Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện đời thực vị đại đệ tử xuất chúng nhất của Phật tổ Như Lai
18/10/2013 13:58 (GMT+7)




Sàriputta (còn gọi là Xá lợi phất hay Xá lợi tử), sinh ra tại làng Upatissa, thuộc vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà) nằm ở miền Nam Ấn Độ. Cha Sàriputta là đại luận sư dòng Bà la môn tên là Vaganta (Đề xá), vừa là tộc trưởng của làng Upatissa, cũng là trưởng giáo trong hàng Bà la môn, một người rất giỏi biện luận và tinh thông kinh sách. Còn mẹ ông là bà Sàri (Xá lợi), một thiếu nữ dòng Bà la môn đoan trang và thông minh và cũng rất giỏi biện luận.

Ngay từ trước khi Sàriputta ra đời những câu chuyện về ông đã mang đậm màu sắc huyền thoại. Chuyện kể rằng, mẹ ông, bà Sàri vốn là một phụ nữ rất giỏi biện luận nhưng trước đó bà thường không thắng được cậu em rất giỏi giang của mình là Kausthila (Câu hi la), vốn là một tay nghị luận cự phách đương thời. Thế nhưng, kể từ khi mang thai Sàriputta, mọi luận giải của bà đều vượt hơn hẳn Kausthila.

Kausthila biết rằng, chính cái thai trong bụng bà Sàri đã ảnh hưởng đến bà và chắc chắn đứa bà đang mang trong bụng kia sau này sẽ trở thành một thiên tài không ai sánh kịp. Chính vì vậy, Kausthila quyết định bỏ nhà ra đi cố công học hỏi thêm, quyết không để thua đứa cháu tương lai của mình. Người ta kể rằng, Kausthila học tập chuyên cần đến mức, mong tay ông mọc dài ra mà cũng không có thì giờ để cắt, thành ra mọi người đều gọi ông là “ông thầy tu móng dài”.

Ở tuổi 50 mới có con, nên trưởng tộc Vaganta hết sức quan tâm chăm sóc người vợ đang mang thai của mình. Ông đã cho rất nhiều tì nữ hầu hạ chăm sóc bà Sàri thật chu đáo trong thời gian bà mang thai. Ngày tháng trôi qua, cũng đến ngày bà Sàri lâm bồn. Ngày đứa bé khôi ngô tuấn tú con của trưởng tộc Vaganta chào đời, cũng là ngày vui của cả làng Upatissa.  Theo tục lệ, tên làng là Upatissa đã được dùng để đặt tên cho bé, kết hợp cùng với tên của người mẹ là Sàri, nên tên của đứa bé được gọi là đủ là Sàri Upatissa.

 Thuở thiếu thời, người dân trong làng vẫn thường gọi cậu bé là “cậu Upatissa”. Đến sau này khi xuất gia tu hành, người ta mới gọi ông là Sàriputta, nghĩa là con bà Sàri.

Chẳng biết ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt của đấng tạo hóa, trong lúc cả làng Upatissa đang tổ chức đại lễ ăn mừng sự chào đời của con trai trưởng giáo, tộc trưởng của làng mình, thì tại làng Kolita kế cận, cũng đang tổ chức lễ vui mừng sự chào đời của con trai tộc trưởng làng của họ, và cậu bé này cũng được lấy tên làng Kolita để đặt tên, gọi đủ là Moggalli Kolita (Mục kiền liên). Đây sẽ là người bạn tri kỷ của Sàriputta trong những bước đường tu hành sau này.

Tuổi thơ xuất chúng

Là con trai của một tộc trưởng, lại là một đại luận sư danh tiếng đương thời nên ngay từ khi vừa biết nói, biết chạy, Sàriputta đã được cha mình chăm sóc và giáo dục rất kỹ lưỡng. Cậu bé Sàriputta được cha truyền dạy những câu mật chú, những nghi thức tế lễ, nguyện cầu và cậu cũng thường xuyên cùng cha tham dự các khoa lễ.

Đến năm lên 6, ông Vaganta đã cho mời ba vị thầy giáo nổi tiếng nhất tại kinh thành về làm thầy dạy riêng cho Sàriputta các môn ngữ pháp, luận lý và triết học. Vốn là một người phụ nữ thông minh, bà Sàri cũng dạy dỗ cho Sàriputta rất nhiều điều, song bà vẫn thường lo lắng rằng Sàriputta còn quá nhỏ để tiếp thu tất cả những điều mà các thầy và chồng mình dạy dỗ. Tuy nhiên, trái ngược với lo lắng của bà, Sàriputta là một cậu bé thông minh xuất chúng.

Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng tất cả những điều cha và các thày dạy bảo, Sàriputta đều lĩnh hội một cách mau chóng. Chưa đầy một năm sau, ông Vaganta đã phải sửng sốt về sự tiến bộ của cậu con trai, đến mức ông hãnh diện tuyên bố rằng: “Chỉ cần vài năm nữa thôi thì các vị thầy uyên bác kia sẽ không còn điều gì để dạy cho con ta nữa”.

Năm Sàriputta lên 8 tuổi, một sự kiện hy hữu xảy ra càng làm danh tiếng của Sàriputta thêm lừng lẫy. Lần ấy, khi tham gia bữa tiệc do hai anh em trưởng giả Cát lợi và A già la tổ chức, có sự góp mặt của vua, thái tử và các luận sư nổi tiếng dòng Bà la môn, Sàriputta dù mới 8 tuổi và chỉ theo cha đến dự tiệc đã ngang nhiên lên ngồi ở chiếc ghế dành cho vị luận sư tài năng nhất của bữa tiệc. Các vị đại thần và luận sư đến dự tiệc đều ngạc nhiên song lại thấy Sàriputta mới 8 tuổi, cho là đứa trẻ nít chưa biết lễ nghĩa gì nên không trách mắng mà gọi đám đệ tử trẻ tuổi của họ đến chơi cùng cậu.

Nhưng một lúc sau, cách nói năng rõ ràng, khúc chiết, cách lý giải mọi vấn đề một cách sâu sắc, thấu tình đạt lý của Sàriputta đều khiến các đại thần và luận sư có mặt hôm đó ngạc nhiên và bái phục.

Mọi người đều nói rằng, dù mới 8 tuổi nhưng Sàriputta xứng đáng ngồi trên chiếc ghế cao quý dành cho vị luận sư tài năng nhất. Quốc vương xứ Magadha cũng rất tán thưởng tài năng xuất chúng của Sàriputta nên đã thưởng cho cậu bé hẳn một ngôi làng để thụ hưởng bổng lộc do dân làng cống nạp.

Ở ngôi làng Kolita kế bên, cậu bé Moggalli, người sinh gần như cùng lúc với Sàriputta cũng nổi danh không kém về trí thông minh và tài hùng biện. Vốn là hai gia đình có quan hệ thân tình lâu đời, nên Sàriputta và Moggalli nhanh chóng trở thành đôi bạn thân từ thuở nhỏ. Hai cậu bé lại cùng thông minh và ham học hỏi nên càng thân thiết nhau hơn. Rồi chẳng ai bảo ai, hai cậu bé tự phân ngôi thứ, gọi nhau là anh em. Sàriputta là anh còn Moggalli tự nhận làm em dù hai người gần như sinh cùng một ngày.
 

Đúng như ông Vaganta dự đoán, năm Sàriputta 15 tuổi, những vị thầy uyên bác nhất trong đất nước được mời về làm thầy dạy cho Sàriputta đã đến gặp ông và nói rằng, họ không còn gì để dạy cho cậu bé nữa nên họ xin được rút lui.

Đến năm Sàriputta 18 tuổi, cậu bắt đầu nghiên cứu kinh điển Vệ đà, bộ kinh điển truyền thống mà bất cứ người thuộc dòng dõi Bà la môn nào cũng phải thừa kế. Với trí tuệ thông minh xuất chúng của mình, Sàriputta nhanh chóng thấu hiểu mọi vấn đề được viết trong bộ kinh. Vì vậy, dù mới 18 tuổi nhưng cha Sàriputta đã quyết định giao tất cả công việc tế lễ cũng như những học trò của ông cho Sàriputta đảm trách.

Nhưng đó cũng là lúc, Sàriputta thấy nhiều điểm mâu thuẫn mà cậu không sao giải thích được. Truyền thống của kinh sách Bà la môn lại không cho phép người ta được hoài nghi khiến những suy tư của Sàriputta càng bị đè nén, chôn chặt trong lòng. Và đó cũng là lý do đầu tiên khiến chàng thanh niên trẻ Sàriputta quyết định rời bỏ tất cả ra đi tìm thầy cầu học.

Xuất gia theo Phật


Lúc bấy giờ, tại kinh thành có tổ chức một đại hội do giáo phái Bà la môn tổ chức. Hai làng Upatissa và Kolita đã cử hai chàng thanh niên giỏi gian nhất của họ là Sàriputta và Moggalli về kinh đô tham dự. Đó cũng là lần đầu tiên, hai chàng thanh niên được gặp gỡ với những người thuộc giáo phái khác với những tư tưởng hoàn toàn khác.

Lần đầu tiên họ được nghe những học thuyết trái ngược thậm chí là phủ nhận tất cả những gì họ đã được học trong thánh kinh. Sau buổi lễ hôm đó, cả hai chàng trai càng thêm thắc mắc và hoài nghi cực độ. Cả hai đều cảm nhận rằng mọi giáo phái, học thuyết… đều mang những bản chất tranh giành, hơn thua kinh khiếp, không chân thật. Chính vì thế, cả hai người bắt đầu nảy ra ý định thoát ly cuộc sống gia đình để đi tìm chân lý thực sự cho cuộc đời mình.

Trở về từ buổi lễ, Sàriputta đã nói với cha mẹ ý định rời nhà để tìm đạo giải thoát của mình. Cha mẹ chàng đã rất hoảng hốt khi nghe Sàriputta bày tỏ ý định của mình. Rồi bằng mọi cách khuyên nhủ, ràng buộc, ông bà đã tìm mọi cách để thuyết phục không cho đứa con yêu thương của mình từ bỏ những quyền uy, danh vọng giàu sang mà dấn thân vào con đường đói khổ lang thang nay đây mai đó.

 Song tất cả không làm lay chuyển quyết định ra đi của Sàriputta. Cùng lúc đó, ở làng bên, người bạn Moggalli ở làng Kolita cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để xin được cha mẹ cho phép mình xuất gia cầu đạo.

Khi hai chàng ra đi thì có gần 250 môn sinh cũng nguyện xin theo hai chàng xuất gia tìm chân lý. Sàriputta và Moggalli cho rằng lâu nay mình chỉ học các giáo phái, học thuyết thuộc truyền thống Bà la môn nên bị bó buộc trong khuôn khổ không thể nào thoát ly ra để thấy được các chủ trương hay của các học thuyết khác.

Từ ý nghĩ đó, hai chàng quyết định tìm đến học hỏi những giáo phái ngoài truyền thống Bà la môn. Đầu tiên, chàng đến xin học với một đạo sư rất nổi tiếng đương thời tên là Sanjaya (San xà da). Nhưng chỉ sau mọt thời gian ngắn, hai người đã cảm thấy Sanjaya không thể làm thỏa mãn khát vọng hiểu biết của mình nên hai người lại muốn từ giã thầy để ra đi.

Sau nhiều năm tháng lang thang tìm thầy cầu học, Sàriputta và Moggalli vẫn chưa tìm được người thầy nào sáng suốt có thể giải đáp những thắc mắc của mình. Cho đến một hôm hai người gặp Asvajit, một trong năm vị tì kheo đầu tiên xuất gia làm đệ tử của Đức Phật. Thấy dáng vẻ oai nghiêm của Asvajit, Sàriputta không kìm được lòng đã đến hỏi thăm.

Asvajit nói cho Sàriputta nghe những điều Đức Phật thường hay dạy họ rồi nói: “Đức Phật thường dạy cho chúng tôi về chân lí của vũ trụ và nhân sinh, mà kẻ trí óc cạn cợt như tôi thì không thể nào hoàn toàn lãnh hội hết được”. Sàriputta nghe xong như bừng ngộ, tin chắc rằng Phật Thích Ca Mầu Ni chính là người thầy mà mình đang tìm kiếm. Chính vì vậy, Sàriputta từ biệt Asvajit rồi hẹn rằng một ngày không xa, ông sẽ đến yết kiến Đức Phật.

Ngay hôm đó, Sàriputta trở về nhà và nói với người bạn Moggalli về việc gặp gỡ Asvajit đồng thời bày tỏ ý định đến gặp Phật Thích Ca để tu học. Liền ngày hôm sau, Sàriputta  đã cùng Moggalli, dẫn theo hai trăm đồ chúng của họ, cùng đến tu viện Trúc Lâm xin xuất gia theo Phật.

Đức Phật rất hoan hỉ vì biết rằng, từ ngày thành đạo, đến nay mới có được hai người đệ tử đích thực có khả năng, có thể tiếp thụ chân lí do mình truyền đạt. Trong khi đó thì Sàriputta và Moggalli cũng biết chắc chắn rằng, cho đến hôm nay mình mới đích thực có được bậc thầy chân chính của minh.

Bằng Hư

http://vedepphatphap.vn/news.php?id=997/chuyen-doi-thuc-vi-dai-de-tu-xuat-chung-nhat-cua-phat-to-nhu-lai

Các tin đã đăng:
Về đầu trang