Ngoài nét cổ kính vốn có, chùa Đậu còn thu hút du khách, phật tử tìm đến bởi hai pho tượng táng độc đáo của chú cháu thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (hình ảnh trên là trước khi khôi phục)
Đây là hai vị Thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kỹ thuật truyền thống như : bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983. Tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại |
Điều hấp dẫn nhất các phật tử và du khách ở chùa Đậu chính là 2 pho tượng chú cháu nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tích xưa truyền rằng, hai vị sư sống tại chùa Đậu vào khoảng thế kỷ 17. Khi đã thấy mình có thể đạt tới “cảnh giới,” hai người mang theo một chum nước uống, chum đựng dầu thắp rồi vào trong am để tụng kinh, niệm Phật.
Trước khi nhập am, hai vị thiền sư dặn các đệ tử rằng: Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa thì mở cửa am ra. Nếu thi thể còn nguyên vẹn, thì lấy sơn bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am lại.
Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, các đệ tử mở cửa am ra thì thấy hai nhà sư vẫn ngồi thiền nhưng đã “tịch” và không bốc mùi hôi thối... Họ bèn làm đúng theo lời dặn, dùng sơn ta bả lên người.
Đến nay, bằng các phương pháp khoa học, các nhà khảo cổ đã xác định đây là một cách ướp xác độc đáo, chưa giải thích nổi. Điều này càng làm người dân tin rằng hai thiền sư đã "đắc đạo" thành Phật, và ngôi chùa càng trở lên linh thiêng. Hàng năm, họ đều đến cúng bái và mong cầu được bình an.
Trải qua nhiều thăng trầm, chùa còn giữ được khuôn viên rộng hơn 4.000m2 với những mái chùa cổ kính, sách đồng, quả chuông đúc năm 1801 (thời Tây Sơn), khánh đồng đúc năm 1774, nhiều bia đá có niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18…
Ngoài ra trong chùa còn nhiều viên gạch lớn thời nhà Mạc và một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566 - 1577).
Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Theo văn bia tu tạo dựng năm Dương Hoà đời thứ 5 thì ngôi chùa này được tôn tạo vào thời nhà Lý, thế kỷ thứ 11.
Chùa được xây dựng kiểu "nội công ngoại quốc". Tam quan chùa là một gác chuông đẹp, hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá.
Qua tam quan là một sân gạch rộng, hai bên có hai tòa giải vũ làm nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương.
Tiền đường phía trước, nối liền với hai dãy hành lang hai bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa thiêu hương và điện thờ Bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ.
Theo nghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, vào chiều ngày 7 tháng Giêng, quang cảnh trong chùa Đậu mọi khách thập phương đến lễ rất đông và rất trật tự. Nhưng phía đường từ ngoài vào chùa thì an ninh trật tự vô cùng lộn xộn. Hàng quán, bán rong lấn chiếm con đường nhỏ dài khoảng 300 mét gây ách tắc giao thông. Các trò chơi mang tính chất sát phạt ăn tiền vẫn công khai hoạt động.
Trong khi đó, cả khoảng sân rất rộng của chùa, nơi có gác chuông cổ rất đẹp lại được tận dụng làm nơi trông giữ xe máy, nghĩa là xe máy được đi vào tận sân chùa trên con đường rất nhỏ, làm phá vỡ sự tôn nghiêm cảnh chùa.
Sự việc lễ hội Chùa Đậu tổ chức kém đã được báo chí nêu từ nhiều năm nay, rất mong ban tổ chức có những phương án điều chỉnh kịp thời để đón phật tử, du khách đến với lễ hội an toàn, tôn nghiêm.
Chí Cường