Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Nghị quyết lấy ngày 1/11 âm lịch hằng năm, ngày nhập Niết Bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông là Đại lễ giỗ chung của Phật giáo VN.
Năm nay, Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết Bàn của Phật hoàng được tổ chức trọng thể với quy mô cấp Quốc gia tại Khu di tích Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh).
Chương trình Đại lễ diễn ra từ 1 đến 3/12 với nhiều nghi lễ trong đó nổi bật là nghi lễ khánh thành bảo tượng Phật hoàng tại Lễ đài khu An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử. Pho tượng này được đặt trên đỉnh thiêng Yên Tử ở độ cao hơn 920 mét.
Đây là sự kiện trọng đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tạo sức hút mới cho di tích danh thắng Yên Tử.
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được làm từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Ý tưởng dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử có từ năm 2002, nhưng đến nay mới hoàn thành.
Sau 7 năm hoàn thiện thủ tục và làm xã hội hóa, ngày 16/12/2009 khởi công xây dựng. Ngày 17/5/2013 tổ chức lễ đúc tim tượng Phật. Và đến 23/9/2013 tổ chức lễ yểm tâm tượng Phật.
Đây là tượng đồng nguyên khối nặng hơn 138 tấn được đúc ngay trên bệ bê tông ở độ cao 920m so với mực nước biển. Tượng có chiều cao 6,6m ngồi trên đài sen (bằng đồng) cao 3,3m được đặt trên bệ rồng (bằng đá) cao 2,7m.
Tổng số vốn được phê duyệt để đúc tượng hơn 75 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền này do các doanh nghiệp tài trợ và nhân dân công đức.
Đây là pho tượng nguyên khối lớn nhất, lần đầu tiên được đúc thành công tại Việt Nam theo công nghệ đúc trực tiếp, liền khối trên bệ, hoàn toàn bằng kỹ thuật thủ công trong điều kiện địa hình chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt
Theo Tri thức