Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tìm về làng "Cỏ May" xưa
Tiến sĩ Nguyễn thị Kim Vân
18/08/2010 17:29 (GMT+7)

Rong ruổi trên con đường tìm về nguồn gốc các địa danh, chúng tôi hỏi thăm để đến với một vùng đất vẫn được người dân Pleiku gọi là Biển Hồ Trà. Cái tên nghe thật gần gũi, thật thân quen và càng đặc biệt thân quen với những người đã nhiều năm gắn bó cùng "phố núi". Các bạn đừng vội cằn nhằn: sao người viết lại lan man thế! nào là làng Cỏ May, xóm Trại Mộ; rồi thôn 1, thôn 2 (xã Nghĩa Hưng), chưa làm sáng tỏ được điều gì giờ lại thêm Biển Hồ Trà. Xin "bật mí" cùng bạn đọc, đấy chưa phải là tất cả những cái tên đã gắn bó với một vùng đất cách không xa thành phố Pleiku là mấy trong vòng ba phần tư (3/4) thế kỷ qua. 

Theo hướng dẫn của người chỉ đường, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng xe máy từ  trung tâm thành phố Pleiku, ngược lên phía Bắc 12 km theo QL.14 rồi rẽ trái. Sau khoảng 2 km vượt qua một đoạn đường cấp phối rợp bóng cây, hai bên bạt ngàn chè trên một vùng địa hình khá bằng phẳng thì đến đoạn đường trải nhựa, nhỏ nhưng khá xinh. Còn đang mải miết với ý nghĩ: "Quả là nơi nào trên cao nguyên này mà trước đây tư bản Pháp chọn làm đồn điền thì đất đai đều màu mỡ, bằng phẳng, gần nguồn nước... thật lý tưởng" đã thấy hiện ra trứơc mắt một xóm nhỏ. Những căn nhà đầu tiên không làm tôi chú ý, nhưng vào sâu hơn, dấu ấn thời gian bắt đầu hiện rõ qua kiểu dáng kiến trúc và vật liệu xây dựng buộc tôi phải dừng chân.

 Có lẽ không một ngôi làng Việt nào trên cao nguyên Pleiku hiện còn có nhiều ngôi nhà (nói đúng hơn là một phần ngôi nhà) từ nửa đầu thế kỷ XX với ngói vẩy, gạch bó nền, tường cao chưa đầy 2m... trải ra như muốn ôm lấy mặt đất, nép bên những ngôi nhà hiện đại như ở xóm nhỏ này.  Dừng lại chụp vài tấm ảnh làm tư liệu, hỏi một thanh niên đang phơi lúa trước sân xem đây là đâu thì được biết: tôi đang ở giữa thôn 2 - xã Nghĩa Hưng. Cái tên không gợi cho tôi một ấn tượng nào. Định lên xe đi tiếp nhưng vẫn thắc mắc về những ngôi nhà cổ tôi lại hỏi: gia đình anh ở đây đã lâu chưa? Ồ lâu lắm rồi, chắc là từ thời ông bà cơ! Vậy anh có nghe ông bà mình nói xóm này trước tên là gì không? Anh chàng cười thay cho câu trả lời cần thiết.

 Giải đáp thắc mắc của chính mình về lý do còn tồn tại những ngôi nhà cổ (thậm chí chỉ một góc nhà thôi), tôi nghĩ rằng các chủ nhân vẫn tiếc nuối nơi đã lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm của thế hệ ông cha khi họ đến với vùng đất mới.  Gác lại những câu hỏi còn chưa được giải đáp, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về phía trứơc và bước vào một ngôi chùa sát bên đường có biển đề: Chùa Bửu Minh; Địa chỉ: thôn 1, xã Nghĩa Hưng. Khi biết mục đích chuyến đi của chúng tôi, sư thầy trụ trì chùa vui vẻ tiếp chuyện. Từ đây, những điều chúng tôi còn thắc mắc được sáng tỏ dần. Sư thầy Thích Giác Tâm trụ trì chùa này vốn là người được sinh ra ở xóm nhỏ chúng tôi vừa qua, từ nhỏ ông đã tu tại chùa Bửu Minh, sau thời gian đi học xa ông quay về trụ trì chùa. Hơn ai hết, ông hiểu về sự đổi thay chẳng những của tên đất mà thậm chí cả tên người, của từng số phận với buồn - vui, nhục - vinh trên vùng đất vốn là đồn điền của người Pháp, người Hoa này. 

Ông cho chúng tôi biết: xóm nhỏ mà chúng tôi mới qua không phải là nơi định cư đầu tiên của công nhân đồn điền trên đất Biển Hồ Trà. Nơi ấy còn có sau làng Cỏ May. Vừa kể, ông vừa dẫn chúng tôi đi và chỉ từng vết tích còn lại của làng Cỏ May và gặp những nhân chứng đã từng gắn bó với vùng đất ấy như ông Hồ Còn (sinh năm 1924), bà Phạm Thị Hạnh (sinh năm 1931, là con nuôi gia đình Henri De Guenyveau - Chủ thứ 2 đồn điền trà Biển Hồ và Đak Đoa - từ năm bà mới 3 tuổi).  Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, thực dân Pháp đẩy mạnh việc cướp đất ở Tây Nguyên để lập đồn điền. Theo quy định tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 13/4/1909, nơi nào có nhân công trên 20 gia đình thì được phép thành lập làng, xóm. Từ năm 1919 - 1920, công ty P.I.T. (Plantation Indóchinoise des Thés) của Pháp xin khai khẩn vùng đất phía bắc Biển Hồ để trồng và chế biến chè.

Đến năm 1921 thì những lô chè đầu tiên được trồng. Tổng diện tích chè được trồng trong thời Pháp thuộc là 548 ha, chia làm 14 lô (từ lô số 1 - lô 14). Trụ sở đầu tiên của Sở Trà - như cách gọi lúc đó - nằm trên bờ bắc hồ Ia Nueng - cách hồ nước gần 2km. Số gia đình công nhân ở quanh đó được lập thành làng Cỏ May. Đầu làng có một ngôi chùa gọi là chùa Phật Học. Bà Hạnh cho chúng tôi biết: lúc đó, vùng này cỏ may nhiều và cao quá gối nên mới gọi tên làng là Cỏ May, công nhân chủ yếu là người miền Trung.  Cuối những năm 20, đồn điền được mở rộng hơn về phía bắc, số công nhân cũ không đáp ứng được yêu cầu công việc nên chủ Pháp cho xây một loạt nhà giống nhau làm chỗ ở cho những nhân công mộ thêm từ miền Bắc vào. Xóm mới ấy gọi là xóm Trại Mộ, về sau mới có thêm dân cư từ miền Trung lên. Tại đây có một nhà thờ.  Đến năm 1970, chính quyền Sài Gòn lập xã Biển Hồ gồm 3 thôn: thôn 1 là làng Cỏ May, thôn 2 là xóm Trại Mộ và thôn 3 là làng Hậu Nghĩa (quanh khu vực Cầu Sắt). Sau giải phóng (1975) ta giữ nguyên xã Biển Hồ thuộc thị xã Pleiku.

Làng Cỏ May lúc này là thôn 8, còn xóm Trại Mộ là thôn 7.  Ngày 11/11/1996 theo Nghị định số 70-CP của Chính phủ, xã Nghĩa Hưng được thành lập, thôn 7 (Trại Mộ) và thôn 8 (Cỏ May) thuộc xã mới vào giao về huyện Chư Păh cũng mới được thành lập theo nghị Định này. Từ đây làng Cỏ May xưa là thôn 1 và Trại Mộ là thôn 2 xã Nghĩa Hưng, nhưng người dân Pleiku vẫn quen gọi vùng này là Biển Hồ Trà.   Tấm ảnh chúng tôi giới thiệu đây là một phần của những ngôi nhà ở xóm Trại Mộ được xây cất từ thời Pháp thuộc. Hiện nay ở thôn 2 xã Nghĩa Hưng vẫn còn khoảng gần 10 căn nhà chỉ còn một nửa như thế. Tại thôn 1 xã Nghĩa Hưng vẫn còn một đoạn đường nhựa nhỏ, dài khoảng 1km, rợp bóng 2 hàng thông cổ thụ còn khá nguyên vẹn và đều tăm tắp gợi cho ta nhớ về làng Cỏ May xưa. Bước trên đoạn đường này tôi thấy thật thanh thản, bình yên, và thêm chút tiếc nuối về một địa danh bình dị nhưng gợi cảnh đã chìm vào quá khứ. 

Lịch sử của cộng đồng người Việt với bước chân ngày càng xa trên những vùng đất mới đã để lại dấu ấn trên các lớp địa danh. Trong số những địa danh ghi dấu cư dân Việt đi qua,  tụ cư, lập nghiệp... có nhiều cái tên đơn giản chỉ bày tỏ ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở chốn quê nhà, có những địa danh cho biết đặc điểm địa hình, cảnh quan của vùng đất khi cư  dân Việt mới đặt chân lên, nhưng cũng có những địa danh là dấu ấn tủi nhục một thời của người dân nô lệ. Thế nhưng, cùng với thời gian và  sự vô tình của con người mà cả những địa danh tốt, xấu đều dần chìm vào quên lãng, liệu có nên chăng?

NTKV

Về đầu trang