Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tiếng chuông chùa ở Trường Sa
28/04/2011 21:04 (GMT+7)

Giữa biển khơi mênh mông, tưởng chỉ có sóng và gió biển, nhưng không, đức Phật từ bi, bác ái có ở khắp nơi. Ở đâu có người dân đất Việt thì ở đó có đền, chùa vì đó là tín ngưỡng bao đời của nhân dân ta. Ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để người dân ngưỡng vọng, thờ phụng đức Phật.

Chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Chùa quay mặt ra biển, hướng về phía thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Xung quanh chùa là những cây phong ba, bàng quả vuông… đang ra hoa, kết trái, tỏa hương thơm ngát. Chùa có tam điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ. Những hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng ghi bằng chữ quốc ngữ như: “Mây lành che đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử. Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”. Điều này càng khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc Việt Nam trên vùng biển đảo Trường Sa. Đây mãi mãi là một phần máu thịt, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà con ở xã đảo Song Tử Tây kể rằng, không biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc, những ngư dân Việt đã dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Mỗi lần ra khơi đánh cá, họ lại lên đảo thắp hương lễ Phật. Những năm gần đây, phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu, xây dựng chùa khang trang, to đẹp hơn.

Đồng chí Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây cho hay: “Từ khi ngôi chùa được trùng tu, bà con trên đảo phấn khởi lắm. Vào mồng một, ngày rằm hằng tháng, nhà nào cũng lên chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, thái hòa, gia đình an lạc. Mà không chỉ có người dân, anh em bộ đội cũng thường xuyên lên chùa lễ Phật sau những giờ huấn luyện, lao động sản xuất. Đặc biệt, những ngày giỗ của các liệt sĩ trên đảo được làm lễ cầu siêu ngay trong chùa”.

Ngoài chùa Song Tử Tây, ở Trường Sa còn có chùa ở đảo Sinh Tồn và chùa trên đảo Trường Sa Lớn. Chùa ở đảo Sinh Tồn tọa lạc trên diện tích 500m2, vừa được trùng tu, xây dựng hoàn thành vào tháng 4-2010. Ngôi chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống một gian hai chái, mái cong có đầu đao.

Theo Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn, đồng chí Đinh Trọng Thắm, thì cả 3 ngôi chùa ở Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay 3 gian hai chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển.

Xưa kia, những loại gỗ này được cha ông ta dùng đóng thuyền vượt biển.

Những pho tượng trong chùa được chế tác công phu bằng ngọc quý; hoành phi câu đối đều được sơn son thếp vàng ghi lại hào khí của dân tộc.

Ba ngôi chùa đều quay ra biển và hướng về thủ đô Hà Nội.

Trong chùa đều được khắc câu đối: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền /Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ...”.

Đọc những câu đối trong chùa, bất cứ người con đất Việt nào cũng cảm thấy tự hào về giang sơn gấm vóc của mình.

Đứng trước biển cả mênh mông, tâm thanh tịnh mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của đất trời biển đảo. Lòng mỗi người đến vãn cảnh chùa đều nguyện cầu đức Phật từ bi phù hộ độ trì cho nước Việt ngày một thịnh vượng.

Phóng tầm mắt ra phía xa ngút ngàn biển rộng, mới thấy hết được sự thiêng liêng trên từng tấc đất mà bao đời ông cha ta phải đổ máu để giữ gìn. Trong tiếng chuông ngân vang hòa vào sóng biển giữa không gian bao la, ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng và chắc chắn, mỗi người đều thấy trách nhiệm của mình trong đó.

Tháng 6-2010, các hòa thượng, tăng ni và người dân sinh sống trên các đảo đã tổ chức đại lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào tử nạn trên vùng biển quần đảo Trường Sa tại 3 ngôi chùa.

>>> Chuyển tượng Phật ngọc do Thủ tướng cung tiến ra Trường Sa

Theo: QĐND

Hải Lý
http://www.phattuvietnam.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang