Ngày
nay, người Việt vẫn gọi ông là Lý Quốc sư - vị Quốc sư họ Lý, tôn xưng
ông là đức thánh Nguyễn, sánh ngang với đức thánh Trần nổi tiếng vì
những cống hiến của ông trong thời đại mình. Thế nhưng, xoay quanh vị
thiền sư nổi danh nhất Việt Nam này vẫn còn những câu chuyện đậm chất
huyền thoại ít người biết tới…
Tuổi thơ nghèo khó và chuyến viễn du “Tây Thiên”
Lý
Quốc sư thực tế không phải là tên gọi mà là một chức danh dành cho vị
cao tăng có chức vị cao nhất trong triều đại nhà Lý. Sử sách chép rằng,
Lý Quốc sư vốn tên thật là Nguyễn Chí Thành, pháp hiệu là Nguyễn Minh
Không. Ông sinh vào 15/10/1065 tại làng Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là Gia
Viễn, tỉnh Ninh Bình). Cha của Chí Thành là Nguyễn Sùng, quê ở Đàm Xá,
Trang An còn mẹ ông là Dương Thị Mỹ, quê ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày
nay.
Chuyện
kể rằng, mặc dù gia cảnh ông Sùng rất nghèo nhưng hai vợ chồng ông bà
luôn chăm lo làm việc thiện. Về sau, hai ông bà sinh hạ được một người
con trai khôi ngô tuấn tú, mới đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất
từ khi Chí Thành còn rất nhỏ, lại thêm gia cảnh nhà rất nghèo nên cậu bé
Chí Thành đã sớm phải mò cua, bắt cá sinh sống qua ngày.
Thời
ấy, Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam và đang ở giai đoạn cực
thịnh. Phật giáo được coi là quốc giáo và có ảnh hưởng rất lớn tới mọi
mặt của đời sống. Chính vì vậy, rất nhiều người dân Đại Việt thời bấy
giờ đều lập chí tu hành học đạo. Chí Thành cũng là một trong số ấy.
Về
việc học đạo của Chí Thành, có nhiều truyền thuyết khác nhau. Có người
nói rằng, Minh Không và Từ Đạo Hạnh vốn là bạn thân từ nhỏ. Lớn lên, hai
người cùng xuất gia đi tu rồi cùng một thiền sư khác tên là Giác Hải
lên đường đi Tây Thiên tầm sư học đạo.
Chuyện
kể rằng, khi cả ba đi đến xứ răng vàng, thấy đường xá hiểm trở, khó đi,
đang định quay về thì bỗng thấy một ông già chèo một chiếc thuyền còn,
thảnh thơi đi dạo chơi trên sông, 3 người cùng đến hỏi: “Thưa cụ, từ đây
sang Tây Thiên đường còn bao xa?” Cụ già đáp: “Đường núi hiểm trở, đi
bộ không được đâu, tôi có chiếc thuyền này có thể chở giúp các ông sang
được, lại có cây gậy cho các ông cầm, cứ chỉ thẳng về phía Tây Vực mà
đi, thì sẽ đến ngay”. Nói xong cụ già đọc bài kệ. Đọc kệ xong chỉ trong
khoảng giây lát thuyền đã ghé đến bến Tây Thiên. Ba người nhờ vậy đến
được Tây Thiên học được phép linh dị. Sau khi đắc đạo, ba người kết
nghĩa làm anh em rồi cùng trở về truyền bá Phật pháp.
|
Tượng Lý Quốc Sư |
Nhiều
người lại cho rằng, chuyện Minh Không làm bạn rồi cùng Từ Đạo Hạnh cùng
đến Tây Thiên học đạo là một nhầm lẫn. Thực tế người cùng Từ Đạo Hạnh
và Giác Hải đến Tây Thiên học đạo là sư Không Lộ, một thiền sư nổi tiếng
khác vào thời Lý, còn Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh. Năm 11
tuổi, Chí Thành gặp sư Từ Đạo Hạnh mới xin theo học. Từ Đạo Hạnh nhận
Chí Thành làm đệ tử, mới ban pháp hiệu là Minh Không. Minh Không thông
minh, dĩnh ngộ nên được Từ Đạo Hạnh rất khen ngợi, truyền cho tâm ấn.
Chính vì vậy, trước khi viên tịch, Từ Đạo Hạnh mới dặn dò vị học trò
giỏi nhất sau này giúp mình chữa căn bệnh “hóa hổ” của mình khi đã đầu
thai chuyển kiếp vào vua Lý Thần Tông.
Vị thiền sư tài năng và căn bệnh “hóa hổ” của vua Lý
Việc
chữa căn bệnh “hóa hổ” lạ lùng của vua Lý Thần Tông của sư Minh Không
đến nay vẫn là câu chuyện mang đậm chất huyền thoại và gây ra nhiều
tranh cãi.
Một
truyền thuyết nói rằng, khi Minh Không và Từ Đạo Hạnh học đạo từ Tây
Thiên trở về, giữa đường, Đạo Hạnh muốn thử tài của Minh Không liền vượt
trước, hóa thành một con hổ phục trong bụi, rồi chồm ra dọa Minh Không.
Minh Không đã biết trước, cứ ung dung nói với con hổ: “Đạo huynh đấy à?
Tưởng đạo huynh làm gì ích lợi cho đời, lại đi làm thú dữ hại người đấy
ư? Đạo huynh muốn thế, kiếp sau sẽ được làm mà…” Từ Đạo Hạnh biết mình
còn kém Nguyễn Minh Không, hiện lại nguyên hình, lạy tạ và khẩn khoản
nói: “Ngu đệ không tự biết mình, trót làm điều xúc phạm, xin đạo huynh
tha thứ. Quả báo sau này có sa vào nghiệp chướng ấy, xin đạo huynh ra
tay cứu giúp”. Quả báo mà Từ Đạo Hạnh nói đến sau này chính là việc ông
phải đầu thai chuyển kiếp thành vua Lý Thần Tông và mắc phải căn bệnh
“hóa hổ” kỳ lạ mà không danh ý nào có thể chữa được.
Tuy
nhiên, nhiều người cũng nói rằng, chính sự nhầm lẫn giữa sư Không Lộ và
Minh Không đã dẫn đến câu chuyện nói trên. Người bị Đạo Hạnh hóa thành
hổ dọa trên đường từ Thiên Trúc trở về chính là Giác Hải và Không Lộ.
Chuyện
kể rằng, khi ba người ngồi thuyền đến Thiên Trúc, Từ Đạo Hạnh ở lại giữ
thuyền còn Giác Hải và Không Lộ lên bờ học phép. Sau khi học được phép
thiêng, Giác Hải và Không Lộ đã bỏ về trước. Từ Đạo Hạnh ngồi giữ thuyền
3 ngày mà không thấy tin tức của 2 bạn đồng hành đâu, đúng lúc đó bỗng
thấy một cụ già đi đến. Từ Đạo Hạnh vái chào rồi hỏi: “Cụ có thấy 2
người lên học đạo đó không? Cụ già nói: “Hai người đó đã học được phép
thiêng của Ta và đã trở về nước rồi”.
Từ
Đạo Hạnh bèn vái lậy và kể rõ cho bạ cụ biết mọi chuyện, cụ già nghe
nói bèn sai Từ Đạo Hạnh gánh 2 thùng nước về nhà rồi dạy cho mọi phép
thiêng cùng phép rút đất chân truyền Đà-la-ni. Sau khi học xong phép
thiêng, Từ Đạo Hạnh tự hiềm vì 2 người bạn đã thất ước, bèn đọc thần chú
khiến 2 người bạn đang đi đường đau bụng quá phải ngồi nghỉ. Sau đó,
Đạo Hạnh lại dùng phép rút đất vượt lên phía trước, rồi hóa thành một
con hổ núp trong bụi rậm đợi Giác Hải và Không Lộ đi qua mới nhảy ra
dọa. Sau đó, chính Đạo Hạnh đã nhờ Giác Hải và Không Lộ cứu mình tránh
khỏi nghiệp chướng sau này.
|
|
Không
Lộ lúc ấy mới nói với Từ Đạo Hạnh rằng: “Chúng tôi bây giờ đã lớn tuổi,
xin trông cậy cả vào Minh Không”. Chính vì vậy, về sau này, khi sắp
viên tịch, biết mình sẽ hóa thân làm con hóa thân Lý Thần Tông sau này,
Từ Đạo Hạnh mới cho gọi Minh Không đến mà dặn rằng: “Ta nay sắp xuất
thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó
tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Nói xong, đưa cho
Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú dặn rằng: 20 năm sau, nếu nghe
quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay.
Dẫu
Minh Không là bạn hay là học trò của Từ Đạo Hạnh, thì có một điều chắc
chắn rằng, người chữa căn bệnh “hóa hổ” kỳ lạ của vua Lý Thần Tông chỉ
có một mình Minh Không. Chuyện kể rằng, Từ Đạo Hạnh sau khi viên tịch đã
đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu, em ruột vua Lý Nhân Tông, được đặt
tên là Dương Hoán. Khi Lý Nhân Tông qua đời, Dương Hoán được chọn làm
con người kế vị, tức vua Lý Thần Tông.
Lên
ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 vua Lý Thần Tông bệnh nặng,
lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày. Các danh y tài giỏi
từ khắp nơi trong cả nước được mời đến chữa bệnh nhưng bệnh của vua
không thuyên giảm. Triều đình phái sứ giả đi khắp nơi tìm người có thể
chữa bệnh cho đức vua. Khi sứ giả đến vùng núi Tử Trầm, nơi Minh Không
trụ trì, thấy trẻ con hát câu đồng dao: “Tập tầm vông, có Nguyễn Minh
Không chữa được mình rồng thiên tử…” Sứ giả thấy lạ liền hỏi thăm và tìm
được Nguyễn Minh Không, mời ông vào triều chữa bệnh cho vua.
Minh
Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính chèo thuyền, muốn
dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái niêu nhỏ đem cho họ cùng ăn, bảo
họ rằng: “Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”. Thế mà bọn
lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết được niêu
cơm. Khi bọn lính ăn xong, Minh Không lại bảo: “Anh em hãy tạm ngủ say
một lát nữa đợi nước triều lên ta hãy bắt đầu ra đi”. Bọn lính đồng ý,
đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về
tới kinh đô, bọn lính bơi chèo tỉnh dậy đều lấy làm lạ, phục tài của
thiền sư Minh Không.
Khi
sư Minh Không đến, thấy nhiều pháp sư khác cũng đang ở trên điện làm
phép chữa bệnh cho vua. Họ thấy Minh Không ăn mặc quê mùa nên khinh
thường không thèm chào hỏi. Sư Minh Không thấy vậy, lấy từ trong túi một
chiếc đinh lớn, dài hơn 5 tấc rồi đóng sâu vào cột, sau đó lên tiếng
hỏi: "Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì hãy nói chuyện chữa bệnh". Minh
Không nói thế ba lần nhưng chẳng vị pháp sư nào dám làm. Thấy vậy, Minh
Không ung dung bước lại gần, lấy hai ngón tay trái, cầm vào rồi nhẹ
nhàng rút ra. Mọi người chứng kiến đều khiếp phục sức mạnh phi thường
của Minh Không nên nhường ông vào chữa bệnh cho vua.
Chuyện
kể rằng, khi được đưa vào gặp vua Lý Thần Tông, Minh Không lớn tiếng
hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể,
cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?” Vua nghe thấy vậy, rất run
sợ, không dám kêu gầm nữa. Minh Không lại sai người lấy một vạc lớn đựng
nước nấu sôi tới cả trăm lần. Minh Không dùng tay không quấy lên khoảng
bốn lần, rồi tắm vua trong đó. Ngay sau đó, bệnh của vua đã bớt ngay.
Ít lâu sau thì vua khỏi hẳn. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng của
Minh Không và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng của ông, vua Lý Thần Tông
phong cho Minh Không là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý của
vua, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ và được miễn thuế má. Vì vậy,
sau này người ta mới gọi sư Minh Không là Lý Quốc sư, ý chỉ vị Quốc sư
họ Lý.
Không
chỉ nổi tiếng vì đã chữa bệnh cho vua, thiền sư Minh Không còn là người
có công xây dựng rất nhiều ngôi chùa trên nước Đại Việt. Sử chép rằng,
sau khi tu hành đắc đạo, sư Minh Không trở về quê nhà ở Ninh Bình, dựng
chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở Phả Lại (Bắc Ninh), Giao
Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình)... để tu hành. Trong suốt cuộc đời,
Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Ông qua
đời vào năm 1141, niên hiệu Thái Bình thứ 22, thọ 76 tuổi.
Theo An Nhiên/Phụ nữ ngày nay