Trần Nhân Tông còn có tên là Kim Phật, cái tên đặc biệt này xuất phát từ nước da lạ kỳ của vua. Sách
Đại Việt sử ký toàn thư
không ghi cụ thể về điều đó mà chỉ cho biết vua “được tinh anh thánh
nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí
tươi sáng. Hai cung (tức Thượng hoàng Thái Tông và vua Thánh Tông) đều
cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử”.
Trong sách
Thiền Tông bản hạnh thì
ghi mẹ vua là Nguyên Thánh Hoàng thái hậu nằm mộng thấy thần trao cho
hai thanh kiếm và bảo bà lựa chọn rồi từ đó có mang mà sinh ra vua. Đặc
biệt, trong
Thánh Đăng ngữ lục chép rõ về nước da của Trần Nhân Tông như sau: “Đến khi vua ra đời, màu da như vàng ròng. Thánh Tông đặt tên là Kim Phật...”.
Trần Duệ Tông chết vì chủ quan
Trần Dụ Tông tên thật là Trần Kính, lên ngôi báu năm Nhâm Tý (1372). Sử
sách đánh giá vị hoàng đế này là “người ương bướng, tự theo ý mình,
không nghe lời can, kinh thường quân giặc nên tai vạ đến mình” (
Đại Việt sử ký toàn thư).
Chuyện rằng, vua thấy Chiêm Thành luôn xâm phạm bờ cõi, bèn thân chinh
đem quân đi trừng phạt. Tháng 1 năm Đinh Tị (1377) quân Chiêm chống
không nổi liền rút lui, khi Trần Duệ Tông đến gần kinh đô Đồ Bàn thì có
người Chiêm trá hàng nói rằng vua Chiêm đã bỏ thành chạy rồi, cần tiến
binh ngay. Tướng Đỗ Lễ can ngăn, khuyên vua suy xét kỹ. Nhưng Trần Duệ
Tông cho rằng Đỗ Lễ hèn nhát rồi cứ cho tiến quân vào thành Đồ Bàn. Quân
Chiêm bất ngờ đổ ra vây hãm. Quân Trần thua to. Trần Duệ Tông và nhiều
tướng sĩ chết trong trận này.
Hồ Hán Thương lập cơ quan y tế đầu tiên
Dưới triều Hồ, nhiều chính sách cải cách có những điểm rất tiến bộ. Một
trong số đó là việc thiết lập cơ quan y tế cấp quốc gia. Cơ quan y tế đó
do vua Hồ Hán Thương lập ra tháng 9 Quý Mùi (1403) để chữa trị bệnh tật
cho người dân mà không có sự phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Sách
Đại Việt sử ký toàn thư
viết: “Phương sĩ Nguyễn Đại Năng, người ở Giáp Sơn có thuật dùng lửa
cứu hoặc lấy kim châm để chữa bệnh cho người, Hán Thương bổ làm chức
Quảng Tế thự thừa. Đặt quan thuộc Quảng Tế bắt đầu từ đó”.
Như vậy cơ quan y tế công cộng đầu tiên ở nước ta có tên gọi là Quảng Tế
(một số sách chép là Quảng Tế hựu, Quảng tế thự, Quảng tế thực…) và
người đứng đầu cơ sở này giữ chức Quảng Tế tự thừa .
Nhân vật Nguyễn Đại Năng quê ở Giáp Sơn (nay là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải
Dương) là một danh y, nhà châm cứu tài năng, để lại một tác phẩm nổi
tiếng là sách “
Châm cứu tiếp hiệu diễn ca” ghi cách chữa 130 bệnh dùng 140 huyệt châm cứu, trong đó có 11 huyệt do người Việt tìm ra. Đây là tác phẩm
chuyên ngành châm cứu đầu tiên ở nước ta.
Con hổ xám và sự ra đời của vua Lê Thái Tổ
Lê Thái Tổ tên thật là Lê Lợi. Ông sinh vào giờ Tý, ngày 6 tháng 8 năm
Ất Sửu (1385). Truyền rằng ở thôn Như Áng, gần nhà vua “có một cây quế,
dưới cây quế có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn
thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Từ khi Hoàng đế ra đời,
thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho đó là một sự lạ.
|
Tượng Đài Lê Lợi ở TP Thanh Hóa |
Ngày Hoàng đế sinh thì trong nhà có hào quang đỏ chiếu sáng rực và mùi
thơm ngào ngạt bay khắp làng. Khi lớn lên, ngài thông minh dũng lược, độ
lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng mồm rộng; sống mũi
cao. Xương mi mắt gồ lên; bả vai bên tả có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng
như hổ; tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết
ngay là một người phi thường” (
Đại Việt thông sử).
Mạc Mậu Hợp bị sét đánh suýt chết
Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ năm của nhà Mạc, ở ngôi 31 năm (1562 - 1592).
Mạc Mậu Hợp “chỉ ham chơi bời, say đắm tửu sắc, không để ý đến việc
nước” (
Đại Việt thông sử) nên
cơ nghiệp dần suy vong. Kết cục phải bỏ chạy khỏi Thăng Long, con cháu
sau này chỉ giữ được một phần đất nhỏ ở Cao Bằng, Tuyên Quang mà thôi…
Mạc Mậu Hợp có lần đang ở trong cung thì bị sét đánh, tuy vua không chết
nhưng bị liệt mất nửa người, sau một thời gian chữa trị mới bình phục.
Chuyện này xảy ra vào năm Mậu Dần (1578), sách
Đại Việt thông sử cho
biết: “Ngày 21 tháng 2, Mậu Hợp ở trong cung, bị sét đánh vào cung,
thành chứng “bán thân bất toại”, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên
hiệu năm ấy làm niên hiệu Diên Thành thứ nhất”. Đến năm Tân Tị (1581)
Mạc Mậu Hợp lại bị bệnh “thong manh”, mắt mờ hầu như không nhìn thấy gì,
lần bị bệnh này vua phải chữa trị đến mấy năm con mắt mới trở lại bình
thường.
Minh Mạng phải tự chèo thuyền tránh hổ
Lịch sử Trung Quốc có một số hoàng đế cho lập chợ ngay trong hoàng cung,
sai cung nữ, thái giám đóng giả người mua kẻ bán để vua đi xem nhằm tìm
cái thú vui dân dã. Ở Việt Nam, vua Minh Mạng đã từng làm như vậy. Thậm
chí ông còn có sở thích xem voi và hổ đấu nhau nên đã cho xây cả chuồng
nuôi hổ, chính vì thế có lần vua bị hổ xổng ra lao đến gần khiến ông
phải tự mình chèo thuyền tránh họa. Chuyện này được sách
Quốc sử di biên ghi lại tóm lược như sau:
“Vua thích làm cung điện và ngự uyển, xây nhà thủy tạ, nhà chơi mát ở
phố Chợ, sai cung nhân bán hàng, có nội giám làm cung sứ, mua bán theo
giá. Vua thường ngự thủ liễn đi chơi chợ, đến thì ăn uống để mua vui.
Lại làm chuồng hổ ở núi Thiên Mạc, bốn mặt xây tường để nuôi hổ, thường
ngự trên tường xem voi đánh nhau với hổ… Một hôm, vua ngự thuyền rồng,
có hổ xông ra đến gần thuyền vua, vua tự cầm lái bơi theo để giữ mình,
có người lính đánh bắt được hổ, vua gia thưởng quân công một thứ”.
Vua Đồng Khánh thích trang điểm
Nếu như vua Khải Định là người nổi tiếng với cách ăn mặc diêm dúa, lai
căng nửa Âu nửa Á thì cha của ông là vua Đồng Khánh lại là người ưa
trang điểm. Đây là vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn, được Pháp đưa lên ngôi
năm Ất Tị (1885) lấy niên hiệu là Đồng Khánh sau khi Pháp phế bỏ vị vua
yêu nước Hàm Nghi.
Đồng Khánh là ông vua đầu tiên của triều Nguyễn thừa nhận nền bảo hộ của
Pháp, tiếp xúc với nền văn minh Tây phương và ưa thích các mặt hàng, đồ
vật của châu Âu. Trong sinh hoạt thường nhật, ông vua rất chú ý đến
ngoại hình và ưa thích trang điểm.
Một người Pháp tên là F. Baille từng được gặp vua Đồng Khánh đã kể lại trong bài "
Les Annamite" như sau: “Hằng ngày một toán cung nữ được chọn trong tất cả
đẳng cấp
phục dịch Đức vua. Ba mươi người chia nhau canh gác hậu cung của Ngài,
năm nàng luôn ở cạnh Ngài, luân phiên săn sóc, trang điểm cho Ngài. Các
nàng thay quần áo cho Ngài, chải chuốt bộ móng tay cho dài hơn ngón tay,
thoa dầu thơm, vấn khăn lụa chung quanh đầu Ngài. Sau cùng, chú ý đến
từng chi tiết nhỏ nhặt quanh Ngài sao cho thật hoàn hảo”.
(Còn tiếp)
Lê Thái Dũng