đế quốc cường bạo nhất thế giới đã
giành chiến thắng suốt từ Âu sang Á thời bấy giờ. Không chỉ là một lãnh
tụ kiệt xuất, Trần Nhân Tông còn in đậm dấu ấn của một nhà văn hóa lớn
và là vị tổ sư sáng lập ra Trúc Lâm, thiền phái đầu tiên đặc sắc Việt
Nam. Cùng với thời gian, tư tưởng Trần Nhân Tông đã vươn ra toàn cầu như
là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, lòng
nhân ái và sự hòa giải.
Trần Nhân Tông là Hoàng thái tử của vua Trần Thánh Tông, lên ngôi nǎm
21 tuổi (1279). Ông làm vua 14 nǎm đến 35 tuổi thì nhường ngôi cho con
là Anh Tông để làm Thái Thượng hoàng. Dưới sự dẫn dắt của ông, triều đại
nhà Trần quả là một thời thịnh trị và trở thành một trong những triều
đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Việt Nam. Đây
cũng là thời kỳ nhà Trần phải đối diện cùng một lúc với vô số thử thách.
Cương vực lãnh thổ vẫn còn nhỏ yếu và liên tiếp bị xâm hại bởi các lân
bang. Ảnh hưởng của triều Lý vẫn còn gây nên nhiều nghi ngờ về vai trò
của triều đại mới. Đặc biệt, đây là giai đoạn chứng kiến sự ra đời và
bành trướng khắp thế giới của đế quốc Mông Cổ (1271-1368). Vó ngựa của
chúng tung hoành khắp châu Âu và gần như toàn bộ châu Á tạo nên hình ảnh
một đội quân chinh phạt bạo tàn, sở hữu một sức mạnh hủy diệt và không
thể kháng cự.
Tuy nhiên, vó ngựa xâm lăng của đế chế Mông Cổ đã bị chặn đứng ở một
quốc gia tưởng như nhược tiểu. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, Trần
Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược
Nguyên-Mông (lần thứ 2 năm 1285 và lần thứ 3 cuối năm 1287 đến tháng 4
năm 1288 và giành được thắng lợi quân sự cuối cùng. Dưới thời của Ngài,
tinh thần vệ quốc được phát huy ở mức cao nhất, toàn dân sục sôi chuẩn
bị, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với địch. Đây cũng là
thời kỳ xuất hiện những vị nguyên soái, đại tướng lỗi lạc như Trần Hưng
Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão v.v… trong đó, tên tuổi của Trần Hưng
Đạo đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam để trở thành một trong những
danh tướng của thế giới. Những thắng lợi từ hai cuộc kháng chiến thần
thánh này đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng
cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng một nền văn
hóa Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị truyền thống. Đặc biệt, đây chính
là những chiến thắng đã khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế Nguyên Mông,
giải thoát cho các quốc gia khác khỏi một ách thống trị tàn ác nhất nhì
trong lịch sử.
Sau khi lãnh đạo toàn dân khuất phục xâm lược từ phương Bắc, Vua Nhân
Tông đã bắt tay vào xây dựng đất nước bằng việc khởi xướng tinh thần
yêu thương hoà giải. Ngài tâm niệm rằng những người bên cạnh mình là anh
em thân thuộc, những người phải lưu lạc và lầm lỗi là những người con
xa. Ngay sau khi về lại Thăng Long, vua đã ra lệnh đốt tất cả những bằng
chứng có thể kết tội những người đã từng đồng lõa với giặc. Việc này
được sử sách ca ngợi là tuy không phải mười phần đều đúng, nhưng có tác
dụng an dân và định nhân tâm một cách sâu sắc và thành công, để rồi
trong toàn bộ công cuộc mở rộng bờ cõi và xây dựng nền văn hóa, Ngài đã
tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp.
Việc xoá bỏ mọi dấu tích về việc có những người trong lúc loạn lạc
yếu lòng theo giặc, vua Nhân Tông đã dùng trí tuệ và sự nhân từ của đạo
Phật kết hợp với tinh thần đoàn kết truyền thống của dân tộc Việt để tập
hợp mọi người vào một sự nghiệp chung. Sự hoà hợp đó trở thành nền
móng căn bản nhất cho việc hình thành và phát triển một nền văn hoá Việt
Nam tiêu biêu cho các giá trị nhân văn, cao cả và yêu thương giữa con
người. Các giá trị này, kể từ thời điểm đó đã là những giá trị phổ quát
chung của nhiều dân tộc trên thế giới, bất chấp khoảng cách địa lý,
khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ.
Trí tuệ và tình thương không phân biệt của Ngài, đã trở thành điểm
tựa cho sự phát triển tư duy dân tộc đạt đến một tầm vóc của một triết
lý sống. 15 năm sau khi lên ngôi, vào thời điểm đang ở đỉnh cao của
quyền lực, Vua Trần Nhân Tông đã quyết định nhường ngôi lại cho con trai
để lùi vào hậu trường và sau đó một thời gian, Ngài đã quyết định xuất
gia để trở thành một nhà tu hành. Dường như Ngài đã nhận ra chân lý rằng
một dân tộc không nên chỉ được biết đến bởi những chiến thắng, những vị
vua quyền lực hay những danh tướng tài ba. Thay vào đó, sức mạnh của
một dân tộc còn được, và chủ yếu phải được thể hiện bởi những giá trị
tinh thần khác như lòng nhân ái, tinh thần bác ái và khả năng hóa giải
các mâu thuẫn để tạo nên sức mạnh đoàn kết. Nhận thức đó đã giúp Ngài
kết hợp những tinh hoa của giáo lý Phật giáo với tư cách là một hệ tư
tưởng, một hệ thống giáo dục lớn và những yếu tố căn bản nhất của nền
văn hoá vốn có bề dày và được thử thách. Bắt đầu những ngày nhường ngôi,
Trần Nhân Tông đã để tâm vào Phật giáo nghiên cứu những lẽ huyền vi để
hệ thống các quan điểm. Cùng với những nhà tu hành có chung lý tưởng,
Ngài đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng tư tưởng phản ánh một
cách ưu tú nhất bản lĩnh tinh thần và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Nền
tảng của phái Trúc Lâm do Ngài khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa
bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo
dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội
nguồn. Từ đây, Vua Trần Nhân Tông đã vượt lên khỏi tầm vóc của một vị
vua anh minh, một nhà quân sự lỗi lạc để trở thành một nhà tư tưởng có
tầm vóc vượt thời đại.
Xã hội con người hiện tại đang chứng kiến vô số những mâu thuẫn, khác
biệt và vẫn còn đó những hiềm khích, hận thù, xung đột tưởng như sẽ
không bao giờ hóa giải được. Tất cả những yếu tố này đều tiểm ẩn những
nguy cơ đẩy thế giới đến những cuộc chiến tranh có thể làm đổ vỡ hòa
bình và tiêu tan tất cả sự sống. Trong bối cảnh đó, những giá trị từ di
sản tinh thần của Vua Trần Nhân Tông từ cách đây nhiều thế kỷ phải
chăng cũng chính là sự phản ánh giấc mơ nhân ái toàn nhân loại, khi các
dân tộc, các quốc gia và mỗi con người sẽ chạy đua với nhau bằng tri
thức, giao tiếp với nhau bằng sự hiểu biết văn hóa và sự tôn trọng đối
với những điều khác biệt.
Và không còn nghi ngờ gì nữa, trí tuệ, lòng nhân ái và tinh thần hòa
giải của một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất nhất của dân tộc Việt
Nam cũng chính là những giá trị cao đẹp từng kết tinh trong nền văn hóa
của tất cả các dân tộc.