Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ai thực sự vì dân, tất có cả “thiên hạ”
Tác giả: Kỳ Duyên
26/10/2013 17:56 (GMT+7)


Những ngày này, các cơ quan báo chí truyền thông như dốc sức vào cuộc để truyền thông sự kiện trọng đại của dân tộc- tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người con ưu tú trở về với Đất Mẹ.

Trong dòng người xếp hàng đi viếng ông tại số 05 Trần Thánh Tông, bắt đầu từ buổi trưa ngày 12/10, phải nhích từng chút một, rồi đứng chờ suốt tới ba tiếng đồng hồ, dưới cái oi bức sót lại của ngày thu Hà Nội, người viết bài bỗng ngộ thêm một điều.

Người dân xếp hàng đêm 12/10 chờ vào viếng Đại tướng. Ảnh: Minh Thăng

 

Với riêng những người làm báo ở VietNamNet, ông cũng là người đã "tạc" trong tâm thức của họ, với nhiều tình cảm riêng biệt, và cảm động, mà sự khuất bóng của ông, đánh thức tất cả- niềm đau xót, tiếc thương một tài năng, nhân cách lớn và sự suy ngẫm thời cuộc.

Điều bất ngờ và đặc sắc nhất, ông hiện diện ở VietNamNet lại ở một sự thấu hiểu và động viên tờ báo, từ lúc tờ báo này đang đi những bước đi đầu tiên, với lời chúc độc đáo, và sâu sắc: Chúc VietNamNet ngày càng Net.

Để rồi 04 năm sau, khi VietNamNet có một ý tưởng táo bạo, mới mẻ- đó là tổ chức buổi hòa nhạc Điều còn mãi vào buổi chiều Quốc khánh 02/09 hằng năm, cũng là khi VietNamNet nhận được lời chia sẻ thật ý nghĩa, thật tình cảm và đầy khí phách: Chúc mừng Hoà nhạc VietNamNet - Điều còn mãi. Mong "Điều còn mãi" - tình yêu Tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mọi người Việt Nam ta.

Bên cạnh Đại tướng là con gái Võ Hồng Anh (áo trắng). Ảnh do GS Trần Thanh Minh cung cấp

Trong tay tôi là những bức ảnh của GS Vật lý Trần Thanh Minh, nguyên là Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt những năm 80, khi ông mới 40 tuổi, một trong những hiệu trưởng ĐH trẻ nhất của ngành GD khi đó.

Bức ảnh ghi hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Trường ĐH Đà Lạt, trò chuyện với ông, khi GS làm hiệu trưởng nhà trường.

Bên cạnh Đại tướng là GS- Tiến sĩ Võ Hồng Anh (cũng đã mất), con gái Đại tướng- một trong những nữ tiến sĩ toán lý đầu tiên của nước ta, người phụ nữ đầu tiên của VN được nhận Giải thưởng Kovalevskaya (1988). Giáo sư- Tiến sĩ Võ Hồng Anh cũng là bạn của GS Trần Thanh Minh thời tu nghiệp ở nước Nga. Hiện ông công tác tại VietNamNet.

Những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hẳn thật sâu lắng trong lòng ông những ngày này, khi Đại tướng còn là người cha hết mực thương yêu của người bạn trang lứa năm xưa, GS- TS Võ Hồng Anh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường ĐH Đà Lạt năm 1982. Trong ảnh, GS Trần Thanh Minh đứng bên cạnh Đại tướng. Ảnh do GS Minh cung cấp

Và những ngày này, những nhà báo trẻ của VietNamNet đang lăn lộn ở khắp các vùng, các địa danh ghi dấu ấn của vị Tướng huyền thoại, để kịp thời có những bức ảnh, bài viết sinh động, lay động lòng người, về thời hoạt động sôi nổi đầy khí phách yêu nước, từ buổi vận mệnh đất nước treo trên đầu sợi tóc, cho đến cuộc sống thường nhật, bình dị và hạnh phúc của ông những năm tháng an bình, và ngay cả trước lúc ông vĩnh viễn đi xa.

Sự lăn lộn, vất vả và năng động của họ không chỉ là những yêu cầu của nghề nghiệp, của nghiệp vụ báo chí, mà còn là cơ hội, là thử thách để cho những bài báo, những tấm ảnh báo chí của họ ngày càng Net, như lời chúc trí tuệ và ấm áp của Đại tướng năm nào.

Nhưng bất ngờ nhất, trong dòng người xếp hàng chờ viếng vị Đại tướng, tôi gặp ông, một trong những nhân viên bảo vệ hàng ngày của cơ quan báo.

Ông nguyên là người lính, và nay đã có tuổi, ông trở về với đời thường, nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ quan. Trên đầu ông, quấn một băng tang đen với dòng chữ trắng đậm: Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩ đại. Ông đi một mình, và cũng như tôi, như bao người dân thường khác, nhẫn nại đứng đợi để được vào kính cẩn vĩnh biệt vị Tướng của ông.

Trong câu chuyện giữa tôi- một nhà báo, và ông- người bảo vệ của tờ báo VietNamNet, mới hay, ông rất mê đọc, và đọc rất nhiều sách, báo, cả sách in, và báo mạng. Cả những cuốn sách một thời đình đám viết về công cuộc đổi mới như Cù lao Tràm, lẫn cuốn sách trên mạng từng khiến dư luận xã hội xôn xao đa chiều.

Tôi hỏi ông email để có thể gửi cho ông những trang sách hay, những bài báo nên đọc, ông ngượng nghịu: Tôi chỉ có email của con trai. Tôi thường nhờ nó...

Cái cười ngượng nghịu của một người lính già, nay làm nhân viên bảo vệ cơ quan báo, trong buổi chiều chờ viếng, tiễn biệt người Tướng già của ông, có gì đó, thật trân trọng, khiến tôi xúc động.

Nhưng đặc biệt, tôi chú ý đến điều ông chậm rãi: Ở trong cái thời buổi còn nhiều nhiễu nhương này, thì không biết cái việc nhân dân cả nước khóc, thương tiếc Đại tướng, liệu có thức tỉnh những gì khác, những người khác không, chị nhỉ?

Điều thức tỉnh những gì khác ấy, ông không nói, và tôi cũng không hỏi, nhưng tôi tin, ông vẫn biết rằng tôi hiểu.

Khi ra khỏi cổng của nhà tang lễ, thành phố đã lên đèn. Một Hà Nội văn hóa, khác hẳn, khiến tôi kinh ngạc. Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng vẫn dài không dứt, từ đường Trần Hưng Đạo..., tất cả vẫn kiên nhẫn, nhẫn nại chờ đợi.

Quả thật, chưa có một tang lễ nào mà người dân đến viếng "xuyên đêm". Nhưng chính cuộc đời ông, vị Tướng huyền thoại, đã đem đến cho người dân Việt, sự sáng láng của lòng yêu dân, vì dân đến thế nào.

người dân đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ sáng 13/10 chờ tiễn đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội Bài.  Ảnh: Ngọc Tùng

Chợt nhớ những quầy nước uống, bánh mỳ miễn phí đặt từ buổi trưa ở hai bên đường con phố Lê Thánh Tông. Đường phố lúc đó biến thành phố của người đi bộ. Ai nấy đi đều lặng lẽ, như sợ sự vô í của mình sẽ kinh động tới vị Tướng đang an giấc ngàn thu. Mọi người bỗng như trở nên ân cần, và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau hơn.

Ngày hôm nay, 13/10, con tim đau đớn của hàng triệu người dân cả nước tiễn biệt ông trở về nằm trong lòng Đất Mẹ, Vũng Chùa- Đảo Yến của Quảng Bình quê hương. Nhưng thực ra, ông đã mãi mãi nằm trong lòng người dân nước Việt, ấm áp và yêu thương.

Bỗng tự hỏi, vì sao, một người đã khuất lại có thể hội tụ, lại vẫn có thể "hiệu triệu" được hàng triệu triệu người đang sống như vậy?

Chợt nhớ câu nói của ai đó: Ai thực sự vì dân, tất có cả "thiên hạ".

http://tuanvietnam.net/thu-thang-long/2013-10-21-ai-thuc-su-vi-dan-tat-co-ca-thien-ha-

Các tin đã đăng:
Về đầu trang