Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tổ Đình Tường Vân – Lịch Sử – Văn Hóa Và Kiến Trúc Trong Hệ Thống Thiền Môn Xứ Huế
23/09/2012 15:48 (GMT+7)


Từ buổi hừng đông, chùa không phải được khởi thuỷ dưới dạng một thảo am, do một vị thiền sư khai sơn. Trái lại, chùa đã được cả hai giới xuất gia và tại gia hộ pháp mạnh. Giới xuất gia gồm có nhiều vị thiền sư đạo cao đức trọng; giới tại gia gồm nhiều thành phần vương tôn, công tử và nữ lưu đại quý tộc của hoàng triều ngoại hộ hết mình. Cho nên, chúng tôi theo một cấu trúc khác để viết về chùa Tường Vân.

Chùa Tường Vân hiện nay toạ lạc trên vùng đồi núi làng Dương Xuân thượng. Theo đường Điện Biên Phủ quá chùa Từ Đàm, rẽ về phía tay phải, đi theo một con đường đất khoảng 4, 5 trăm mét thì đến chùa. Địa điểm này tuy đã có từ trước, nhưng thực sự có chùa Tường Vân ơ đây chỉ kể từ năm Tự Đức thứ 22 (1869) đến nay .

 

Tường Vân - nhìn từ chính điện xuống

Nguyên lai, ngài Đạo Minh Phổ Tịnh ở Tổ Đình Thuyền Tôn ra sung chức Tăng Cang chùa Báo Quốc thì ngài có nhiều để tử đắc pháp như :Tánh Thiện An Cư, Tánh Thiên Nhứt Định ,Tánh Hoạt Huệ Cảnh …Khi ngài Tánh Thiên Nhất Định từ dịch chức Tăng Cang chùa Giác Hoàng (1) và chức chú trì Linh Hữu Quán để về lập An Dưỡng Am hay còn gọi là Tây Am ở núi Dương Xuân tức chùa Từ Hiếu hiện nay, thì ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh lập thảo am Tường Vân tại núi Cư Sĩ (còn gọi Đông Am ở Dẫn Khiêm). Ngài họ Lê người làng La Chữ huyện Hương Trà. Sinh năm mậu ngọ (1798), đồng niên xuất gia, thế độ với Hoà Thượng Phổ Tịnh ở chùa Báo Quốc, pháp danh Tánh Hoạt tự Đức Giai. Đến năm Gia Long 15 (1816) Hoà Thượng bổn sư viên tịch nên sau đó Ngài phải cầu pháp với Hoà Thượng Tế Chánh Bổn Giác. Năm Minh Mạng 13 (1832) được Hoà Thượng Bổn Giác phú pháp với bài kệ:

Thị pháp bổn lai như thị pháp
Vô danh triển chuyễn cưỡng an danh
Nhữ kim liễu tánh vô ngôn thuyết
Thỉ giác như tư Huệ Cảnh minh.

Năm 1839 làm trú trì chùa Tường Phước. Năm 1843 sung chức trú trì chùa Thánh Duyên, năm Tự Đức 3 (1850) xin hồi hưu lập am để tu tập. Năm Tự Đức 8 (1855) phú pháp cho Ngài Linh Cơ Hải Toàn, năm Tự Đức 19 (1866) phú chúc cho ngài Linh Cơ trú trì chùa Tường Vân và rồi thị tịch vào giờ ngọ ngày 13.4 cùng năm.

Khi Ngài lập thảo am Tường Vân thì Tùng Thiện Vương cũng năng lui tới nơi đây, ông là một nhà thơ lớn dưới triều Tự Đức, rất thích cảnh thiên nhiên và mến mộ chốn thiền môn. Trong lúc đó, Ngài Tánh Huệ Nhất Chơn, sung chức tăng cang chùa Thiên Mụ lại đang ở chùa Từ Quang do ngài khai sơn, cách Đông Am, còn gọi là “thảo am Tường Vân” khoảng mười dặm (lí). Như vậy, các ngài Tánh Thiên Nhất Định, Tánh Hoạt Huệ Cảnh và Tánh Huệ Nhất Chơn là pháp huynh pháp đệ đồng bổn sư là Hoà Thượng Đạo Minh Phổ Tịnh. Mỗi Ngài đều có thảo am riêng, các thảo am ấy ở rất gần nhau.

Ngài có một đệ tử sáng chói đã có thể kế thế trụ trì thảo am Tường Vân là đại sư Hải Toàn Linh Cơ, Tăng Cang chùa Giác Hoàng. Trong khi ngài tánh Thiên Nhất Định có được hai đệ tử là ngài Hải Thuận Lương Duyên, Tăng Cang chùa Báo Quốc và ngài Hải Thiệu Cương Kỷ kế thế trủ trì Tổ Đình Từ Hiếu; thì ngài Tánh Huệ Nhất Chơn lại không có đệ tử đắc pháp để truyền thừa. Cho nên khi tại thế, ngài Nhất Chơn đã dặn dò đồ chúng và tông môn là sau khi ngài “bỏ dép quy Tây” thì giao chùa Từ Quang lại cho ngài Hải Toàn Linh Cơ quản nhiệm, chăm sóc hương khói và làm nơi tu tập… Được ngài Hải Thuận, Tăng Cang chùa Báo Quốc, ngài Hải Thiệu trú trì chùa Từ Hiếu cùng với chư Sơn và môn phái giao cho, ngài Hải Toàn Linh Cơ đã nhận lời phó chúc về ở chùa Từ Quang; còn am cỏ chùa Tường Vân, cạnh núi Dẫn Khiêm gần Từ Hiếu Tự, của bổn sư mình khai sơn thì ngài nhường lại cho Tùng Thiện Quận Vương. Sự kiện này xảy ra tháng 10 năm Tự Đức thứ 22 (1869).

Sau khi được bổn sư truyền giao thảo am Tường Vân và được ngài Hải Thuận Tăng Cang chùa Báo Quốc, ngài Hải Thiệu trú trì chùa Từ Hiếu cùng chư sơn và môn phái đồng uỷ cử ngài Hải Toàn về ở chùa Từ Quang;ngài bèn phối hợp am Tường Vân hợp nhất với chùa Từ Quanglàm lại một mgôi chùa mới, và đặt tên là chùa Tường Vân; nhưng lúc đầu vẫn còn là ngôi chùa tranh. Như vậy, chùa mang tên Tường Vân là ngài Linh Cơ muốn giữ tên cũ thảo am của bổn sư mình, nhưng được xây dựng trên đất chùa Từ Quang cách am cũ khoảng 10 lí, tạo lạc tại làng Dương Xuân hạ. Còn đất am cỏ Tường Vân xưa thì ngài Linh Cơ đã nhường lại cho phủ Tùng Thiện Quận Vương, hiện nay đang còn. Sau đó, đến năm Tân Tỵ (1881) được sự ủng hộ của đàn na bổn đạo và hàng tôn nhơn quý tộc ở triều đình, nhất là vị Tỳ-Kheo-Ni Khiết Bạch, bà Thái Hoàng Thái Hậu Trang Ýcùng các phi tần; ngài Linh Cơ đã trùng tu chùa tranh trở thành ngôi chùa ngói có quy mô hơn cùng với các tự khí và Phật tượng.

Đến năm Canh Dần (1890) trãi qua gần 10 năm ngôi chùa giãi đầu mưa nắng và sau khi ngài Hải Toàn cũng đã xin thôi giữ chức Tăng Cang chùa Giác Hoàng, Ngài liền quyết định Đại trùng tu ngôi phạm vũ. Một mặt mgài đã mộ hoá thập phương bổn đạo, một mặt nhờ sự hỗ trợ của bà Từ Dũ Thái Hoàng Thái Hậu, cùng vơi Hoàng Thái Hậu và các cung nga cung phi, các bậc phu nhân trong triều. Công việc đại trùng tu đến năm sau (1891 tức năm Thành Thái thứ ba) mới hoàn thành. Ngôi chùa trở thành huy hoàng rực rỡ và có tăng bổ thêm ngôi hậu điện. Sau khi hoàn tất, ngài Hải Toàn đã viết thư xin Tuy Lý Quận Vương Miên Trinh viết cho bài văn bia “Trùng Tu Tường Vân Tự Bi” dựng năm Thành Thái thứ 4 (1892)…

Ông Quận Vương Miên Trinh này cũng là pháp huynh pháp đệ với ngài Linh Cơ, vì ông có pháp danh là Hải Tường, đồng hàng chữ “Hải” với ngài Hải Toàn. Đến năm Thành Thái thứ 6 (1896)chùa được “Sắc tứ”. Một tín nữ thuộc hàng đại quý tộc là bà Vĩnh Lại Quận Công phu nhân có pháp danh Thanh Từ, đệ tử của ngài Hải Toàn Linh Cơ, đã tiến cúng bức hoành biển hiệu chùa “Sắc tứ Tường Vân Tự”, hiện nay biển hiệu này đang còn. Ngoài ra chùa còn bức hoành và câu đối đề niên hiệucủa các vua triều Nguyễn từ Thành Thái tới Bảo Đại mà trong tập văn họccủa Thiền môn chúng sẽ được đề cập tới đầy đủ hơn. Năm này cũng là năm xảy ra sự kiện quan trọngtrong lịch sử chùa Tường Vân. Ngay vào sáng mồng một Tết, tháng Giêng năm Bính Thân, Thành Thái thứ 6 (1894), Hoà Thượng Hải Toàn Linh Cơ đã phó pháp cho một đệ tử đặc biệt của mình: ngài Thanh Thái Phước Chỉ với bài kệ:

“Phước chỉ định tâm tĩnh an nhiên,
Xử thế tuý cơ liễu mục tiền
Đạo niệm tinh tu, tình niệm đoạn
Nhữ kim phú pháp vĩnh lưu truyền”.

Ngài Thanh Thái Phước Chỉ có thế danh thuở ấu thời là Nguyễn Huấn, sinh vào giờ Ngọ ngày 5 tháng 5 năm Tự Đức thứ 11 (1858) ở làng Đa Nghi, Quảng Trị. Đồng niên xuất gia, 14 tuổi, ở chùa Diệu Đế với Hoà Thượng Diệu Giác tức là ngài Hải Thuận (Đỗ Lương Duyên). Sau đó, theo lời dạy của Hoà Thượng, Ngài lên sơn am hầu hạ Hoà Thượng Hải Toàn Linh Cơ để học chữ. Ngày mồng 8 tháng 4 năm Tự Đức thứ 35 (1882) cầu bổn sư xuống tóc, lấy pháp danh là Thanh Thái hiệu là Phước Chỉ và được làm trị sự chùa Tường Vân. Tháng 5 đó thọ cụ túc giới với Hoà Thượng Giác Tính ở chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi (2). Tháng 4 năm Thành Thái thứ 6 (1894) tại giới đàn Báo Quốc, Hoà Thượng Hải Toàn Linh Cơ làm giáo thọ, còn đại sư Thanh Thái phước Chỉ làm tôn chứng thứ tư. Thầy trò cùng một chùa mà như thế, người đời cho là hiếm lạ. Khi Hoà Thượng Hải Toàn Linh Cơ viên tịch ,Ngài Thanh Thái Phước Chỉ được tông môn công cư lên kế thế trú trì chùa Tường Vân. Ngài đã trùng tu chùa và làm thêm ngôi tiền đường , tạo cho cảnh chùa Tường Vân thêm khang trang rực rỡ. Giờ Ngọ ngày mồng 5 Tết năm Tân Dậu, Khải Định thứ 6(1926) Ngài “bỏ dép quy Tây “, Thọ 68 tuổi đời, có 44 hạ lạp. Một môn đệ sáng chói của ngài được phú pháp bài kệ:

“Trừng thông tâm pháp bổn đồng nhiên
Phó nhữ chơn thường đạo chí kiên,
Phi hữu phi vô phi sơ kiến ;
Tịch nhiên khai ngộ chủ nhơn tiền “.

Vị Đại sư này chính là ngài Tăng Thống Thích Tịnh Khiết về sau vậy. Đại sư đời thứ 42 dòng Lâm Tế, nhưng là đời thứ 8 thuộc dòng thiền Liễu Quán Nam Hà. Sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão, Tự Đức thứ 34 (1891). Đại sư quán làng Dưỡng Mong, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên; Thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, thân phụ Đại Sư là Nguyễn Văn Toánvà cụ bà là Tôn Nữ Thị Lý. Chín tuổi học chữ Nho, 15 tuổi theo anh là Đại Sư Tịnh Hạnh, về sau lên cầu xuất gia tại chùa Tường Vân với Hoà Thượng Thanh Thái Phước Chỉ. Đại sư Tịnh Hạnh được kế thế làm trú trì chùa tường Vân, năm Ất Hợi (1935) đời vua Bảo Đại triều Nguyễn, Đại Sư viên tịch; ngài Tịnh Khiết thay Pháp huynh kế thế trú trì chùa Tường Vân từ đó cho đến năm 1973 thì viên tịch. Thọ 83 tuổi, có 64 hạ lạp. Trong 40 năm trú trì chùa Tường Vân, Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết, là một bậc Đại Cao Tăng trong thời hiện đại, dã làm nhiều Phật sự lớn lao đối với Phật giáo và Phật giáo đồ Thuận Hoá. Ngài đã làm Giám đốc trường Cao đẳng Phật học mở ở chùa Báo Quốc năm 1940; là Hội Chủ Giáo Hội Tăng Già Trung Việt (1950; rồi được cung thỉnh làm Hội Chủ Hội Phật Giáo Việt Nam (3) kẻ từ 1951 trở về sau; lãnh đạo cuộc đấu tranh hoà bình bất bạo động của Phật Giáo đồ đứng lên chống chính sáchkỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963; đến năm 1964 được toàn thể Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất gồm cả Nam – Bắc tông và tăng tín đồ cung thỉnh lên ngôi vị Tăng Thống của Giáo Hội. Năm 1972, ngài mở cuộc đại trùng tu chùa Tường Vân thành ngôi Tổ đình nguy nga tráng lệ như hiện nay ta đang thấy.

Ngôi chùa Tường Vân hiện nay có một tiền đường và một đại điện kiến trúc theo kiểu trùng thiềm nhưng có cải cách. Đi qua một cổng chùa đồ sộ, người ta đến một khoảng sân, lên mấy bậc tầng cấp thì lại đến một khoảng sân cao hơn. Tiền đường xây dựng trên nền cao. Bảy bậc tầng cấp lên tiền đường kéo dài suốt ba gian, hai đầu có hai con nghê chầu, có những vế đối bằng chữ Hán rực rỡ. Mặt tường hai chái đắp hình nổi diễn tả tích Ngài Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, sát góc ngoài có dựng hai tấm bia ngày xưa nói về những lần trùng tu chùa. Giữa hai tầng mái, vách trùng thiềm chia làm ba khung, mỗi khung có bốn chữ Hán. Các góc mái cong lên, có cù giao đẹp, tua vân kiên chạy dài theo giọt mái ngói. Nóc tiền đường và nóc đại điện kiến trúc rất đẹp. Hai bên có hai con rồng uốn lượn châu mặt vào hình Pháp luân ở giữa.Trong chánh điện, cách thờ tự cũng giản dị. Trước thờ tượng Phật A Di Đà; hàng sau cao hơn, thờ tượng Tam Thế; Địa Tạng Vương được thờ bên phải; Chuẩn Đề nhiều tay được thờ bên trái. Phía hậu tổ chia làm ba án: án giữa thờ ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh và ngài Hải Toàn Linh Cơ; án bên phải chính giữa thờ ngài Thanh Thái, hai bên thờ ngài Tịnh Hạnh và ngài Tịnh Khiết; án bên trái thì chính giữa thờ ngài Tịnh Nhãn, hai bên thờ ngài Vên Quang và ngài Chánh Pháp.

Toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa theo hình chữ khẩu, kiểu kiến trúc của chùa Huế truyền thống gồm chùa, hậu tổ, tăng đường và trai đường khép kín tạo thành một khoảng sân nhỏ ở giữa đặt chậu hoa cây kiểng vừa trông rất thiên nhiên vừa tạo được sinh khí trong chùa.

 

Hồ nước hình bán nguyệt và non bộ trước sân chùa

Tiền đường xây dựng trên nền cao. Bảy bậc tầng cấp lên tiền đường kéo dài suốt ba gian, hai đầu có hai con nghê chầu, có những vế đối bằng chữ Hán rực rỡ. Mặt tường hai chái đắp hình nổi diễn tả tích Ngài Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, sát góc ngoài có dựng hai tấm bia ngày xưa nói về những lần trùng tu chùa.

Giữa hai tầng mái, vách trùng thiềm chia làm ba khung, mỗi khung có bốn chữ Hán. Các góc mái cong lên, có cù giao đẹp, tua vân kiên chạy dài theo giọt mái ngói. Nóc tiền đường và nóc đại điện kiến trúc rất đẹp. Hai bên có hai con rồng uốn lượn châu mặt vào hình Pháp luân ở giữa.

Trong chánh điện, cách thờ tự cũng giản dị. Sau khi qua khỏi minh đường, thì thấy bàn thờ chính; trên đó đức Thích Ca Mâu Ni ở giữa; hai bên là đức Phật A Di Đà và đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Hình ảnh nầy  cũng thường trong đa số những ngôi chùa miền Trung.

Chính điện chùa Tường Vân

Hậu đường thờ chư linh. Bên phải (từ hậu đường nhìn lên hậu tổ) là Tăng xá, gian chính giữa có thiết hương án chạm trổ mỹ thuật nghiêm trang đẻ thờ Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Bức chân dung của ngài thờ trên hương án thật uy nghiêm và đạo hạnh. Đối qua trái là nhà khách. Phần sân vuông ở giữa có bể nước, cây cảnh thiết trí như một vườn hoa tươi. ở Tăng xá đi lên, nhà chùa có thiết lập một nhà lưu niệmgồm có gường nằm, sách vở, kinh Phật; đồ dùng lúc tại thế của Đức Tăng Thống.

 

Bàn thờ hậu đường thờ Tổ sư.

 

 

Nơi thờ Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết

 

Khu tháp mộ - nơi an nghỉ của Đức tăng Thống Thích Tịnh Khiết

Vào khoảng trước năm 1940, Hoà Thượng Trừng Thông – tức là Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết về sau – đã phú pháp cho một dệ tử lỗi lạc là ngài Tâm Ấn Viên Quang với bài kệ:

“Tâm Ấn Viên minh ngộ đạo tiên
Tham thiìen liễu đạt thấu chân nguyên
Niêm hoa phó nhữ Như Lai Tạng
Tục diệm huệ đăng vạn cổ truyền”.

Ngài Tâm Ấn tự Vĩnh Thừa hiệu Viên Quang đã khai sơn chùa Châu Lâm vào năm 1940; năm sau 1941, ngài làm trú trì chùa Từ Đàm. Sau khi ngài Tịnh Khiết “cởi dép quy Tây”, Hoà Thượng Tâm Ấn đã kế vị trú trì chùa Tường Vân một thời gian ngắn thì viên tịch; Hoà Thượng Chánh Pháp kế tục trú trì. Khi ngài Chánh Pháp viên tịch Hoà Thượng Thích Minh Châu là đệ tử của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết được suy cử kế tục làm trú trì cho đến hiện nay.

Hiện nay, chùa Tường Vân là một ngôi chùa rất trang nghiêm bề thế giữa chốn kinh kỳ, và là một trong những ngôi Tổ Đình lớn của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên – Huế.

(theo Liễu Quán Huế)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang