Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỖNG QUANG
06/02/2014 20:17 (GMT+7)



TIỂU SỬ

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG

THÍCH ĐỖNG QUANG

THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH GHPGVN,

CHỨNG MINH BTS PHẬT GIÁO TỈNH GIA LAI,

VIỆN CHỦ CHÙA QUAN ÂM

--------------------

 

I. THÂN THẾ.

Hoà thượng Thích Đỗng Quang, thế danh Nguyễn Văn Minh , sinh ngày 19 tháng 2 năm Ất Sửu (1925) tại thôn Vĩnh An, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cảnh pháp danh Tâm Trọng,  thân mẫu là cụ bà Trần Thị Hanh pháp danh Tâm Thông, Hòa thượng sinh trưởng trong gia đình nho phong, đạo đức và sùng tín đạo Phật. Thân phụ của Hòa thượng sau này xuất gia  pháp hiệu Thiện Châu.

 

Thời niên thiếu.

Suốt thời gian niên thiếu, Hòa thượng sống tại quê nhà và theo học tiểu học, đồng thời Hòa thượng cũng theo học hán văn tại địa phương. Năm Hòa thượng 19 tuổi thì thân phụ phát nguyện xuất gia lại chùa Thành Lâm, thôn Hoà Ninh, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, nên Hòa thượng thường đến chùa Thành Lâm hầu hạ sư phụ và có nhân duyên học hỏi giáo lý nhà Phật.  

 

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO.

 Chí nguyện xuất trần

Nhờ có thân phụ xuất gia tại chùa Thành Lâm, nên Hòa thượng  thường theo hầu sư phụ, vốn chủng tánh phật đà sẵn có, lại sớm gieo duyên cùng phật pháp, nên Hòa thượng sớm ngộ lý vô thường, lại được sự hướng đẫn của thân phụ, nên vào ngày 8 tháng 2 năm Ất Dậu (1945) Hòa thượng xin xuất gia với ngài Hòa thượng ThíchTrí Hạnh, trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ và được bổn sư thế độ, ban pháp danh Như Cầu. ( lúc này HT 20 tuổi). Sau khi xuất gia Hòa thượng tiếp tục theo học  hán văn và phật học .

 

 

Thời gian học tập.

Với bẫm tính thông minh và hiếu học, nên đầu năm Canh dần ( 1950) Hòa thượng được bổn sư cho theo học nội điển tại Tổ đình Thập Tháp, thời gian được 3 năm thì lớp nội điển ngưng hoạt động vì thiếu kinh phí, Hòa thượng  về gánh vác phật sự tại chùa Chi hội Phật giáo huyện Phù Mỹ. Ngày 2 tháng 9 Nhâm Thìn (1952) Hòa thượng thọ tam đàn cụ túc tại Giới đàn Chùa Thiên Bình, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, do HT Huệ Chiếu trú trì Tổ đình Thập Tháp làm Đường đầu, HT Phúc Hộ trú trì chùa Từ Quang tỉnh Phú Yên làm Yết Ma A Xà Lê, HT Tâm Đạt trú trì chùa Thiên Bình làm Giáo thọ sư, sau khi đắc giới được Hòa thượng bổn sư cho pháp hiệu là Thiện Thệ. Sau khi thọ giới Hòa thượng tham dự khoá kiết đông tại chùa Thiên sanh Thạch tự, HT Bình Chánh làm giám luật. Đầu năm Ất Mùi (1956) cùng với chư tăng trẻ bộ hành vượt đèo Cù Mông vào học tại Phật học đường Trung phần, ở chùa Long Sơn, Nha Trang do HT Trí Nghiêm làm Giám đốc, HT Huyền Quang làm đốc giáo, qua năm Đinh Dậu (1957) vì nhu cầu phật sự tại địa phương, nên Hòa thượng  trở về Bình Định đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội Phật giáo huyện Phù Mỹ và trụ trì chùa Chi hội Phù Mỹ. Cuối năm Canh Tý (1960) vào dự khoá Kiết đông lại Tổ đình sắc tứ Thiền Lâm tại  thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận do HT Huyền Tân làm Hoá chủ. Sư tư tương hội, ngày 8 tháng 12 Canh Tý, tại Tổ đường Phương trượng Thiền Lâm, Hòa thượng được Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Tân, phú pháp thế độ với pháp tự Hạnh Đắc, pháp hiệu Đỗng Quang với bài  kệ phú pháp:

          Cầu chơn vô khử vọng

          Chơn vọng diệc viễn ly

          Nhược năng ngộ thử lý

          Quang minh tại mục tiền

 

III. HÀNH ĐẠO.        

 Đầu năm Nhâm Dần (1962) HT vận động  đại trùng tu chùa Chi hội Phật giáo huyện Phù Mỹ, sau gần một năm trùng tu, ngôi chùa đã hoàn thành và lễ khánh thành được tổ chức vào cuối năm 1962. Mùa Phật đản năm Quí Mẹo (1963) chính quyền Ngô Đình Diệm, với chánh sách kỳ thị tôn giáo, đã ra tay đàn áp Phật giáo, bắt đầu bằng việc triệt hạ cờ Phật giáo, giết hại nhiều nam nữ sinh viên, học sinh, phật  tử, tại đài phát thanh Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng hội Phật giáo Trung phần, Hòa thượng là thành viên của phái đoàn Phật giáo tỉnh Bình Định ra Huế dự lễ truy điệu Thánh tử đạo, cũng tại chuyến đi này, Hòa thượng tiếp nhận chủ trương của Tổng hội là: Tranh đấu bất bạo động.

Đến cuối năm 1963, sau khi chế độ Ngô đình Diệm sụp đổ, Hòa thượng lên hoằng pháp tại tỉnh Pleiku. Năm 1964, GHPGVNTN ra  đời, Hòa thượng được Viện Hoá Đạo đề cử đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện, Giáo hội Phật giáo tỉnh Pleiku (cũ)  thời gian từ 1964–1966. đồng thời Hòa thượng kiêm trụ trì chùa Bửu Thắng đến hết năm 1966.

Năm 1965  được ông bà Nguyễn Hạ và Trần  thị Hay phát  tâm cúng dường nhà và vườn cây cà phê  cho Hoà thượng, với mong muốn xây dựng nơi đây một ngôi chùa, để làm nơi lễ bái cho Phật tử địa phương, cũng như thờ phụng ông bà sau khi quá vãng. Ngày 19 tháng 9 năm Ất Tỵ 1965, Hoà thượng khai sơn  xây dựng Quan Âm Bảo điện tức chùa Quan Âm ngày nay. Năm 1966-1968  Hòa thượng đảm nhiệm Phó Ban Đại diện Phât giáo  tỉnh Khánh Hòa.

Từ năm 1972 đến 1974 Hoà thượng làm Đặc uỷ Tăng sự Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Pleiku (cũ), từ năm 1975-1981, Hoà thượng làm Quyền Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Pleiku.  1977 Hòa thượng làm đệ tứ tôn chứng tại Đại giới đàn Quảng Đức, do GHPGVNTN tổ chức tại chùa Ấn Quang.

Năm 1982 khi Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Gia Lai – Kom Tum được thành lập Hoà thượng được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự nhiệm kỳ I và lưu nhiệm  cho đến ngày chia tỉnh. Hoà thượng cũng tham gia Uỷ viên Mặt trận Tổ Quốc  tỉnh GiaLai- Kontum ,và Hội đồng Nhân dân tỉnh.

 

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II (1987-1992) ngài được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.

Năm 1999 Hòa thượng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Huân chương: Vì sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc.

Hiện nay Hoà thượng là thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2 và 3.

Thời gian hoằng pháp tại Gia Lai, Hoà thượng đã có những đóng góp thiết thực cho Phật giáo tỉnh nhà. Thực hiện sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, báo Phật ân đức, làm tròn sứ mạng của tăng già, Hoà thượng đến nhiều địa phương trong tỉnh, từ các khu dinh điền xa xôi, đến những vùng kinh tế mới … nơi nào có nhu cầu, Hoà thượng đều đáp ứng, như tổ chức lễ quy y, thuyết giảng phật pháp, hay ứng phú đạo tràng, nhằm đưa mọi người trở về với chân lý Phật đà.

Hoà thượng là một vị giảng sư, với đạo phong uy nghi, tướng hảo, cách diễn đạt lôi cuốn, nên đã thu hút nhiều thính chúng, từ những pháp hội này, giúp nhiều người trở thành những phật tử chân chính.

Về ứng phó đạo tràng, Hoà thượng là vị gia trì sư sáng danh, Hòa thượng còn đào tạo nhiều vị tăng có năng khiếu về nghi lễ, đáp ứng nhu cầu ứng phú của quần chúng phật tử.

 

Nhiếp hóa đồ chúng. 

Với sự nghiệp truyền đăng tục diệm, noi gót Chư Phật, cùng các bậc Tổ sư, vì sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, Hòa thượng thế độ nhiều đệ tử xuất gia, nhưng do thiếu duyên cùng phật pháp nên sau năm 1975 nhiều vị đã hoàn tục, nay chỉ còn lại các vị như : Hòa thượng Thích Từ Hương, Thượng tọa Thích Từ Vân và một số vị khác, Hòa thượng quy y cho hàng nghìn đệ tử tại gia tại thành phố Pleiku cũng như nhiều địa phương trong tỉnh.

Đối với hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, công đức hoá độ của Hoà Thượng  luôn còn mãi, hạnh nguyện của Hoà Thượng thật là mênh mông không bến không bờ, cuộc đời của Hoà thượng là tấm gương cho hàng tứ chúng noi theo.

 

 IV. VIÊN TỊCH.

Hòa thượng sinh ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, học tập ở nhiều nơi, nhưng hơn nửa cuộc đời Hòa thượng gắn bó với Gia Lai, do vậy tình cảm của Hòa thượng đối với quê hương Gia Lai  vô cùng sâu sắc, hơn 50 năm Hòa thượng đã sống và làm việc trên mảnh đất này và hôm nay cũng chính trên mảnh đất Gia Lai thân yêu này là nơi ôm ấp hình hài tứ đại của Hòa thượng trong kiếp hiện sinh.

Hơn 90 năm hiện hữu trên cuộc đời, hơn 60 năm cống hiến trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xương minh chánh pháp, giờ đây ý nguyện và công hạnh của Hòa thượng đã viên mãn. Theo định luật vô thường, sau thời gian lâm bệnh, Hòa thượng đã được đệ tử và các y, bác sĩ hết lòng điều trị, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 8 giờ ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tại phương trượng chùa Quan Âm, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, trụ thế 90 năm, 63 hạ lạp.

Trong cuộc đời hoằng hóa của Hoà thượng, có nhiều thuận duyên và cũng không ít nghịch duyên, đúng như lời Phật dạy, nhưng tất cả đều là những yếu tố thử thách, giúp đệ tử của Phật tôi luyện ý chí, nghị lực, củng cố niềm tin hoàn thành sứ mạng của Trưởng tử Như Lai. Hôm nay, báo thân của Hoà thượng đã trở về với tứ đại, tất cả chỉ còn lại sự tiếc thương, kính mến.

 

Nam Mô Tự Lâm Tế chánh tông, tứ thập nhị thế, Quan Âm đường thượng, húy thượng Như hạ Cầu, tự Hạnh Đắc, hiệu Đỗng Quang Hòa thượng Gíac linh tác đại chứng minh. 

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang