Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tản mạn lễ Phật đản – Gia Lai
18/08/2010 17:36 (GMT+7)

Liên hợp quốc tôn vinh đức Phật là nhà văn hóa lớn của nhân loại. Hơn 45 năm bằng đôi chân trần đức Phật đã đi du hóa thuyết pháp dạy đạo lý giải thoát suốt một giải đất mênh mông của lưu vực sông Hằng - Ấn Độ. Những lời dạy minh triết, thấu thị tràn đầy tuệ giác của Ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng trí thức về nhiều phương diện: Văn hóa, giáo dục, môi sinh, kinh tế, pháp luật…Nhân cách, lòng từ bi, trí tuệ của đức Phật quá lớn do vậy hơn 26 thế kỷ trôi qua, vẫn còn đồng vọng, rung động hằng triệu con tim nhân thế, cả những người không phải là phật tử. Lễ Phật đản tổ chức hằng năm khắp các nẻo đường trên thế giới chính là để nhớ, để ôn lại lời dạy của đức Phật, và thực hành theo lời dạy của Ngài.

Hướng đến, hòa nhịp cùng ngày đại lễ Thăng Long – Hà Nội sắp diễn ra trong cuối năm 2010. Ban trị sự Phật giáo Gia Lai long trọng tổ chức lễ Phật đản phật lịch 2554 trang nghiêm trọng thể, tại văn phòng Ban trị sự chùa Bửu Nghiêm, 54 Lý Thái Tổ, thành phố Pleiku. Lễ đài chính do Đại Đức Thích Tâm Mãn phụ trách thiết kế trang trí. Có tiết mục văn nghệ do các em GĐPT trình diễn cúng dường, TT. Thích Quảng Châu cố vấn chỉ đạo. TT.Thích Trí Yên chùa Bửu Tịnh, huyện Ayunpa đem đội cồng chiêng phật tử dân tộc thiểu số biểu diễn, có 15 chiếc xe hoa diễu hành do các chùa trong thành phố Pleiku thiết trí, có treo cờ tư gia phật tử, có triển lãm văn hóa Phật giáo do đại đức Thích Giác Hiền phụ trách. Tóm lại với hình thức sinh hoạt lễ hội Phật đản của một tỉnh vùng cao như thế là vừa phải, là đẹp, là ấm cúng. Tuy nhiên cũng còn một vài cái nhưng, cái nếu như, giá như được như thế, như thế…

Lễ hội là điều cần thiết cho tổ chức, đoàn thể. Bởi lễ hội là hâm nóng sự nguội lạnh, lãng quên, là hình thức để thông tin quãng bá, là trở về với những tập tục cổ xưa nguồn cội, là giữ gìn văn hóa ông cha. Nhưng nếu chỉ chú ý nhiều về hội, mà xao lãng phần nghi lễ, phần nội dung cần thiết thì lễ hội sẽ không bền vững, sẽ nhàm chán, đôi khi lãng phí nữa. Đối với Phật giáo lễ hội Phật đản rất cần sự hưởng ứng của phật tử, chính từ con tim rung động, cõi lòng thổn thức trách nhiệm xắn tay áo lên cùng lo lễ. Chư vị lãnh đạo tinh thần của từng tự viện phải nuôi dưỡng đức tin của tín đồ mình thường xuyên, không xao lãng, luôn nhắc nhở tín đồ thờ tượng Đức Phật Thích Ca , tặng băng đĩa cuộc đời đức Phật, như đĩa đường xưa mây trắng, ánh đạo vàng, cuộc đời đức Phật Tổ Thích Ca….Phải thấy được niềm đau tín đồ của mình mỗi ngày mỗi giảm đi qua con đường hôn nhân khác tôn giáo, con gái của đạo người ta vẫn bắt con trai của đạo Phật bỏ đạo theo vợ, có trường hợp cha mẹ khóc hết nước mắt chìu con mà rước con dâu khác đạo về nhà, nhẫn nhịn cho yên gia đình để rồi âm ỉ kết thành nội kết trong tâm. Có trường hợp cha mẹ của chàng trai, và cả chàng trai nữa vẫn thản nhiên như nhiên, phán một câu an ủi: Thôi kệ nó đạo nào cũng tốt. Có phải đạo nào cũng tốt không ? Chúng ta thử tìm hiểu một chút lịch sử các tôn giáo, quá trình hình thành phát triển và phương cách truyền đạo chúng ta sẽ thấy. Vô google gõ nội dung yêu cầu chúng ta sẽ thấy vô số tài liệu về lãnh vực này.

Chỉ cần biết giữ gìn tín đồ không để xao lãng đức tin, không để mất đệ tử qua con đường hôn nhân khác tôn giáo. Biết quý trọng lá cờ Phật giáo, thấy lá cờ là Phật, là đức tin soi đường dẫn lối mình trong cuộc đời, là linh hồn của Đạo, biết bỏ tiền ra thỉnh một lá cờ mới treo trong ngày Phật đản, tự tay mình treo trước nhà mình, chứ không phải ỷ lại đã có ban tổ chức lễ Phật đản sai biểu các em GĐPT cắm xiêu quẹo trước nhà mình rồi, thì mình không cần phải treo nữa. Chỉ cần làm được những điều đơn giản vừa nêu, thì lễ Phật đản không có xe hoa, không có lễ đài, lễ hội của niềm tin vẫn lớn, vẫn hoành tráng theo cách khác, mà chắc chắn sẽ mãi mãi bền vững trong lòng con Việt Phật.

Phật đản, phật lịch 2554

Thích Giác Tâm



































Về đầu trang