Báu vật ấy là kho "Mộc bản thư khố" đồ sộ
nhất Việt Nam gồm tổng số 3.050 bản khắc gỗ có niên đại hơn 300 năm
trước, đang được các cơ quan chức năng ở Bắc Giang và Trung ương tiến
hành lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên
hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản tư liệu thế giới. Tôi may mắn
một lần được chiêm ngưỡng tinh hoa văn hóa ấy…
Những báu vật vô giá
Chùa Vĩnh Nghiêm cách thành phố Bắc Giang chừng 20km
về phía Đông Nam, tọa lạc trên một gò đồi nhỏ, nơi hợp lưu của hai dòng
sông Thương và Lục Nam, có tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự, xa xưa gọi là
Chúc Thánh thiền tự, nhưng dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức
La theo tên làng. Kiến trúc chùa được coi là kinh điển của phong cách
chùa cổ miền Bắc, sân lát gạch đỏ, khắp các lối đi bóng cổ thụ rợp mát.
Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, chùa được khởi dựng từ
những năm vua Lý Thái Tổ trị vì (năm 1010 - 1028), và đã là một trong
những trung tâm của Phật giáo suốt thời Lý. Đến thời Trần, ba vị Tổ của
thiền phái Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và
Huyền Quang tiếp tục mở rộng quy mô, và chọn Vĩnh Nghiêm làm nơi đào
luyện tăng đồ Phật giáo.
Suốt 7 thế kỷ, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những nơi
lưu giữ và in ấn kinh điển cho Phật giáo Việt Nam. Bắt đầu từ thời vua
Lê Cảnh Hưng (thế kỷ XVII) đến triều vua Nguyễn Thành Thái (thế kỷ
XIX), tàng kinh các được bổ sung một hệ thống mộc bản lớn để in ấn kinh
sách. Với kho tàng còn lưu giữ được đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm mặc
nhiên trở thành ngôi chùa có tàng kinh các quy mô lớn nhất, đồ sộ nhất
và quý giá nhất của nước ta.
|
Một góc tàng kinh các chùa Vĩnh Nghiêm. |
Đại đức Thích Thanh Vịnh lần túi áo vải lấy ra một
chùm chìa khóa có treo chiếc túi lụa hình trám màu vàng và dải tua rua
đỏ, dẫn chúng tôi đến tàng kinh các. Đó là hai dãy nhà gỗ, mái ngói cổ
có hình mái đao rất đẹp, nền đất nện chắc đã ngả màu đen nhánh, là tam
bảo và nơi thờ ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nhưng cũng là nơi chứa
các mộc bản kinh sách. Không khí mát lạnh, mùi hương trầm và thái độ
thành kính của mỗi người như làm cho tàng kinh các thêm thâm nghiêm.
Chúng tôi xúm vào giúp Đại đức Thích Thanh Vịnh mở
những chiếc tủ gỗ lim đã ngả hết màu son sơn vàng thếp, có các song gỗ
vừa chắc chắn vừa thông thoáng. Nhà sư cho biết: "Chiếc khóa sắt chỉ là
do nhà chùa mới làm để bảo vệ kinh sách thêm an toàn thôi, còn bản thân
kết cấu của mỗi chiếc tủ đã tự có hệ thống khóa, không phải ai cũng mở
ra được. Cánh cửa nào mở trước, thanh giằng nào, mộng nào thật hay
giả, từ trên xuống dưới hay từ trái qua phải, hoặc đồng thời cả hai ba
bộ phận, đều được các bậc thầy về nghề mộc thiết kế riêng rất công phu
cho tủ sách. Và nữa, tủ chứa kinh Phật, tủ chứa trước tác của Tam tổ,
tủ chứa giới luật, sách thuốc…, đều có quy định theo hoa văn phía trên
mái tương ứng, có khuôn phép, chuẩn mực. Trước đây, mộc bản được cất
giữ trên các giá gỗ ở nhà kho của chùa. Các tủ này đều làm bằng lim, do
nhà sư trụ trì cho làm từ đầu thế kỷ XX, thời nhà Nguyễn, có cả thảy
bảy chiếc lớn nhỏ".
Rồi cũng đến lúc chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng,
tận tay nâng niu các báu vật trị giá liên thành ấy. Đại đức Thích Thanh
Vịnh vừa chỉ cho chúng tôi xem các tấm mộc bản hình chữ nhật màu đen
nhiều kích cỡ, hai mặt dày đặc các con chữ và hình minh họa, vừa cặn kẽ
giải thích cho chúng tôi về nội dung và ý nghĩa của nó. Ngoài giá trị
về nội dung của các bản khắc chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nôm này, thì ngay
hình thức mỗi bản khắc cũng mang một giá trị văn hóa độc đáo.
Theo nhà sư trụ trì, nguyên liệu chế tác các bản khắc
đều là gỗ thị, chủ yếu khai thác từ vườn chùa. Loại gỗ này rất mềm,
mịn, dai, ít cong vênh, khó nứt vỡ khi còn tươi nên rất dễ khắc. Khi
bản khắc đã khô, thì lại rất cứng và khi in ít bị nhòe. Các nghệ nhân
chế tác đều là những người thợ tài hoa nhất đến từ các phường mộc Kinh
Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương) được mời đến thành
nhiều đợt, ngày đêm kỳ công chạm khắc.
|
Ông Brad Crittenden, Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (giữa) đang tìm hiểu về mộc bản cổ. |
Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết: "Công việc chế tác
các bản khắc được tiến hành suốt mấy trăm năm, trải qua 59 đời trụ trì,
dẫu có lúc liên tục, lúc ngừng nghỉ. Không thể nói hết công phu tâm
huyết của người thợ. Không chỉ giỏi tay nghề, các nghệ nhân này còn phải
giỏi cả chữ Nho, đặc biệt là phải thiện tâm và tâm huyết với công
việc. Mỗi bản khắc của người thợ giỏi nhất, nhanh nhất cũng mất hơn hai
tháng, và nếu sai một hai chữ là phải hủy đi, khắc lại. Có hai nghệ
nhân Nguyễn Nhân Minh và Phó Nền còn lưu danh trên ván khắc. Có người
thợ dành cả đời mà vẫn chưa khắc xong trọn một bộ kinh. Có hiệp thợ
phải mất ba đời mới hoàn thành một bộ. Riêng bộ kinh Hoa Nghiêm với hơn
2.000 bản khắc, phải mất hai phần thế kỷ, 70 năm, thì mới hoàn thành.
Hiện nay, việc khôi phục mộc bản là rất khó khăn, bởi nhà chùa đã từng
mời nghệ nhân mộc rất giỏi chữ Nho ở Trung Quốc khắc thử nhưng không
thành công vì bản khắc mới không thể nào tài hoa, tinh tế như các bản
khắc cũ".
Cần bảo tồn có hiệu quả hơn
Bên bộ tràng kỷ cổ mộc mạc dưới mái hiên trai đường
rợp bóng mát, Đại đức Thích Thanh Vịnh chậm rãi chuyên trà mời khách.
Biết khách quan tâm đến tàng kinh các, lại nhận được sự "cậy nhờ" của
lãnh đạo ngành văn hóa địa phương, câu chuyện của vị đại đức gầy gò
trong bộ nâu sồng lụng thụng này về kho kinh sách quý báu dần cởi mở
hơn. Nhà sư lật đật vào trai phòng, mang ra một chồng sách cổ, cuốn nào
bìa gáy cũng đã sờn, giấy bản nhiều trang bị ố, rách, nhưng nét mực in
vẫn còn khá rõ ràng, sắc nét.
Hai tay cẩn trọng lật giở từng trang giấy mỏng, Đại
đức Thích Thanh Vịnh tâm sự về nỗi lo lớn nhất của mình: "Kinh sách đã ố
hỏng hết rồi, vì thời gian đã quá lâu. Dẫu nhà chùa đã bảo quản hết
sức cẩn thận. Hàng trăm cuốn kinh sách cổ với rất nhiều nội dung về
Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế và sự nghiệp của
nhiều vị cao tăng; về y dược, tư tưởng, văn hóa…, được viết bằng chữ
Hán và chữ Nôm, đang có nguy cơ bị mất đi. Nhà chùa nhìn thấy nguy cơ
mà chưa có cách gì cứu vãn".
Trong nhóm đến vãn cảnh chùa của chúng tôi, có ông
Brad Crittenden, Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, một tổ chức phi
Chính phủ, phi lợi nhuận có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, do Giáo sư, nhà thơ
John Balaban (người đã dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh) sáng lập
và làm Chủ tịch danh dự. Hiện ông Brad Crittenden đang tích cực hợp tác
cùng nhiều cơ quan, nhà nghiên cứu của Việt Nam để bảo tồn chữ Nôm, một
trong số đó là phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam triển khai Dự
án số hóa kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm. Đón tập sách cổ từ tay
Đại đức Thích Thanh Vịnh, ông Brad Crittenden mân mê hồi lâu, rồi lặng
ngồi, từ tốn nói: "Chúng tôi sẽ quan tâm về vấn đề này. Sau khi bàn
bạc với các thành viên của Hội, chúng tôi sẽ sớm trở lại, cố gắng tìm
cách bảo tồn các thư tịch này".
Chúng tôi chia tay tàng kinh các chùa Vĩnh Nghiêm sau
bữa cơm chay ăn mày cửa Phật, với nhiều điều ấp ủ. Điều đáng mừng, sau
lần tận mắt chiêm ngưỡng tàng kinh các chùa Vĩnh Nghiêm, ông Brad
Crittenden, Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm đã có những động thái
tích cực thực hiện lời hứa của mình, trong việc trở lại Việt Nam tiến
hành số hóa các tài liệu chữ Nôm tại Vĩnh Nghiêm.
Và theo những thông tin ngoài lề, được biết, ngành văn
hóa Bắc Giang đang có ý tưởng xây dựng một tàng kinh các mới xứng đáng
để tôn vinh mộc bản và giới thiệu với du khách. Thiết nghĩ, việc bảo
quản mộc bản vẫn nên theo phương pháp truyền thống, và chỉ trưng bày các
hiện vật mô phỏng với chất liệu phù hợp, hình thức tương đồng. Đó có
thể là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản
vô giá này.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam): Thế hệ trẻ sẽ phát huy giá trị thiết thực của tàng kinh các
"Chúng tôi đã trình gửi đến cơ quan chức
năng tỉnh Bắc Giang một phương án phát huy giá trị thực tiễn của tàng
kinh các chùa Vĩnh Nghiêm trong thời đại mới, điểm nhấn là phát triển
du lịch văn hóa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là
các em học sinh, sinh viên. Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng một tàng
kinh các mới trong khuôn viên chùa, tôn trọng theo kiến trúc và phong
cách xây dựng đình chùa miền Bắc truyền thống, giới thiệu những mộc bản
mô phỏng, quy trình nghề mộc và in ấn xưa, mà các em có thể trực tiếp
tham gia vào từng công đoạn. Bên cạnh đó là sự kết hợp với du lịch văn
hóa, cộng đồng, với lợi thế về văn hóa, tâm linh, ẩm thực, vui chơi…
trong khuôn khổ chùa và làng Đức La nói riêng, mà tỉnh Bắc Giang đang
rất chú trọng.
Bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang: Kho mộc bản có giá trị liên thành
Trong tổng số 3.050 bản khắc gỗ tại chùa
gỗ Vĩnh Nghiêm, có Bộ Kinh Hoa Nghiêm gồm hơn 2.000 bản gỗ, có ghi lời
Phật dạy: "Muôn đức hạnh của con người cũng như hoa của đất, đem hoa
này trang nghiêm phép pháp thân", nên gọi là Hoa Nghiêm. Bản Tỳ kheo ni
giới kinh, quy định: Bậc Tỳ kheo phải giữ được đầy đủ 348 giới cấm,
phân ra làm 7 khoản: 17 giới cấm thuộc về Tăng đàn (không được làm tổn
hại sư tăng); Xả đọa có 30 giới cấm; Ba dật đề có 78 giới cấm; Bá chúng
học pháp với 100 giới cấm; Đề sa di 8 giới cấm; Thất diện tránh 7 giới
cấm… Sa di ni giới kinh có 10 điều ngăn cấm dành cho những người từ 7-
19 tuổi phụng sự nhà sư và phục dịch các công việc ở chùa. Tại đây còn
có nhiều bản kinh khác: Di Đà kinh, Thiền tông bản hạnh; Quan Thế Âm
kinh; Khai thánh chân kinh; Đại thừa chỉ quán; Sa di ni uy nghi; Bản
nguyện chân kinh; Tịnh độ sám nguyện. Kho mộc bản hiện còn bản khắc của
13 tác phẩm văn học do các cao tăng thời xưa sáng tác: Yên Tử nhật
trình (ghi hành trình của các sư tổ từng trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm lên
Yên Tử); Thiền tịch phú (những bài phú về việc tĩnh dưỡng tu thiền)...
Ngoài ra, còn có nhiều sách giáo dục, khoa học cổ dành cho cả quảng đại
quần chúng nhân dân: Giới đổ thập điều (10 điều khuyên răn không đánh
bạc); Quá dâm thuyết (lời khuyên không được hoang dâm vô độ); Thái vi
công quá cách (cách chế biến đồ ăn trong nhà chùa)...
|
Theo: CAND