Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện khó lý giải về quả bom trên nóc chùa
12/08/2013 21:08 (GMT+7)


Tổ Đình Linh Sơn ở Hiền Lương, Vạn Lương, Vạn Ninh (Khánh Hòa) mang trong mình bao huyền thoại một thời quá khứ. Theo lời chỉ dẫn của các cao niên trong vùng, tôi đã tìm đến ngôi chùa này. Phía trước là dòng sông, cổng tổ đình nằm ở một bên, có phần hơi khác so với những chùa còn lại.

Câu chuyện kỳ bí về đại hồng chung tự quay về chùa cũ


Vốn nổi danh với cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, Tổ Đình Linh sơn là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất Khánh Hòa. Nơi  đây cũng chính là nơi mà Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đến ẩn tu trước khi lên đường tự thiêu và trở thành Bồ tát nổi danh khắp dân gian. Trong chùa còn lưu giữ sắc phong của vua Bảo Đại về danh hiệu cũng như sự cổ xưa trên 300 năm tuổi của chùa.

Đại đức Chúc Minh, trụ trì ngôi cổ tự, cho biết: "Sự linh thiêng và huyền bí nơi đây cũng là do người đời thêu dệt nên. Chuyện tổ sư Đại Bửu ngồi tu dưới gốc cây kén, có cả hổ beo đến nhưng không ăn thịt mà còn bỏ đi, đó hoàn toàn là do từ tâm thiện chí của người tu hành mà nên, ngôi cổ tự này đã có hơn 300 năm tuổi rồi. Phía trước cổng chùa là con sông Hiền Lương, cũng chính là nơi thường tổ chức thả hoa đăng".

Con sông nhỏ chảy về phía vịnh Vân Phong. Nước sông không nhiều, dòng chảy không mạnh nhưng nước xanh mát quanh năm, hai bên dòng sông có nhiều cây, tỏa bóng mát là nơi lý tưởng cho việc tu thiền, ẩn sĩ. Trên dòng sông chảy qua chùa, phía tây có một chiếc cầu sắt và phía đông có một chiếc cầu đường bộ mang tên cầu Hiền Lương.

Truyền thuyết kể lại rằng: ngôi chùa vốn có hai quả chuông, nhưng chỉ mới tìm thấy được quả chuông nhỏ, còn chuông lớn vốn có thể âm vang cả một khu vực rộng lớn lại không thấy đâu dù hằng đêm, mỗi khi trăng thanh gió mát, họ đều nghe thấy tiếng chuông ngân phát ra từ hồ sen trước chùa. Điều kỳ lạ đó khiến nhiều người tin tưởng rằng, chuông lớn trong tương lai cũng sẽ trở lại với chùa.

Từ cổ tự Linh Sơn, tiếng chuông chùa có thể vang đến tận cửa biển Cát Ném và lên tận thôn Mỹ Đồng. Ghé thăm cổ tự đúng vào dịp tưởng niệm 60 năm ngày hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, không khí u tịch đầy màu sắc huyền bí, càng làm nơi này cuốn hút sự tò mò của khách thập phương.

Chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung bắt đầu từ khi nhà Nguyễn quyết chiến với triều đại Tây Sơn. Để phục vụ cho các bên trong những cuộc giao tranh nơi chiến trường, các chuông chùa hầu hết trước đó đều được làm bằng đồng tốt, nên tất cả đã bị tịch thu làm nguyên liệu đúc súng thần công, hoặc đạn hỏa khí.

Cửa Phật từ bi, không sát sanh, nên nhiều ngôi chùa lớn ở Khánh Hòa đã tìm cách giấu chuông đi, cất giữ nơi núi rừng xa xôi, sông sâu, vực thẳm hoặc ngụy trang kỹ càng để tránh không bị phát hiện. Khi giao tranh kết thúc, các chùa phải thuê người và mua nguyên liệu nhằm đúc chuông mới trở lại. Dù vậy, rất nhiều đồng chung đã bị mất đi, phần vì trộm cắp, phần vì bị nước lũ cuốn trôi, duy chỉ có hồng chung chùa Linh Sơn là được tìm thấy trong sự tình cờ đến lạ lùng - cũng là một câu chuyện mang màu sắc kỳ diệu bí ẩn.

Trước chùa vốn là con sông mang tên Hiền Lương, cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai làng Hiền Lương và Tân Đức. Hòa thượng Đại Bửu (1740 - 1765) lập chùa và đúc chuông để duy trì đức tin của bổn giáo. Sau khi chiến tranh qua đi, chuông nhỏ được tìm thấy ở cửa sông Hiền Lương bởi một cụ bà mò ốc. Chuông cổ là vật vô giá, không tránh khỏi sự tranh đoạt của người lớn, lại nằm ở ranh giới hai làng, càng khiến người đời vì thế mà tranh giành về mình.

Cuộc tranh cãi không ngừng diễn ra, người ta nói vô phúc đáo tụng đình nhưng khi cần thiết vẫn phải tìm đến chốn công đường. Dù vậy, trước cửa quan oai nghiêm và những dấu ấn cổ xưa được khắc trên chuông đồng, ai cũng phải thừa nhận đó là chuông của chùa Linh Sơn. Trên thân chuông có ghi rõ: "Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ, bát nguyệt" đây là năm Tổ Đại Bửu khai sơn lập cư. Hiện tại quả tiểu hồng chung vẫn đang nằm trong chùa.

Tiếng chuông chùa là một trong những minh chứng cụ thế nhất nói lên sự lan tỏa của Phật pháp trong dân gian. Bà Nguyễn Thị Sen, 74 tuổi cho hay: “Tôi có nghe câu chuyện đại hồng chung quy cổ tự nơi đây, nhưng mà tôi thấy không có vấn đề nghi ngờ chuyện này cả. Phật pháp nhiệm màu, ngôi cổ tự này linh thiêng lắm. Tôi tin tưởng vào chùa và sự tốt lành của Phật pháp đã khiến chông đồng bị bỏ quên tự tìm về lại đây”.


Nhiều Phật tử khác khi nghe nhắc đến câu chuyện này đều chắp tay cầu nguyện bao điều tốt lành cho ngôi cổ tự. Câu chuyện về chiếc đại chung hồi cổ tự của chùa Linh sơn đã làn truyền từ lâu trong dan gian. Người dân quanh tự ai cũng biết đến cầu chuyện này, cũng vì thế mà sự linh thiêng, huyền bí của tự đã làm người đời thêm chú ý.

Bom không nổ dù rơi trên nóc chùa

Tổ đình Linh Sơn đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng không ít lần nơi đây đã phải chứng kiến sự tàn phá của thời đại, đặc biệt là cuộc chiến tranh ác liệt bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm.

Thuở trước Hiền Lương vốn là khu vực đồi rậm rạp, tổ sư Đại Bửu vốn là người Quảng Nam đã tìm đến và mở đất lập chùa nơi đây. Khi xây chùa, trên mảnh đất có cây kén lớn, các đệ tử đã giữ lại làm kỷ niệm. "Cây kén trong chùa cũng là cây lớn nhất ở đây. Cây cổ mà sống được rất lâu rồi, người ở đây không ai dám đụng đến đâu, cây linh thiêng lắm ấy" - bà Lan, người bán hàng rong trên đường vào cổ tự tiết lộ.

Năm 1944, máy bay Nhật Bản đã ném một quả bom lớn xuống ngôi tự, với ý đồ hủy diệt hoàn toàn. Nhưng như một phép lạ ngôi tự không những không bị sức công phá khổng lồ của quả bom nặng hàng trăm ký tàn phá, mà vẫn trụ vững theo thời gian. Người trong tự kể lại rằng: "Quả bom đã không nổ mà nằm lại trên nóc chùa, dù rằng quả bom rất nặng và do quân xâm lược dùng máy bay để tấn công đã thả xuống từ độ cao hàng trăm mét trên không rơi xuống lại nằm trên nóc chùa là một điều kỳ lạ vô cùng!".

Nhiều người cho biết: "Nếu bom không nổ hoặc không rơi xuống đất thì hết sức vô lý, bởi quả bom nặng như thế. Hoặc nếu không rơi xuống thì vẫn có thể lăn theo nói trên nóc nhà để rơi xuống đất và phá hỏng chùa, thế thì tại sao quả bom vẫn nằm trên nóc chùa".

Chỉ vài ngày sau, người Nhật đến và mang quả bom đi, không có lời giải thích hay sự hồi âm về lý do quả bom không phát nổ. Chính người tu trong chùa,  cũng như người dân địa phương cũng đặt ra nhiều câu hỏi quanh vấn đề này: tại sao quả bom không nô, nếu mà không nổ thì tại sao không rơi xuống đất, tại sao người Nhật mang bom đi mà không người đặt mìn hẹn giờ nổ bom ngay tại đó luôn?

Vì sự kỳ lạ đó mà nhiều người cho rằng đó chính là do sự linh thiêng của một đấng siêu nhiên nên cửa chùa không vấy máu được, người lại bảo rằng do có thần linh phù hộ, nên người Nhật không dám ra tay sát hại người trong chùa và hom vì thế mà đã không nổ.

Ông Lê Văn, 88 tuổi, người làng Hiền Lương, cho biết: "Tôi vẫn ngày ngày ghé qua chùa, câu chuyện quả bom rơi trên nóc chùa mà không nổ tôi nghe kể từ khi còn là cậu bé 7 - 8 tuổi. Tôi nghĩ rằng, bom không nổ có thể do trục trặc kĩ thuật, nhưng việc nằm ngay trên nóc mà không rơi xuống đất quả là điều kì quặc khó hiểu, chắc chắn có điều gì tâm linh kỳ bí".

Suy nghĩ của ông Văn, cũng là suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây.  Hòa thượng Chúc Minh chi biết: "Câu chuyện bom rơi trên nóc tự là có thật dù nhiều người không tin. Người bảo là do thần thánh, người bảo không phải, nhưng nếu không phải thì cũng không có lý do gì mà lý giải được!".

Những câu hỏi như thế có lẽ không bao giờ tìm được câu trả lời. Nhưng ngôi chùa với sự thanh tịnh và huyền bí là nơi gửi gắm bao ước nguyện cũng là điểm nương tựa cho những người sống nơi cửa phật mãi cho đến tận bây giờ.

Theo Dòng Đời/ Xzon

Các tin đã đăng:
Về đầu trang