Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bé gái ở Đại Kapilavastu
15/05/2012 23:36 (GMT+7)



Các học giả Nepal cho rằng Kapilavastu thuộc Tilaurakot, ở vùng thung lũng Terai - Nepal, cách Tây bắc Lumbini 24km. Sự hiện diện di tích một ngôi thành cổ với hào lũy bao bọc, mà chỉ kinh thành vua chúa ngày xưa mới có được, ủng hộ cho lập luận ấy. Bên cạnh đó là dấu tích của một con sông - như trong kinh điển Phật giáo mô tả kinh thành Kapilavastu - mà lòng sông này đã chuyển đi 400m về phía Tây bắc 1. Để nhấn mạnh cho lời tuyên bố Kapilavastu thuộc đất nước mình, năm 1961, Chính phủ Nepal “đổi tên” Tilaurakot và toàn thể vùng lân cận thành Kapilavastu 2. Sau đó, một cuộc khai quật quy mô cũng đã được thực hiện từ năm 1967 và chấm dứt vào năm 1978, nhưng cũng chỉ khẳng định “dấu vết của một cung điện, nhưng không tìm được chứng cứ văn bản nào (để xác nhận địa điểm này là Kapilavastu) 3”.

Đoàn Phật tử VN kinh hành quanh ngôi bảo tháp

Trong khi đó, về phía Ấn Độ, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật một địa điểm được nhận diện trùng hợp với Kapilavastu là Piprahwa, cách phía Nam Lumbini 15km, thuộc bang Uttar Pradesh, và cho rằng đây là địa điểm thực sự của vương thành này. Vào năm 1898, năm chiếc bình cổ đã được phát hiện trong một ngôi tháp bằng gạch gần Piprahwa, trong đó một cái đựng tro và một số vật cúng, được miêu tả bằng chữ Brahmi, ghi rằng đây là chiếc bình đựng xá-lợi Đức Phật của bộ tộc Sakya. Năm 1972, dưới tháp này, người ta lại tìm thấy một ngôi tháp cổ hơn nữa, cùng với hai chiếc bình chứa xá-lợi Phật. Năm 1973, trong một di tích tự viện tại khu vực này, người ta lại tìm thấy một chiếc nắp bình ghi: “Tinh xá này được Devaputra Kaniska xây để cúng dường Giáo hội (Sangha) ở Kapilavastu”, cùng với những con dấu viết: “Om! (Tài vật của) Giáo hội Tỳ-kheo (Bhiksu Sangha) ở tinh xá Devaputra tại Kapilavastu” và “(Tài vật của) Giáo hội Tỳ-kheo ở Đại Kapilavastu”. Dù vậy, những chứng cứ này cũng không thể khẳng định chắc chắn cho địa danh trên, bất chấp việc Ấn Độ công bố Piprahwa chính là địa điểm Kapilavastu vào năm 1976 4.

Nhiều học giả đã đưa ra giả thiết: Tilaurakot là địa điểm cổ thành Kapilavastu - nơi thái tử Siddhartha trải qua 29 năm trước khi xuất gia; còn Piprahwa là địa điểm của Tân thành Kapilavastu (hay Đại Kapilavastu). Giả thiết này dễ được chấp nhận bởi lẽ thời Phật còn tại thế, vua Vidudabha (Tỳ-lưu-ly) nước Kosala hận vì bị những người họ Thích làm nhục, nên đã đem quân tàn phá thành Kapilavastu và tiêu diệt dòng họ Sakya 5. Những người Sakya sống sót có lẽ đã di tản từ cổ thành đến Piprahwa thành lập tân thành Kapilavastu, hay còn gọi là Đại Kapilavastu. Về sau, khi Phật nhập diệt, họ cũng được lãnh phần xá-lợi và lập tháp tôn thờ Ngài tại vùng đất mới này.

Biên giới Nepal và Ấn Độ nằm giữa hai địa điểm Tilaurakot và Piprahwa, cách nhau khoảng 16 km. Tuy vậy, do các cuộc xung đột xảy ra liên miên ở biên giới Nepal, nên chính quyền địa phương thường ngăn du khách đi đến cổ thành - và nếu đến được thì cũng rất khó khăn. (Đó cũng chính là lý do khiến tôi 2 lần đến Ấn Độ - Nepal mà không lần nào tới được mảnh đất thiêng này).

Em gái choàng khăn lên đầu vẻ e ngại

... Kapilavastu một buổi chiều muộn. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày trải nhẹ lên những phiến gạch cũ đã ngả sang màu nâu thẫm. Cái vắng vẻ, cô tịch nơi đây khiến tôi thấy lòng buồn man mác - “Bụi vàng chôn thành quách. Người xưa đâu thấy nào” (Lý Bạch). Từng bước, từng bước,... đứng trên ngọn tháp, tôi nhìn ra bốn hướng, nghĩ về những con người họ Thích năm nao,... cũng chỉ vì chút tự tôn dòng tộc mà để xảy ra họa lớn. Đức Phật đã đích thân hai lần ra tận biên giới, ngồi dưới bóng cây khô để ngăn Vidudabha gây nên đại họa. Hễ gặp Đức Phật, Vidudabha liền xuống xe đảnh lễ, thăm hỏi rồi lui quân; nhưng không lâu sau, khi Phật trở về tinh xá, Vidudabha lại tiếp tục xua quân nhắm Kapilavastu thẳng tiến. Lần thứ ba, Đức Phật rõ biết nhân duyên đời trước của dòng họ Thích đã chín, Ngài không thể nào ngăn cản được. Vậy là máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Vua Vidudabha đã giết tất thảy chín nghìn chín trăm chín mươi chín vạn người, và thiêu rụi thành Kapilavastu!

“Người xưa đâu? Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu. Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu...” (Xuân Tiên). Quả thực, từ đỉnh tháp nhìn xuống, tôi thấy một màu xanh rì của thảm cỏ và của những rừng cây. Này tàn tích, này lầu đài... giờ chỉ còn là những nền gạch cũ. Một cái giếng cổ xưa vẫn còn nước - nước trong xanh mát, như chứng tỏ nguồn mạch thiêng liêng vẫn chưa dứt tại vùng đất lãng quên này. Chợt, mắt tôi dừng lại và dán chặt vào một cái dáng nhỏ nhắn đang tiến về phía tôi. Một bé gái Ấn Độ, bé gái của Đại Kapilavastu! Chiếc áo đầy màu sắc của em nổi bật trên thảm cỏ xanh mềm. Em dừng lại trước tôi độ dăm bước, nhìn tôi - ánh mắt ngây thơ, ngạc nhiên ngơ ngác. Tôi đưa máy ảnh lên, cô bé vẫn điềm nhiên như không có gì. Đến khi nhận ra tôi chụp hình liên tục, cô bé tỏ vẻ e ngại, choàng khăn lên đầu và khẽ cắn nhẹ chiếc khăn xanh màu cỏ. Tôi hỏi: Em tên gì? Cô bé thụt lùi một bước, khẽ lắc lắc đầu rồi nhìn bâng quơ, không đáp. Tôi tiếp: Nhà em ở đâu? Thay vì trả lời, cô bé mỉm cười rồi nhảy tung tăng cùng hai cô bé nữa mới đến. Lạ thật. Nhìn em, tôi chợt nghĩ, không biết em có phải dòng tộc Sakya, hoặc giả em và nàng Yasodhara xưa kia có mối liên hệ gì chăng?

Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ, và đã gặp rất nhiều trẻ em - trai có, gái có - vậy mà không hiểu sao cô bé này lại khiến cho tôi chú ý lạ lùng như thế? Hay em là hiện thân của người xưa ở Kapilavastu này chăng? Có lẽ..., vì tôi vẫn luôn nuôi hy vọng gặp được hậu duệ của dòng tộc Sakya - những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng biết đâu vì em là hiện thân sống động của những số phận bé gái Ấn Độ mà tôi đã từng biết trước đây qua sách vở? Chẳng phải ở Ấn Độ, những đứa trẻ như em là một món nợ, một gánh nặng rất lớn của gia đình đó sao?

“Những chuyện thương tâm về của hồi môn ở Ấn Độ”, “Rợn người hủ tục đốt cô dâu vì thiếu của hồi môn ở Ấn Độ”, “Ấn Độ: Cay đắng cô dâu đẹp như hoa bị chồng thiêu sống” (do không đưa đủ của hồi môn)... và kết quả là: “Bi kịch của những bé gái Ấn chết trước khi chào đời”... là những điều mà tôi thường đọc được trên báo. Theo thống kê do Cục Tội phạm Quốc gia Ấn Độ phát hành năm 2001, gần 7.000 phụ nữ đã bị gia đình nhà chồng thiêu chết vì thiếu của hồi môn. Năm 2008, con số này vẫn ở mức 6.000 người, bất chấp những quy định của Nhà nước về việc nghiêm cấm sát hại cô dâu vì của hồi môn. Cũng theo các số liệu trên, cứ 77 phút lại có một vụ án mạng vì của hồi môn được báo cáo ở Ấn Độ 6. Một con số đáng rùng mình!

Vừa đi vừa lan man nghĩ ngợi, tôi cùng với đoàn ra đến xe tự lúc nào. Cô bé, không hiểu sao, vẫn lẽo đẽo đi theo, và cũng ánh mắt ấy: ngây thơ, ngạc nhiên ngơ ngác. Thật lạ. Phần lớn những đứa trẻ Ấn lẽo đẽo theo khách ở những nơi du lịch thế này thường chỉ với một mục đích duy nhất: xin tiền! Bỗng dưng tôi muốn cho em một cái gì đó, để san sẻ (không phải bố thí theo nghĩa dung tục), nhưng lúc ấy tôi không có gì cả. Tôi vội lấy tờ 50 rupees trao cho em. Lần này cô bé lắc đầu nguầy nguậy và thụt lùi đến... hai bước. Em không nhận tiền! (Tôi xấu hổ bởi điều này!). Vậy thì em theo chúng tôi là vì lẽ gì? Tò mò chăng? Tôi không biết!

Tôi giơ tay chào tạm biệt em, tạm biệt bé gái ở Đại Kapilavastu. Lòng lâng lâng một niềm vui kỳ lạ!  

Đỗ Thiền Đăng

1. Theo H.W. Schumann, (Trần Phương Lan dịch): Đức Phật lịch sử, Nxb.TP.HCM 2000, tr.57. 2. Theo H.W. Schumann, như trên. 3. Theo Hajime Nakamura (Trần Phương Lan dịch): Đức Phật Gotama, Nxb. Phương Đông 2011, tr.70. 4. H.W. Schumann, tr.58; Hajime Nakamura, tr.70 -71 5. Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Năm pháp, phẩm Đẳng kiến, kinh số 2. 6. http://www.zing.vn/news/the-gioi/ron-nguoi-hu-tuc-dot-co-dau-vi-thieu-cua-hoi-mon-o-an-do/a136451.html

Nguon: http://giacngo.vn/vanhoa/2012/05/15/374251/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang