Ni trưởng pháp húy Hải Triều Âm, tự Đại Thành, hiệu Bác Tế Từ Hòa, thế danh Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông, nay thuộc thủ đô Hà Nội. Thân phụ là một công chức người Pháp, cụ ông Etienne Catallan. Thân mẫu là một y sĩ người Việt, cụ bà Nguyễn Thị Đắc. Lương duyên Pháp – Việt trĩu nặng ân tình đã sản sinh ra một cô gái Hà Thành vô cùng đoan chánh có tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan.
Một trong số nữ lưu hiếm hoi thời Pháp thuộc có bằng Diplôme D’étude Primaire Supérieur, Eugénie nghiễm nhiên trở thành một cô giáo, lấy việc dạy học để khẳng định mình. Bằng tâm hồn nhạy cảm với những mãnh đời đau khổ và sự thông tuệ thiên bẩm của một người mang 2 dòng máu Đông Tây, cô giáo Catallan Nguyễn Thị Ni bắt đầu lao vào những công tác từ thiện xã hội, từ việc chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện mà thân mẫu đang hành nghề y đức, đến chia sẻ, giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh trong các trại mồ côi, viện dưỡng lão. Nhờ môi trường từ thiện mà Eugénie bén duyên cùng Phật pháp. Một lần nghe Sư cụ Thích Tuệ Nhuận giảng kinh Lăng Nghiêm tại chùa Quán Sứ, đến phẩm Quán Âm Quảng Trần và Chương Đại Thế Chí Niệm Phật, Eugénie hoát nhiên lãnh hội được sự vi diệu của Phật pháp, lòng trần an nhiên thơ thới như cảm ngộ một diệu lý sâu mầu:
“Thấy nghe như huyễn hóa
Ba cõi tựa không hoa
Xoay nghe huyễn hóa trừ
Trần tiêu giác viên tịnh”.
Từ đó, Eugénie Nguyễn Thị Ni gác bớt những công tác thiện nguyện mà hướng tâm vào Phật pháp, đến cầu pháp quy y với Đức pháp chủ đương thời là Hòa thượng Thích Mật Ứng, được ngài ban cho pháp danh Hải Triều Âm. “Chị Ni” là tên gọi thân thương mà các đoàn sinh thường gọi người chị có công sáng lập và phát triển nhiều đơn vị GĐPT tại Hà Nội, Hải Phòng, thời ấy GĐPT đang được gọi là Gia đình Phật Hóa Phổ. Chị Ni bắt đầu chú trọng việc hoằng pháp, in những cuốn kinh nhỏ phát cho Phật tử, thường viết bài cho tòa báo Bồ Đề của Sư cụ Thích Tuệ Nhuận dưới bút hiệu Cát Tường Lan, đưa những ý tưởng Phật pháp rất thực tế để chuyển hóa tư tưởng cho thanh thiếu niên trong thời đại giao lưu giữa Nho giáo và Tây học.
Năm 1949, thâm ngộ lẽ vô thường, nghĩ chuyện phước thiện thế gian không thể đưa đến giải thoát rốt ráo, người Phật tử thuần thành và nổi tiếng bấy giờ đã đến chùa Đồng Đắc xin xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Nhuận, sau này là Đức Đệ nhất pháp chủ GHPGVN, trụ xứ chùa Quảng Bá, được Hòa thượng gửi đến y chỉ và thọ giới với Ni trưởng Tịnh Uyển ở chùa Thanh Xuân làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Năm 1952, Học ni Hải Triều Âm được Hòa thượng Bổn sư gửi vào Nam, nhập chúng tại Ni trường Dược Sư tại Gia Định, Sài Gòn. Học ni vừa tinh chuyên tu học, vừa hầu mẹ già bị bệnh liệt bán thân, vừa lãnh việc giảng dạy cho Phật tử. Tại Ni trường Dược Sư do cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa sáng lập, dưới sự giảng dạy của các bậc Thầy nổi tiếng đương thời, Ni sinh Hải Triều Âm lãnh ngộ được yếu chỉ Niệm Phật qua Kinh Kim Cang, tu quán Tứ Niệm xứ để khai tỉnh tuệ giác, có sở đắc rất sâu về “tri kiến Phật” nói trong Kinh Lăng Nghiêm.
Năm 1962, sau khi thân mẫu qua đời, vì muốn thể hiện lòng Hiếu từ sâu sắc, Sư đến nương Hòa Thượng Thích Trí Tịnh ở chùa Vạn Đức, Thủ Đức. ròng rã suốt 6 năm nhập thất, chuyên tâm niệm Phật.
Năm 1968, Hòa thượng Thích Thiền Tâm lên Đại Ninh mở đạo tràng Tịnh độ, khai sơn Tịnh xứ Hương Nghiêm, noi gương Sơ tổ Huệ Viễn, kết Liên xã niệm Phật. Ni sư Hải Triều Âm cũng nương thịnh đức của Chư tôn, bên bờ sông Đại Ninh hiền hòa thơ mộng, lập tịnh thất Linh Quang, suốt 7 năm tinh chuyên nhập thất, những mong thể nhập niệm Phật tam muội. Từ đây, danh đức của Ni sư lan tỏa, đồ chúng nương về tu học, ban đầu chỉ vài mươi vị, sau đó đông dần, Ni sư phải mở thêm các cơ sở tự viện để đáp ứng nhu cầu tu học của chúng Ni, từ Ni Liên, Linh Quang, Liên Hoa, Viên Thông, Hương Sen đến Dược Sư, Lăng Nghiêm rồi Bát Nhã, cả thảy 8 cơ sở. Với lòng bi nguyện cao vời, Ni sư tế độ Ni chúng khắp nơi, không phân biệt già trẻ, mồ côi, tàn tật, trân trọng từng nhân duyên Phật pháp. Phật tử gần xa về quy y thọ giáo nhiều không xiết kể.
Pháp âm của Ni trưởng lan tỏa khắp tỉnh thành và hải ngoại. Với Ni chúng, Ni trưởng lấy Bát Kỉnh Pháp làm tòng lâm thị phạm, lấy Tứ niệm xứ làm pháp môn quán hạnh, lấy niệm Phật làm thời khóa tu trì, giảng dạy lần lượt nhiều bộ kinh Đại thừa quan trọng, từ Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Bát Nhã. Với Phật tử hữu duyên, Ni trưởng từ hòa tiếp hóa, giản dị và bao dung, chỉnh chu và cẩn ái, luôn nở nụ cười hoan hỷ. Với Chư tôn thiền đức gần xa, Ni trưởng luôn hạ mình thỉnh lễ, giữ hạnh khiêm cung, lắng nghe và nhu thuận. Riêng đối với bản thân, Ni trưởng luôn nghiêm khắc với chính mình, cần kiệm và khắc kỷ, tinh tấn và chuyên ròng, suốt ngày trọn đêm không phút giây xao lãng, 10 năm, 20 năm, rồi 30 năm, một thoáng vô cùng. Năm tháng phôi pha, chuỗi hạt lần tay mòn nhân ngã. Ngày giờ lần lữa, trang kinh qua mắt tỏ sắc không. Thắm thoát đã kề cận cái già, dần dà đã gần gũi cái chết.
Năm 2005, khi đã 86 tuổi, như muốn dốc hết bình sinh cho một lần sau cuối, Ni trưởng đã giảng nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Lăng Nghiêm Toát Yếu và Lăng Nghiêm Chính Mạch. Từng lời rành mạch, từng ý sâu xa, cặn kẽ và chính xác đến từng từ trong Kinh Phật. Từ đó về sau Ni trưởng hoàn toàn im lặng không còn giảng dạy nữa. Hải Triều Âm, tiếng sóng biển rì rào nhẹ vỗ hay ầm ầm như tiếng dội trùng khơi, điều đó còn tùy lúc tùy nơi, nhưng với Ni trưởng gần 10 năm cuối đời, thì Hải Triều Âm là sự yên lặng đến bất tuyệt của mặt biển giữa vũ trụ mênh mông.
Sự nghiệp trước tác và phiên dịch của Ni trưởng thật đáng để Ni chúng đời sau bái phục. Từ việc biên soạn, dịch thuật các kinh điển làm tài liệu giảng dạy, đến việc toát yếu các bộ kinh lớn cho Phật tử dễ hiểu, vì muốn ẩn danh nên Ni trưởng không để tên thật của mình, từ Kinh tạng như Pháp Hoa, Luật tạng như Hai Cánh Nhà Ni đến Luận tạng như Lăng Nghiêm Chính Mạch, cả thảy có đến hàng trăm đầu sách. Ngoài ra, Ni trưởng còn tổ chức ấn tống rất nhiều kinh điển để hoằng dương Phật pháp khắp nơi. Hằng năm, Ni trưởng còn tổ chức những giới đàn truyền giới cho Chư Ni và Phật tử. Đệ tử Ni trưởng giờ đã ra hoằng pháp khắp tỉnh thành từ Bắc chí Nam, Từ Tây Nguyên xa xôi đến các vùng duyên hải, từ Úc, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp. Một người ngồi yên một chỗ suốt mấy mươi năm mà danh tiếng vang xa khắp bốn bể, đối với Ni lưu Việt Nam có thể nói độc nhất vô nhị.
Năm 1988, Ni trưởng viết một bài di chúc để lại cho đệ tử. Những tưởng tôn sư quan tâm hậu sự, không ngờ đó là vạch ra một đường lối tu hành rõ ràng. Thế sự vô thường, chỉ có Phật pháp là nơi nương tựa vững chắc. Sư kể lại chuyện tu hành của bản thân, vì đàn hậu lai làm kim chỉ nam cho đường tu học.
Năm 2012, sức khỏe Ni trưởng ngày càng suy kiệt. Đệ tử khắp nơi đã tụ về đảnh lễ, lo toan hậu sự, toan tính trăm bề, nhưng với Ni trưởng thì vẫn điềm nhiên tọa thị. Sắc sắc không không chẳng thọ lấy mảy trần, liễu đạt quê hương là miền Cực Lạc, thì sá gì tấm thân Ngũ uẩn, chỗ đứng, chỗ nằm, đâu đâu cũng được. Chỉ mong đồ chúng siêng tu, tô bồi đạo nghiệp. Tất cả các pháp nhân quả rõ ràng, mọi việc mai sau cứ như vậy như vậy.
Ni trưởng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 24 tháng 06 năm Qúy Tỵ, nhằm ngày 31 tháng 07 năm 2013, thượng thọ 94 tuế thế, 60 hạ lạp. Thần thức lên miền An dưỡng, nghiệp chướng bỏ lại trần lao, hoa khai chín phẩm sen vàng, Phật rủ nhất thừa thọ ký. Đồ chúng xây Kim Quang tháp cúng dường tại Ni viện Dược Sư, nơi an nghỉ cuố cùng của nhục thân trần thế.
Nam mô Tự Tào Động Pháp Phái, húy Hải Triều Âm, tự Đại Thành, hiệu Bác Tế Từ Hòa Đại Lão Ni Trưởng Giác Linh.
Tỳ Kheo Thích Nguyên Hiền Cẩn Bút
Theo Vinhminh.net