Các hàng đệ tử của Phật truy tìm lại nguồn gốc của giáo lý bằng sự tôn kính vô biên đối với bậc thầy, đấng cha lành của nhân thiên để từ đó học tập rèn luyện và nguyện tiếp bước theo con đường của ngài đã vạch lối, đưa đường đi đến chân trời hạnh phúc giải thoát đích thực. Do vậy, tận trong chiều sâu tâm thức, họ xem Phật như là nhà giáo dục, nhà tâm lý học, bậc thầy vĩ đại của nhân loại, vừa mang hơi hướng của một con người lịch sử nhưng cũng mang đầy tính cáchsiêu nhiên, thoát tục.
Các truyền thống Phật giáo điều giả định rằng thái tử Tất đạt đa trở thành vị Phật là từ một nhà tư tưởng trở thành một con người sở hữu chân lý, sự thật, giác ngộ và giải thoát. Tất nhiên, các Phật tử có lý do để làm như vậy, bởi vì họ được thuyết phục từ niềm tin truyền thống mà những gì Như lai (Tathagata) đã tuyên bố là không bao giờ thay đổi được[1] vì tất cả những gì ngài nói ra điều khế hợp chân lý, thích ứng căn cơ và khế thời.
Một nghiên cứu ngắn gọn về các đặc trưng nhân cách của Đức Phật đã được thực hiện bởi Pande, Warder, Varma. Trong mắt Pande, nhân cách vĩ đại của Đức Phật là biểu hiện từ thực tế mà không có một cá nhân nào có đầy đủ các tố chất cao cả và gây ấn tượng mạnh trong lịch sử văn hóa Ấn Độ như đức Phật. Theo ông, từ bi và trí tuệ là hiện thân rất cá tính của ngài.[2] Warder một học giả Phật học nổi tiếng cho rằng, các đặc trưng tiêu biểu nhất của Đức Phật là phương pháp giảng dạy một cách khéo léo, phương tiện và tùy duyên trong việc chuyển hóa người khác. Ngoài các vấn đề như sự an tĩnh nội tâm, không đa cảm, đức Phật là hiện thân của chân lý sự thật, thiền định, từ bi, và lòng thương tưởng với khổ đau của chúng sinh. Đức Phật thể hiện các hành vi, lời nói rất khiêm tốn nhưng chặt chẽ và nghiêm túc trong đối thoại.[3]
Dưới nhãn quan của các nhà khoa học, giáo dục, tâm lý, triết học… đức Phật là biểu mẫu sáng ngời nhất, minh triết nhất mà họ đã tiếp cận và tìm hiểu. Một nhà văn hào Âu Châu nhận định rằng: ‘Không có nơi nào trong thế giới tôn giáo, sùng bái và tín ngưỡng mà chúng ta có thể tìm thấy một vị giáo chủ chói sáng như thế! Trong hàng loạt các vì sao, ngài là vì tinh tú khổng lồ, vĩ đại nhất’. Một số các khoa học gia, triết gia, các nhà văn hóa đã tuyên bố về ngài “Con người vĩ đại nhất chưa từng có. Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại nầy soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại.”[4]
Thân tướng đoan nghiêm, pháp âm tròn đầy
Theo các quan sát hiện đại, Đức Phật có ‘nhiều huy hoàng, hàng trăm huy hoàng.’[5] Ngài đã dạy chân lý sự thật về con người và vạn hữu, mà bất kỳ người trí nào trên thế giới cũng điều ghi nhận và cảm mến về ngài.[6] Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt của một bậc đại nhân.[7] Đến nổi một quan thần họa sĩ khi ngắm thân tướng của ngài cũng thốt lên rằng: ‘Hình tướng Đức Thế Tôn đẹp lạ lùng, chúng thần sửng sờ chỉ ngắm nhìn suốt buổi mà không vẽ được nét nào cả’. Kinh điển mô tả vẻ đẹp của đức Phật như sau: ‘Vị Sa-môn Gotama thật là đáng yêu, ưa nhìn, quyến rũ, sở hữu vẻ đẹp vĩ đại nhất từ làn da, một màu sắc tuyệt vời, một vóc dáng tuyệt vời, và một thân tướng trang nghiêm...’. Một người Bà la môn tên Sonadanda miêu tả ngoại hình ngài là ‘đẹp đẽ, ưa nhìn, cùng với một làn da rất đẹp. Ngài có vẻ đẹp từ bên ngoài và thần thái oai nghiêm...’ Trường Bộ Kinh, bản kinh số 4 mô tả: “Ngài đẹp đẽ, xinh tươi, dễ nhìn, một hình sắc tốt đẹp nhất, hình thể và nét trang nghiêm của ngài như Brahma, ngoại hình của Ngài đẹp đẽ.” Còn Tăng Chi Bộ Kinh, kinh số 36 ghi: “Ngài đẹp đẽ, gây được niềm tin, với ý thức điềm tỉnh và tâm trí thanh tịnh, trầm tĩnh và tự chủ, như một con voi được thuần phục một cách hoàn hảo”. ‘Sa-môn Gotama có một giọng nói đáng yêu, viên âm tròn đầy, cách nói đáng yêu, và miệng ngài thốt ra những lời nói tao nhã, khác biệt, không lầm bầm, lời nói có ý nghĩa rõ ràng, minh bạch và sáng tỏ.’[8] ‘Những âm thanh đó phát ra từ miệng của đức Phật Gotama tôn đáng kính mang tám đặc điểm, đó là: ‘khác biệt, dễ hiểu, ngọt ngào, âm thanh trong trẻo, lưu loát, rõ ràng và sâu sắc, và có sức thuyết phục lớn.’ ‘Vị Sa-môn Gotama là biểu mẫu chuẩn mực của giới hạnh, thực hành theo giới hạnh và thiện xảo trong giới hạnh.’[9] Tuy nhiên, theo đức Phật kẻ phàm phu mới tán thán Như Lai qua giới hạnh, còn người trí thì tán thán Như Lai qua trí tuệ và thiền định.
Đức Bổn Sư của chúng ta với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp thật toàn mỹ và phi phàm, đã khiến cho bất cứ ai, khi vừa gặp Ngài đều sinh lòng quý kính. Kinh Tướng, bản kinh số 30 trong Trường Bộ kinh nói rằng: “Này các Tỷ-kheo, những ai có đầy đủ ba mươi hai tướng Đại Trượng phu này, những vị ấy sẽ chọn hai con đường này thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia, sẽ làm vị Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, là vị Pháp vương, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu trở thành vật sở hữu của vị này, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị này có đến một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, chiến thắng, thân thể dõng kiện, nhiếp phục địch quân. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với Chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao. Nếu vị này từ bỏ gia đình xuất gia, sống không gia đình, vị này sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vén lui màn vô minh che đời.”[10] Với thân tướng đoan nghiêm này là điều kiện thuận lợi để ngài tùy duyên giáo hóa chúng sanh. Trong pháp hội của đức Phật, được nhìn dung mạo, nghe giọng nói trầm hùng như tiếng sóng biển, như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, toàn thể đại chúng đều sinh lòng kính tín, tâm hoan hỷ thanh tịnh lạ thường. Thành ra, nhiều người đắc quả vị Hiền Thánh chỉ sau một lần được diện kiến đức Phật hoặc nghe Ngài thuyết pháp.
Nội tâm thanh tịnh, tràn đầy lòng từ bi
Đức Phật được mô tả là một người tràn đầy lòng thương, thanh bình và tĩnh lặng. Năng lượng từ bi của ngài là vô lượng vô biên như ánh trăng rằm làm mát dịu trần gian và như ánh thái dương sáng soi trần thế. Ngoài thời gian giáo hóa vì lợi ích cho chúng sinh, ngài dành trọn thời gian của mình an trú trong thiền định. Do vì luôn an trú trong chánh niệm, tỉnh giác nên đức Phật được tôn xưng là Bậc Đại giác, đấng Điều ngự trượng phu. Ngài đã nhận ra và hằng sống với tánh giác sẵn đủ ấy nên Ngài là Phật (Buddha), còn chúng sanh do quên tánh giác, mãi đuổi theo trần cảnh, tạo nghiệp, nên vẫn còn lang thang trong sáu nẻo luân hồi. Chư Phật thị hiện nơi đời cũng chỉ có một mục đích duy nhất là chỉ cho chúng ta thấy và trực nhận tánh giác nơi mình, từ đó gột rửa dần tập khí phiền não, để cuối cùng thể nhập Pháp thân. Do đó ngài rao giảng con đường đưa đến đời sống thánh thiện, an lạc và giải thoát. Không có công năng đưa đến an lạc giải thoát thì không phải giáo pháp của Phật. Chắc chắn rằng, năng lực của sự kiểm thúc và sự tỉnh giác là kết quả của một quá trình tự rèn luyện lâu dài.
Một truyền thuyết ghi lại trong King Tạng rằng, đức Phật không hề có một sơ suất hay một lỗi nhỏ nhặt nào trong hành vi, lời nói hay suy nghĩ của mình. Đến nỗi suốt trong bảy năm ác ma đã theo Thế Tôn để tìm kẽ hở về lỗi lầm mà vẫn không tìm ra được. Một lần có giáo phái ngoại đạo muốn đến tham vấn về đạo lý với Đức Phật bởi họ nghe nói Phật là người đã vượt qua mọi ô nhiễm, đạt được sự thanh tịnh hoàn toàn. Họ đã bàn nhau và cử người giám sát Đức Phật liên tục trong bảy ngày để xem Phật có thật sự thanh tịnh như người ta đồn không. Cuối cùng người được cử đi giám sát trở về báo lại rằng: ‘Quả thực Sa-môn Gotama là người hoàn thiện trong lúc ngủ cũng như lúc thức, cho đến những cử động nhỏ bé nhất như khi Ngài bước qua một vũng nước hay Ngài vén chéo áo lên . . . đều đầy thánh thiện.’ (Trung Bộ Kinh). Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng đức Phật là bậc thầy, đấng Điệu ngự trượng phu, hoàn thiện trọn vẹn về đức hạnh và trí tuệ.
Theo Schumann, một học giả Phật học nổi tiếng, ông cho rằng lòng từ bi là đặc điểm thiết yếu trong tính cách của đức Phật. “Đức Phật có lòng từ bi vô lượng, tế độ vô biên, và hướng tình thương yêu này đến với tất cả chúng sinh, khuyến khích mọi người học theo hạnh từ bi, không gây đau khổ cho con người và động vật. Bằng cách người Phật tử không hành nghề độc ác như đồ tể, thợ săn, ngư dân, cướp, đao phủ hoặc cai ngục nhà tù. Những nghề này theo ngài là tà mạng và tà nghiệp, vì họ là người hành nghề trực tiếp gây nên đau khổ cho con người và thú vật. Thậm chí những nghề khác nhưng gây tác hại gián tiếp đến sinh mạng và môi trường như xây dựng các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, tàn hại sự sống, chặt phá cây cối, rừng rú, mầm sống cũng được liệt kê vào nghề tà mạng.”[11]
Trong một cuộc trò chuyện với Jìvaka, vị Y sỹ trứ danh của vua Bimbisara, Đức Phật xác nhận rằng, ngài luôn đầy lòng từ bi, cho những ai còn mang nặng lòng tham lam, sân hận, si mê, do đó trong ngài hoàn toàn vô tham, vô sân và vô si.”[12] ‘Đức Phật ra đời là vì lòng từ bi, vì lợi ích an lạc cho số đông, vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người.’ Trong ngài không có bất kỳ sự lo lắng, sợ hãi, hay hối tiếc; ngài không thấy có bất kỳ tác hại cho thế giới. Do đó, ngài không yên ngủ với lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh. [13]
M. M. Williams cho rằng Đức Phật không phải là đấng đạo sư mà không thấu hiểu nổi khổ niềm đau của chúng sinh. Do vậy, ngài đưa ra cho mọi người con đường thực hành chơn chánh nhằm mục đích đoạn tận tam độc tham, sân và si, đạt đến cứu cánh an lạc giải thoát, niết bàn đích thực. Mục đích cao cả đó đã thôi thúc đức Phật hành động vì lòng bi mẫn chúng sinh, vì hạnh phúc an lạc cho chúng sinh.[14]
Theo V. P. Varma, ‘Đức Phật Gautama thường nghiêm túc và trang nghiêm. Chưa bao giờ thấy kinh điển ghi lại những gì ngài quá nuông chiều theo cảm xúc; cũng không bao giờ cười phấn khích hay chảy nước mắt theo cảm giác.’[15] Khi một vị Bà la môn đến hỏi tại sao ngài không vui và cũng không buồn, đức Phật trả lời, ‘niềm vui thì đến với những người đang buồn trong lòng; và nỗi buồn có thể đến với những người đang vui sướng, ta không vui cũng không buồn vì các nguyên nhân gây nên vui buồn ta đã đoạn tận.’[16] Dù bị chỉ trích hay được ca ngợi, ngài vẫn an nhiên tự tại, không dao động, không bất mãn, không hoan hỷ. Một người ngoại đạo ca ngợi Phật rằng: “Thật kỳ diệu thay! Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay! Tôn giả Gotama! Dầu cho Tôn giả Gotama bị chống đối một cách mỉa mai, dầu cho bị công kích với những lời lẽ buộc tội trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ như một A-la-hán Chánh đẳng giác.” (Đại kinh Saccaka)
Nhân văn và Bình đẳng
Mặc dù, ngài là vị Phật được tôn kính, đảnh lễ nhưng những hành động việc làm của ngài rất người, rất nhân bản. Năm năm sau ngày thành đạo, đức Phật đã trở về Ca Tỳ La Vệ để thăm phụ hoàng Tịnh Phạn, La Hầu La, và nàng Da Du Đà La. Đức Phật cũng đã chấp nhận cho bà Ma Ha Bà Xà Bà Đề xuất gia và thành lập Ni đoàn sau lời thỉnh cầu của Tôn giả A nan. Trước lúc nhập Niết bàn đức Phật cũng đã ân cần dặn dò chư vị Tỷ kheo hảy lấy giới luật làm thầy, hãy nương tựa chính mình, làm ngọn đèn cho chính mình, chớ nương tựa ai khác. Những hành động đó thể hiện ra như người cha thương yêu con cái, như người thầy ân cần căn dặn học trò trước lúc chia tay. Một giả định rỏ ràng về nguyên tắc ứng xử bình đẳng của đức Phật trong chúng đệ tử, chẳng hạn như Tôn giả A nan đà là vị thị giả hầu cận đức Phật dài nhất, suốt 25 năm tận tụy hầu cận đức Phật, vị thị giả được đức Phật khen ngợi, nhưng ngài cũng đối xử như các môn đệ khác không hơn không kém.
Một ví dụ khác cho thấy tính cách rất người trong Đức Thế Tôn ở lần bày tỏ phản ứng bất mãn của mình trong một số trường hợp. Sự kiện gây tranh cải giữa các nhà sư tại Kosambi và sự bày tỏ thái độ của ngài cho chúng ta thấy rõ tính cách này. Câu chuyện được ghi tại trong Trung Bộ Kinh về các Tỷ kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đã thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi.”[17] Sự tranh cải này kéo dài đến nổi đức Phật đứng ra hòa giải mà vẫn không chấm dứt. Sau đó Đức Thế Tôn rời Kosambi vào rừng sống với voi Anuruddha và khỉ Nandiya ‘tất cả cùng sống với nhau hài hòa thân thiện.’ Đến khi các vị Tỷ kheo hối lổi và chấm dứt tranh cải, sống theo lục hòa, cộng trụ, Tăng chúng thanh tịnh và hòa hợp trở lại đức Phật mới trở về.
Câu chuyện thứ hai, cũng được ghi lại trong Trung Bộ Kinh, liên quan đến năm trăm vị tu sĩ trẻ dưới sự hướng dẫn của Tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallāna). ‘Một thời, có ít nhất năm trăm tu sĩ được Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đưa đến đảnh lễ Phật. Lúc ấy, có tiếng động lớn, tiếng ồn lớn từ 500 vị tỷ kheo trẻ đến chào hỏi các tỷ kheo nơi ở thường trú. Lúc đó, đức Phật đắp y, mang bát để chuẩn bị đi khất thực, ngài hỏi tôn giả A nan: ‘Này A nan, có cái gì ồn ào lớn tiếng, có cái gì gây náo động trong tịnh xá vậy? Sau đó các vị trưởng lão đã trình sự việc lên đức Thế tôn, rồi ngài triệu tập đại chúng lại và quở trách. ‘Các ngươi hãy đi đi, nên đi đến một nơi khác, không nên đến gần Như lai.’ Các tài liệu thuật lại rằng, sau đó Tôn giả Sakyans thưa bạch với Đức Thế Tôn hãy tha thứ về sự non trẻ của các vị Tỷ kheo mới đến. “Bạch Đức Thế Tôn, họ sẽ bị sút kém, họ sẽ bị chao đảo và ngơ ngác như một con bê non không tìm thấy mẹ. Vì vậy, bạch Đức Thế Tôn, hãy cho họ ở lại, hãy cho họ được thân cận Thế Tôn, để họ có thể sống và hành theo pháp và luật này. Nếu không thấy Phật, có thể có sự sút kém đối với họ, có thể có những thăng trầm đối với họ. Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy hoan hỹ, lượng thứ cho họ, để họ được sống và sinh hoạt trong Tăng đoàn dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn. Cũng như Tăng đoàn trước đây, được sự hướng dẫn từ Thế Tôn mà giáo đoàn nay đã phát triển, hòa hợp và thanh tịnh như bây giờ.’ Sau đó, đức Phật đã hoan hỹ đồng ý cho họ ở lại tu tập theo Tăng đoàn nơi ngài cư ngụ.
Trong những câu chuyện vừa được trích dẫn trên đây cho chúng ta thấy rõ về cách hành xử rất người của Đức Phật trong vai trò của một bậc thầy. Sở dĩ ngài hành xử như vậy là vì đức Phật đã mở rộng lòng thương đến với tất cả mọi loài chúng sinh, mọi giai tầng của xã hội. Các tài liệu từ kinh tạng Nikāya, đặc biệt là bộ sưu tập của Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā), cho chúng ta thấy rằng Tăng đoàn được Đức Phật thiết lập bao gồm những người của các tầng lớp khác nhau, thậm chí kể cả trẻ em và ngoại đạo. Mặc dù số lượng người tuân thủ thực hành theo lời Phật dạy và chứng đắc các cấp độ thánh quả là rất nhiều, đại đa số. Tuy nhiên vẫn còn một số ít chưa tuyệt đối tuân thủ lời Phật dạy như nhóm lục quần Tỷ kheo…tạo nên sự bất hòa trong Tăng chúng. Thậm chí một số vị cứng đầu chống đối lại đức Phật. Thế nhưng cuối cùng đức Phật cũng đã phương tiện dần dần uốn nắn đào tạo để tạo thành một Giáo đoàn Phật giáo phát triển vững mạnh, hòa hợp và thanh tịnh.
Bậc thầy của trời người tùy duyên hóa độ
Như một bậc thầy vĩ đại, đức Phật đã phương tiện hướng dẫn chúng đệ tử từng bước đi vào con đường tu tập thực hành đạo giải thoát một cách rốt ráo hoàn mãn. Thông qua phương pháp giáo dục dần dần, như bờ biển thoai thoải đi từ nông đến sâu, con đường tu tập cũng như vậy, đi từ sơ cơ đến thâm sâu tột đỉnh để hành giả thực hành không cảm thấy choáng ngợp. Với phương pháp tiếp cận dần dần ngài đã hướng dẫn cho mọi người đi vào đường đạo một cách trọn vẹn. Ai cũng có thể tiếp cận, áp dụng thực hành pháp để nếm được mùi vị của pháp lạc.
Đức Phật đã dành trọn đời mình cho mục đích giáo hóa độ sinh không ngừng nghỉ. Trên đôi chân trần ấy, ngài đã vân du khắp các vùng lưu vực sông Hằng để thuyết pháp. Kinh tạng, cũng như Luật tạng ghi lại quá nhiều trường hợp đức Phật giáo hóa: Trưởng lão Tăng kệ thuật lại câu chuyện một ngày nọ, đức Phật đã hóa độ một người bất hạnh tại một nghĩa trang để rồi sau đó trở thành một vị A La Hán. Một câu chuyện khác được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh, Tôn giả Mục Kiền Liên bị hôm trầm thụy miên trầm trọng trong một ngôi làng, đức Phật đã đến và hướng dẫn phương pháp để Tôn giả thoát khỏi tình trạng này. Trưởng Lão Tăng Kệ và Ni kệ cho chúng ta một danh sách dài chư vị Tỳ kheo và Tỷ kheo ni, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Phật, đạt được các cấp độ trong Thánh quả giải thoát. Và ngài cũng thuần hóa những người khác bằng cách dạy phương pháp giáo dục dần dần để đưa họ vào đạo nhằm kiến tạo sự an lạc hạnh phúc đích thực.
Sự tận tụy cống hiến trọn đời của đức Phật cho sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, giáo hóa độ sinh là vô cùng, vô tận. Có những lúc thân thể của ngài đau lưng, hay mệt mõi, không thể tiếp tục bài giảng của mình, trong trường hợp như vậy, đức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất hoặc Tôn giả A nan tiếp tục hoàn thành phần còn lại của bài giảng. Lúc đó, ngài nằm xuống theo thế sư tử ngọa, nghiêng hông bên phải, chánh niệm, rõ ràng có ý thức, và nghe pháp. Ngay cả một vài phút trước khi nhập niết bàn, mặc dù đã quá mệt mỏi, nhưng ngài cũng đã hóa độ cho Tu Bạt Đà La giác ngộ và chứng đắc thánh quả, trở thành vị đệ tử cuối cùng của ngài.
Không chỉ giáo hóa cho chúng xuất gia, hàng Phật tử tại gia, đức Phật còn giáo hóa cho các vị vua trở thành vị anh quân hộ trì Tam bảo tích cực. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) trở thành người đệ tử trung kiên của đức Phật trong suốt ba mươi bảy năm cho đến khi băng hà. Con trai của vua Bimbisara, A Xà Thế (Ajatasattu) sau khi ăn năn hối cải vì tội giết vua cha cũng hồi đầu quy y tam bảo trở thành vị vua Phật tử anh minh hết lòng ngưỡng mộ đức Phật và hộ trì Phật pháp, nhất là trong kì kết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang Thất diệp sau khi đức Phật nhập niết bàn ba tháng. Gần nhất là mối quan hệ giữa đức Phật với vua Ba Tư Nặc (Pasenadi)-người được xem như là một đối tác có giá trị trong các cuộc đàm luận về triết lý giữa chính trị và Phật học. Đức Phật không bao giờ ép ai phải theo ngài mà chưa tin và hiểu. Do vậy, tông chỉ của đạo Phật là đến để hiểu chứ không phải đến để mà tin. Niềm tin chỉ được xác tín khi đã tìm hiểu và lựa chọn kỷ càng. Thành ra, trong lịch sử truyền giáo, đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh mà luôn mang thông điệp từ bi, bất bạo động và hòa bình cho nhân loại.
Chỉ phác thảo về những đặc điểm bên ngoài của Đức Phật, cũng đủ cho chúng ta phát khởi lòng tôn kính đối với Ngài - Bậc giáo chủ vĩ đại, Bậc Tôn sư của Trời người, như kinh Nikāya viết: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho Chư Thiên và loài người!” Những người con Phật chúng ta, muốn làm tròn chữ hiếu đối với Đức Bổn Sư, phải nguyện đời đời tinh tấn tu hành theo lời Ngài chỉ dạy để cuối cùng, thành tựu quả vị Phật như Ngài!
Kết luận
Để kết thúc bài viết này xin mượn lời của một thi nhân Abdul Atahiya ca ngợi Đức Phật như sau: “Nếu bạn muốn thấy người cao quý nhất của loài người, bạn hãy nhìn vị Hoàng đế trong y phục một người ăn xin. Chính là Phật đó. Siêu phàm thánh tính của Ngài thật vĩ đại giữa con người.” (Đức Phật dưới mắt các nhà tri thức). Trong khi Thủ tướng Jawaharlal Nehru khẳng định: “Tôi tin chắc là đường lối tu hành mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta là đường lối duy nhất mà nhân loại phải làm theo nếu muốn thoát khỏi tai họa.” Nhà bác học Albert Einstein thì khẳng định: “...Nếu có bất kỳ tôn giáo nào mà có thể thỏa mãn những nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo.” Và cuối cùng học giả Svāmī Vivekānanda đúc kết: “Toàn thể nhân loại đã sản sinh ra chỉ một người như thế, với triết lý cao siêu như thế, với lòng từ bi mở rộng như thế. Một triết gia vĩ đại, thuyết giảng triết lý cao siêu bậc nhất, mà vẫn có lòng từ bi sâu thẳm nhất cho những loài vật nhỏ nhoi, và không bao giờ tự nâng mình lên. Đức Phật là Karma Yogi lý tưởng, làm việc hoàn toàn bất vụ lợi, và lịch sử nhân loại đã chứng tỏ rằng Đức Phật là bậc vĩ nhân vĩ đại nhất từng được sanh ra, không thể nào so sánh, sự kết hợp hài hòa nhất giữa khối óc và trái tim đã từng tồn tại.” Và Albert Schweitzer cũng cố thêm rằng: “Trên hành tinh này, Đức Phật đã thuyết giảng những sự thật của nền đạo đức nâng cao và có giá trị vĩnh viễn không chỉ ở người Ấn độ thôi mà cũng ở nhân loại. Đức Phật đã là một trong những thiên tài có đạo đức bậc nhất đã từng được ban tặng vào thế gian này.”
Ghi chú:
[1] Trong kinh Tăng Chi (Anguttara Nikāya), Đức Phật nói rằng bất cứ điều gì Như Lai nói, tuyên thuyết từ sau ngày giác ngộ đến lúc nhập niết bàn, thì tất cả điều là chơn thật ngữ, bất hư vọng, bất cuống thuyết, đó là nghĩa lý chân thật, tối thượng. Xem, F. L. Woodward, The Book of the Gradual Sayings, Vol.II, p.25.
[2] See G. C. Pande, Origins of Buddhism, p.393.
[3] See A. K. Warder, Indian Budhism, p.64.
[4] Xem, Phật Giáo dưới Mắt các Nhà Trí Thức
[5] I. B. Horner, The Collection of the Middle Length Sayings, Vol.II, p.53.
[6] M. Walshe, The long Discourses of the Buddha, p.165.
[7] For details, see I. B. Horner, The Collection of the Middle Length Sayings, Vol.II, pp.320-26.
[8] For details, see I. B. Horner, The Collection of the Middle Length Sayings, Vol.II, pp.320-26.
[9] Sđd, tr. 367.
[10] Trường Bộ Kinh, Kinh Tướng Lakkhana Sutta.
[11] H. W. Schumann, The Historical Buddha, p.203.
[12] See I. B. Horner, The Collection of the Middhle Length Sayings, Vol.II, p.34.
[13] See C. A. F. Rhys Davids, The Book of the Kindred Sayings, Vol.I, p.139.
[14] M. M. Williams, Buddhism, p.41.
[15] V. P. Varma, Early Buddhism and its Origins, p.14.
[16] C. A. F. Rhys Davids, The Book of the Kindred Sayings, Vol.I,p.78
[17] Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh, kinh Kosambi, NXB Tôn giáo, 2016, p. 393.
Thích Trung Định