Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Du lịch Gia Lai trước “cơ hội vàng”
24/01/2011 18:41 (GMT+7)


 
Với chiều dài hành trình đường bộ gần 4.000 km, đoàn xuất phát từ Hà Nội đi qua các điểm đến nổi tiếng của khu vực như: Mộc Châu (Việt Nam), Xiang Khoang, Vientiane (Lào), Bangkok, Chieng Mai (Thái Lan), Siem Riep, Stung Streng (Campuchia), Pleiku, Đà Nẵng (Việt Nam). Theo nhận xét của một số thành viên đoàn khảo sát, chuyến đi đã để lại những ấn tượng đặc biệt.
 
Ang Kor Wat (Campuchia). Ảnh: T.T
Trước hết, mô hình caravan (tự lái xe, tự khám phá) đã tạo cho các thành viên sự hứng khởi nhất định. Kế đó là hành trình đi qua nhiều điểm du lịch mới lạ và hấp dẫn. Ngoài những địa danh nêu trên, đoàn còn đặt chân đến một số điểm mà từ lâu đã thu hút sự tò mò của du khách như: Cánh đồng Chum, Khải Hoàn Môn (Lào), khu Tam Giác Vàng-biên giới ba nước Lào-Thái Lan-Myanmar, khu phố cổ nổi tiếng Kum Kam (Thái Lan), Ang Kor Wat, Ang Kor Thom (Campuchia)... Đặc biệt, tại Thái Lan và Campuchia, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam có dịp tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cũng như khảo sát các điều kiện tốt nhất để kết nối, mở rộng các tour du lịch đường bộ trong khu vực.
 
Trả lời báo chí, ông Vũ Thế Bình- Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch khẳng định: “Tour Caravan Việt Nam-Lào-Thái Lan-Campuchia sẽ là sản phẩm mới và độc đáo kết nối các di sản nhân loại tại 4 quốc gia. Trong tương lai, tour này sẽ được nối dài đến một số quốc gia khác trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia”.
 
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số công ty lữ hành quốc tế thuộc “Con đường di sản miền Trung” đặc biệt thích thú với tuyến Siem Riep-Kratié-Stung Streng-Ban Lung (Campuchia)-Pleiku-Đà Nẵng (Việt Nam). Bởi lẽ, đây là hành trình dọc dòng Mê Kông hùng vĩ, cung đường kết nối giữa kỳ quan thế giới cổ đại Ang Kor với “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường xanh Tây Nguyên”.
 
Đặc biệt, từ khi Chính phủ quyết định nâng cấp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và hỗ trợ Chính phủ Hoàng gia Campuchia xây dựng đường 78, tuyến đường bộ này được khai thông. Chưa hết, đây cũng là cung đường kết nối với vùng Hạ Lào và Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum).
 
Sương sớm ở Xiang Khoang (Lào). Ảnh: T.T
Với ông Nguyễn Tấn Thành- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai thì: Chuyến khảo sát đã mở ra cho du lịch Gia Lai rất nhiều cơ hội.
 
Về mặt “nhập khẩu”, Pleiku (Gia Lai) nghiễm nhiên là một trong những điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch xuyên Đông Dương, là điểm kết nối với các tour qua Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
 
Về “xuất khẩu”, sắp tới Gialaitourist sẽ xây dựng và tung ra thị trường một số tour du lịch đường bộ như: Gia Lai- Champasak (Lào)- Ubon (Thái Lan); Gia Lai- Champasak- Ubon- Bangkok-  Paktaya (Thái Lan); Gia Lai- Stung Streng- Kratié- Siem Riep- Phnom Penh (Campuchia)- Mộc Bài (Tây Ninh); Gia Lai- Stung Streng- Champasak- Ubon; Gia Lai- Champasak- Vientiane-  Savanakhet-Ubon...
 
Có thể khẳng định, với hành trình “Du lịch xuyên Đông Dương” và “Con đường xanh Tây Nguyên”, chưa bao giờ ngành du lịch Gia Lai đứng trước nhiều cơ hội phát triển như thế. Đồng thuận với quan điểm này, ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai cho rằng: Tour “Du lịch xuyên Đông Dương” đã tạo ra điều kiện thuận lợi để các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp lữ hành quốc tế quảng bá hình ảnh và xây dựng các sản phẩm du lịch.
 
Cùng với đó, trong những năm tới, tỉnh sẽ đầu tư một loạt dự án quan trọng về giao thông (đường hàng không và đường bộ), sân golf, khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú... Đây là những “cơ hội vàng” để ngành du lịch Gia Lai “cất cánh” theo tinh thần Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII.
 
Duy Danh

Nguon: http://baogialai.vn/channel/722/201101/du-lich-Gia-Lai-truoc-co-hoi-vang-1976079/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang