏi giáo sư Lê Mạnh Thát: "Khi đối chiếu cấu trúc "trung tâm" trong Lục độ tập kinh
chữ Hán với ngôn ngữ của Trung Quốc, thầy viết rằng, "kiểm soát toàn
bộ văn liệu" tiếng Trung Quốc (do người Trung Quốc viết) từ đầu thế kỷ
thứ I sau dương lịch trở về sau cho đến thế kỷ thứ III, trong khoảng
thời gian 300 năm, cấu trúc "trung tâm" chỉ được dùng đúng 3 lần, trong khi cấu trúc này được dùng phổ biến trong Lục độ tập kinh. Nói như vậy có nghĩa là để đối chiếu chỉ hai chữ "trung tâm",
thầy đã phải đọc hết tất cả của Trung Quốc trong 3 thế kỷ?". Ông bảo:
"Đúng vậy. Không đọc hết thì làm sao mà khảo sát, đối chiếu
được!". Liên quan đến tiếng Việt trong Lục độ tập kinh, ông còn chỉ ra một nguồn tài liệu quan trọng thứ hai. Đó là sách Thuyết Uyển
của Lưu Hướng, tồn tại từ năm 16 trước dương lịch mà "không có nhà nho
nào là không biết". Đây là bộ sách duy nhất chép lại nguyên văn một
tác phẩm văn học khác với tiếng Trung Quốc, đó là bài Việt ca. Thuyết Uyển
không phải là một cuốn sách thường, nó là cuốn sách được viết để "dâng
vua", cho nên tài liệu được nó sử dụng phải là những tài liệu được
kiểm chứng, trong đó có tài liệu lấy từ "Trung thư", tức là một loại thư
viện của hoàng gia. Điểm hết sức thú vị của bài Việt ca chép trong Thuyết Uyển
là nó "ghi bằng chữ Hán mà người Hán không đọc được", phải "dịch ra
tiếng Sở", tức là kèm theo một bản dịch tiếng Trung Quốc. Dù Lưu Hướng
nói rõ đó là bài ca "do người Việt ôm mái chèo mà ca", nhưng hơn hai
ngàn năm nay chưa một ai nghiên cứu giải mã bài ca này, ngoài sự cố
gắng tìm hiểu của Quách Mạt Nhược (từng là Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa
học Trung Quốc) cho rằng bài ca này là của người Choang vùng Quảng Tây
Trung Quốc ngày nay, và một học giả người Nhật cho bài ca đó là của...
Chiêm Thành. Giáo sư Lê Mạnh Thát đã dành nhiều thời gian, thông qua
nhiều tài liệu để giải mã và bước đầu phục chế diện mạo tiếng Việt của
bài Việt ca này (xem Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguồn của dân tộc ta, chương IV, sđd, và Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP.HCM, trang 41-47).
Như đã nói, mỗi lần tràn sang là mỗi lần kẻ xâm lược hủy diệt một
cách tàn độc tất cả những gì có thể để cho văn hóa được lưu truyền, đặc
biệt là việc tận diệt bia đá một cách có hệ thống sau khi "thu gom"
hết sách vở, nhưng với những gì còn lưu lại của bốn ngàn năm văn hiến
và những nỗ lực mới nhất của những nhà khoa học đầy tâm huyết và trách
nhiệm với tổ tiên như Lê Mạnh Thát, chúng ta có cơ sở để khẳng định
chắc chắn là chúng ta đã có chữ viết từ thuở các vua Hùng. Kẻ xâm lược
quyết không cho người Việt biết đến "mặt chữ" của tổ tiên, nhưng dấu
tích nó vẫn còn đó: trong kinh Phật, trong chính sách vở của Trung Quốc
và còn lẩn khuất ở đâu đó nữa. Cùng với việc khảo sát trong lòng đất và
"dưới nước" như hướng mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đề nghị, hướng nghiên
cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát rất cần được sự đồng hành, phối hợp của
nhiều nhà sử học khác.
Tôi hỏi ông: "Thầy nghĩ gì về ý kiến cho rằng có thể tìm vết tích chữ
viết thời Hùng Vương trên mặt trống đồng?". Ông nói: "Có giả thiết như
vậy, nhưng khảo sát những hoa văn trên trống đồng chúng ta không thấy
chúng có liên quan đến chữ viết, vì chữ viết phải có quy luật về cấu
trúc của nó. Suy đoán từ những giả định không có cơ sở sẽ khó có sức
thuyết phục". Việc nghiên cứu ngôn ngữ cổ, nhất là ngữ âm cổ rất phức
tạp. Chẳng hạn người Trung Quốc cũng như người Việt 2.000 năm trước
phát âm như thế nào ngày nay chúng ta không biết được, để nghiên cứu nó
giáo sư Lê Mạnh Thát đã phải dùng hệ phát âm tiếng Trung Quốc thời Hán
của Karlgren, là công cụ mà các nhà Hán học đều thống nhất, rồi đối
chiếu với những tài liệu đánh dấu sự biến đổi ngôn ngữ để truy lùi về
thời điểm nghiên cứu, và cũng bằng phương pháp tương tự, ông đối chiếu
những mối liên hệ giữa tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và các loại ngôn
ngữ khác trong vùng (chữ Phạn, Chăm, Khmer, tiếng nói các dân tộc Trung
Quốc giáp giới với Việt Nam...) để phác thảo diện mạo tiếng Việt của
bài Việt ca, bác bỏ kết luận sai trái của Quách Mạt Nhược và học giả người Nhật nói trên... (bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn, xin xem các sách đã dẫn).
Tiếp theo và cùng với chữ viết là lịch pháp. Lâu nay chưa ai biết dân
tộc ta thời đại Hùng Vương sắp xếp ngày tháng như thế nào. Giáo sư
Hoàng Xuân Hãn từng đoán: "Văn hóa Trống đồng của nước Văn Lang chắc đã
dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt 29-30 ngày cũng không hẳn là vô lý" (Lịch
và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học xã hội, Paris, 1982, trích từ Lê
Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, NXB Tổng hợp TP.HCM 2006,
trang 71). Nay những phát hiện trong Lục độ tập kinh cho
phép khẳng định được lời đoán của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Những câu
chuyện ghi trong tập kinh này cho thấy, nước ta thời Hùng Vương đã dùng hệ thống lịch chia năm ra 360 ngày, phân bổ thành 4 mùa, mỗi mùa có 3 tháng và đã dùng đơn vị tuần, mỗi tuần 7 ngày.
Đối chiếu với những tài liệu cổ Trung Quốc thì thấy hệ thống lịch nước
ta khác với lịch Trung Quốc cùng thời, vì lịch Trung Quốc thời đó mỗi
năm 366 ngày và một đơn vị tuần của họ có tới 10 ngày. Nó cũng không
giống Ấn Độ, vì tuần của Ấn Độ thời đó có 15 ngày. Phát hiện này cho
phép kết luận nước ta thời Hùng Vương đã có lịch pháp riêng của một nhà
nước độc lập. Giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng, để bảo lưu được một hệ
thống lịch pháp như thế, các câu chuyện trong Lục độ tập kinh
chắc chắn phải được lưu truyền "vào thời hệ thống lịch đó còn hiệu
lực", tức là từ năm 43 trở về trước, bởi vì sau năm đó nhà Hán đã chiếm
nước ta, một sự bảo lưu như thế dứt khoát không thể nào xảy ra dưới bộ
máy đàn áp của Mã Viện...
Những kết luận của giáo sư Lê Mạnh Thát có thể và cần được các nhà sử
học tiếp tục bổ sung, nhưng không có gì thái quá khi nói rằng với phát
hiện đó trên nền tảng những thành quả quan trọng trong cuộc nghiên cứu
lớn về thời Hùng Vương trong thời gian chống Mỹ, chúng ta có thể và
phải dựng lại lịch sử thời đại Hùng Vương với những sự thật của nó. Nó
một lần nữa chứng minh việc Nhà nước ta lấy ngày giỗ tổ Hùng Vương làm
Quốc Giỗ là vô cùng đúng đắn.
Là nhà tu hành nhưng thiền sư Lê Mạnh Thát đã không kìm nén tức giận
khi thấy người ta "thóa mạ làm nhục tổ tiên mình với kiểu ăn nói của
Ngô Sỹ Liên: Nước ta hiểu thi, thơ, tập Lễ Nhạc thành ra nước văn hiến, bắt đầu từ Sỹ Vương. Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó... Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương.
Thật khốn nạn hết chỗ nói!". Sự nổi giận của vị thiền sư này rất cần
được sự hưởng ứng của tất cả những ai còn coi mình là con cháu Lạc
Hồng...
(còn tiếp)
Theo Hoàng Hải Vân - TNO