.
đều có những dòng tiểu sử ghi chép khá rõ ràng, song những câu chuyện
chung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh vẫn còn là
những bí ẩn hấp dẫn đối với người đời sau.
Ngoài
những dấu tích chính ở Hà Nội và Hà Tây, hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc
Bộ đều ít nhiều lưu giữ những dấu tích, huyền tích về cuộc đời tu hành
của Ngài. Sách Thiền uyển tập anh
xếp Ngài vào dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một dòng thiền có những mối
liên hệ mật thiết giữa phương pháp hành trì của cả Mật và Tịnh. Sách cho
biết, sau khi dùng quyền năng phép thuật trả mối thù xưa cho cha xong,
Từ Đạo Hạnh rửa sạch oán thù, xem việc đời như tro lạnh, đi khắp nơi
trong chốn tùng lâm để tìm thầy ấn chứng. Từ Đạo Hạnh từng tham vấn đạo
học từ hai ngài Trí Huyền và Sùng Phạm. Tuy nhiên, trong Thiền uyển tập anh
chỉ nêu hành trạng của ngài Sùng Phạm mà không thấy nói gì đến hành
trạng của ngài Trí Huyền. Giáo sư Lê Mạnh Thát thì xếp Thiền sư Trí
Huyền vào thế hệ thứ 11 của dòng thiền Pháp Vân .
Mật
tông khá phù hợp để phát triển ở những nước có điều kiện địa lý núi non
hiểm trở, rừng rậm âm u, thú dữ, nước độc… như ở nước ta. Tín ngưỡng đa
thần, cùng với tục xăm mình để tránh thủy quái của người Việt phần nào
cho thấy niềm tin dân gian buổi ban đầu đã nghiêng về những chuyện kỳ
dị, thần bí. Tất cả những điều kiện đó là yếu tố để cho Phật giáo Mật
tông dễ tiếp cận và nhanh chóng hòa nhập với hệ thống thần linh bản địa.
Đặc biệt, hệ thống thờ nữ thần và hệ thống thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp
Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), ngay từ đầu đã gắn bó mật thiết với thiền phái
Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Có thể nói, các yếu tố Mật giáo được du nhập vào từ
rất sớm và trở nên thịnh hành không còn là điều lạ lẫm đối với lịch sử
Phật giáo Việt Nam.
Nguyễn Lang nhận xét như sau: “Mật
Giáo thịnh hành tại Việt Nam từ những thế kỷ thứ bảy và thứ tám; tuy
thiền phái Vô Ngôn Thông cố sức tự bảo vệ không để Mật Giáo thâm nhập
(Thông Biện rất chống Đại Điên và Bát Nhã) nhưng vẫn không tránh khỏi
ảnh hưởng của giáo lý này. Sự kiện cho thấy tầm quan trọng của Mật Giáo ở
Việt Nam từ ngày Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Việt Nam qua Đinh, Tiền Lê cho
đến cuối Lý” .
Một
số sử liệu khác thì cho rằng Từ Đạo Hạnh kết bạn với Thiền sư Không Lộ
và Giác Hải, sau đó cả ba người cùng sang Thiên Trúc để học phép. Tuy
nhiên, thiền sư Không Lộ và thiền sư Giác Hải đều được xếp vào dòng Vô
Ngôn Thông và Thảo Đường, trong khi thiền sư Từ Đạo Hạnh lại được xếp
vào dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Điều đó phần nào cho thấy, qua các phương
pháp tu tập, mối liên hệ giữa các dòng tu là khá gần gũi và có nhiều
điểm giao thoa, tương đồng. Sự kiện vua Lý Thần Tông, được cho là hậu
thân của Từ Đạo Hạnh hoá hổ không liên quan đến quả báo do việc báo thù
của Từ Đạo Hạnh đối với Đại Điên mà gắn với câu chuyện Từ Đạo Hạnh sau
khi học được phép từ Thiên Trúc về đã hoá hổ để dọa Không Lộ và Giác
Hải, vì thế mà mắc phải quả báo hóa hổ ở kiếp sau.
Sau đó, sự kiện thiền sư Minh Không chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông cũng được sử sách ghi chép khá rõ. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Bính Thìn (1136): “Vua
bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong
làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Tục truyền, khi nhà sư Từ
Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho
học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau, nếu
thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này” .
Thời
gian 20 năm sau, ngày vua Lý Thần Tông được Minh Không chữa bệnh trùng
với thời gian thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa. Bởi cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Bính Thân (1116), “Mùa
Hạ nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất… Trước phu nhân
của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu
nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh
lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu
nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác
Đạo Hạnh vào trong khám để thờ…” . Dương Hoán chính là vua Lý Thần Tông sau này.
Những ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư chung quanh sự kiện này không khác so với những ghi chép trong Thiền uyển tập anh.
Đồng thời qua những thông tin này, chúng ta biết được thiền sư Nguyễn
Minh Không không phải thiền sư Không Lộ như một số sách trước đây nhầm
lẫn. Bởi thiền sư Không Lộ là bạn đạo còn thiền sư Minh Không là đệ tử
của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thiền sư Không Lộ và thiền sư Minh Không đều
là Quốc sư của triều Lý, nhưng ở hai đời vua khác nhau và hai người có
hai hành trạng rõ ràng, không thể nhầm lẫn .
Vấn
đề là vào thời Lý, người ta tin vào phép thuật, phù chú, tin vào chuyện
tái sinh… Điều đáng nói sự “tái sinh” này không diễn ra theo lý giải
thông thường của Phật giáo, tức nếu có đầu thai kiếp khác thì thông
thường thần thức người đó phải rời khỏi xác và nhập thai ngay từ khi
tinh noãn của cặp vợ chồng nào đó gặp nhau. Tuy nhiên, ngay sau khi vua
nghe lời Sùng Hiền hầu cho Từ Đạo Hạnh được thác thai, Thiền uyển tập anh lại viết: “Sư
bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang
tắm mà nhìn. Phu nhân tức giận nói lại với chồng, nhưng Sùng Hiền hầu đã
biết trước nên không căn vặn gì. Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai.
Sư dặn Sùng Hiền hầu: ‘Khi nào phu nhân sắp sinh thì báo cho bần tăng
biết trước’.
Và phải đợi đến lúc phu nhân của Sùng Hiền hầu sắp đến giờ sinh nở thì
Từ Đạo Hạnh mới thoát xác nhập thai, theo như lời hứa trước đó. Như vậy
việc đầu thai kiếp khác của Từ Đạo Hạnh được tính từ thời điểm ông nhìn
phu nhân Sùng Hiền hầu tắm hay từ khi đứa trẻ chào đời? Đây là một vấn
đề cần được nghiên cứu thêm từ các truyền thống tu tập của Mật giáo.
Nhưng rất có thể đây chỉ là một sự “mượn xác nhập hồn” hơn là việc “đầu thai” bằng thân trung ấm theo lý giải của Phật giáo.
“Hậu thân” của thiền sư Từ Đạo Hạnh
Thời
nhà Lý, có không ít những sự kiện cầu đảo, cúng tế liên quan đến những
sự kiện xuất binh chinh phạt các tiểu quốc hay cầu phúc cho dân thoát
khỏi thiên tai, bệnh dịch… Tất cả những công việc này đều gắn với vai
trò của các thiền sư, đạo sĩ và luôn nhận được quan tâm rất lớn của
triều đình và dân chúng. Ở một số nước có truyền thống Mật giáo thịnh
hành, một số Đạo sư Mật tông có khi vừa là Pháp vương vừa là Quân vương.
Nếu không thì họ cũng là những vị Quốc sư đầy quyền uy, làm thầy dạy
đạo cho nhà vua, thậm chí họ còn ấn chứng cho các nhà vua trở thành
những người truyền thừa pháp môn một cách đắc dụng, vừa bảo vệ đạo pháp,
vừa bảo vệ vương đạo, cùng nhau đoàn kết xây dựng xã hội trên nền tảng
đạo đức, triết lý tôn giáo và luật pháp triều đình. Nhiều vị vua Phật tử
thời Lý-Trần đồng thời cũng là những đệ tử nối pháp của các dòng thiền
nổi tiếng Việt Nam. Vì thế có người đã nhận định rằng, thời Lý-Trần là
thời đại quân chủ Phật giáo, vương quyền và giáo quyền được kết hợp một
cách tự nhiên.
Không
ít các thiền sư có vai trò đặc biệt đối với vương triều từ việc giảng
giải đạo lý đến việc cố vấn về các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại
giao. Để bảo vệ quân vương và nền quân chủ, một số các vị thiền sư đã
không ngần ngại thi triển công năng của các loại sấm truyền, thần chú,
phép thuật để trị bệnh, trừ tà, xua đuổi âm binh, cầu đảo…
Cuộc
thi triển phép thuật giữa Đạo sĩ Thông Huyền và Thiền sư Giác Hải trước
sự chứng kiến của vua Lý Nhân Tông là một ví dụ điển hình cho nhận thức
của người nắm quyền cao nhất đối với công năng của phép thuật. Vua Lý
Nhân Tông khen rằng: “Tâm Giác Hải như hải/ Đạo Thông Huyền thật huyền/
Thần thông và biến hóa/ Bên Phật bên là Tiên” (Thích Nhất Hạnh dịch).
Còn Thiền sư Không Lộ thì được Thiền uyển tập anh nhắc đến như sau: “Sư
cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tông tích, đến
chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong
muốn, một lòng chuyên tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt
ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long
phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được…”.
Thực
tế những “huyền thoại” chung quanh cuộc đời Không Lộ, Giác Hải, Từ Đạo
Hạnh nếu đặt đúng thời đại mà không khí Phật giáo quyền năng bao trùm
thì sẽ thấy được những điều “khả tín” của nó. Chính vì thời ấy người ta
xem phép thuật là một dạng tài năng có thể tu luyện thành công được, nên
những đạo sĩ phải thi triển để thể hiện tài năng, phép lạ. Tuy nhiên,
họ cũng sẽ phải trả giá đắt cho cuộc đời tu hành của mình một khi sự thi
triển phép thuật tỏ ra không hữu dụng.
Việc
Từ Đạo Hạnh dùng chuỗi hạt kết ấn để cản ngăn sự đầu thai Giác Hoàng và
bị vua Lý Nhân Tông phát hiện sai người bắt đem đến lầu Hưng Thánh để
định tội, sau đó nghị triều các quan đều đồng ý xử chém Từ Đạo Hạnh, cho
thấy triều đình rất tin vào những chuyện linh dị như thác thai. Và nếu
Sùng Hiền hầu không thể biện luận được rằng: “Giác
Hoàng nếu quả có thần lực thì dẫu cả trăm Từ Lộ làm bùa chú cũng không
làm hại được. Đằng này Giác Hoàng lại bị lưới sắt chắn không vào được,
thế thì Từ Lộ cao tay pháp hơn Giác Hoàng. Theo ngu ý của thần, bệ hạ
nên tha cho Từ Lộ và cho Từ Lộ được thác sinh”
thì Từ Đạo Hạnh đã bị xử tội chết. Chứng tỏ rằng, nếu không có thực
tài, hay không chứng đạt được những khả năng phi phàm mà xác thân trần
tục không thể làm được, thì hiển nhiên trong hành trạng của một số thiền
sư, đạo sĩ, không ngẫu nhiên lại nói đến việc họ phải vất vả đi cầu đạo
hay học phép ở những nơi xa xôi hiểm trở như Thiên Trúc.
Trở lại với tình tiết được ghi trong Thiền uyển tập anh khi Từ Đạo Hạnh ngăn cản việc thác thai của Giác Hoàng sẽ rõ: “Bấy
giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có con nối dõi. Tháng 2 năm
Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), ở phủ Thanh Hóa có người tâu: “Vùng
bờ biển Sa Đinh có một đứa trẻ con linh dị, mới lên ba tuổi mà nói năng
biện giải như người lớn, xưng là con đích của vua, tự đặt hiệu là Giác
Hoàng. Phàm mọi việc làm của Hoàng thượng không điều gì đứa bé không
biết”. Vua sai Trung sứ vào tận nơi xem xét, thấy đúng như lời tâu, bèn
cho đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường
vua có lòng yêu mến, định lập làm hoàng thái tử. Các quan hết sức can
ngăn vua không nên làm như vậy. Các quan lại nói, nếu đứa bé ấy quả thực
linh dị, tất nên thác sinh vào nội cung rồi sau mới lập làm thái tử
được. Vua nghe theo, bèn cho mở hội lớn bảy ngày bảy đêm để làm phép
thác thai. Sư nghe chuyện tự nghĩ: “Đứa bé này dùng phép yêu dị để mê
hoặc mọi người, ta nỡ nào ngồi nhìn để nó lừa dối, làm loạn chính
pháp?”. Sư bèn nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuỗi
hạt do sư đã kết ấn treo lên rèm cửa. Hội đến ngày thứ ba thì Giác
Hoàng bỗng kêu đau, bảo mọi người: “Ta đã đi khắp quanh hoàng thành,
nhưng ở đâu cũng có lưới sắt vây kín. Muốn thác sinh cũng không biết lọt
vào bằng cách nào. Vua ngờ sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi
thì sư thú nhận…” .
Chuyện
vua Lý Nhân Tông tin đứa bé ngoài dân gian là con (thác thai) của mình
và có ý định lập làm hoàng thái tử là một chuyện rất khó tin ở những
triều đình phong kiến luôn coi trọng việc truyền ngôi theo huyết thống.
Ngay cả việc triều đình tổ chức 7 ngày đàn tràng để cho đứa trẻ thác
thai cũng nói lên sự thú vị, sức thu hút của nghi thức này. Như vậy có
thể thấy chuyện đầu thai, thác sinh không phải là chuyện nằm ngoài tâm
thức của con người thời đó. Tuy nhiên, việc các quan trong triều ra sức
ngăn cản và yêu cầu để đứa bé thác sinh vào nội cung, rồi mới lập làm
thái tử, có nghĩa rằng họ tin vào chuyện tái sinh, nhưng quan điểm
truyền ngôi theo huyết thống vẫn thắng thế trước niềm tin của vua Lý
Nhân Tông. Vấn đề ở đây là đứa bé sẽ thác sinh theo cách nào, “nhập
thai” hay “muợn xác nhập hồn”? Việc đứa bé nói: “Ta đi khắp hoàng thành,
nhưng đâu cũng có lưới sắt vây kín…”, cho thấy đây là một dạng của xuất
hồn, chứ không phải thác thai, bởi khi thác thai, xác thân phải tan
hoại và thần thức phải nhập thai ngay khi tinh noãn gặp nhau, tức phải
có quan hệ tính giao diễn ra ngay lúc người muốn nhập thai vừa mới trút
xác.
Điều
đáng nói, ngay sau khi nghe Sùng Hiền hầu lý giải bênh vực cho việc làm
của Từ Đạo Hạnh, vua lập tức tin vào phép thuật quyền năng của Từ Đạo
Hạnh. Sự kiện phu nhân Sùng Hiền hầu mang thai sau này sinh ra Dương
Hoán, tức vua Lý Thần Tông đúng thời điểm Từ Đạo Hạnh thoát xác, cho
thấy đã có những chuẩn bị cho một “kiếp sống” mới của Từ Đạo Hạnh với
vai trò là một bậc quân vương. Thiền sư làm quân vương không phải là
điều xa lạ trong truyền thống Mật tông. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa từng
có chuyện giáo chủ đồng thời là quân vương, nên sự “thay hình đổi dạng” của Từ Đạo Hạnh đã tạo nên một sự nối ngôi lạ lùng kỳ bí cho triều đình nhà Lý. Nhưng việc Từ Đạo Hạnh “đầu thai” làm Dương Hoán chỉ là điều kiện ban đầu, bởi việc truyền ngôi sau này còn chờ vào quyết định cuối cùng của vua Lý Nhân Tông.
Năm Đinh Dậu (1117) vua Lý Nhân Tông xuống chiếu rằng: “Trẫm
cai trị muôn dân mà lâu không có con nối ngôi, ngôi báu của trẫm biết
truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các Sùng Hiền, Thành
Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập
làm thái tử”. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử . Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi vua Lý Thần Tông như sau: “Vua
khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh,
độ lượng nên việc, sửa sang chính sự, nhiệm nhặt khúc nôi, không gì sai
lệch. Tuy thân mang ác tật, nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ ý trời cả…” .
Sự
tái sinh làm quân vương của Từ Đạo Hạnh đã đáp ứng được niềm tin của đa
số triều thần về một vị vua anh minh xuất thế. Tuy nhiên, xét ở góc độ
cá nhân, đây là sự báo ân cứu mạng của Từ Đạo Hạnh đối với Sùng Hiền
hầu, còn bản chất của sinh diệt đã được Từ Đạo Hạnh ý thức rất rõ: “Nghiệp
duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau
thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ ba mươi ba. Nếu thấy chân
thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết Bàn, không còn phải
trụ trong vòng sinh diệt nữa” .
Những màu sắc huyền thoại chung quanh cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh nếu chỉ nhìn đơn giản ở góc độ “quyền năng”
thì khó thấy hết những ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông triều Lý, đặc
biệt là mối quan hệ bền chặt giữa vương quyền và đạo Phật. Sự kiện thiền
sư Từ Đạo Hạnh “tái sinh”
làm vua là sự kiện duy nhất trong lịch sử Việt Nam cho thấy vai trò ảnh
hưởng của Mật giáo đối với vương quyền. Đồng thời một nửa khẳng định
cho quan điểm vương quyền và giáo quyền được kết hợp một cách tự nhiên.
Có thể nói, vẻ đẹp trong xã hội thời Lý không chỉ được tạo nên bởi hình
ảnh của một đời sống nhân hậu, khoan dung, thuần từ, mà còn mang đậm màu
sắc tâm linh huyền bí, ở đó Mật tông giữ vai trò quan trọng trong việc
tô điểm cho lịch sử triều Lý những huyền thoại sống động. Cho đến tận
ngày nay sức sống của những huyền thoại này ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ
còn đang là những khám phá thú vị cho những người quan tâm đến văn hoá,
lịch sử của dân tộc.
T.H.A
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, trang 174.
Thiền uyển tập anh, sđd trang 105.
Thiền uyển tập anh, sđd, trang 202.