Theo văn bia của chùa còn ghi lại (1), ngôi chùa được khởi dựng dưới
thời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Văn bia mang ký hiệu 5527 - 5528,
trên trán bia đề: Bản Tịch tự bi minh, niên đại bia đề thời Lê
Chính Hòa thứ 20 (1644), nội dung bia ghi việc thờ đức Thiền sư Từ Đạo
Hạnh và ý nghĩa việc đặt tên chùa là chùa Bản Tịch - Nguyên văn như
sau: Thị tự bản cổ tích danh lam tạo tự Lý triều Thần Tông đệ ngũ
Hoàng đế, trung phụng Đại thánh Từ Đạo Hạnh tôn giả, Phật nhật thường
minh pháp luân thường chuyển, bản tính tịch nhiên bất động nhân dĩ tự
danh….Dịch nghĩa: Chùa ấy vốn là danh lam cổ tích xưa, được
gây dựng từ thời vua Lý Thần Tông, Hoàng đế thứ 5 triều Lý. Bên trong
phụng thờ Đại thánh Từ Đạo Hạnh tôn giả. Phật nhật hào quang, pháp luân
chuyển mãi, bản tính tịch nhiên không hề lay động, thế nhân lấy đó mà
đặt tên chùa (là Bản tịch).
Còn tên Nôm gọi là chùa Ông, có lẽ do nhân dân ta vẫn tôn xưng đức
thánh Từ Đạo Hạnh là Ông Thánh Láng (2), nên gọi tên chùa là như vậy.
Thác bản văn bia lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu 5529 -
5530 với tiêu đề Bản Tịch tự phúc điền bi, có niên đại Thịnh
Đức thứ 5 (1657) thời Lê Thần Tông còn ghi nguyên văn như sau: Quyến duy
Kinh Bắc xứ, Thuận An phủ, Gia Lâm huyện, Đình Loan xã, Lương Xá thôn
cựu tích, Phật tự nãi Đại thánh Từ Đạo Hạnh tôn giả sở tu hành chi sở
dã , kỳ tự tắc tự Lý triều Thần Tông đệ ngũ Hoàng đế sở sáng lập yên.
Dịch nghĩa: Nghĩ rằng Di tích cũ ở thôn Lương Xá, xã Đình
Loan, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc có chùa Phật, là nơi Đại
Thánh Từ Đạo Hạnh Tôn giả từng tu hành. Chùa do vua thứ 5 triều Lý là
Lý Thần Tông sáng lập ( 1128 - 1138).
Khi khảo sát về diên cách địa lý qua các đời thì chùa Ông dưới thời
Lê là nằm trên địa phận hai thôn Bình Lương, Lương Xá, xã Đình Loan,
huyện Gia Lâm, phủ Thuận An thuộc xứ Kinh Bắc. Đời nhà Mạc thì lấy
Thuận An đổi lệ vào trấn Hải Dương. Đến khi nhà Lê trung hưng lại
chuyển về như cũ. Năm Minh Mạng thứ 13 (1834) đổi thành tỉnh Bắc Ninh.
Tới cuối đời Nguyễn mới gọi là huyện Văn Lâm thuộc tỉnh Hưng Yên.
Cũng giống như nơi khác thờ phụng Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tại chùa
Chiêu Thiền (chùa Láng), chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), ngoài tượng đức
thánh Từ Đạo Hạnh ra đều thờ tượng của vua Lý Thần Tông. Tại đây nhân
dân hai thôn xưa Bình Lương - Lương Xá tại chùa Ông cũng thờ cả Lý Thần
Tông, vì theo huyền thoại thì Lý Thần Tông chính là hóa thân của Từ
Đạo Hạnh. Hiện trong hậu cung phía bên hữu, chùa còn giữ được một bức
tượng bằng đồng hình một vị sư, mặc áo tu hành đang ngồi thiền. Gian
bên ngoài, phía hữu có một bài vị đề là:
Lý Thần Tông Đệ Ngũ Hoàng Đế
Đại Thánh Từ Đạo Hạnh Tôn Giả
Từ Đạo Hạnh là “một trong ba vị thánh được thờ rất phổ biến và nổi tiếng dưới triều Lý (3)
( Không Lộ, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh). Sự tích về phép thần thông cùng
việc đầu thai, hoán kiếp thành vua Lý Thần Tông của Từ Đạo Hạnh được ghi
lại đầy đủ trong các sách Hán Nôm như:
- Lĩnh Nam Chích Quái,
- Việt Điện U Linh,
- Thiền Uyển Tập Anh,
- Đại Việt Sử Lược,
- An Nam Chí Lược,
- An Nam Chí Nguyên,
- Việt sử Tiêu án
- Đại Việt sử Ký Toàn Thư,
- Đại Nam Nhất Thống Chí,
Và bản Thần tích: - Hưng Yên tỉnh, Văn Lâm huyện, Nghĩa Trai tổng, Đình Loan xã, Bình Lương thôn thần tích.
Ngoài ra, sự tích về việc tu hành của Từ Đạo Hạnh còn luôn gắn liền
với các huyền thoại của hai Thiền sư Minh Không và Giác Hải trong các
tập Thần tích khác như:
- Thánh tổ Tam vị Đại vương sự tích (4)
- Đại Thánh Không lộ linh thông ngọc phật (5)
- Nam thiên thánh tổ Giác Hải đại sư (6)
- Từ Đạo Hạnh đại thánh (7)
- Thánh tổ đại pháp thiền sư (8)
Từ những tư liệu trên, chúng tôi xin tóm tắt sự tích về ngài:
Thiền sư họ Từ húy là Lộ trú quán ở làng Yên Lãng (tức làng Láng),
cha là Từ Vinh, giữ chức Tăng quan đô sát, mẹ là Tăng Thị Loan. Từ Lộ
ngày thường thì chơi bời đàn hát, đánh đáo chọi gà, đến đêm khuya thì
mới chăm chỉ đọc sách, cha không biết tưởng Từ Lộ là người lêu lổng.
Đến một tối, đi ngang qua phòng sách của con mới hay Lộ là người có
chí, từ đó không còn lo lắng gì về con nữa.
Tương truyền Từ Vinh có hiềm khích với Diên Thành hầu, nhà Diên Thành
hầu có người pháp sư tên hiệu là Đại Điên. Hầu nhờ Đại Điên dùng phép
thuật đánh chết Từ Vinh, quẳng thây xuống sông Tô Lịch. Xác Từ Vinh
trôi đến cầu Quyết, trước nhà Diên Thành hầu thì dựng đứng lên chỉ tay
vào nhà kẻ thù. Diên Thành hầu sợ hãi, lại nhờ Pháp sư Đại Điên đến
làm phép niệm chú, cái thây mới chịu trôi đi. Đạo Hạnh căm giận muốn
trả thù cho cha, nhưng khi cầm gậy đến định đánh Đại Điên thì nghe trên
không trung có tiếng quát: “Chớ! Chớ!”, Đạo Hạnh biết Đại Điên phép
thuật còn cao hơn mình, bèn quyết chí tìm đường sang Tây Trúc học đạo,
sau đó trở về tu luyện phép thuật. Khi phép thuật đã tinh thông có thể
khiến cả Tứ trấn thiên vương sai xuống làm đệ tử để hầu hạ. Đạo Hạnh
thử phép thuật bằng cách ra sông Quyết, thả cây gậy xuống, chiếc gậy tự
trôi ngược đến tận Tây Dương (tức Cầu Giấy). Ngài bèn thu gậy về, biết
phép mình đã cao hơn phép của Đại Điên, liền tìm Đại Điên để trả thù.
Đại Điên thấy Đạo Hạnh đến liền nói: “Mày không nhớ chuyện chi trước
sao?”
Đạo Hạnh ngẩng lên trời thấy không có tiếng quát như lần trước, liền dùng pháp trượng đánh. Đại Điên liền phát bệnh chết.
Sau khi trả được thù cha, dứt luyến hồng trần. Đạo Hạnh liền bỏ đi
vân du các nơi. Thấy phong cảnh chùa Phật Tích (tức chùa Thầy ngày nay)
núi Sài Sơn thanh u tĩnh mịch, liền đến dựng am để tu hành.
Lúc bấy giờ là vào thời vua Lý Nhân Tông, nhà vua ở ngôi đã lâu mà không có con để kế ngôi, nhà vua nhiều lần lập đàn tràng (9)
cầu trởi phật phù hộ nhưng chưa được, ý cũng muốn nhận con nuôi để cho
có người nối dõi. Tương truyền linh hồn Đại Điên còn chưa tan, nên hóa
phép biến thành đứa bé 3 tuổi ở bờ biển xứ Thanh, thông minh xuất
chúng, cái gì cũng biết, tự nhận tên là Giác Hoàng, con đích của nhà
vua, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết. Tiếng đồn đến kinh đô,
nhiều người cho rằng đứa bé là do thần nhân đầu thai để kế thừa ngôi vị
ứng điềm cầu con của nhà vua. Vua bèn sai người đón đứa bé về cung ý
cũng định lập làm người kế tự. Các quan hết sức can ngăn, có người nói
nếu đứa bé ấy quả thực linh dị tất thác sinh vào nội cung rồi sau mới
lập làm Thái tử được. Vua nghe theo, cho mở hội lớn bảy ngày bảy đêm để
làm phép thác thai.
Đạo Hạnh nghe chuyện nghĩ: “Kẻ này dùng phép yêu dị để mê hoặc mọi
người, rối loạn chính pháp, ta nỡ nào ngồi nhìn”. Đạo Hạnh liền kết một
xâu chuỗi hạt, làm phép rồi nhờ người chị gái giả làm người xem hội,
lén đem chuỗi hạt treo lên dèm cửa. Đến ngày thứ 3 thì Giác Hoàng kêu
đau, bảo mọi người: “Ta đi khắp Hoàng thành đâu cũng có lưới sắt bủa
vây, muốn thác sinh cũng không biết làm cách nào”.
Vua sai người điều tra thì phát hiện ra chuỗi hạt của Đạo Hạnh, liền sai quân đi bắt, trói dưới lầu Hưng Thánh để định tội.
Lúc ấy có em trai vua là Sùng Hiền hầu đi qua, Đạo Hạnh liền giãi bày
sự tình nhờ Hầu xin giúp cho, sau này sẽ đầu thai để đáp tạ ơn đức
(Sùng Hiền hầu cũng chưa có con trai), Hầu nhận lời. Khi vào chầu Sùng
Hiền hầu tâu:
“ Giác Hoàng nếu quả thật có thần lực thì dù trăm Từ Lộ làm bùa phép
cũng không hại được. Đằng này lại bị lưới phép của Từ Lộ phá, chứng tỏ
Từ Lộ phép cao hơn Giác Hoàng, xin bệ hạ tha cho Từ Lộ và để cho Từ Lộ
được thác sinh”.
Vua nghe theo lời tâu của Sùng Hiền hầu mà tha cho. Đạo Hạnh liền đến
phủ của Sùng Hiền hầu, đi vào chỗ phu nhân nằm. Lại dặn Hầu rằng: “
Khi nào phu nhân sắp sinh thì cho người báo cho bần tăng biết trước”.
Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Đến ngày sinh, phu nhân đẻ khó,
mãi không ra. Sùng Hiền hầu nhớ ra lời Ngài dặn, sai người phi ngựa
đến Sài Sơn báo tin. Đạo Hạnh liền tắm gội sạch sẽ, dặn dò lại đệ tự
rằng:
“Nghiệp duyên của ta chưa dứt, nên phải thác sinh làm vua ở cõi nhân
gian. Sau này thọ chung sẽ làm thiên tử ở cõi trời thứ 33. Nếu
thấy chân thân ta hư nát thì lúc ấy ta mới nhập Niết bàn, không còn
trong vòng sinh diệt nữa”.
Nói xong liền đi vào hang mà hóa (10). Phu nhân của Sùng Hiền hầu liền sinh con trai, đặt tiên là Lý Dương Hoán.
Dương Hoán mới lên hai tuổi mà khôi ngô đĩnh ngộ lạ thường.
“Năm Đinh Dậu niên hiệu Hội Tường Đại Khánh 8 (1117), vua Nhân
Tông cho tìm con trai trong tông thất để nuôi trong cung: Trẫm cai trị
muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu biết truyền cho ai. Vậy trẫm
nuôi các con trai cảu các vị Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành
Quảng hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Hưng hầu, chọn người nào giỏi thì lập
làm Thái tử. Bấy giờ con của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên hai
mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu mến lập làm Hoàng Thái tử” (11)
Việc Từ Đạo Hạnh đầu thai thành vua Lý Thần Tông được truyền tụng rất
nhiều trong dân gian. Ngoài các sách dã sử, thần tích thì ngay cả bộ
chính sử lớn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng đề cập đến chuyện
này như một câu chuyện huyền thoại về vị vua rất tôn sùng đạo phật.
Việc đó phần nào lý giải việc nhà vua rất mộ đạo, cho xây dựng rất nhiều
chùa tháp. Nhận xét của các sử gia phong kiến về Lý Thần Tông, ngoài
những ưu điểm và đóng góp của ông thì các vị đều thống nhất một quan
điểm là nhà vua tôn sùng đạo phật.
Về vua Lý Thần Tông, trong Toàn Thư có ghi rõ về tính tình
và đức độ của vua. Cho dù chỉ ở ngôi trong một thời gian ngắn (11 năm,
1128 - 1138), hưởng thọ có 23 tuổi (1116 - 1138) nhưng thời gian vị vua
trẻ này trị vì đã đóng góp một phần quan trọng trong giai đoạn phát
triển và hưng thịnh của triều Lý. Toàn Thư nhận xét:
Vua húy là “ Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tông bằng ông, gọi Nhân
Tông bằng bác, con của Sùng Hiền Hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra. Mới hai
tuổi được nuôi trong cung, lập làm Thái tử. Nhân Tông băng bèn lên
ngôi báu…Khi vua mới lên ngôi, hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên tư
chất thông minh độ lượng, nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền
tài, thủy chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nôi không gì sai lệch”(12).
Lúc mất, được tôn thụy hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông.
Dưới thời vua Lý Thần Tông rất nhiều chùa chiền được xây dựng, nhà vua rất tôn sùng đạo phật.
Thời kỳ Lý Trần là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, các vua
nhà Lý cùng các hoàng hậu, quốc thích rất mộ đạo thường đóng góp công
đức tu sửa đền đài, đúc chuông tô tượng, xây dựng những công trình rất
quy mô. Tuy nhiên bên cạnh việc tôn sùng phật giáo người Việt còn có
tục thờ Thánh. Có những ngôi chùa không chỉ đơn thuần thờ phật mà còn
kết hợp với tín ngưỡng bản địa của người Việt như thờ Mẫu, thờ Thánh.
Có chùa kết cấu khu thờ theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”. Nghĩa là có
thờ phật và thờ cả thánh, “khám thờ Thánh luôn đóng kín suốt năm không
ai được vào và chỉ được mở trong một số ngày lễ hội nhất định. Các vị
đều là những nhân thần, có nghĩa là những con người có thực, nhờ học
tập, tu luyện đã có tài thần thông biến hóa, giúp dân giúp nước, được
nhân dân một vùng hay nhiều vùng thờ phụng…như những đức thánh, những
vị thần thật sự” (13). Đây chính là kiểu kết cấu thờ của
chùa Ông, Đức Thánh Từ Đạo Hạnh chính là một trong những vị như thế.
Theo truyền thuyết về ngài ở vùng thờ chính là chùa Thầy, Hà Tây, ngài
là người có công dạy dân ở đây cày cấy, dạy nghề múa rối nước (14),
bốc thuốc chữa bệnh và làm bánh chè Lam. Còn theo nhân dân thôn Bình
Lương thì ngài có công đem “một số cây thuốc dược liệu và cây má đề về
phổ biến cho nhân dân trồng, từ đó nên xã Tân Quang có nghề truyền
thống làm cây dược liệu” (15)
2. Thiền sư Từ Đạo Hạnh với Phật giáo thời Lý
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (mất năm 1112) thuộc hết hệ thứ 12 của thiền
phát Ti Ni Đa Lưu Chi. Vào năm 580 trước đó, Tì Ni Đa Lưu Chi đã sang
Giao Châu ở chùa Pháp Vân và lập ra thiền phái đầu tiên của dòng thiền
này ở nước
ta. Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi hình thành từ cuối thế kỷ VI phát
triển và kéo dài cho đến cuối thời Lý, đầu thời Trần (thế kỷ XIII), gồm
19 thế hệ và 28 vị thiền sư: Khai sáng là Tì Ni Đa Lưu Chi (? - 594),
đời 19 là Y. Sơn (? - 1213). Các thiền sư của thiền phái Tì Ni Đa Lưu
Chi đều là những trí thức lớn, giỏi cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán, hiểu
sâu Tam giáo (Phật, Đạo, Nho). Trong đó có những Thiền sư như Thiền sư
Đỗ Pháp Thuận (915 - 990), thuộc thế hệ thứ 10 của Thiền phái Tì Ni Đa
Lưu Chi, sống vào thời Tiền Lê nửa sau thế kỷ X. Ông có công giúp vua
Lê Đại Hành hoạch định nhiều sách lược nội trì ngoại giao của đất nước.
Hay như Thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018), họ Nguyễn người châu Cổ Pháp
(nay thuộc Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ 12 Thiền
phái Tì Ni Đa Lưu Chi, thông hiểu Tam giáo. Ông từng cố vấn cho Lê Đại
Hành chống giặc Tống. Ông cũng là người góp phần quan trọng trong việc
đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra triều Lý.
Kế tiếp các thiền sư của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, thiền sư Từ Đạo
Hạnh đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho đời sống xã hội
thời bấy giờ (15).
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng dòng Thiền Tì Ni Đa Chi Lưu là dòng
thiền chứa đựng trong mình những yếu tố của Mật giáo. Mật giáo bắt nguồn
từ tư tưởng thâm sâu của Bát Nhã, đồng thời khởi nguyên của Mật giáo
cũng ảnh hưởng từ những tín ngưỡng dân gian Ấn Độ. Khi tới nước ta thời
bấy giờ dòng Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi cùng những yếu tố Mật giáo dễ dàng
hòa hợp với những sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt (17).
Trong bản Thần tích của thôn Bình Lương, xã Đình Loan, tổng Nghĩa Trai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (18) còn ghi về đức Đại thánh Từ Đạo Hạnh như sau:
“ Đạo Hạnh muốn sang Tây Thiên Ấn Độ học phép lạ để chống lại Đại
Điên. Ông cùng những người bạn là Minh Không, Giác Hải đi. Đến nước Kim
Xỉ (tức Miến Điện), gặp đường xá hiểm trở muốn quay về thì gặp một ông
lão chèo 1 con thuyền nhỏ, nhàn du trên sông. Mọi người đều hỏi: “ Đến
Tây Thiên mất độ mấy ngày”. Lão ông trả lời: “ Đường núi hiểm trở
không thể đi bộ được, lão có một con thuyền nhỏ, có thể giúp mọi người
qua được, có một cây gậy chỉ thẳng đường sang Tây Thiên không xa lắm
đâu”. Đạo Hạnh ở lại trông thuyền, Minh Không, Giác Hải lên bờ học được
phép mầu nhiệm, xong xuôi hai người lập tức quay về. Đạo Hạnh giữ
thuyền qua 3 ngày không thấy tin tức hai người bạn ra sao, lại thấy một
bà lão trên bờ liền hỏi: “ Bà có thấy hai người bạn tìm học đạo qua
đấy không?”. Bà lão đáp rằng: “ Hai người đó đã được ta dạy cho linh
pháp, nay đắc đạo trở về”. Đạo Hạnh kể lại sự tình về việc 3 người bạn
thân thiết cùng đi học đạo. Bà lão nghe nói liền sai Đạo Hạnh kéo 2
chiếc thuyền trở về nhà mình, rồi dạy cho Từ Đạo Hạnh phép màu nhiệm ,
lại dạy cho phép cắt đất và phép chú “ Đà la ni”…Còn theo tài liệu của
Nguyễn Lang cho biết: “ Sùng Phạm thuộc thế hệ thứ 11 của thiền phái Tì
Ni Đa Lưu Chi. Ông ở lại Ấn Độ 9 năm, sau khi về nước ông mở trường
dạy tại chùa Pháp Vân, đệ tử theo học rất đông, trong đó có thiền sư
Đạo Hạnh sau này rất nổi tiếng về phù chú Mật giáo (Đạo Hạnh cũng đã
lên đường đi Ấn Độ, nhưng chỉ tới Miến Điện thì quay trở về, sau đi tìm
thầy gặp được Thiền sư Sùng Phạm”.
Khi nhắc đến phép chú “ Đà la ni” của Kinh tổng trì Đà la ni (Dharani) là gọi tắt của Đại thừa phương quảng tổng trì kinh.
Tổng trì Đà la ni là niệm tuệ lực có thể nắm được, chấp từ vô lượng
Phật pháp, đây là kinh của Mật giáo. Khi Mật giáo phát triển mạnh ở Ấn
Độ vào thế kỷ thứ VI, người khai tổ của thiền phái này đã mang theo 2
yếu tố quan trọng nhất trong Phật giáo là Thiền và Mật. Khi vào nước ta ở
những thế kỷ X, XII các thiền sư như Sùng Phạm dốc lòng tụng niệm hiểu
được phép Tổng trì Đa la ni. Sư Vạn Hạnh (thế hệ thứ 12) hàng ngày
tụng niệm kinh Tổng trì Đà la ni 18000 lần…Hàng ngày tụng niệm kinh
Tổng trì Đà la ni đã tạo nên sức mạnh tinh thần và niềm tin tuyệt đối
vào vô lượng Phật pháp của các thiền sư. Ngài là học trò của Sùng Phạm
(thế hệ thứ 11 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, là người kế tiếp các
thiền sư Ma Ha, Vạn Hạnh, chúng ta có thế thấy đức Từ Đạo Hạnh vừa là
một thiền sư lại vừa mang trong mình yếu tố của Mật giáo.
Có một lần Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã đọc một bài kệ mang tư tưởng Thiền
rất sâu sắc, mang tính biện chứng vượt qua giới hạn của vấn đề hữu và
không.
Nguyên văn bài kệ như sau: Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Bản dịch ra tiếng Việt đã được lưu truyền tại cửa Thiền và trong dân gian:
Có thì có tựa mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Có không bóng nguyệt lòng sông,
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.
Bài kệ của Từ Đạo Hạnh cùng với các bài kệ của các thiền sư Việt như
Vạn Hạnh, Mãn Giác, Trí Huyền…tạo nên một bản sắc riêng biệt của Phật
giáo Việt Nam.
Kết luận: Với việc được đúc tượng thờ Thiền sư Từ
Đạo Hạnh ở nhiều nơi trên miền Bắc nước ta vào thời Lý như ở chùa Thiên
Phúc (chùa Thầy Sơn Tây), chùa Chiêu Thiền (chùa Láng Hà Nội), chùa
Ông (chùa Bản Tịch Hưng Yên) cùng với việc rất nhiều thư tịch cổ ghi
lại tiểu sử của Thiền sư, cho ta thấy tầm ảnh hưởng và vai trò của
Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong thời Lý và cả sau này trong lịch sử Phật
giáo Việt Nam và trong dân gian.
Các thiền sư của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi thời Lý, Trần, trong đó
có Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có những đóng góp tích cực cho đất nước, từ
đó tạo nên nét riêng của Phật giáo Việt Nam.
(1): Bia hiện không còn ở chùa, chỉ còn thác bản hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôn
(2): Làng Láng (Tức Yên Lãng) là nơi nhà cũ của Thiền sư ở, cũng
như chùa Thày ở Sơn Tây, tên chữ Hán là Thiên Phúc tự, nhưng nhân dân
vẫn quen tôn xưng ngài là Thầy nên gọi là chùa Thầy.
(3): Vũ Ngọc Khánh, Đạo Thánh Việt Nam, Nxb.VH,.H 199tr72
(5): Ninh Bình tỉnh, Yên Khánh huyện, Yên Vệ xã thần tích, AE.a 4/32 (VHN)
(6): Như trên…
(7): Hà Tây tỉnh, Thạch Thất huyện, Canh Nậu xã thần tích, AE.a 10/18 (VHN)
(8): Thái Bình tỉnh, Trực Định huyện, Đông Trì xã thần tích, AE.a 5/9 (VHN)
(9): Toàn Thư (TT), Bản kỷ (BK), quyển (q)3, 17b
(10): Hang ấy nay ở chùa Thầy, gọi là hang Thánh Hóa, trong hang còn có vết chân của Từ Đạo Hạnh
(11): TT. Bk. q3, 18b
(12): TT. Bk. q3, 28b.
(13): Hà Văn Tấn: Chùa cổ Việt Nam, Nxb. KHXH, H,.1999, tr 24 - 25.
(14): Ngày nay ở chùa Thầy vẫn còn nhà Thủy
đình dùng làm nơi biểu diễn rối nước trong mùa lễ hội, tiêu biểu cho
kiến trúc cổ Việt Nam. Có thể coi Từ Đạo Hạnh là ông tổ nghề múa rối
nước.
(15): Trích theo đơn đề nghị của nhân dân; đại diện chính quyền mặt trận, Ban bảo vệ di tích thôn Bình Lương 10/4/1995.
(16): Xem thêm Đại cương Triết học Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Hùng Hậu. Nxb. KHXH. F1.2002
(17): Xem Việt Nam Phật giáo sử luận.Nguyễn Lang. Nxb Văn học. H.2008
(18): Bản thần tích mang ký hiệu Ea3 lưu tại viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Hà nội ngày 10.3.2012
http://vanhoanghean.com.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/4771-thien-su-tu-dao-hanh-va-ngoi-chua-ong-o-thon-binh-luong-tan-quang-hung-yen.html