Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
HT Thích Trí Thủ - Một đời vì Đạo pháp và Dân tộc (*)
GHPGVN
05/04/2011 21:06 (GMT+7)


Duyên lành sẵn có, tâm Bồ đề sớm phát, tuổi ấu thơ đã thắm nhuần đạo vị, chùa Hải Đức trưởng dưỡng chí xuất trần. Rồi đến độ tâm hoa khai phát, lúc tuổi thanh xuân, nơi chốn Tổ Tra Am, Hòa thượng quyết chí tu hành, cắt ái từ thân, thế phát bẩm sư với Tổ Viên Thành. 

Vì lòng khát ngưỡng giáo pháp Đại thừa, khi tuổi vừa tròn đôi mươi, nơi chốn Tổ Từ Vân, Hòa thượng được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới. 

Kể từ đây giới thể Châu viên, Tam tôn kế vị, Giới đức trang nghiêm, sáng soi như nhựt nguyệt, thanh danh Trí Thủ rạng ngời từ thuở đó.

Với trách nhiệm và bổn phận của Trưởng tử Như Lai, tiền đồ của Phật giáo nước nhà, Hòa thượng là một trong những bậc cao Tăng thạc đức đã tích cực đóng góp trí huệ và công sức trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

Bằng ý nguyện tinh sưu nghĩa lý để kế vãng khai lai, phò trì mạng mạch Tăng già, Hòa thượng đã tinh cần tinh tấn ôn tầm bối diệp tại các Phật học đường nổi tiếng như Thập Tháp, Tây Thiên, Báo Quốc.

Với trình độ Phật học uyên thâm, trí huệ của bậc thạch trụ Tòng lâm, vào thập niên 30, 40, Hòa thượng mở trường Phật học Tây Thiên, Linh Quang, Báo Quốc, Từ Đàm để đào tạo Tăng tài, tiếp dẫn hậu lai, truyền trì Phật pháp, chấn hưng Phật giáo nước nhà cũng như thực hiện phương tiện quyền xảo, từ bi lợi vật, Hòa thượng đã nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, hoàn thành hạnh nguyện bi trí dũng của người con Phật, sáng danh con nhà họ Thích ngàn đời trong cương vị Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Trung bộ.

Bằng uy đức trang nghiêm, trí huệ bất phàm, vào thập niên 50, với trọng trách Giám viện Phật học Viện Trung phần – Nha Trang, Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, trở thành pháp khí đại thừa, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương trong cả nước, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng thời đại.

Trong phong trào đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm, nhất là trong mùa pháp nạn 1963 và cho đến ngày thống nhất Tổ quốc, Hòa thượng là một trong những vị cao Tăng tích cực đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ Đạo pháp và độc lập của Dân tộc.

Với tài trí song toàn của bậc Thượng sĩ, Hòa thượng đảm nhận nhiều cương vị trọng yếu như Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp, Tổng Vụ Trưởng Tài chánh, Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học Sài Gòn và Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. 

Đặc biệt, Hòa thượng rất quan tâm đến công tác Hoằng pháp và Hòa thượng đã tổ chức 3 kỳ Đại hội tại Nha Trang, Xá Lợi - Sài Gòn, Ấn Quang - Chợ Lớn nhằm định hướng cho chương trình Hoằng Pháp lợi sinh của Giáo hội.

Tuy Phật sự đa đoan, nhưng Hòa thượng vẫn dành nhiều thời gian để giảng kinh, thuyết pháp, viết sách, dịch Kinh, Luật, Luận. Những tác phẩm trước tác hoặc dịch thuật của Hòa thượng vẫn còn nguyên giá trị, mang tính khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ trong thời đại hội nhập hôm nay.

Trong ý niệm trang nghiêm ngôi Tam bảo tại thế gian, báo Phật ân đức và báo đáp ân giáo dưỡng của Thầy Tổ, Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu ngôi Tam bảo Ba-la-mật, Báo Quốc, Tra Am, Linh Quang, kiến tạo Tu viện Quảng Hương – Già Lam trở thành chốn Phạm vũ huy hoàng, xứng đáng là đơn vị tự viện của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Bằng giới đức thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo và ý giáo thâm nghiêm, Hòa thượng là hiện thân của giới luật, là sức sống miên viễn của Phật pháp, là người khai thông giới thân huệ mạng cho hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử và Hòa thượng chính là người đầu tiên đã tái lập hình thức truyền giới Tam sư Thất chứng, Tăng Ni nhị bộ.

Qua đó, từng lớp từng đàn giới tử giới thân, giới thể châu viên trang nghiêm dòng diệu thể, trở thành pháp khí Đại thừa, duy trì mạng mạch của Phật pháp, Trưởng tử của Như Lai, Trung tôn trong hàng đại chúng, phúc điền của chúng sinh, làm cho chính pháp cửu trụ thế gian, lợi lạc hữu tình, vẹn tròn nhân Phật, chứng quả Bồ đề vào những kiếp lai sinh trên bước đường giải thoát.

Sau khi hòa bình lập lại (1975), kế thừa hoài bảo thống nhất Phật giáo Việt Nam của các bậc cao Tăng tiền bối, với cương vị Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, Hòa thượng là nhân tố tích cực trong sự nghiệp thống nhất Phật giáoViệt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, mà Hoà thượng là thành viên sáng lập và được toàn thể đại biểu suy cử vào cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ lúc đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ I cho đến ngày viên tịch (1981 - 1986), Hòa thượng đã không ngừng xây dựng và phát triển, làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm và hưng thịnh trong lòng dân tộc, nhất là trong giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam đầy gian nan và thử thách. 

Như Hòa thượng đã từng tâm sự: “Những gì tôi làm lợi ích cho Đạo pháp tức là lợi ích cho Dân tộc; những điều tôi làm lợi ích cho Dân tộc tức là lợi ích cho Đạo pháp”.

Thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam ngày nay, là thừa hưởng gia tài quý báu của các hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, mà trong đó Hòa thượng đã đóng góp một phần công đức rất lớn trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, hòa hợp dân tộc, xây dựng hòa bình thống nhất tổ quốc theo phương châm hoạt động của Giáo hội: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Trong hơn 50 năm phụng sự đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng đã thực hiện một cách trọn vẹn các Phật sự bằng những hành động và ý chí của mình. Quả thật: “Hạnh nguyện sáng soi cùng kim cổ, chí cả rạng ngời với sử xanh”.

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang phát triển vững mạnh trang nghiêm trong lòng dân tộc, đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2011), tuy Hòa thượng không còn nữa để chứng kiến cảnh hưng thịnh phát triển, trang nghiêm của Giáo hội, nhưng những công đức mà Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp sẽ mãi mãi còn lưu dấu trong tâm trí Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.

Thấm thoát ngày qua tháng lại, kể từ ngày hạt vàng khuất bóng, chùa Già Lam mây ẩn bóng ưu đàm, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, dù thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, nhưng công đức và đạo nghiệp của Cố Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trong trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Hôm nay nhân ngày Lễ húy kỵ lần thứ 27, ngày Cố Hòa thượng trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt và hiệp kỵ chư Sơn Thiền đức tiền bối hữu công, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, xin thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Tăng Ni Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đốt nén hương lòng kính dâng lên cúng dường Giác linh Hòa thượng và chư Sơn Thiền đức tiền bối hữu công, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN. 

Ngưỡng mong Pháp thân Hòa thượng từ bi gia hộ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm, hưng thịnh, Phật pháp xương minh, tông phong xán lạn huy hoàng, rừng thiền tâm hoa khai phát, pháp âm vĩnh xướng nhân gian và hộ trì cho thế giới Ta bà, vườn hoa xã hội nở hoa bốn mùa. 

Đồng thời, chúng tôi xin kính nguyện kề vai sát cánh bên nhau, hòa hợp đoàn kết một lòng, để trang nghiêm ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển huy hoàng trong lòng dân tộc.

(*) Trích lời Tưởng niệm của GHPGVN do HT Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS tuyên đọc tại lễ tưởng niệm lần thứ 27 ngày HT Thích Trí Thủ viên tịch.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang