Từ đây, khi
thấy người hiền phải gắng làm cho bằng, gặp việc nhơn đừng nên thua
nhượng, đâu nỡ dần dà trễ nải để lầm một lúc, lỡ muôn đời hay sao? Người
có huyết tánh, chắc không chịu sống làm thây đi thịt chạy, chết đồng
mục nát với cỏ cây. Vậy cư sĩ phải nên cố gắng.Từ
buổi tương ngộ đến nay, thấm thoát đã sáu năm, không những tuyết sương
thay đổi, mà vận nước cũng khác xưa. Cảnh đời vô thường, thật nên thương
cảm! Tiếp được thơ, biết cư sĩ không xao lãng tịnh nghiệp, tôi rất vui
mừng! Nhưng trong thơ thấy nói thân tâm không an vì cảnh nhà thiếu thốn,
hay đau yếu dây dưa mà không an chăng...?
Nếu
cảnh nhà thiếu kém, thiết tưởng cư sĩ nên lui một bước. Phải nghĩ rằng:
giữa đời, người hơn ta vẫn nhiều, song kẻ thua ta cũng không ít; chỉ
cầu khỏi đói lạnh, mơ chi đến giàu sang? Thảng như cư sĩ biết vui theo
số phận, an với cảnh duyên, hãy còn có thể chuyển phiền não thành Bồ Đề,
lo gì không đổi được u buồn thành vui đẹp? Nếu đau yếu dây dưa, nên
thống niệm thân là cội khổ, sanh lòng chán lìa, gắng tu tịnh nghiệp để
cầu quyết sanh về Cực Lạc. Các đức Như Lai đều lấy sự khổ làm thầy mới
thành đạo Phật, chúng ta cũng phải lấy đau bệnh làm thuốc để cầu giải
thoát khỏi nẻo luân hồi. Nên biết phàm phu đủ nghiệp hoặc ràng buộc, nếu
không có những nỗi khổ cơ cùng tật bệnh... tất sẽ theo đuổi theo trường
sắc, thinh, danh, lợi, khó mà buông bỏ. Trong lúc đắc ý như thế, ai
chịu quay đầu nhìn lại, tưởng đến sự chìm đắm về sau ư? Thầy Mạnh Tử
nói: 'Người nào sắp lãnh một trọng trách thiêng liêng, trước tiên phải
nhọc thân, khổ trí, hoặc đói khát, khốn cùng, việc làm thất bại. Có như
thế, kẻ ấy mới rèn luyện được ý chí nhẫn nại, vững bền, tài năng cao
siêu xuất chúng.' Thế thì biết, con người được thành lập, phần nhiều nhờ
nghịch cảnh, và trong trường hợp ấy, ta chỉ nên an lòng thuận chịu mà
thôi. Nhưng trọng trách của thầy Mạnh nói, chỉ là tước vị ở đời, mà còn
phải khổ nhọc như thế mới làm nên; huống nữa kẻ phàm phu thấp thỏi như
chúng ta, muốn gánh vác công việc trên thành đạo Phật, dưới độ chúng
sanh đó ư! Nếu như không bị một chút điên đảo vì nghèo bệnh, thì tình
trần lừng lẫy, tịnh nghiệp khó thành, gương lòng sẽ bị tối mờ, nhiều
kiếp trôi lăn trong ác đạo, sự giải thoát buổi tương lai chưa biết đâu
là kỳ hạn!
Người xưa đã bảo: 'Ví chẳng một phen sương thấm lạnh. Hoa mai chi dễ thoảng mùi hương!' Lời này là ý tứ trên đây vậy.
Cư
sĩ nên bền chí niệm Phật để mau tiêu túc nghiệp, chớ sanh lòng phiền
não rồi oán trời trách người, cho nhân quả là hoang đường, chê Phật Pháp
không linh nghiệm. Nên biết chúng ta từ vô thỉ đến nay, gây nghiệp ác
vô lượng vô biên, như Kinh Hoa Nghiêm nói: 'Giả sử nghiệp ác có hình
tướng, mười phương hư không chẳng thể dung chứa hết.' Thế thì sự tu trì
lơ là chút ít, đâu dễ dứt trừ hoặc chướng hết được. Đức Thích Ca, A Di
Đà vì thương xót chúng sanh không đủ sức dứt nghiệp, riêng mở pháp môn
'nương nhờ Phật lực, đới nghiệp vãng sanh.' Ân đức ấy thật vô cùng rộng
lớn, dù trời đất cha mẹ cũng khó sánh trong muôn một. Vậy cư sĩ nên hết
lòng sám hối, tự có thể nhờ Phật gia bị khiến cho nghiệp tiêu, thân tâm
yên ổn. Như bệnh khổ bức bách không thể nhẫn chịu, thì hôm sớm ngoài
thời niệm Phật, cư sĩ nên chí thành niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Vì
với bổn nguyện tầm thinh cứu khổ, Bồ Tát hiện thân khắp mười phương quốc
độ; chúng sanh trong lúc nguy biến nếu có thể trì tụng kính lạy, Ngài
sẽ tùy cơ cảm mà giúp đỡ, khiến cho thoát khổ được vui.
Chư Tổ Tịnh Độ - Ấn Quang Đại Sư
Về
môn Niệm Phật, tuy giản dị nhưng rất rộng sâu. Điều cần yếu là phải chí
thành tha thiết, thì đạo cảm ứng mới thông nhau, hiện đời mới được sự
lợi ích chân thật. Nếu bê trễ biếng lười, không chút chi kính sợ, tuy
cũng gieo nhân giải thoát về sau, nhưng quả báo của tội khinh lờn thật
không thể tưởng nghĩ! Dù có chút ít phước dư khỏi đọa vào ác đạo, được
sanh về cõi trời, người, cũng quyết khó dự nơi Liên Trì hải hội.
Đến
như tượng Phật, phải tôn kính như Phật sống không nên xem là đất, gỗ,
giấy, đồng. Kinh điển là thầy của chư Phật ba đời, là pháp thân xá lợi
của Như Lai, cũng phải kính như Phật, không nên xem là loại giấy mực.
Khi đối trước kinh tượng, phải như tôi trung thờ chúa thánh, con thảo
đọc di ngôn. Được như thế tội nghiệp nào không tiêu, phước huệ nào chẳng
đủ? Hiện nay hàng sĩ phu học Phật vẫn nhiều, song hầu hết đều đọc văn
giải nghĩa để cung cấp cho nguồn biện luận, tỏ ra mình là một nhà thông
hiểu giáo lý; xét về chỗ chí thành cung kính, y giáo tu trì, thật là ít
có người! Tôi thường cho rằng: Muốn được sự thật ích của Phật Pháp, phải
tìm nơi lòng cung kính. Có một phần cung kính thì tiêu một phần tội
nghiệp, thêm một phần phước huệ, hai ba phần cho đến mười phần cung kính
cũng như vậy. Trái lại, nếu càng khinh thường thì tội chướng càng thêm,
phước huệ càng suy giảm. Như thế chẳng đáng kinh sợ đau tiếc lắm ư? Khi
gặp bè bạn, cư sĩ nên đem ý này khuyên bảo nhau, đó là một món pháp thí
rất lớn. Pháp môn Tịnh Độ, như thông hiểu được, vẫn là điều rất quí,
bằng có chỗ chưa rõ, cũng cứ tin chắc lời của Phật, Tổ chớ nghi ngờ,
nghi thì cùng với Phật cách xa, khi lâm chung quyết khó được tiếp dẫn.
Cổ đức cho rằng: 'Pháp môn Tịnh Độ chỉ có Phật với Phật mới rõ cùng tận,
bậc đăng địa Bồ Tát cũng không thể thấu hiểu hết.' Như bậc đăng địa Đại
Sĩ còn không thể thấu hiểu hết, ta đâu nên đem tâm lượng phàm phu mà ức
đoán sai lầm ư? Nếu muốn nghiên cứu, nên xem Tịnh Độ Thập Yếu; quyển
này do ngài Ngẫu Ích Đại Sư rút những tinh hoa trong các kinh sách Tịnh
Độ soạn ra, rất hợp thời cơ, đáng liệt vào bậc nhất. Mở đầu quyển là tập
Di Đà Yếu Giải, từ trước đến giờ về Kinh A Di Đà, chỉ có những lời chú
thích này là siêu tuyệt, phải tuân giữ không nên khinh thường. Người
thông minh đời nay, tuy học Phật Pháp nhưng vì chưa gần gũi với bậc cụ
nhãn tri thức, nên hầu hết đều chuyên trọng lý tánh, bác bỏ sự tu và
nhân quả. Họ đâu biết, nếu sự tu nhân quả đã mất, lý tánh cũng không
còn. Lại có những kẻ tài cao, văn từ quỉ thần kinh động mà xét đến hành
vi thì không khác chi hạng vô trí thức, truy nguyên đều do bác bỏ sự tu
nhân quả mà ra. Mối tệ ấy khiến cho nhiều người lầm lạc noi theo, đó là
dùng thân báng pháp, tội lỗi không ngằn! Bậc thượng trí thấy thế càng
thêm xót thương đau đớn! Bộ Pháp Uyển Châu Lâm nói rõ nhân quả, sự lý
đều đầy đủ, những tích báo ứng cũng tinh tường, có thể khiến cho người
xem kinh sợ, dù ở nơi nhà tối cũng như đối trước Phật, trời, không dám
khởi niệm ác. Với bộ này, bậc thượng, trung, hạ đều được lợi ích, chắc
không đến nỗi lầm đường, chấp lý bỏ sự mà theo thói tà vạy, ngông cuồng.
Ngài Mộng Đông đã bảo: 'Người khéo nói tâm tánh, quyết không bỏ nhân
quả; kẻ tin sâu nhân quả tất rõ suốt tâm tánh, đó là lẽ đương nhiên.'
Lời của Ngài là một chí luận ngàn đời, cũng là mũi kim đâm trên đỉnh đầu
những kẻ cuồng huệ.
Bộ
Pháp Uyển, các nơi lưu thông Phật Pháp đều có bán. Về sự lợi ích, khi
đọc xong sẽ tự rõ, cư sĩ nên khuyên tất cả bạn tri giao mua xem. Mùa thu
rồi, lệnh đệ lên viếng Phổ Đà, tôi có đem những điều thành kỉnh để
khuyên nhau, nhưng không biết y có cho lời tôi là thiết thực chăng?
Được
thơ, xem qua dễ khiến cho người vui đẹp! Thuở xưa Cừ Bá Ngọc đến năm
mươi tuổi, nhìn lại năm bốn mươi chín, thấy mình còn sai lầm. Đức Khổng
Tử lúc gần bảy mươi, ước được sống thêm lâu để học tinh tường bộ Kinh
Dịch, cho khỏi điều lỗi lớn. Sự học của thánh hiền thật đã đi cùng đến
chỗ khởi tâm động niệm! Học giả đời nay ưa theo từ chương, ít ai nghĩ
đến điểm chánh tâm, thành ý. Bởi thế, tuy trọn ngày đọc sách mà không rõ
ý chỉ của thánh hiền, ngôn ngữ hành vi so với chỗ học trái rất xa, như
sáng, tối, vuông, tròn không thể cùng dung hợp. „y là chưa nói đến lỗi
lầm của tâm niệm, nếu kể ra được thì biết bao nhiêu!nguoiphattu.com
Kinh
Phật dạy người thường tu phép sám hối, để kỳ cho dứt hết vô minh, thành
đạo Bồ Đề. Cho nên, đức Di Lặc tuy đến ngôi đẳng giác, còn phải ngày
đêm sáu thời lễ mười phương Phật, để cầu vô minh hết sạch, tròn chứng
pháp thân, huống nữa là hạng phàm phu nghiệp lực sâu nặng ư? Nếu không
biết hổ thẹn, sám hối, tuy bản tánh đồng với chư Phật, nhưng bị hoặc
nghiệp che lấp, không thể hiển hiện, ví như tấm gương báu lâu đời, chẳng
những không ánh sáng mà thể gương cũng bị khuất mất. Nếu biết gương sẵn
tánh sáng, gia công lau chùi mãi, ánh sáng lần phát cho đến khi rực rỡ
cùng cực, thành ra một vật rất quí trong đời. Nên biết ánh sáng ấy sẵn
có, không phải lau chùi mà được, nếu được thì lau đá gạch cũng ưng chói
sáng. Lại phải biết gương tuy sẵn đủ ánh sáng, nhưng nếu không lau chùi
thì cũng không thể chói sáng được. Tâm tánh chúng sanh cũng thế, tuy
đồng với Phật, nhưng nếu chẳng đổi dữ làm lành, bỏ trần hiệp giác, thì
tánh đức sẵn đủ không thể lộ bày. Đem tâm thức sẵn đủ tánh Phật tạo nên
nghiệp khổ nhiều kiếp đắm chìm, cũng như nhà tối có chứa của báu, đã
không dùng được lại bị tổn thương, há chẳng đau tiếc lắm ư? Pháp môn
Niệm Phật chính là phép mầu bỏ trần hiệp giác trở lại cội nguồn vậy.
Người tại gia vì bị việc đời ràng buộc, khó nỗi ở trong tịnh thất tham
thiền tụng kinh, với pháp môn này rất là tiện lợi. Mỗi người đều có thể
tùy sức tùy phần lễ tụng trì niệm để hồi hướng vãng sanh. Ngoài giờ khóa
tụng chánh thức, khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, ăn cơm,
mặc áo, tất cả thời, tất cả chỗ, đều nên niệm Phật. Nhưng, ở nơi sạch
sẽ, khi nghiêm kính, niệm thầm hay ra tiếng đều được. Nếu ở chỗ không
sạch sẽ (như nơi đại tiểu tiện), hoặc khi không nghiêm kính (như lúc ngủ
nghỉ, tắm gội), chỉ nên niệm thầm. Khi nằm nghỉ, nếu niệm ra tiếng, đã
không cung kính lại lao hơi, lâu ngày thành bịnh. Niệm thầm công đức
đồng như niệm ra tiếng, nhưng cần phải rõ ràng, tha thiết và đừng xao
lãng.
Cư
sĩ biết phát lộ sám hối điều ấy rất hợp với pháp môn Tịnh Độ, vì lẽ tâm
tịnh thì cõi Phật mới thanh tịnh. Nhưng đã sám hối, tất cả phải sửa lỗi
làm lành, nếu không thì thành ra nói suông chẳng được thật ích. Đến như
muốn không tham luyến cảnh ngoài, chuyên niệm Phật, được nhất tâm, cũng
chẳng có pháp chi kỳ lạ, chỉ đem một chữ chết dán nơi đầu, treo nơi
lông mày, thường nghĩ rằng: 'Ta từ vô thỉ đến nay, gây nghiệp ác không
lường, không ngằn, giả sử nghiệp ấy có hình tướng, mười phương hư không,
chẳng thể dung chứa. Duyên đâu may mắn, nay được thân người lại nghe
Phật Pháp, nếu không một lòng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, khi hơi thở
dứt rồi, do nghiệp ác cũ chắc khó khỏi sa đọa vào địa ngục. Chừng ấy
phải chịu những sự khổ cùng cực, như vạc dầu lò lửa, rừng kiếm non đao,
không biết trải bao nhiêu kiếp mới xong. Khi ra khỏi địa ngục, bởi
nghiệp chưa dứt, lại đọa vào loài ngạ quỉ, bụng rất to lớn, cổ họng nhỏ
như cây kim, trong miệng thường tuôn ra lửa, nhiều kiếp đói khát, không
nghe được tên nước uống, cùng không có lúc tạm no lòng. Hết kiếp ngạ
quỉ, lại đọa vào nẻo súc sanh, hoặc để cho người dùng cỡi chở, hoặc bị
bán vào lò thịt. Khi được làm người thì ngu si không trí, dễ bề tạo
nghiệp, khó nỗi làm lành, chẳng mấy lúc lại bị đọa nữa. Nghiệp cũ trả
chưa xong đã tạo nghiệp mới, cứ mãi luân hồi trong sáu đường trải qua
kiếp số nhiều như bụi nhỏ, mênh mang biển khổ không biết đâu là bến bờ.'
Nếu thường xét nghĩ như thế, sự tu hành sẽ được chuyên nhất. Thuở xưa
Thương Thiện Hòa, Trương Chung Quì lúc sắp chết, tướng địa ngục hiện,
niệm Phật vài tiếng, liền thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sanh. Sự lợi ích
như thế, trọn một đời giáo hóa của Phật, trong trăm ngàn muôn ức pháp
môn, chỉ thấy ở môn Niệm Phật. Tôi thường cho rằng: 'Chín cõi chúng sanh
rời pháp nầy, trên khó nỗi viên thành quả giác. Mười phương chư Phật bỏ
pháp môn này, dưới không thể độ khắp quần mê.' Nếu cư sĩ lòng tin thấu
đáo, tha thiết vì sự sanh tử không móng một niệm nghi hoặc, thì tuy chưa
ra khỏi đời ác trược, đã chẳng phải là người ở lâu trong cõi Ta Bà, tuy
chưa đến Liên bang, nhưng sẽ là khách mới của miền Cực Lạc. Từ đây, khi
thấy người hiền phải gắng làm cho bằng, gặp việc nhơn đừng nên thua
nhượng, đâu nỡ dần dà trễ nải để lầm một lúc, lỡ muôn đời hay sao? Người
có huyết tánh, chắc không chịu sống làm thây đi thịt chạy, chết đồng
mục nát với cỏ cây. Vậy cư sĩ phải nên cố gắng.nguoiphattu.com
Lại,
niệm Phật tuy quí ở chuyên nhất, nhưng cư sĩ trên còn cha mẹ, dưới có
vợ con, đành rằng không nên quá vọng cầu sự giàu sang, song bổn phận
trong gia đình cũng lo sao cho tròn, không phải tu hành là bỏ tất cả.
Nếu bỏ tất cả mà cha mẹ vợ con không thiếu thốn thì được, bằng chẳng
thế, đã trái với đời lại trái với đạo, điều ấy cũng nên biết qua. Phận
làm con, phải đem sự tu hành khuyên cha mẹ, nếu song thân biết niệm
Phật, được sanh về Tây Phương thoát nẻo luân hồi, thì đạo hiếu ở đời
không sao sánh kịp. Như có kẻ nào đem pháp môn Tịnh Độ khuyên nhiều
người tu niệm thì công đức giáo hóa sẽ về phần mình, sen vàng buổi tương
lai chắc ở nơi thượng phẩm.
Ấn Quang Ðại sư khai thị Cư sĩ Đặng Bá Thành
Việt dịch:
HT.Thích Thiền Tâm